7/7/16

Đông Yên - Formosa Vũng Áng; những hiện thực từ lịch sử đến hiện tại (Phần II)

Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Chúng tôi tìm hiểu cội nguồn của sự việc các em không được tới trường thì được biết rằng Hiệu Trưởng trường THCS Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh nói với các bậc phụ huynh cho biết lý do các em học sinh không được đến trường bởi vì danh sách của các em đã chuyển đến chỗ tái định cư mới của người dân Đông Yên – xã Kỳ Lợi cách chỗ ở hiện tại khoảng 30 km.

Và đây là lệnh của cấp trên buộc nhà trường phải làm theo. Trường hiện tại ở địa phương cách khu quần cư chỉ khoảng độ 1 km, trẻ nhỏ có thể đi học thuận tiện. Trường này có 6 phòng học để trống do thiếu học sinh ghi danh đến trường, trong khi đó 155 học sinh bị nhà cầm quyền không cho cắp sách đến trường diễn ra đã hai năm qua.

Cũng vì tất cả dành cho dự án Formosa vô cùng "vĩ đại" nên nhà cầm quyền quyết tâm tìm mọi cách để đẩy dân làng Đông Yên đi nơi khác.

Người dân lo lắng cho cái chữ cái nghĩa của con em mình nên họ đã sáng tạo nhiều cách thức khác nhau để đem đến con chữ cho thế hệ sau. Thế nhưng cái nghiệp chữ nghĩa của thế hệ tương lai làng Đông Yên sao mà lắm điêu linh. Đời ông, đời cha đã chịu biết bao đau thường, giờ đây tiếp tục đến đời các em ư?.

Một người dân địa phương cho biết: "Đầu năm học 09/2015 các anh chị lớp 12 dạy bổ túc cho học sinh cấp 1 và cấp 2 tại các nhà trong làng quê này. Vậy nhưng chính quyền tại đây lại cho rằng dạy học bất hợp pháp và ngăn cấm việc dạy học tự nguyện của anh chị lớn tuổi cho các em không được đến trường".

"Không những thế, công an còn đến quấy phá các lớp học này, gởi giấy triệu tập."

"Anh dạy em học, chị dạy em học để xóa nạn mù chữ vậy mà bây giờ chính quyền hà tĩnh cũng không cho. Mấy hôm nay công an nó về cấm không cho anh chị dạy các em học. Họ gửi thư mời, gửi giấy triệu tập đến các anh chị này, nó cấm không cho dạy, nó nói dạy vậy là bất hợp pháp là bị phạm pháp luật nếu tiếp tục dạy sẽ bắt. Và cuối cùng thì các em cũng không được học". Một bạn trẻ chia sẻ.

Người dân ở đây cũng rất cảm kích những tấm lòng của các thầy cô giáo đã nặng lòng với các em học sinh không được học ở trường. Chuyện về cô giáo Hải Đường cũng được nhắc tới trong câu chuyện giáo dục.

Cô giáo Phan Thị Hải Đường, sinh năm 1986, quê ở tận Đô Lương, một huyện miền núi, Nghệ An, tốt nghiệp khoa Anh văn, trường CĐSP Nghệ An. Cô đã từng đi dạy hợp đồng nhưng rồi thất nghiệp. Nghe tin ở Đông Yên xa xôi đã 2 năm rồi có 155 em học sinh đang muốn học, với tấm lòng của một người giáo viên đem con chữ đến cho học sinh, cô giáo này đã đến đây phụ giúp. Phụ huynh đã mở các lớp học để nhờ cô giúp con em họ. 

Thế nhưng mà các thầy cô kèm cặp, bày vẽ cho các em học chữ ở đây luôn phải nơm nớp lo âu vì bị công an xã liên tục gửi giấy triệu tập. Để có được các buổi dạy học cho các em học sinh mà các bậc phụ huynh phải bảo vệ ngoài cửa cho các em học ở trong nhà và hết sức giữ bí mật vì sợ công an đuổi các giáo viên về thì các em không được học nữa.

Ngày xưa cộng sản có những lớp bình dân học vụ rất suôn sẻ, được tuyên truyền do bị Thực dân Pháp thực hiện chính sách mù chữ để dễ bề cai trị. Ngày nay các em học sinh không được đến trường thì có các thầy cô tâm huyết với nghề và các anh chị lớn tuổi hơn phổ cập chương trình lại cấm đoán họ là sao?

Có lẽ bất cứ ai có trái tim thổn thức vì trẻ thơ đều đau xót trước những mong ước tưởng chừng là tự nhiên của các em mà lại không được thực hiện do bởi cái cơ chế tạo nên.

Có lẽ ánh mắt ám ảnh của những đứa trẻ tại Đông Yên mà chúng ta nhìn thấy trực diện hay trên những khuôn hình sẽ ám ảnh về một câu hỏi đầy hờn trách thế hệ đi trước đã khiến cho các em bị muộn màng và bỏ lỡ nhiều kiến thức học đường.

Đông Yên, một làng chài ven biển và biển lớn cận kề với cuộc sống của các em, mở mắt là thấy biển, tương lai của các em liệu có vươn tầm ra tới đại dương mênh mông để kết nối với thế giới của tri thức, tự do và quyền con người được tôn trong hay không trong khi các em lại bị cản trở con đường học tập ngay trên chính quê hương của mình?

07.07.2016


0 nhận xét:

Đăng nhận xét