4/2/17

Hãy tìm cách loại bỏ chế độ độc tài CSVN

"Tất cả điều mà tôi khẳng định là: mọi thử nghiệm của tôi đều làm đậm nét niềm tin của tôi vào bất bạo động như là lực mạnh nhất có sẵn cho nhân loại" - M.K. Gandhi

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Đảng CSVN đã thất bại trong việc điều hành đất nước về mọi mặt và còn đang tiếp tay cho Tàu Cộng thôn tính quê hương Việt Nam. Đây không phải là một sự kết tội mà là một thực tế đã được mọi người Việt yêu tự do minh chứng từ bao năm nay qua nhiều tác phẩm, bài viết và chứng cớ. Sự cầm quyền của ĐCSVN kéo dài một ngày là thêm một ngày đẩy đất nước gần hơn tới chỗ diệt vong.

Vì thế, vấn đề giải quyết chế độ CSVN cần phải được đưa ra bàn thảo sâu rộng để đi tới một tiến trình hành động cụ thể và rốt ráo.

1- ĐCSVN chủ trương bạo lực

ĐCSVN đi theo chủ trương bạo lực của Lenin và đã dùng bạo lực để cướp chính quyền năm 1945 cũng như xâm chiếm miền Nam Việt Nam năm 1975. Đối với CSVN, bạo lực là phương cách giải quyết mọi vấn đề trong việc cai trị dân chúng.

Phương pháp cai trị bằng bạo lực đã được hai thể chế chính trị trên thế giới áp dụng rất rành rẽ là độc tài cộng sản và độc tài phát xít. Độc tài CSVN ngày nay đã biến thể không còn là loại độc tài của giai cấp công nhân mà đã vô hình chung giống hệt độc tài phát xít, tức là mọi quyền lợi quốc gia đều thu tóm về tay đảng cai trị và giới tư bản quy thuộc. Dưới kiểu độc tài phát xít này, giới được ưu đãi và hưởng mọi quyền lợi quốc gia là thành phần đảng viên, giới thân cận đảng, tư bản đỏ và doanh thương nhà nước.

Qua hơn 30 năm mở cửa đưa nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường tự do dưới “định hướng xã hội chủ nghĩa”, ĐCSVN mất dần hậu thuẫn của giới nông dân và công nhân vì quyền lợi của đảng không còn gắn liền với đại đa số đại chúng. Những thành quả do sự phát triển kinh tế mang lại không chia đều cho khối đại đa số dân chúng mà vào túi thành phần đảng viên và những phe nhóm thân cận mà họ đặt tên là “nhóm lợi ích”.

“Đi theo đảng thì có quyền và tiền” trở thành nguyên tắc hấp dẫn của đảng. Sự kiện này không phải là diễn biến thay đổi bất ngờ đối với ĐCS mà là con đường do họ cố ý chọn vì lý thuyết cộng sản đã lộ mặt một lý thuyết hoang tưởng. Khi chọn đi theo cách thức của đảng phát xít là họ biết rõ đã mất chính nghĩa và không còn nguyên tắc hướng dẫn nào khác.

Vì mất chính nghĩa và độc tài nên họ luôn luôn lo sợ bị lật đổ!

Nỗi ám ảnh bị lật đổ đưa tới nhu cầu cần phải thiết lập một hệ thống cai trị chặt chẽ, để kiểm soát mọi sinh hoạt của xã hội và người dân. ĐCS cài đặt đảng viên ở mọi cơ phận hành chính tới tận làng xã và ngay cả các công ty thương mại. Không kể đến quân đội hay truyền thông mà mọi sinh hoạt của dân chúng cũng không tránh khỏi con mắt xoi mói của đảng. Điển hình như tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc được dựng nên để thâu tóm và kiểm soát mọi sinh hoạt dân sự của quần chúng như tôn giáo, nghiệp đoàn, hội học sinh, giới chức, khoa học... Con mắt của đảng không những coi chừng những cá nhân có tư tưởng bất đồng mà còn đề phòng, bóp chết mọi hành vi đối nghịch có cơ hội nảy mầm.

2- Phải có hành động

Một mặt kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt của dân chúng và mặt khác thu tóm hầu hết tài sản quốc gia và độc quyền lãnh đạo, thế lực của ĐCS mang vẻ một sức mạnh vô địch. Như thế thì làm sao lật đổ được ĐCSVN? Tuy mang vẻ kiên cố nhưng thực tế cho thấy rằng mọi chế độ độc tài đều ‘vô địch’ cho tới khi họ đổ như sung rụng một cách không ai ngờ, giống như trường hợp của Đông Âu và khối Liên Sô ở những năm 1989,1990, 1991…

ĐCSVN chắc chắn cũng sẽ có cùng số phận và sẽ có ngày sụp đổ.

Chắc chắn là thế.

Nhưng việc gì xảy ra cũng phải có nguyên do hay nói cách khác, muốn một điều gì thay đổi thì phải có tác động. Trên quan điểm của những nhà đấu tranh hay nói rộng ra là quan điểm tích cực thì không thể ngồi chờ để “Trời” làm mà chính bản thân những người bị áp bức hay cảm thấy bất mãn trước bất công phải bắt tay chủ động sự thay đổi.

Sự tìm hiểu về khả năng phòng thủ vững chãi của chế độ độc tài là để nhìn thẳng vào thực tế rằng công việc lật đổ một nhà cầm quyền độc tài không phải dễ dàng hay giản dị. Công việc này đòi hỏi phải có những hoạch định chiến lược, chiến thuật quy mô tương tự như chiến tranh quân sự mới có thể đưa tới thành công. Sự nghiên cứu phải sâu rộng từ tổng quát đến chi tiết theo tiến trình làm cho đối phương suy yếu dần đến chỗ mất hết sức mạnh và đầu hàng.

Đây một cuộc đấu tranh gian khổ và trường kỳ.

Về phía dân chủ, các lực lượng đấu tranh cũng phải đi từ nhỏ tới lớn và lớn lên theo ảnh hưởng lan rộng dần. Hình ảnh thành bại của cuộc đấu tranh có thể hình dung qua sự so sánh tương quan lực lượng, phía dân chủ phải lớn dần đồng thời với sự suy yếu dần của nhà cầm quyền, tới khi họ mất hết kiểm soát và sụp đổ. Không có cuộc cách mạng nào xảy ra một cách bỗng dưng hay mau chóng mà tất cả phải do sự hy sinh và công sức của rất nhiều người với thời gian dài.

3- Đấu tranh bất bạo động

Có hai phương cách đấu tranh là bạo động và bất bạo động. Một định nghĩa ngắn gọn: bạo động là sử dụng vũ khí và bất bạo động là không sử dụng vũ khí. Nếu áp dụng đấu tranh bạo động thì phải tạo lập lực lượng kháng chiến vũ trang. Với tình hình thế giới chống khủng bố ngày nay, khó có nước nào sẵn sàng đứng ra cung cấp vũ khí cho bất kỳ cuộc tranh đấu bạo động nào. Vì thế chỉ còn lại một phương cách duy nhất là đấu tranh bất bạo động.

Đấu tranh bất bạo động không có nghĩa là thụ động như chủ thuyết ‘hòa bình’ hay lý thuyết ‘đưa má kia cho tát’ của tôn giáo mà là một lực chủ động dùng các phương tiện ôn hòa để chống lại bạo động. Lý thuyết dùng tĩnh chế động, dùng nhu thắng cương không mới mẻ gì trong võ thuật hay học thuyết Đông phương, nhưng khi dùng nguyên tắc này để chống chỏi lại một chế độ độc tài có đầy đủ mọi phương tiện đàn áp và kiểm soát quần chúng chặt chẽ thì hơi khó hiểu. Tuy vậy các cuộc cách mạng thành công sử dụng phương pháp bất bạo động để lật đổ chế độ độc tài vững mạnh trên thế giới như cộng sản Liên Xô, khối Đông Âu…, đã chứng tỏ phương pháp bất bạo động là một hướng đi khả thi.

Lý thuyết về đấu tranh bất bạo động đã được Gandhi hệ thống hóa thành một phương pháp đấu tranh hiệu quả và ông đã áp dụng để giải thoát dân tộc Ấn Độ khỏi ách đô hộ của người Anh năm 1947. Sau đó phương pháp này được nhiều nhà hoạt động học hỏi và áp dụng như Martin Luther King (Hoa Kỳ), Nelson Mandela (Nam Phi), Lech Walesa (Ba Lan) và thủ lãnh các phong trào dân chủ lật đổ chế độ cộng sản Liên Xô, Đông Âu hay Tunisia và Ai cập mới đây. Hiện nay ở Hoa Kỳ, ông Gene Sharp (sinh năm 1928) là một nhà nghiên cứu tích cực về lý thuyết bất bạo động để đem phương pháp đấu tranh này lên hàng kinh điển như chiến tranh quân sự.

4- 198 Phương pháp đấu tranh bất bạo động của Gene Sharp

Từ năm 1993, TS Sharp đã cho ấn hành quyển “Từ Độc tài đến Dân chủ” (From Dictatorship to Democracy). Và vào năm 2005, Ông đã xuất bàn tiếp cuốn sách “Tiến hành Tranh đấu Bất bạo động: Thực hành trong thế kỷ 20 và Tiềm năng trong Thế kỷ 21 (Waging Nonviolent Struggle: 20th Century Practice and 21st Century Potential).

Chủ đề chính của Sharp là quyền lực không phải là nguyên khối (monolithic); nghĩa là, nó không bắt nguồn từ một số phẩm chất nội tại (intrinsic quality) của những người đang cầm quyền. Đối với Sharp, quyền lực chính trị, quyền lực của bất cứ nhà nước nào đều bắt nguồn từ các đối tượng của nhà nước, chính là người dân. Đối với ông, niềm tin căn bản là bất kỳ cơ cấu quyền lực nào đều dựa vào sự tuân phục của người dân, nếu không, mọi sự sẽ diễn biến ngược lại. Ông đề ra 198 phướng cách đấu tranh bất bạo động. Điển hình vài phương pháp áp dụng thông thường như:

- Phương pháp bất bạo động căn bản: nói chuyện trước công chúng, thành lập các tổ chức đối lập, làm tờ rơi, sách động trên radio, tv v.v...

- Thành lập các nhóm đại diện khắp nơi;

- Bất hợp tác kinh tế, chính trị;

- Phủ nhận hiến pháp;

- Tuyệt thực v.v...

Và, điều cần phải được hiểu rõ ràng là hiệu quả cuốc đấu tranh bất bạo động chỉ có thể đạt tối đa khi các phương pháp đã được lựa chọn để thực hiện các chiến lược trên nằm trong điều kiện hiện có của xã hội chúng ta đang tranh đấu.

5- Cần phải khởi sự nghiên cứu và hành động đấu tranh bất bạo động cho Việt Nam ngay từ bây giờ...

Cách tiến hành đấu tranh bất bạo động ở mỗi quốc gia mỗi khác nhau vì vũ khí của loại đấu tranh này dựa vào các đặc điểm mang tính xã hội, tâm lý của quốc gia đó. Vì thế, phương cách tiến hành đấu tranh cho Việt Nam cần phải được nghiên cứu đầy đủ để tạo dựng căn bản lý thuyết cho các tổ chức đối kháng hoạt động. Bắt tay vào công cuộc bàn thảo hay nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động là bắt đầu cất bước trên con đường xóa bỏ chế độ CS cho quê hương Việt Nam.

Tất cả đều sẽ giống như sự khẳng quyết của Gandhi, một khi cuộc đấu tranh bất bạo động bắt đầu lăn bánh, không trở lực nào có thể cản nổi.

Đó là một chân lý bất di bất dịch, một niềm tin vững chắc của tất cả những người con Việt ở trong và ngoài nước.

Xin mượn lời của Đức Lê Minh, một đảng viên của ĐCSVN để kết thúc bài viết hôm nay: 

“Ta tuyệt đối không nhắc lại chuyện đó. Ta tuyệt đối tìm cách quên rằng thằng đàn anh TC đã giết đồng bào ta còn tệ hơn giết chó, máu chảy thành sông ở biên giới phía Bắc. Và ta vẫn tiếp tục thờ lạy nó.

Ta là ai?

Ta là đảng cộng sản Việt Nam. Ta là thứ cặn bã của dân tộc này. Ta là thứ mọi rợ đạo đức giả. Ta là loài khỉ đột đã xua đuổi được mọi nền văn minh để tiếp tục tự sướng với nhau trong bóng tối của thời trung cổ.

Và còn nữa?

Hãy chờ xem ta sẽ nghiến nát kẻ thù (nhân dân) như đàn anh TC của chúng ta dùng xe tăng xay thịt nhân dân chúng nó thành thức ăn cho súc vật trên quảng trường Thiên An Môn.

Ta là quái thai thời đại.

Ta không xứng đáng đứng ngang hàng với loài người văn minh trên trái đất này.

Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt.

Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu mình, hãy chuyển tải thông tin này tới tất cả mọi người, tới mọi tờ báo, mọi phương tiện thông tin để mọi người cùng biết, cùng nhau đứng lên chống thảm họa diệt chủng đã đến trước mắt, để cả thế giới cùng biết và lên tiếng bảo vệ chúng ta”.

04.02.2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét