21/6/17

Nhận định của Nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tuỳ Tiện của Liên Hiệp Quốc đối với trường hợp của Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Mạng Lưới Blogger Việt Nam - Việc nhà cầm quyền CSVN bắt giam blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vì những hoạt động ôn hòa, hợp pháp để bảo vệ nhân quyền, môi trường đã được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Trong nhiều tháng qua, kể từ sau khi blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giam vào ngày 10/10/2016, Nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc (The Working Group on Arbitrary Detention) đã dành nhiều nỗ lực để điều tra, báo cáo về trường hợp của Mẹ Nấm.

MLBVN xin được gửi đến quý vị bản tóm tắt về báo cáo dài 11 trang từ Nhóm Công Tác này của LHQ.

Báo cáo về blogger Mẹ Nấm và những hoạt động của cô qua những nguồn mà nhóm công tác nhận được:

1. Về blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:

- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, công dân Việt Nam, cư trú tại Nha Trang cùng với 2 con nhỏ, mẹ ngoài 60 tuổi và bà ngoại ngoài 90 tuổi. Cô hành nghề hướng dẫn du lịch.

- Là một người hoạt động bảo về nhân quyền và là một blogger. Là đồng sáng lập viên và điều phối viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam - một tổ chức xã hội độc lập có mục tiêu cổ xúy dân báo và tự do báo chí tại Việt Nam.

2. Những sách nhiễu của nhà cầm quyền đối với Mẹ Nấm:

- Tháng 9, 2009 cô bị bắt và tạm giam 9 ngày tại Nha Trang theo điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước). Cô buộc phải nghỉ việc tại một công ty du lịch vì áp lực của an ninh.

- Tháng 5, 2013 cô bị bắt và tạm giam hơn 1 ngày vì tham dự cuộc tụ tập công cộng tại Nha Trang để phổ biến bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Quát, thả bong bóng với hàng chữ "Phải bảo vệ quyền làm người của chúng ta".

- Tháng 2, 2014 cô bị an ninh bắt và hăm doạ vì tổ chức buổi thảo luận với sinh viên học sinh về cuộc tranh chấp lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1979.

- Tháng 7, 2014 cô bị bắt giữ và tịch thu đồ vật cá nhân khi trên đường từ Nha Trang đến Hà Nội để tham dự buổi hội thảo do tòa đại sứ Úc tổ chức.

- Tháng 7, 2015 cô bị hành hung, bị đá và đánh vào mặt khi tham dự chiến dịch toàn cầu "We Are One" do Mạng Lưới Blogger Việt Nam khởi xướng.

- Tháng 10, 2015 cô bị 20 an ninh hành hung, bắt cóc và bắt giam trên đường đi từ Nha Trang về Sài Gòn.

- Tháng 5, 2016 cô bị 4 an ninh hành hung tại khách sạn New World khi chuẩn bị tham gia cuộc biểu tình bảo vệ môi trường. Cô bị chuyển về và giam giữ hơn 1 ngày tại đồn công an Nha Trang. 1 tuần sau cô lại bị bắt giam vì cầm bảng biểu ngữ "Why did fish die?" liên quan đến vụ cá chết hàng loạt bởi Formosa. Gia đình của cô cũng bị sách nhiễu trong thời điểm này.

- Ngày 10, tháng 10, 2016 cô tháp tùng cùng với mẹ của một người hoạt động nhân quyền đến nhà tù Sông Lô - Nha Trang để hỗ trợ làm đơn yêu cầu gia đình được gặp người bị giam giữ. Cô đã bị an ninh bắt, còng tay và dẫn về nhà, khám xét trước sự chứng kiến của mẹ và 2 con nhỏ của cô.

- An ninh Khánh Hòa thông báo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giữ theo điều 88 (tuyên truyền chống đối chế độ) của Bộ luật hình sự. Trong thông báo gửi gia đình, an ninh viết rằng cô đã thường xuyên đăng tải các bài viết, video, tài liệu xuyên tạc chính sách nhà nước, đặc biệt là tập tài liệu "Stop police killing civilians". Bên cạnh đó là các biểu ngữ cầm tay với các thông điệp "No to Formosa", "Fish Need Clean Water, People Need Transparency".

3. Những hành xử của giới cầm quyền đối với Mẹ Nấm trong thời gian bị tạm giam:

Nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã xác nhận việc an ninh Khánh Hòa đã từ chối yêu cầu của gia đình về việc Mẹ Nấm được gặp luật sư và nhà cầm quyền đã không đưa ra một văn bản giải thích chính thức nào. Mẹ Nấm đã bị giam cầm cách ly, không được tiếp xúc với gia đình trong suốt thời gian bị giam giữ. Cùng lúc, con gái của Mẹ Nấm đã bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng và phải đi bác sĩ tâm lý để trị liệu.

4. Dựa vào những dữ kiện trên, nhóm công tác đã nhận định và báo cáo rằng:

- Việc bắt giam blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là tùy tiện. Cô đã bị tước đoạt tự do khi cô thực hiện quyền tự do ngôn luận được bảo đảm bởi điều 19 của Tuyên ngôn Nhân Quyền Phổ Quát cũng như điều 25, 30 của Hiến pháp nước CHXHCNVN.

- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị tước đoạt quyền được tòa xét xử công bằng. Việc bắt giữ và tiếp tục giam cầm cô đã vi phạm điều 31(4) của Hiến pháp VN và Những Quy Định Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR).

- Việc bắt giam dài hạn để điều tra, không được tiếp xúc với luật sư, gia đình có thể dẫn đến việc tra tấn, hay chính nó là một hình thức của tra tấn đã vi phạm "Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác" mà Việt Nam là một thành viên ký kết từ năm 2015.

Phản ứng từ nhà nước Việt Nam:

- Vào ngày 31/01/2017 Nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã gửi những cáo buộc từ nguồn mà nhóm này nhận được đến nhà cầm quyền VN và yêu cầu nhà cầm quyền phản hồi về tình trạng của Mẹ Nấm trước ngày 31/03/2017. Nhóm công tác cũng yêu cầu minh bạch lý do pháp lý cho việc giam giữ Mẹ Nấm.

- Nhà cầm quyền VN đã trả lời vào ngày 13/04/2017 - trễ hạn đối với thời điểm do nhóm công tác yêu cầu mà không yêu cầu xin gia hạn. Do đó, nhóm công tác đã từ chối chấp nhận phản hồi của nhà nước VN.

Nhận xét của Nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc:

- Nhà nước VN có trách nhiệm phải biện hộ những cáo buộc về vi phạm của họ đối với việc giam giữ tùy tiện blogger Mẹ Nấm. Trong trường hợp này, nhà nước VN tuyên bố rằng Mẹ Nấm đã bị bắt giam vì điều luật 88 chứ không phải vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, những trả lời của nhà nước VN chỉ xoay quanh những điều sửa đổi trong luật pháp Việt Nam, phủ nhận chung chung và chỉ nói rằng đã theo một tiến trình đúng luật... đã không đủ để biện hộ cho những cáo buộc về những vi phạm của nhà nước VN.

- Trường hợp của Mẹ Nấm lại một lần nữa nêu lên những vấn nạn của điều 88 BLHS của Việt Nam so với quyền tự do ngôn luận, tụ tập, lập hội của các công ước quốc tế.

- Nhóm công tác cho rằng điều 88 là mơ hồ và quá mở rộng để dẫn đến việc nhiều người bị kết án chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Trong những trường hợp này, nhà nước đã không đưa ra được những bằng chứng về những hành động bạo động của người bị kết án, không phân biệt được sự khác biệt giữa hành vi bạo động đe dọa an ninh quốc gia với những thể hiện ôn hòa, tự do ngôn luận. Do đó, việc kết án theo điều 88 đã không đồng bộ với các công ước quốc tế về nhân quyền.

- Nhóm công tác nhận định rằng hoạt động blog và chia sẻ thông tin, ý kiến của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh về nhân quyền cũng như những hoạt động bảo vệ môi trường của cô là nằm trong phạm vi tự do ngôn luận, tụ tập ôn hòa, được bảo vệ bởi điều 19, 20 của Tuyên ngôn Nhân Quyền và điều 19, 21, 22 của Những Quy Định Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị.

- Nhóm công tác cho rằng blogger Mẹ Nấm bị bắt giam chỉ vì thực hiện các quyền của cô đã được quy định bởi công ước quốc tế. Cô là nạn nhân của một những hành động sách nhiễu, tấn công, giam giữ có hệ thống bởi nhà cầm quyền trong suốt 8 năm qua và việc bắt giam mới nhất là một phần của mô hình khủng bố đối với những hoạt động nhân quyền, môi trường của cô.

- Trong sự thiếu vắng những dữ kiện để chứng minh Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có những hoạt động bạo động hay việc làm của cô dẫn đến bạo động, nguy hại đến an ninh quốc gia... nhóm công tác kết luận rằng việc bắt giam cô chỉ nhằm mục tiêu ngăn cản những hoạt động bảo vệ nhân quyền của cô. Rõ ràng là tập tài liệu "Stop Police Killing" có ý hướng chấm dứt bạo hành chứ không phải mang mục tiêu gây ra bạo lực.

- Nhóm công tác ghi nhận có những quan ngại về việc nhà nước VN đã dùng lý do an ninh quốc gia để hạn chế nhân quyền. Trong Báo cáo Định kỳ Phổ quát (UPR) vào tháng 2, 2014 của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ đối với VN, có đến 38 khuyến nghị yêu cầu VN cải thiện tình trạng nhân quyền, trong đó có nhiều yêu cầu liên quan đến điều 88 - BLHS.

- Nhà cầm quyền VN đã vi phạm quyền được xét xử công bằng của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo điều 9, 10, 11 của Tuyên Ngôn Nhân Quyền, và điều 9, 14 của Những Quy Định Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. Cô đã bị giam cầm nhiều tháng nhưng không được phát xét bởi quan tòa, gia đình không có cơ hội tranh tụng theo như điều 9(3), 94) của Những Quy Định Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị.

- Nhà cầm quyền đã vi phạm điều 14(3)(b) của Những Quy Định Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị khi từ chối quyền được luật sư bào chữa của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Nhà cầm quyền cũng vi phạm điều 58, 61 của Những Tiêu Chuẩn Tối Thiểu Trong Việc Đối Xử Tù Nhân của LHQ khi không cho cô được tiếp cận với luật sư và gia đình.

Từ những nhận xét trên, Nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra kết luận rằng việc tước đoạt quyền tự do của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bởi nhà cầm quyền VN đã vi phạm các điều khoản trong hiến chương nhân quyền LHQ. Từ đó, nhóm công tác đã chính thức yêu cầu nhà nước VN phải có những bước cần thiết để giải quyết tình trạng của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và đáp ứng những tiêu chuẩn nhân quyền của LHQ. Nhà cầm quyền phải trả tự do ngay lập tức cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bồi thường những tổn hại, xúc phạm danh dự đối với cô theo đúng luật định quốc tế.

...

MLBVN gửi đến quý vị nguyên văn tài liệu nhận được từ Nhóm Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc như sau:













2 nhận xét: