Trịnh Kim Tiến (Danlambao) - Trần Huỳnh Duy Thức, là người dấn thân quyết liệt bằng đời sống và cả sinh mạng mình. Việt Nam cần những con người như anh để thay đổi và phát triển. Chúng ta cần sự tự do của anh trên mảnh đất này.
Trần Huỳnh Duy Thức là người tiên phong trong dịch vụ công nghệ, là một doanh nhân tài giỏi hiếm có dám từ bỏ sự nghiệp thành đạt của bản thân để đòi hỏi quyền lợi cho dân tộc. Ngoài đầu óc và bản lĩnh của một doanh nhân, Trần Huỳnh Duy Thức còn có tư tưởng và đường lối hành động của một nhà hoạt động để giúp đất nước tiến lên trên con đường thịnh vượng.
Cái giá phải trả cho sự can đảm của anh là một bản án vô nhân đạo. 16 năm tù là hình phạt mà nhà cầm quyền Việt Nam muốn răn đe những người tài giỏi, có tâm, muốn cống hiến tri thức mình có cho đất nước.
Đáp trả hình phạt khắc nghiệt dành cho mình, Trần Huỳnh Duy Thức đã thể hiện hình ảnh một người tù bất khuất, không nhún nhường, không thỏa hiệp với sai trái, chấp nhận tuyệt thực đến chết mà không cần tự do lưu vong ở nước ngoài. Anh từ chối cơ hội đi Mỹ, chấp nhận tù đày để lựa chọn ngục tối tù đày trên quê hương với hy vọng được thấy sự thay đổi.
Chúng ta có thể làm gì trong lúc này?
Câu hỏi này được lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của nhiều người khi mà Trần Huỳnh Duy Thức quyết tâm tuyệt thực, đánh cược sinh mạng trong chốn lao tù vì lý tưởng kiến thiết quốc gia và tự do của con người.
Từ khi tuyên bố tuyệt thực từ ngay 24/5/2016 đến nay, đã trải qua 8 ngày tuyệt thực trong nhà giam, sinh mạng của anh lúc này như ngọn đèn dầu leo lắt.
Trước sự cứng rắn và sắt đá của người đàn ông gắn liền cuộc đời mình với vận mệnh dân tộc, trong lúc nguy cấp gia đình anh chỉ còn một lựa chọn duy nhất là đồng hành cùng anh, họ tuyệt thực để đánh động sự quan tâm của cộng đồng. Họ phải tuyệt thực trong tâm trạng bất lực, từng ngày, từng giờ mòn mỏi chứng kiến con, chồng, cha mình đặt cược sinh mạng.
Không thể khuyên nhủ, không thể thay đổi thì cách duy nhất là ủng hộ, tiếp thêm sức mạnh cho người thân.
Nếu tôi ở trong tình trạng này có lẽ tôi sẽ không đủ kiên nhẫn để ngồi nhà, tôi sẽ lựa chọn một phương cách tuyệt thực khác một chút với họ đang làm.
Tôi sẽ xuống phố.
Tôi sẽ thay cách tuyệt thực thông thường bằng hình thức tọa kháng tuyệt thực nơi đông người, nơi trung tâm ví dụ như trước Bộ công an, chấp nhận bắt bớ, thậm chí đánh đập nếu điều đó xảy ra. Thái độ phản ứng nếu ở những nơi này sẽ có tác dụng hơn trong nhà riêng, đó là suy nghĩ của cá nhân tôi.
Anh Thức là một doanh nhân, và vì vậy tôi chợt nghĩ về hình thức marketing trong kinh doanh liệu có tác dụng trong trường hợp của anh lúc này?
Giống như cách mà người ta hay làm để quảng bá cho sản phẩm, phát tờ rơi trên đường.
Những câu nói tâm huyết đượm tinh thần dân tộc kèm theo tóm tắt về cuộc đời của anh được in ra và phát cho bất cứ ai trên phố có thể sẽ đánh động thêm sự chú ý của công luận trong nước cũng như Quốc tế.
Việc làm này không vi phạm pháp luật nhưng tôi cho rằng nếu là người thân anh làm có lẽ là hợp lý nhất. Tôi nghĩ chắc chắc rằng nhiều anh em sẽ sẵn sàng đứng bên gia đình trong hoàn cảnh ấy.
Lúc này đây, trước tình trạng nguy ngặt của anh Thức, một cách làm là một tia hy vọng. Tôi không hy vọng đây là trận chiến cuối cùng của anh, bởi còn nhiều cuộc chiến đang chờ đón anh phía trước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét