Mô hình Chùa Tháp cao nhất thế giới. Ảnh Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên |
Hạ Trắng (Danlambao) - Tỉnh Thái Nguyên sẽ có Chùa Tháp cao nhất thế giới. Đây là hạng mục trong “siêu” dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.
Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này từng làm chủ đầu tư nhiều dự án du lịch tâm linh như dự án quần thể khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình), khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam).
Chùa Tháp được thiết kế xây dựng có chiều cao 150 m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000 m2. Chùa Tháp có thể chứa được từ 5.000-10.000 người trong một thời điểm. Dự kiến, công trình này sẽ mất 10 năm (2016-2026) để hoàn thành.
Mấy tháng trước, dư luận cả nước đã bày tỏ sự phẫn nộ, không đồng tình về việc tỉnh Sơn La -một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam- dùng ngân sách của dân xây dựng khu tượng đài “bác Hồ” với tổng vốn đầu tư lên tới 1.400 tỷ. Tất nhiên, mặc kệ dân đói, mặc kệ dân không đồng tình, chính quyền cứ xây.
Và không chỉ có một vài tượng đài ấy, đã có rất nhiều tượng đài trăm tỷ, nghìn tỷ được dựng lên, đang dựng lên và sẽ được dựng lên trong tương lai. Câu hỏi đặt ra, một đất nước nghèo bậc nhất thế giới như thế, xây dựng nhiều tượng đài để làm gì? Thưa, để phục vụ cho mục đích chính trị, cho chính sách mị dân và tạo cơ hội tham nhũng cho quan chức.
Cũng chưa thấy một đất nước vô thần nào nhiều chùa chiền như ở Việt Nam. Theo Wikipedia, Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích toàn quốc. Đó là chưa kể những ngôi chùa “tự phát”, được xây dựng với mục đích thương mại. Chùa là nơi thờ Phật, truyền bá đạo Phật nhưng đa số Chùa chiền hiện nay còn thờ cả tượng ông Hồ Chí Minh, một kẻ vô thần và chủ trương đàn áp tôn giáo. Trong nhiều năm qua, Việt Nam cũng bị các nước dân chủ và các tổ chức Nhân quyền trên thế giới xếp vào danh sách những quốc gia đàn áp tôn giáo.
Trở lại với dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc và Chùa Tháp ngàn tỷ của tỉnh Thái Nguyên. Không cần bàn cãi nhiều cũng biết ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này.
Câu hỏi đặt ra, sẽ có bao nhiêu người dân Thái Nguyên trở thành dân oan của cái gọi là “thu hồi đất”, “giải tỏa mặt bằng”?
Cá chết, biển nhiễm độc, Tây Nguyên và Đồng Bằng Sông Cửu Long hạn hán..., tất cả những điều đó báo động những thảm họa khó lường mà nhìn thấy trước mắt là NẠN ĐÓI.
- Đói, liệu người ta có còn sức để ngắm nhìn, để tung hô những tượng đài nghìn tỷ?
Không!
- Đói, liệu người ta còn có sức ngước mắt lên Chùa Tháp cao nhất thế giới để niệm Phật?
Không!
Nhưng Đói, người dân sẽ đủ sức để đạp đổ chính quyền, thủ phạm đã gây nên mọi nỗi oan khiên cho dân tộc.
Bây giờ hoặc không bao giờ. Cộng sản Việt Nam vẫn còn cơ hội để tạ lỗi với Quê hương.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét