6/12/16

Tại sao điện đàm giữa Donald Trump và Đài Loan thay đổi hết mọi chuyện

Gordon Chang * Chấn Minh (Danlambao) lược dịch - Điều Trump đã làm không phải là “thiết lập lại” các quan hệ giữa Washington và Trung Quốc, nhưng là đặt lại các quan hệ này trên một cơ sở mới. 

Hôm nay (2016/12/03) Bắc Kinh gởi một kháng thư chính thức đến nhà nước Hoa Kỳ để phản đối việc tổng thống bầu chọn Donal Trump nói chuyện qua điện thoại với bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) của Đài Loan mà không qua các đường dây ngoại giao đã có sẵn.

Trong cuộc điện đàm trên, cả hai vị đã chúc mừng lẫn nhau - bà Thái đã thắng lớn khi lấy được ghế tổng thống vào giữa tháng Giêng - đồng thời thảo luận về các quan hệ chặt chẽ hơn.

Các phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh, theo đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc, cơ quan truyền hình của nhà nước, và bộ ngoại giao, đều ôn hòa. Các chống đối cũng thế, nhưng trong các tuần lễ sắp đến điều có thể dự đoán được là thế nào cơn giận dữ tại thủ đô Bác Kinh cũng sẽ nổ bùng ra. 

Tại sao? Chỉ trong vài phút điện thoại, Trump đã gián tiếp công nhận Đài Loan như là một nước độc lập tự chủ, và do đó đã đánh vỡ một chính sách Trung Quốc đã được an vị từ hàng chục năm qua. 

Như nhiều người đã lưu ý, đây là lần đầu tiên một tổng thống hay một tổng thống bầu chọn của Hoa Kỳ và người đối tác ở Đài Loan đã nói chuyện qua điện thoại kể từ ngày chính phủ Carter cắt đứt các quan hệ ngoại giao với hòn đảo này. 

Bất chấp những gì ông Trump và bà Thái nói với nhau, sự kiện họ đã nói chuyện qua điện thoại tự nó đủ để làm cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không vui lòng, bởi vì họ xem Đài Loan như là một bộ phận của Cọng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. 

Mắt khác, bà Thái tin rằng mình lãnh đạo một nước tên là Cộng Hòa Trung Quốc. Lập trường chính thức của nhà nước do bà lãnh đạo là họ có chủ quyền trên tất cả Trung Quốc tuy rằng, trên thực tế, nhà nước của bà quản lý và hành xử như chỉ có chủ quyền trên một đảo chính là đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ rải rác khác. 

Washington công nhận Bắc Kinh là chính quyền hợp pháp của Trung Quốc nhưng chủ yếu là vẫn giữ ý kiến theo đó các tranh cãi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết và khi/nếu giải quyết được, thì phải thông qua những phương pháp hòa bình. Luật Quan Hệ Đài Loan ban hành vào năm 1979 cho phép Hoa Kỳ có những quan hệ không chính thức với Đài Bắc, đồng thời quy định một số ít nghĩa vụ nhằm bảo vệ hòn đảo này đối với Bắc Kinh. Hoa Kỳ đã giữ tư thế trên, với một số thay đổi nhỏ, từ lúc đó cho đến bây giờ. 

Thế nhưng, hình như Trump đã thay đổi tất cả vào ngày thứ sáu qua. “Khi thảo luận, hai vị đã ghi nhận các quan hệ mật thiết về kinh tế, chính trị, và an ninh giữa Đài Loan và Hoa Kỳ”, biên bản từ ban chuyễn tiếp của Trump về cuộc đối thoại lịch sử trên đã ghi chép như thế. “Tổng Thống bầu chọn Trump cũng đã chúc mừng Tổng Thống Thái đã đắc cử vào chức vụ Tổng Thống Đài Loan trước đây vào đầu năm nay.” 

Bắc Kinh sẽ không bỏ sót hay bỏ qua việc Trump gọi bà Thái là “Tổng Thống.” Đây là một các xưng hô mang hàm ý công nhận bà ta là quốc trưởng một nước riêng biệt và nằm ngoài Trung Quốc. Và Trump lại còn gọi nước của bà ta là “Đài Loan” như để nhấn mạnh điểm này. Bà Thái đã tiến lên và chiến thắng như là ứng cử viên của đảng Dân Chủ Tiến Bộ. Đảng này muốn “Đài Loan” được công nhận như là một nước riêng rẽ mà lãnh thổ không có “lục địa”, hay, nói cách khác, là một nước trong đó không có Trung Quốc.

Từ thăm dò này đến thăm dò khác, khoảng 2/3 dân Đài Loan tự nhìn nhận họ là người Đài Loan, hay nói khác đi, họ không phải là người Hoa. Dưới 5% tự xem mình là người Hoa và không phải là người Đài Loan. Âu lo của Bắc Kinh là Đài Loan, khi ngày càng nhận ra danh tính Đài Loan của mình, sẽ chính thức tách ra khỏi “Trung Quốc” và tự tuyên bố là mình là “Cộng Hòa Đài Loan.” Bà Thái vẫn chưa tuyên bố như thế, nhưng Trump đã làm xong điều đó. 

Và cái gì có thể làm cho tình huống này bùng nổ lớn hơn? Bắc Kinh đe dọa sẽ dùng vũ lực để tiếp thu Đài Loan, trong khi đó thì tính chính danh của đảng Cộng Sản Trung Quốc phần lớn lại dựa trên khả năng “thống nhất” “Đất Mẹ” của đảng.

Điều đáng kể đến là Trump đã không thông báo cho Nhà Trắng hay bộ Ngoại Giao biết trước. Ông cũng đã không tham khảo với văn phòng liên lạc của Hoa Kỳ tại Đài Loan, tức là Viện Hoa Kỳ Tại Đài Loan. Nếu ông Trump đã làm như thế, tất cả các định chế trên đều sẽ tìm cách ngăn chặn ông ta.

Nhưng mà vị tổng thống bầu chọn này không hề có nợ nần gì cả với bất cứ định chế nào kể trên. Như Henry Kissinger đã nói với Fareed Zakaria sau ngày bầu cử: “Ông ta tuyệt đối không có hành lý nào cả”. Các chính sách của ông ta là của riêng của ông, và ông sẽ viết chúng trên bảng đá trống của ông và theo ý ông.

Vì thế, nhiều người nay đang lên tiếng báo động. Chris Murphy, một thành viên của Ủy Ban Ngoại Giao của Thượng Viện, trong một tweet đã thừa nhận rằng “tính kiên thuần là một phương tiện, chứ không phải là một mục tiêu” nhưng ông gợi ý rằng các động thái của Trump, trong đó có cuộc điện đàm với bà Thái, “là những xoay trục lớn trong chính sách đối ngoại mà không có một kế hoạch nào cả.” “Đó chính là cách bắt đầu các chiến tranh”, vị thượng nghị sĩ bang Connecticut và là một đảng viên đảng Dân Chủ đã viết tiếp. 

Evan Medeiros, cựu Giám Đốc Á Châu Sự Vụ của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, nói với tờ Financial Times (Tài Chánh Thời Báo) là các nhà lãnh đạo Trung Quốc “sẽ xem việc này như là một động tác rất khiêu khích, có tầm vóc lịch sử”, và ông âu lo rằng “Trump đang thiết kế một nền tảng cho sự ngờ vực và cạnh tranh chiến lược bền lâu.” 

Điều Trump đã làm không phải là “thiết lập lại” các quan hệ giữa Washington và Trung Quốc, nhưng là đặt các quan hệ này trên một cơ sở mới. Từ trước đến nay, Bắc Kinh đã nắm phần chủ động. Các tổng thống Mỹ, đặc biệt là George W. Bush và Obama, đã chỉ phản ứng mà thôi. Họ đã tìm cách xây dựng những quan hệ thân thiện với Trung Quốc bất chấp những động thái ngày càng táo bạo của nước này. Khái niệm theo đó Washington phải bảo trì những quan hệ hợp tác với Trung Quốc đã trở thành một mục đích tự thân. 

Trump, khi hầu như như không quan tâm đến phản ứng của Bắc Kinh, đã làm cho nước Trung Quốc nhỏ hơn, khi mà ông ta nói với các nhà độc tài tại đó là ông không sợ họ. 

Hầu như bất cứ ai cũng đã đưa ra giả thiết là Trung Quốc sẽ tạo dựng một cuộc khủng hoảng dành riêng cho Trump vào những tháng đầu tiên sau khi ông nhậm chức. Như Trung Quốc đã làm đối George W. Bush vào tháng 4 năm 2001 khi bắt giữ phi hành đoàn một máy bay trinh sát EP-3 của Hải Quân Hoa Kỳ, và với người kế nhiêm của ông ta, khi họ sách nhiễu hai tàu trinh sát không trang bị vũ khí - tàu Impeccable (Hoàn Hảo) và tàu Victorious (Toàn Thắng) - vào tháng 3 và tháng 5 năm 2009.

Thay vào đó, chính Trump đã chủ động tạo nên một khủng hoảng cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Và ông ta đã làm như thế một tháng trước khi chính thức tuyên thệ nhậm chức.

Vì thế, đối với Bắc Kinh, những ngày tháng tới chắc chắn sẽ không còn quen thuộc nữa và đáng lo ngại.

Nếu muốn, bạn có thể dùng ẩn dụ sau cho trường hợp này: một con bò đực tương đối to lớn đang đi lạc trong một cửa hàng đồ sứ. Và, nói cho ngay, đó có thể là một điều tốt. 

December 3, 2016


Gordon Chang là tác giả của tác phẩm “The Coming Collapse of China” (“Sự sụp đổ sắp đến của Trung Quốc”).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét