Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Hồi nhỏ, cứ nửa ngày đi học, nửa ngày nghỉ còn lại, hai anh em tôi thường phụ mẹ đẩy xe than đi bán khắp nơi kiếm sống. Thực ra thì mẹ tôi không bắt anh em tôi phải làm thế, nhưng vì thương mẹ nên tình nguyện đi theo. Chiếc xe cải tiến mẹ tôi kéo đằng trước, có thêm anh em tôi đẩy phía sau thì mẹ sẽ đỡ mệt hơn. Chỉ nghĩ đơn giản thế thôi nên ngày nào anh em tôi cũng đi.
Tôi mãi mãi không bao giờ quên cảnh anh trai tôi, lớn hơn tôi 3 tuổi, ngồi trên càng xe chơi trò bập bênh, rồi lấy than bôi lên mặt tôi lúc ba mẹ con dừng chân ngồi nghỉ. Tôi khóc, đưa tay quệt nước mắt làm khuôn mặt càng lem luốc, giống như một thằng hề. Mẹ tôi phải lấy than bôi lên mặt anh trai tôi “trả thù”, tôi mới chịu nín. Và để anh đỡ giận, mẹ tôi cũng lấy than tự quẹt lên mặt mình, như thể ba mẹ con đang diễn hài. Anh em tôi thích lắm, nhìn mẹ cười khúc khích.
Tôi nhớ lần ấy đi mót than ở khu đường tàu - không biết than đá ở đâu rơi vãi ra nhiều thế và ba mẹ con mải miết nhặt. Một đoàn tàu đi qua, tôi không trông thấy mẹ và anh trai mình đâu nữa. Tôi chưa bao giờ sợ hãi như thế. Tôi bất lực, tuyệt vọng nhìn đoàn tàu chắn ngang trước mặt mà gào khóc. Đoàn tàu rầm rập lao qua khiến tôi không còn nghe được chính tiếng gào khóc của mình. Lúc đó, đầu óc tôi chỉ nghĩ được một điều duy nhất: đoàn tàu ấy đã mang mẹ và anh trai tôi đi rồi.
Tiếng đoàn tàu đang nhỏ dần và rồi tôi bắt đầu nghe thấy tiếng khóc của mình. Khoảng không gian trước mắt tôi vỡ tung. Ôi kìa, mẹ và anh trai tôi! Từ đường ray bên ấy họ cũng đang đứng nhìn sang bên này với vẻ mặt đầy hốt hoảng. Đoàn tàu vừa đi khỏi, mẹ tôi lao rất nhanh sang ôm chầm lấy tôi. Ba mẹ con ôm nhau và tôi được một trận khóc cười như mưa gió. Lúc ấy tôi mới hiểu là đoàn tàu chỉ tạm thời chia cắt mẹ con tôi trong vài phút ngắn ngủi như thế. Và không gian cũng chỉ là vài bước chân, của bên này và bên kia đường ray mà thôi. Hồi ấy tôi mới mười hai tuổi. Tôi chưa bao giờ hình dung rằng sẽ có lúc mẹ tôi lại biến mất khỏi tầm mắt của tôi dù là trong khoảnh khắc rất ngắn như đoàn tàu vừa đi ngang qua đường ray.
Nhưng con Nấm, và thằng Gấu không được may mắn như tôi. Hơn hai tháng nay, mẹ chúng không về. Thằng Gấu mới lên bốn tuổi và chị nó, con Nấm mới lên mười. Bà ngoại nó lo, có khi phải đến lúc con Nấm thành thiếu nữ, mẹ nó mới được về. Chẳng có đoàn tàu nào che tầm mắt khiến chị em nhà Nấm Gấu không nhìn thấy mẹ. Con Nấm hôm ấy chứng kiến hết cảnh hàng chục công an đứng chật ních trong nhà nó, lục tung mọi thứ lên. Đấy là chưa kể hàng chục công an khác đứng ngoài sân, khắp con ngõ và trên mái nhà. Suốt mấy tiếng đồng hồ như thế, rồi mẹ nó bị còng tay giải đi. Bây giờ mẹ nó đang ở tù, hôm nay là tròn hai tháng. Những kẻ ấy nói mẹ nó phạm tội “chống nhà nước”. Nấm còn nhỏ, chưa hiểu chuyện người lớn nhưng có một thứ nó biết rất rõ, và nó luôn tin, đó là mẹ nó không có tội. Mẹ nó đang trả giá vì những việc tốt mẹ nó làm.
Nấm bé xíu, mới mười tuổi nhưng thông minh. Nó biết rõ việc bảo vệ môi trường là không có tội. Nó biết rõ việc lên tiếng giúp đỡ những người thấp cổ bé miệng trong xã hội là không có tội. Nó cũng biết rõ việc mẹ nó chống lại cái xấu, cái ác là một việc làm đầy can đảm. Và nó biết rõ, mẹ nó làm như thế là vì tương lai của chị em nó: “Mẹ sẽ cố gắng để chúng ta có những thứ tươi đẹp hơn một cách thẳng thắn và đàng hoàng con nhé.”
Mẹ nó tên là Quỳnh. Một bà mẹ yêu con đến cháy lòng. Vì yêu đến cháy lòng nên mới muốn con có những thứ tươi đẹp. Nhưng phải là những thứ tươi đẹp có được trong sự "thẳng thắn và đàng hoàng". Mà như thế, thì không còn cách nào khác là phải đứng thẳng và chiến đấu, chiến đấu chống lại cái ác và cái xấu. Mẹ nó biết sẽ có ngày phải bỏ lại hai chị em nó ở nhà nhưng vẫn thảng thốt và đớn đau những tháng ngày xa cách.
Hôm nay, kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, cũng là mừng sinh nhật tròn 3 tuổi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, trong vô vàn những ngổn ngang tôi lại nhớ đến kỷ niệm thời thơ ấu của mình, và nghĩ đến chị em nhà Nấm Gấu. Tôi đã bốn mươi tuổi, nhưng ký ức của lần đi mót than bên đường tàu hồi vẫn còn là đứa trẻ tuổi mười hai vẫn làm tôi rờn rợn. Tôi chợt nhận ra rằng, ngoài cái chết, điều kinh khủng nhất của con người là sự chia cắt tình mẫu tử.
Trong bài viết chúc mừng sinh nhật Mạng Lưới Blogger Việt Nam tròn 3 tuổi, chị Võ Hồng Ly - một người bạn đã viết: "Ngày hôm nay cũng vừa tròn hai tháng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt. Trước khi bị giải đi, chị đã tuyên bố sẽ tuyệt thực để tranh đấu cho quyền được gặp luật sư của mình. Nhưng đến bây giờ, 60 ngày đêm đã trôi qua nhưng chị vẫn chưa đạt được điều ấy. Chị vẫn chưa được gặp luật sư ngay cả khi đây là một trong những quyền căn bản của con người. Đến bây giờ, không ai được biết tình trạng thực sự của Mẹ Nấm ra sao, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau của chị khi bị lìa xa hai đứa con còn thơ dại. Dịp kỷ niệm sinh nhật 3 tuổi của Mạng Lưới Blogger Việt Nam năm nay tuy không có Mẹ Nấm nhưng tôi tin chị vẫn luôn nhớ đến và đồng hành cùng tất cả chúng ta. Cường quyền và cánh cửa ngục tù bất công kia chỉ có thể giam giữ thân xác của những người tranh đấu nhưng sẽ không bao giờ có thể giam cầm được những trái tim luôn thổn thức cho quê hương, dân tộc mình!”
Nếu ví Việt Nam như một đoàn tàu thì đoàn tàu ấy đang bị điều khiển bởi những kẻ lười nhác và bất lương. Nó không thể tiến về phía trước. Và để đoàn tàu đi đến tương lai thì cần có những người can đảm như mẹ của Nấm và Gấu. Cần có những người mẹ khác như Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Minh Thúy, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến, Mai Phương Thảo, Đào Trang Loan... và thật nhiều người nữa.
Những người mẹ ấy đã đứng lên vì tương lai của chính những đứa con mình, và tương lai của dân tộc Việt Nam. Nhất định sẽ có ngày bất kỳ “công dân Việt Nam nào cũng có thể ngẩng mặt cao đầu và tuyên bố với cộng đồng nhân loại rằng: xứ sở này là nơi mà những con người đang sống thực sự trong tự do, công bằng và bác ái”.
Viết nhân ngày Quốc tế nhân quyền và Kỷ niệm 3 năm sinh nhật Mạng Lưới Blogger Việt Nam (10/12/2016)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét