Huyền Trang (GNsP) - Chia cắt tình mẫu tử là đòn thù ác nghiệt được nhà cầm quyền sử dụng, mục đích làm suy giảm nhuệ khí của các anh em đấu tranh cho công lý, hòa bình, phản đối sự nô lệ giặc tàu…
Nhiều bà mẹ trẻ đang chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ đàn con thơ dại với tinh thần yêu nước, bất chấp các khó khăn và ngục tù, cất lên tiếng nói của sự thật trước nạn giặc nội xâm và ngoại xâm, đã bị nhà cầm quyền bắt giam trong những ngày cận tết. Họ bị quy kết vào những tội danh mơ hồ như điều 245 BLHS, điều 88 BLHS… cụ thể là bà Thúy Nga sống ở Hà Nam, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sống ở Nha Trang… Ngày tết sum họp, quây quần bên gia đình đã bị chính giới chức cộng sản ngang nhiên chà đạp, tước bỏ quyền mưu cầu hạnh phúc của những đứa trẻ thơ.
Có những Cựu/Tù nhân lương tâm (TNLT) đã phải khóc thét, đớn đau, quằn quại, bất thần trong cũi sắt khi nghe tin mẹ qua đời. Trong giây phút ấy, họ chỉ mong ước được vấn khăn sô đứng trước quan tài, thắp nén hương lòng để chịu tang mẹ. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng phớt lờ đi những khát khao nhỏ nhoi hiếu thảo ấy.
Bi kịch nhất của sự ly tán này chính là hình ảnh người mẹ của cựu sĩ quan công an, Nhà báo tự do và là Cựu TNLT Tạ Phong Tần – bà Đặng Thị Kim Liêng đã dùng xăng tự thiêu trước UBND tỉnh Bạc Liêu, vào cuối tháng 7.2012. Chính bà và cả gia đình rơi vào tuyệt vọng khi bị nhà cầm quyền đàn áp, gây khó khăn, vu khống cho con gái bà có những “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79 BLHS) và bỏ tù con bà (10 năm tù giam). Sự kiện này khiến cả dư luận trong và ngoài nước xôn xao, phẫn nộ và chua xót cho sự bất nhân của thể chế cầm quyền. Tuy nhiên, bà Tạ Phong Tần không được cán bộ trại giam thông báo tin buồn và cũng không được về chịu tang mẹ.
Trong đám tang của bà Liêng có rất đông công an, an ninh chìm nổi, cảnh sát giao thông… vây quanh các ngõ ngách đi vào tang gia, cũng như đứng xung quanh nhà quàn quay phim, chụp hình gây áp lực và bám sát những người đi thăm viếng. Thậm chí sẵn sàng dùng chiêu trò “bẩn” khi cướp bao thư phúng điếu hòng biết được danh tánh người đến phúng tang.
Không ai có thể tránh khỏi sự xúc động khi nhìn tấm hình của chàng thanh niên chưa đầy 30 tuổi, chịu án oan 4 năm tù giam, vấn khăn sô, quỳ rạp xuống đất trước nấm mồ phủ đầy cỏ của người mẹ lâm bệnh nặng chờ tin con trong những ngày con bị giam cầm, nhưng không qua khỏi. Đó là hình ảnh của Cựu TNLT Paulus Lê Sơn, một trong những người trẻ lên tiếng bảo vệ người nghèo, dân oan… bị nhà cầm quyền quy kết với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79 BLHS). Đó cũng là hình ảnh người mẹ người cha “vì con từng hy sinh cả cuộc đời”.
Nỗi đớn đau không chỉ ở phận làm con, có những người cha ôm nỗi đắng cay nuốt trong tủi hận vì không được nhìn thấy đứa con của mình trong giờ phút lâm chung – dù chỉ một giây. Đó là hoàn cảnh của Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc. Chỉ vì ông dám lên tiếng cho những bất công, sai trái trong xã hội, nên ông bị nhà cầm quyền bắt giam và kết án 3 năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” (Điều 88 BLHS). Con trai ông lìa trần trong thời gian ông bị tạm giam để điều tra xét hỏi.
“Vì an ninh quốc gia nên chưa được xuất cảnh” là lý do vô căn cứ, mơ hồ và tùy tiện của nhà cầm quyền, đã ngang nhiên tước đoạt quyền đi lại của những công dân mạnh mẽ đấu tranh, lên tiếng các vấn nạn xã hội. Với lý do này đã không cho vợ chồng Cựu TNLT Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên được xuất cảnh qua Malaysia, để chịu tang và lo hậu sự cho cha – thân sinh Cựu TNLT Huỳnh Anh Tú – ông Huỳnh Kim Sơn.
Theo gia đình ông Tú cho biết, bố ông mất nơi xứ người, không có người thân bên cạnh, nên nhà nước Malaysia đã làm thủ tục đưa thân phụ ông vào bệnh viện và chờ người nhà qua lo hậu sự.
Tuy nhiên, sau hơn 14 năm bị giam cầm trong ngục tù, hiện nay, Cựu TNLT Huỳnh Anh Tú không được nhà cầm quyền cấp bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, nên ông không thể làm thẻ căn cước hoặc hộ chiếu để có thể đi ra nước ngoài thăm, chăm sóc cha già.
Vợ ông Tú là Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên bị công an cửa khẩu Tây Ninh không cho xuất cảnh với lý do “an ninh quốc gia”, khi bà cùng với thân phụ sang Thái Lan để chữa trị bệnh cho ông cụ vào giữa tháng 1.2017 vừa qua.
Cựu TNLT Phạm Thanh Nghiên chua xót viết trên facebook: “Ba ơi! Giấc mơ giản dị được ăn một bữa cơm đoàn tụ gia đình với các con cháu không bao giờ thành hiện thực nữa. Ba nói, ngày mai ba về Sài Gòn với tụi con, nhưng ba đã chọn Malaysia làm chốn nghỉ ngơi, không còn vương vấn với cuộc đời đầy khổ đau này nữa. Ba ơi! Xin ba tha tội bất hiếu cho chúng con. Đất nước này là một nhà tù, tụi con không thể vượt ngục để đến với ba, lo cho ba và đưa ba đến nơi an nghỉ cuối cùng được. Lạy Chúa! Con xin dâng nỗi đau này cho Chúa.”
40 năm trước, nhà cầm quyền cộng sản đã ly tán người Việt ra khỏi quê hương đất mẹ trên những con thuyền nhỏ bé lênh đênh trên biển khơi, nhiều người đã bỏ mạng giữa tiếng gào thét của sóng lớn biển đen. Nay, sự chia rẽ tình gia đình, tình mẫu tử xảy ra tinh vi hơn trong từng tế bào gia đình của những con người lên tiếng bảo vệ sự thật, công lý và hòa bình.
Gia đình là nền tảng của xã hội. Một khi chế độ này đã đang tâm chia nát gia đình, phá bỏ nền tảng, bằng những thủ đoạn đê hèn, chắc chắn không sớm thì muộn, nó sẽ tự diệt vong.
Chiều hôm nay, ngày 10.02.2017, trong căn phòng đơn sơ của ông bà Tú và Nghiên, một số bạn bè quây quần chia sẻ nỗi buồn đau với họ, vị Linh mục tuyên đọc lời Chúa trong Tám Mối phúc thật (Mt 5, 1-12): “...Phúc cho ai sầu khổ gì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an, ... Phúc cho ai bị bách hại vì sự công chính vì họ sẽ được Nước Trời...”
Cả cuộc đời ông Huỳnh Kim Sơn và con ông đã chịu nhiều đau khổ, cả cuộc đời ông và con ông đã chịu bách hại vì sự công chính. Chúa sẽ bù đắp sự khốn khổ cho họ vì Chúa là Đấng nhân từ và công bằng vô cùng.
Huyền Trang, GNsP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét