Thục Quyên (Danlambao) - Tôi đã không vui mừng như GS Nguyễn Khắc Nhẫn (1), GS Michiko Yoshii (2), nhà văn Inrasara, là những người tôi vô cùng qúi mến, khi họ chia sẻ với tôi, từ tin đồn rồi cho tới tin chính thức là nhà nước Việt Nam ngưng dự án điện hạt nhân.
Có thể hiểu được sự vui mừng của họ. Tạm mừng, như anh Inrasara nói. Viễn ảnh một Tcherfunith (Tchernobyl, Fukushima, Ninh Thuận) (3) thê thảm bi đát cho dân tộc Chàm tại Việt Nam, nếu bây giờ vì bất cứ lý do gì không còn kề cổ thì cũng đem tới một thở phào nhẹ nhõm. Còn GS Nguyễn Khắc Nhẫn với một đời kinh nghiệm trong ngành, cặm cụi suốt 13 năm viết hơn 60 bài về điện hạt nhân và năng lượng tái tạo để mong gióng chuông, chỉ cho Việt Nam tránh con đường chết, theo con đường sống, thì làm sao không hạnh phúc khi nghe nhà cầm quyền quyết định ngưng không đẩy dân tộc xuống hố diệt vong?
Nhưng tương lai không đơn giản theo một lời tuyên bố. Sống còn hay không là tùy thuộc ở sự hiểu biết và quan tâm của chúng ta, mọi người Việt trong và ngoài nước. Vì sự dốt nát, thiếu hiểu biết, thiển cận của mình, chính là sức mạnh của kẻ khác.
Nhận diện những điểm tích cực:
Tháng 11/ 2009 khi Quốc hội Việt Nam đồng thuận với chính phủ Nguyễn tấn Dũng về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, thì cũng đã có hơn 20% phiếu chống. Tuy không đủ lực để ngăn cản, nhưng những dân biểu bỏ phiếu chống là những người đã có hiểu biết và tinh thần trách nhiệm. Lần này, khi bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của thủ tướng Nguyễn xuân Phúc trình bày xin dừng thực hiện dự án này, thì nghị quyết đã được thông qua chiều ngày 22/11/2016 với 92% phiếu thuận.
Tuy Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trường Mai Tiến Dũng, khẳng định "công nghệ hạt nhân của Nga và Nhật Bản đều tiên tiến nhất hiện nay" và việc dừng dự án không hề vì lý do công nghệ và an toàn, mà do tình hình phát triển kinh tế thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư, nhưng một cuộc phỏng vấn hành lang Quốc hội ông Lê Hồng Tĩnh (4) (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) cho người dân lần này có chút hy vọng là những đại biểu dân cử đã không chỉ nhắm mắt nghe lời nhà cầm quyền mà đã chịu khó học hỏi để có thêm hiểu biết. Ông L.H.Tĩnh đã nhấn mạnh vấn đề xử lý chất thải là một bài toán hắc búa chưa/ không có giải pháp cho mọi quốc gia phát hành điện hạt nhân trên thế giới và đồng thời ông cũng đã nhắc tới cách tính xảo trá của ngành công nghiệp hạt nhân, khi họ không nhắc tới phí tổn tháo gỡ các nhà máy sau quá trình sử dụng và phí tổn quản lý chất thải, để có thể rêu rao láo lếu về lợi điểm kinh tế.(5)
Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng đã thành thật nhìn nhận "qua việc này chúng ta cũng có bài học sâu sắc, làm sao nâng cao trình độ cán bộ nhất là cán bộ làm chính sách chiến lược, quy hoạch chiến lược sát thực tiễn hơn".
Lược qua vài sự kiện có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến quyết định ngưng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đối với những người có theo dõi thị trường điện hạt nhân, tất cả những lý do kinh tế nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra đều không mới, nhiều ít đã rõ từ lúc Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận còn đang trong thời gian cứu xét. Muốn kiểm chứng chỉ cần đơn giản tìm đọc lại các bài viết lúc đó của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là của GS Nguyễn Khắc Nhẫn (6).
Bài viết của ông Vũ ngọc Hoàng (7), trong những tháng cuối cùng ông còn là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, là bằng chứng cho thấy, từ lâu nhà cầm quyền cộng sản VN thừa biết câu hỏi "...dù người ta cho không (chứ không phải tốn mười mấy tỷ USD), thì có nên mang một quả bom nguyên tử khổng lồ về đặt trong nhà mình không?"
Nga
Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ (7), chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Việt Nam, thông qua ngày 20/10/2016, không có điểm xem xét tờ trình của chính phủ về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc bổ sung đột xuất đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào ngày 9/11. Trong khi đó, theo tờ Sputniknews, cho tới ngày 10/11 tham tán báo chí Nga Yevgeny Belov cho biết chánh thức Tòa Đại sứ Nga chưa được thông tin, và "vấn đề ngừng xây dựng không được đặt ra trước Quốc hội. Có thể, trong kỳ họp này sẽ đặt ra câu hỏi về việc hoãn thời hạn."
Sau khi quyết định dừng chương trình điện hạt nhân đã trở thành hiện thực, thì từ phía Tập đoàn Năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom có những ý kiến trách cứ Việt Nam không thực hiện được một bước thực tế nào để thực hiện dự án này trong suốt gần 7 năm vừa qua, nhưng rất mau chóng sau đó, Rosatom mở chiến dịch hòa hoãn, chấp nhận quyết định của Việt Nam và tuyên truyền đây chỉ là một thực tế tạm thời. Thái độ này cho thấy Nga sẽ nỗ lực ảnh hưởng để không phải buông bỏ con mồi.
Với tình trạng ngành công nghiệp xuất cảng dầu èo uột vì giá dầu thế giới xuống thấp, Nga đã nỗ lực chuyển hướng, đẩy mạnh xuất cảng công nghệ xây cất nhà máy điện hạt nhân. Vì thị trường tiềm năng là những nước đang phát triển, không đủ khả năng kinh tế để xây dựng, Nga phải giúp tài trợ qua hình thức cho vay, liên doanh và một mô hình kinh doanh gọi là BOO (Build, Own, Operate) nghĩa là công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng công trình, sở hữu và vận hành công trình, do đó chưa giúp gì cho nền kinh tế hiện tại của Nga.
Tình hình nguy ngập của nền kinh tế đẩy Nga (8) phụ thuộc vào Trung Hoa vì Tập Cận Bình đã chi phối được những người thân cận của Putin qua những món cho vay ưu đãi và hợp đồng dầu khí. Sự kiện Bộ trưởng Kinh tế Nga, Alexei Ouloukaiev bất ngờ bị bắt giam và truy tố giữa tháng 11 vì tội tham nhũng đang nêu lên nhiều thắc mắc. Tuy nhiên dù sao Nga vẫn cần Trung Hoa khi quan hệ giữa Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ngày càng bế tắc vì những cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria. (Chiến tranh Syria cũng đã đưa tới tình trạng Rosatom phải ngừng dự án xây nhà máy điện hạt nhân Akkuyu tại Thổ nhĩ Kỳ).
Động thái xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Nga, nổi bật với lời tuyên bố ngày 5/09/2016 của Putin ủng hộ lập trường Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực The Hague trong vụ kiện biển đảo của Phi Luật Tân, cùng với cuộc tập trận Nga-Trung Quốc một tuần lễ sau đó tại Biển Đông, có lẽ đã là một cơn Tsunami nhỏ rung chuyển nền móng dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Trung Hoa
Dữ liệu cuối tháng 7/ 2016 từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế nước này vẫn còn trong tình trạng ảm đạm. Thêm vào đó là vấn đề nan giải môi trường bị tàn phá, ô nhiễm nghiêm trọng, sau nhiều thập kỷ chỉ lo chú trọng tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Theo tổ chức Greenpeace East Asia vào cuối năm 2015, hơn 80% trong 367 thành phố Trung Quốc có chỉ số đo chất lượng không khí ở mức không an toàn. Cuối quý 3 năm 2016, 30% tổng số thành phố có chỉ số đo trầm trọng hơn năm trước.
Những điểm then chốt trong chương trình đối phó với kinh tế xuống cấp và ô nhiễm không khí và môi trường nước của Trung Quốc là xuất cảng những công nghệ ô nhiễm, nhất là những lò luyện thép, và triển khai vũ bão ngành xây nhà máy điện hạt nhân.
Tham vọng trở thành một cường quốc năng lượng hạt nhân này bị chính một nhà vật lý hạt nhân Trung Quốc, ông He Zuoxiu, chống đối kịch liệt, vì lý do thiếu an toàn, có nhiều khả năng gây thảm họa.
Theo tờ The Guardian ngày 25/05/2015, He Zuoxiu, một đảng viên Cộng sản, thành viên hàng đầu của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, một người với nhiều kinh nghiệm làm việc trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, đã lên án chương trình tham lam của Trung quốc là điên rồ:(9)
"Kế hoạch mở rộng nhanh chóng ngành xây dựng các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc là điên rồ vì không đầu tư đủ vào phần kiểm soát an toàn. Đề xuất xây các nhà máy nội địa đặc biệt nguy hiểm vì nếu có tai nạn xảy ra thì có thể làm ô nhiễm hệ thống sông ngòi cung cấp nước cho hàng trăm triệu người sống đồng thời làm nhiễm xạ nước ngầm trong một vùng đất nông nghiệp quan trọng rộng lớn.
Đây là một vấn đề liên quan đến tham nhũng, khả năng quản lý yếu kém và khả năng quyết định tồi tệ."
Với tờ Japan Times, He Zuoxiu nhận định
"Nhật Bản đã cố gắng học hỏi rất lâu từ Hoa Kỳ và Liên Xô, đã có khả năng về công nghệ và quản lý tốt hơn (Trung Hoa) mà còn không tránh được thảm họa..."
Chính phủ Trung Quốc đang rất lo ngại sự phản đối những nhà máy điện hạt nhân có thể trở thành một phong trào toàn quốc sau khi hàng ngàn người đã xuống đường vào đầu tháng 8/ 2016 để phản đối dự án 15 tỷ Mỹ kim xây nhà máy xử lý chất thải hạt nhân tại Lianyungang/ Jiangsu (Liên Vân Cảng/ Giang tô) dẫn đến chính quyền phải thông báo ngừng dự án. Trước đó, năm 2013 dự án nhà máy điện hạt nhân Pengzi/ Guangdong cũng bị ngưng sau những cuộc biểu tình tại Jiangxi và Anhui (Giang tô và An Huy).
Người dân Trung Hoa chưa thể quên vụ nổ hóa chất kinh hoàng ở Tianjin (Thiên Tân) tháng 8/2015 mà lý do là xao nhãng nhiệm vụ, lạm dụng chức vụ và hối lộ của các quan chức và nhà điều hành, vụ lở đất tháng 12/2015 tại một khu công nghiệp thành phố Shenzen/ Guangdong (Thâm Quyến/ Quảng Đông) làm 33 tòa nhà bị đổ sập vì lỗi công nghiệp.
Vụ sập tháp giải nhiệt nhà máy điện tại thành phố Fengcheng/ Jiangxi tháng 11/2016 vừa qua càng làm dân chúng lo lắng về khả năng bảo đảm an toàn của công nghệ Trung Hoa và họ cho rằng một đất nước mà không đảm bảo nổi an toàn của sữa và các thực phẩm thì làm sao có thể được tin cậy để vận hành nhà máy hạt nhân?
Việt Nam
Tuyên bố ngưng dự án điện hạt nhân, rồi sao nữa?
Ngưng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một quyết định thông minh, nhưng lời tuyên bố phải được chính phủ Việt Nam thực hiện một cách đứng đắn với những bước tiếp theo rõ ràng, mạch lạc.
Người dân cũng phải thay đổi thái độ. Không chỉ than vãn, khen chê theo cảm tính, mà phải tìm cách học hỏi để có thêm hiểu biết và chú ý theo dõi, giám sát việc làm của chính phủ, dù chính phủ muốn hay không.
Vì vậy, lời tuyên bố ngưng dự án điện hạt nhân phải đưa đến những thắc mắc, câu hỏi thí dụ như
- Hợp đồng ký kết với Nga (hay Nhật) ràng buộc Việt Nam như thế nào?
- Chương trình giải quyết vấn đề bao giờ được thảo luận?
- Chính phủ VN có quyền quyết định mọi thỏa thuận với Rosatom hay phải thông qua quốc hội?
- Vùng đất/ biển Ninh Thuận giao trắng cho Rosatom rào lại suốt 7 năm qua bao giờ trả lại cho Việt Nam?
Qua bài học thảm hoạ Formosa, ai là người có bổn phận và khả năng kiểm soát vùng đất và biển này hoàn toàn không ô nhiễm phóng xạ? không có rác thải phóng xạ?
- …v.v….
Những quyết định liên quan đến sự tồn vong của dân tộc như bảo vệ môi sinh, (không khí, đất và biển), thuộc quyền và cũng là bổn phận của toàn dân. Không chính phủ nào được tùy tiện đưa ra như một ban bố hay bắt buộc.
__________________________________________
Chú thích:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét