Danoan2012 (Danlambao) - Khi vừa tạm cư ở San Diego, cô đã tiếp tục dấn thân vào con đường tranh đấu chống áp bức, đòi công lý, đòi quyền làm người cho Dân Oan. Cô đã tham gia nhiều cuộc biểu tình, nhiều buổi vận động cho nhân quyền, cho công lý tổ chức tại Little Saigon.
Hiện cô đang trên đường đến Đông Timor, xứ Nam Dương, làm “Sứ giả của Dân Oan”, tham dự Diễn Đàn của Người Dân toàn vùng Đông Nam Á, Asean People’s Forum 2016, tổ chức tại Đông Timor trong đầu tuần tháng 8.
Chuyến đi này được sự vận động và bảo trợ của tổ chức BPSOS có trụ sở tại:
6066 Leesburg Pike, Suite #100,
Falls Church, VA 22041
Ph: (703) 538-2190 Fax: (703) 538-2191 info@bpsos.org
Mục đích của nó, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS, cho biết:
“Chuyến đi Đông Timor của cô Kim Thu sắp đến là bước đầu tiên trên hành trình kêu gọi quốc tế nhập cuộc và áp lực chính quyền Việt Nam phải tuân thủ những quy tắc tổng quát về công lý và công bằng trong lĩnh vực quyền sử dụng hay sở hữu đất và tài sản của công dân. Đồng thời dân oan còn cần mở ra mặt trận pháp lý để đòi hỏi chính quyền các cấp tuân thủ luật quốc gia, luật quốc tế, và các cam kết quốc tế.”
Hội nghị này được tổ chức hàng năm dành cho người dân của 11 quốc gia vùng Đông Nam Á, là diễn đàn để trình bày những nguyện vọng hay nỗi oan ức của mình. Đặc biệt năm nay là năm đầu tiên tiếng nói của “Dân Oan” được chính thức đưa vào nghị trình. Tại diễn đàn, cô sẽ là người phát biểu, trưng bày hình ảnh, video clips cũng như gặp gỡ nhiều nhân vật có tiếng khắp, nơi để trình bày về vấn nạn Dân Oan Việt Nam cho toàn thế giới hiểu nỗi thống khổ của người dân sống dưới chế độ cộng sản, khi mà quyền quản lý đất đai nằm trong tay của đảng cầm quyền.
Nguyện vọng chính của cô cũng như hầu hết các Dân Oan là muốn có quyền tư hữu.
Kính mong quý đồng hương ủng hộ và chúc phúc cho cô thành công trong sứ mạng làm “Sứ Giả của Dân Oan”.
Và đây là bài diễn văn cô sẽ đọc ở diễn đàn:
1. Giới thiệu về mình (1’):
Tôi là Lê Thị Kim Thu, một trong những “dân oan” đã bỏ hết tuổi thanh xuân đi đòi công lý. Tôi đã bị 3 lần tù, 22 lần bắt thả, nhiều lần đem đấu tố, và nhiều lần bị an ninh mời làm việc. Ngoài những lần bị áp bức tù đày kể trên, tôi còn bị những sách nhiễu trong cuộc sống trong một cuộc hành trình đi thưa kiện 27 năm tại Việt Nam.
Xin giải thích vắn tắt tại sao tôi gọi mình là “dân oan” vì “dân oan” là những người có nhà đất “bị cướp” bởi chính quyền và bắt buộc họ phải đi thưa kiện. Tuy nhiên, họ không những không được nhà cầm quyền giải quyết vấn đề, mà còn bị đánh đập, tra tấn, sách nhiễu, và tù đày.
2. Chính sách quyền sở hữu và quyền chiếm đoạt đất đai (3’):
Theo luật sở hữu đất đai ở Việt Nam, chính phủ VN có thể chiếm đoạt đất đai từ người dân bất cứ lúc nào cho việc phát triển quốc phòng hay là kinh tế. Luật này cho phép các chính quyền địa phương tại nhiều tỉnh hay thành phố trục xuất người dân ra khỏi đất của họ và lấy đi những đất đai đã chiếm được để làm những dự án gọi là phát triển địa phương với những nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vào những năm 1980, Cộng Sản Việt Nam đã chia đất cho những người làm nông. Tuy nhiên, đất đai vẫn thuộc về chính phủ, và những nông dân chỉ có quyền trồng trọt trong một thời gian nào đó thôi (nhiều nhất là trong vòng 30 năm).
Trong quá trình thay đổi và phát triển kinh tế, đất đai đã trở thành một nhu cầu cấp bách cho những dự án để xây dựng công xưởng, nhà ở, nhà nghỉ mát, v.v... Thế là các chính quyền địa phương lần lượt tước đoạt những vùng nông trại lớn từ những nông dân để bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện những dự án này. Từ đó, việc cưỡng chiếm đất đai đã xảy ra khắp mọi nơi từ Nam đến Bắc ở VN.
Chính phủ đã lấy cớ vì công trình trọng điểm quốc gia nên trưng dụng nhà đất của dân mà không trả, hoặc không đền bù, hoặc không cho tái định cư. Chính phủ cũng mượn cớ đất đã quy hoạch nên cưỡng ép mua lại giá rẻ mạt, hoặc đền bù không xứng đáng, rồi cùng các đại gia và công ty nước ngoài chia nhau giá chênh lệch và lợi nhuận.
Khi bị cướp đất, những “dân oan” bắt đầu bước vào cuộc hành trình đi thưa kiện để phải gánh những gian truân.
Ngoài những thủ tục rườm rà phức tạp khi làm giấy tờ thưa kiện, “dân oan” còn bị những vụ trả thù hèn hạ, đánh đập, tù đày, nếu kiện đúng đích danh cũng như va chạm vào quyền lợi của các cán bộ cầm quyền!
Cuộc sống của “dân oan” sẽ bị phong toả, gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Hầu hết họ không có nguồn thu nhập, không công ăn việc làm, nên phải tha phương cầu thực. Tệ hơn nữa, họ thường hay bị kết tội với những bản án nặng nề như: “Gây rối trật tự công cộng”; “Tuyên truyền chống phá nhà nước VN”; hoặc “Cấu kết với phản động lưu vong nước ngoài, phá hoại an ninh quốc gia”. Vì vậy, mà đã có rất nhiều “dân oan” bị ở tù oan.
3. Ví dụ dẫn chứng (1’):
Xin chia sẻ một trường hợp điển hình của cá nhân tôi. Gia đình tôi đã bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cướp trắng đất 3 lần, và cả 3 vụ kiện đều không được giải quyết cho đến nay.
Lần thứ 1: chính quyền địa phương đã cướp trên 20,000m2 đất mà không có quyết định thu hồi, không đền bù, không tái định cư, không cho lại được miếng đất nhỏ để ở, ngoài những lời hứa suông. Đất bị cướp chỉ dùng một phần nhỏ để mở con đường, phần lớn còn lại chia chát cho các đảng viên, lớp ở lớp bán.
Lần thứ 2: Một ông công an về hưu đã cấu kết với chính quyền địa phương, cố tình cướp trắng 1,000m2 đất ở của tôi nhưng không chiếm được. Tuy nhiên, lợi dụng lúc tôi ngồi tù, ông ta đã xây nhiều bức tường bao quanh lấn chiếm phạm pháp khoảng hơn 300m2 đất.
Lần thứ ba: Một ông cán bộ, đội trưởng Đội Thi Hành Án, lợi dụng chức vụ, quyền hạn và thế lực cướp khoảng 500m2 đất khác của tôi. Đất bị cướp, bán một phần, còn lại xây biệt thự mà không ai dám đụng đến.
4. Kêu gọi sự giúp đỡ (1’):
Thay mặt cho nhóm “dân oan” Việt Nam, tôi tha thiết kêu gọi các tổ chức nhân quyền những ai quan tâm đến các sắc dân bản địa, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền gìn giữ môi sinh, quyền sở hữu tài sản, v.v..., hãy cùng nhập cuộc và yểm trợ phong trào “dân oan”.
Chúng tôi mong mỏi có thể được làm việc và hợp tác với những nhóm đang tranh đấu cho những nạn nhân bị cướp đất để không chỉ tạo nên phong trào “dân oan” ở Việt Nam mà toàn vùng Đông Nam Á.
Chúng ta có thể có những cuộc họp riêng để bàn thêm chi tiết nếu quý vị muốn cùng chúng tôi trên con đường tranh đấu này.
Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét