Hương Khê (Danlambao) - Tờ Tâm Sự Gia Đình số báo Xuân 2017 có bài nói về cuộc trò chuyện của nhà thơ Trần Đăng Khoa với cựu đại tá công an Dương Tự Trọng, nguyên Phó Giám đốc công an TP. Hải Phòng, đang bị ngồi tù về tội giúp anh trai là Dương Chí Dũng bỏ trốn trong vụ Vinalines, với tựa đề “Những chuyện kỳ bí bây giờ mới kể về Dương Tự Trọng”.
Điều làm cho người đọc chú ý ở bài báo này không phải là giấc mơ tìm thấy “thần dược” trên núi Tam Đảo của Dương Tự Trọng. Mà đó là giấc mơ Dương Tự Trọng gặp gỡ ông bố mình đúng vào giờ phút ông già này lâm chung. Giấc mơ có máu.
Chúng ta đều biết người cộng sản là vô thần vô thánh. Coi tôn giáo là thuốc độc bùa mê để ru ngủ nhân dân. Con người chết là hết. Tin vào tâm linh là điều xa xỉ đối với họ. Vậy làm sao trong giờ phút lâm chung, ông bố Dương Tự Trọng lại tìm đến người con trong tù của mình để khóc lóc với những giọt nước mắt có máu?
Phải chăng chỉ đến khi đã sa cơ lỡ vận, phải ngồi sau những chấn song sắt của nhà tù như một con hổ bị nhốt trong cũi sắt, ôn lại những tội ác mình đã gieo rắc cho nhân dân trong những năm tháng đã qua, thì Dương Tự Trọng mới ngộ ra rằng, con người chết chưa phải là hết. Có thế giới tâm linh.
1. Bi kịch của một gia đình có truyền thống làm công an
Ở thành phố Hải Phòng, không ai là không biết gia đình ông Dương Khắc Thụ, nguyên Đại tá, Giám đốc công an thành phố Hải Phòng trong thập niên 1970-1980, được mệnh danh là gia đình có truyền thống cách mạng, không chỉ với ông bố một thời hét ra lửa ở thành phố đất Cảng này, mà gia đình ông còn có những người con “làm nên sự nghiệp” trong guồng máy nhà nước Việt Nam.
Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(Vinalines), Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương ĐCSVN.
Dương Tự Trọng, nguyên Đại tá, Phó Giám đốc công an Hải Phòng, nguyên Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Cô con gái là Thượng tá Băng Tâm, Công an PC25 Hải Phòng.
Con rể là Nguyễn Bình Kiên (chồng bà Băng Tâm), nguyên Đại tá, Phó Giám đốc công an Hải Phòng, nguyên Phó cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an).
Trong bốn người con và rể ấy, đã có ba người vướng đến pháp luật: Dương Chí Dũng bị bắt về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)”. Dương Tự Trọng bị bắt về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi ngoài” theo điều 275 Bộ luật Hình sự. Nguyễn Bình Kiên bị lột hết sao và vạch, bị khai trừ đảng vì đã “vi phạm nghiêm trọng quy định công tác nghiệp vụ của ngành công an, xâm phạm đến quyền tự do của công dân, vi phạm tư cách đảng viên; vi phạm 19 điều đảng viên không được làm và những điều cán bộ, chiến sĩ công an không được làm”.
2. Những thành tích bất hảo của anh em Dương Tự Trọng
Trong những người con của ông Dương Khắc Thụ, người nổi tiếng nhất là Dương Chí Dũng với “thành tích” làm thất thoát hàng chục triệu đô la trong vụ án Vinalines. Chiếc ụ nổi đã hết hạn sử dụng mua 2,3 triệu USD được Dương Chí Dũng phù phép thành 19 triệu USD. Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ban đầu được phê duyệt với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng, cũng được Dương Chí Dũng và các đồng chí của y nâng lên thành 6.489 tỷ đồng v.v... (1)
Sau khi đã chôm chĩa được khối tiền khổng lồ, là mồ hôi nước mắt và máu của nhân dân, Dương Chí Dũng đã bỏ ra năm trăm mười ngàn USD đưa cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an để Ngọ báo tin nếu có nguy cơ bị bắt, và đã bỏ trốn ra nước ngoài, nhưng “lưới trời lồng lộng”. Cuối cùng Dương Chí Dũng vẫn phải tra tay vào còng. Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, DCD đã “nói toạc móng heo” ra rằng, ngoài số tiền năm trăm mười ngàn USD mà DCD đã đưa cho Phạm Quý Ngọ để mua tin, DCD còn đưa 1 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan, chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho Phạm Quý Ngọ, để nhờ Ngọ chuyển cho Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nhằm không làm khó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong quá trình chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn. (2), (3)
Những lời khai này của DCD đã thành một cơn địa chấn làm chấn động dư luận cả nước. Mặc dù Phạm Quý Ngọ đã bác bỏ việc 3 lần nhận tiền từ DCD, nhưng sau đó Phạm Quý Ngọ “bỗng dưng” bị đột tử một cách khó hiểu. Vì vậy trong dân gian đã có câu ca về cái chết của người này như sau: “Tin đâu như sét đánh ngang Thượng tướng đang sống chuyển sang từ trần Bạn bè, đồng chí mừng thầm Anh đi như rứa nhiều thằng yên thân”.
Không thua kém người anh mình, Dương Tự Trọng cũng có những thành tích lẫy lừng trong ngành công an. Ngoài việc được mệnh danh là khắc tinh của các đối tượng tội phạm hình sự, Dương Tự Trọng được cho là đã được lên chức Phó Giám đốc Công an Hải Phòng và được thăng hàm Đại tá là nhờ công lao đã “ buộc” Nguyễn Văn Chưởng nhận tội trọng vụ án Thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh bị giết hại tại phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng. Mặc dù Nguyễn Văn Chưởng được nhiều người dân xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương làm chứng rằng, vào tối hôm xảy ra vụ án, họ thấy Chưởng ở quê, cách địa điểm xảy ra vụ án đến 35 km, nhưng Nguyễn Văn Chưởng vẫn bị kết án tử hình và đang chờ ngày bị xử tử. Dương Tự Trọng lúc đó là Thượng tá, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, đã “bằng các biện pháp nghiệp vụ”, đã buộc Nguyễn Văn Chưởng phải nhận tội giết người mà mình không phạm. Dương Tự Trọng đã cầm chiếc áo mà Nguyễn Văn Chưởng rút từng sợi chỉ thêu thành những lời kêu oan gửi trong tù ra. Cầm chiếc áo trên tay, Dương Tự Trọng hùng hồn tuyên bố: “Tao, Thượng tá Dương Tự Trọng, thề sẽ làm cho thằng chủ tịch xã Bình Dân mất chức”, vì ông chủ tịch xã này lỡ xác nhận rằng những nhân chứng đó là người thuộc địa phương mình. (4)
Trong việc tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, Dương Tự Trọng đã nhờ những người thuộc diện có “số má” trong giới giang hồ Hải Phòng, là những tội phạm hình sự và buôn lậu ma túy trợ giúp. Họ đã đưa Dương Chí Dũng đi trốn, lo nơi ăn chốn ở và lấy tiền của Dương Tự Trọng tiếp tế cho Dương Chí Dũng lúc Dũng còn ở Campuchia. Điều này cho thấy những dư luận cho rằng ngành công an bảo kê, thao túng cho bọn tội phạm hình sự, bọn buôn bán ma túy là có cơ sở.
Khác với hai người con trai của ông Dương Khắc Thụ, người con rể Nguyễn Bình Kiên lại bị “ngựa đá” vì tội dám “mò dái ngựa”. Khi còn làm Phó cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và đầu tư (Bộ Công an), Nguyễn Bình Kiên đã tổ chức ghi âm trộm và phát hiện vụ làm ăn phi pháp hàng triệu đô la của cha con ông Nguyễn Văn Thành lúc ông Thành còn làm Chủ tịch TP. Hải Phòng. Vì vụ này đụng phải hòn đá lớn, nên kế hoạch “cất vó” cha con ông Thành không được cấp trên phê duyệt. Sau này, lúc Nguyễn Bình Kiên về làm Phó GĐ CA Hải Phòng, cũng là lúc ông Thành lên làm Bí thư TP. Hải Phòng. Cơ hội đã đến,“kiến ăn cá thì cá ăn kiến”. Ông Kiên liền bị buộc tội “đã chỉ đạo cấp dưới về nghiệp vụ liên quan đến liên lạc điện thoại cá nhân của gia đình ông T., một vị lãnh đạo hàng đầu đất Cảng”, bị khai trừ đảng và cách hết mọi chức vu, đuổi về chờ nghỉ hưu (5).
Việc ghi âm trộm bất cứ cá nhân và tổ chức nào mà ngành công an nghi ngờ, là việc làm vi phạm pháp luật về bí mật thư tín. Nhưng với ngành công an lại là việc bình thường. Phạm Quý Ngọ khi báo cho Dương Chí Dũng bỏ trốn cũng dặn Dương Chí Dũng hãy dùng sim rác gọi cho mình theo một số đặc biệt, và gọi xong thì vứt sim đi. Đến trường hợp của Nguyễn Bình Kiên thì phải trả giá.
3. Dương Tự trọng đã thấy gì trong giấc mơ?
Dương Tự Trọng kể với Trần Đăng Khoa: “Anh có tin vào tâm linh không? Là vì trong đời, có những việc em không thể lý giải được. Chỉ có thể khẳng định rằng, có một thế giới vừa hiện thực vừa huyền bí bao phủ quanh mình. Đó là thế giới tâm linh... Đấy là cuộc gặp gỡ với bố em. Ông cụ đến thăm em. Lâu lắm rồi em mới được gặp bố... Em thấy ông cụ đứng nhìn em trân trân... Em bảo bố nói gì với con đi chứ... Rồi ông khóc, nước mắt lại có máu. Máu nhỏ xuống cả mặt em. Thế là em khóc ầm lên và bừng tỉnh... Lúc ấy là 4giờ 15 phút ngày 25 tháng Giêng năm 2016... Em nói với các bạn cùng buồng giam rằng bố tôi mất rồi. Cụ vừa mới mất cách đây ít phút thôi. Chắc cụ đến để vĩnh biệt con... Sau này người nhà vào thăm, em biết sụ thật. Đúng là lúc ấy bố em đang hấp hối...”.
Đúng là một giấc mơ rùng rợn. Giấc mơ có máu. Nhưng là máu của ai? Phải chăng đó là máu của những người vô tội mà ngành công an nói chung và cha con Dương Tự Trọng nói riêng đã gieo rắc cho nhân dân trong mấy chục năm qua? Phải chăng việc mấy người con và rể của ông Dương Khắc Thụ đang chịu quả báo nhãn tiền?
Trong hàng ngũ cán bộ nhà nước, rất nhiều người vẫn tin vào tâm linh. Hình như các vị quan chức cộng sản địa vị càng cao thì lại càng sùng bái thánh thần, cho dù ý thức hệ cộng sản đã tẩy não và áp đặt lên tư tưởng Mác-Lê là vô thần Có người đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để lẻn lút đi hết chùa này chùa nọ để cầu tài cầu lộc.
Hồ Đức Việt, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ĐCSVN khóa X, hậu duệ của dòng họ Hồ nổi xứ Nghệ, đã bị thất sủng trong Đại hội ĐCSVN khóa XI vì đã mời thầy về yểm bùa chú, gọi âm binh, nhờ thần linh trợ giúp nhằm “đánh bại đối thủ’’ để tranh chức TBT ĐCSVN khóa XI. Vì vậy mà Hồ Đức Việt đã “ra đi” trong khắc khoải, quằn quại, với mối hận đã kết tủa sâu nặng trong tâm khảm, chỉ còn biết’ “mang xuống tuyền đài chưa tan’’! (6)
Nhà thơ Đại tá công an Hồng Thanh Quang, TBT báo Đại Đoàn Kết, trong một lần nói chuyện với nhà báo Hồng Cư trong chương trình Cà phê sáng với VTV3, khi nhà báo Hồng Cư hỏi về chuỗi hạt mà HTQ đeo trên cổ tay có ý nghĩa gì, thì vị Đại tá công an này nói, tôi tin vào tâm linh. Và hy vọng chuỗi hạt này sẽ đem lại nhiều điều may mắn.
Không nên chờ đến lúc phải ngồi sau chấn song sắt nhà tù mới ngộ ra rằng con người chết chưa phải là hết, có thế giới tâm linh như Dương Tự Trọng. Những kẻ đã gây nợ máu cho nhân dân hãy tỉnh ngộ và trở về với nhân dân. Đừng gây thêm tội ác thì sẽ chịu sự phán xét của luật nhân quả ngay khi còn sống.
Những kẻ tù oan đang chờ ngày chịu chết như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải v.v... phải được trả tự do ngay tức khắc.
18.02.2017
____________________________________
Chú thích:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét