Nguyễn Lương Tuyền (Danlambao) - Khoảng đầu thập niên 70-80, Thượng tướng Trung Cộng Trì Hạo Điền - lúc đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng của TC đã tuyên bố Trung Hoa cần một khoảng không gian cho người dân của họ. Họ Trì là người chủ trương phải có chiến tranh với Mỹ và Tây Phương trong công cuộc tìm "một khoảng không gian cho người Tàu". Thực sự, hiện nay người Tàu đã có mặt tại khắp mọi nơi trên thế giới, từ những nước hẻo lánh ở Phi Châu cho đến những nước kỹ nghệ tiền tiến tại khắp mọi nơi trên quả địa cầu. Mặc dầu với chính sách "một gia đình, một con" dân số Trung Hoa vẫn tăng vọt. Hiện nay chế độ này đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh bãi bỏ. Người ta chờ đợi bước tăng nhảy vọt của dân số Trung Hoa tại lục địa trong một tương lai gần. TC cố xuất cảng người sang các nước Phi Châu nhưng không thành công vì phản ứng của các dân tộc sở tại.
Lúc còn sinh tiền, Mao Trạch Đông tuyên bố thẳng thừng là Tàu không sợ chiến tranh nguyên tử với Mỹ (mà Mao gọi là con hổ giấy) và Tây Phương. Lý do là sau chiến tranh nguyên tử, dân Tàu vẫn còn sống sót vài chục triệu người, đủ để làm bá chủ thế giới.
Chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ 21, nhưng hiện tượng nước lớn chiếm đóng nước nhỏ, tận diệt dân chúng của các nước đó bằng mọi thủ đoạn tàn bạo trong đó có việc đem dân Tàu sang lập nghiệp thật đông đảo, khiến dân tộc sở tại biến thành thiểu số trên chính quê hương của mình. Ngoài ra Tàu Cộng còn hủy diệt văn hóa của dân bị trị. Thí dụ: TC đã phá hủy ngôi đền nổi tiếng Larang Gar ở thủ đô Lassan, Tây Tạng vào ngày 20/7/ 2016. TC bỏ ngoài tai những lời kêu gọi: đừng phá hủy ngôi đền này của toàn thế giới. Ngôi đền này tượng trưng cho văn hóa của Tây Tạng.
Học viện Phật Giáo Larung Gar
Tại Tân Cương, dân Duy Ngô Nhĩ, gốc Hồi Giáo, dưới sự cai trị bằng bàn tay sắt của người Tàu, nay đã giảm thiểu rõ rệt. Trung Hoa, dưới thời nhà Thanh, đã chiếm đóng Tần Cương vào năm 1821. Năm 1949, người Hán ở Tân Cương chỉ chiếm 7% dân số. Hiện nay dân Hán ở Tân Cương là 40%.
Tương tự, ở Ngoại Mông, dân số ở đây cũng giảm thiểu nhiều dưới chủ trương ''trường kỳ diệt chủng'' của người Hán.
Viễn tượng một cuộc diệt chủng tộc Việt bởi người Hán sau khi Trung Hoa biến Việt Nam thành một Đặc Khu của Trung Hoa như Tân Cương, Tây Tạng... đang làm người Việt tại khắp mọi nơi thấp thỏm lo sợ cho tương lai của dân tộc.
Việc giao thiệp giữa Việt Nam và Trung Hoa từ xưa tới giờ
Xin nói ngay, từ xưa tới nay, Trung Hoa luôn luôn có ý định chiếm nước Việt, sát nhập vào nước Đại Hán. Điều này nằm trong bản tính của người Hán. Đó là thôn tính các nước nhỏ chung quanh.
VN có mặt hàng vạn năm trước Công Nguyên (CN). Còn nếu tính từ thời kỳ các cơ cấu nhà nước được hình thành thì mới khoảng 700 năm trước CN. Đó là nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng, được nhiều người ghi nhận ra là một quốc gia có tổ chức đầu tiên của người Việt với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên.
Theo một số sách cổ sử, các tộc người Việt (cả thảy là 100 nhóm nên được gọi là Bách Việt) lập quốc lần đầu ở Lĩnh Nam, bao gồm một giải đất rộng lớn ở phía Nam sông Trường Giang, tức sông Dương Tử, bên Trung Hoa, đến vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã ở Miền Bắc VN. Truyền thuyết cho biết nhà nước của các nhóm Bách Việt được hình thành từ năm 2879 trước CN tại vùng Động Đình Hồ (Hồ Nam, Trung Hoa ngày nay). Các biến động trong nước Tàu vào thời kỳ này, khiến các nhóm Bách Việt bị tan rã và bị đồng hóa. Đến thế kỷ 1 trước CN, các nhà nước Việt đều bị người Hán thôn tính. Chỉ còn duy nhất một nhóm đến lập nghiệp ở châu thổ sông Hồng để rồi chống trả thành công các cuộc trường chinh xuống phía Nam của người Hán, lập nên nước Việt ngày nay.
Nước Văn Lang lúc mới thành lập, năm 500 trước Công Nguyên (nguồn Internet)
Từ hồi lập quốc tới bây giờ, VN luôn luôn phải đối đầu với người Hán. VN đã bị người Tàu đô hộ rất nhiều lần. Lần đô hộ lâu nhất đã kéo dài hơn 1000 năm, nhưng người Tàu đã thất bại trong việc đồng hóa dân Việt. Văn hóa Trung Hoa đã xâm nhập vào đời sống của người Việt, nhưng biến dân Việt thành người Tàu thì không thể được. Trong những năm bị Tàu chiếm đóng, dân Việt luôn luôn nổi dậy đánh đuổi thành công người Tàu ra khỏi nước Việt Nam.
Người Tàu luôn luôn nuôi ý định chinh phục các nước nhỏ ở chung quanh
Tháng 9/1959, tại Hội nghị Quân ủy Trung ương, Mao Trạch Đông đã tuyên bố: chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta.
Năm 1954, sau khi đã chiếm được cả nước Tàu, đánh đuổi Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan, Mao Trạch Đông đã tuyên bố: vì các triều đại vua Tàu, điển hình là nhà Mãn Thanh quá yếu nên các cường quốc đã xâu xé nước Trung Hoa: Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã chiếm đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận; Anh chiếm Hồng Kông, Miến Điện, Butan và Nepal; Pháp chiếm An Nam, Bồ Đào Nha chiếm Ma Cao. An Nam là tên gọi nước Việt Nam, mà theo TC, là một phần của nước Tàu. TC cho vẽ lại bản đồ nước Tàu vào năm 1954. Trong bản đồ này, đế quốc Trung Hoa bao gồm cả Việt, Miên, Lào, Thái Lan...
Bản đồ nước Tàu in năm 1954 bởi Trung Cộng.
(đường chấm là biên giới của Trung Hoa do TC vẽ)
Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản VN: những kẻ đã toa rập, dâng hiến đất nước cho Tàu để thực hiện mộng "làm đỏ" dân Việt
Pháp thuộc là giai đoạn lịch sử kéo dài 61 năm, bắt đầu từ năm 1884 khi Pháp ép Triều Đình Huế phải nhận sự bảo hộ của Pháp cho mãi tới năm 1945, là năm Pháp mất quyền cai trị ở Đông Dương khi Thế Giới Đại Chiến thứ 2 nổ ra. Pháp đại bại trước sức tiến của Đức Quốc Xã.
Nhiều tài liệu khác cho rằng thời kỳ Pháp thuộc phải được tính từ năm 1867 là thời điểm Nam Kỳ Lục Tỉnh bị Nhà Nguyễn cắt nhượng cho Pháp. Pháp luôn luôn nuôi tham vọng trở lại Đông Dương. Với sự thông đồng của Hồ Chí Minh, lúc đó đang đứng đầu Chính Phủ Liên Hiệp, Quân Pháp trở lại VN.
Chiến tranh chống Pháp luôn luôn được dân Việt phát động với mục đích dành lại độc lập. Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản của ông ta, sau thời kỳ hòa hoãn với quân Pháp lúc đầu để họ rảnh tay tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia, đã độc quyền lãnh đạo, độc quyền điều khiển cuộc kháng chiến chống lại sự đô hộ của Pháp.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Hồ Chí Minh phát động cuộc Toàn Quốc Kháng Chiến, kêu gọi toàn dân chống lại quân Pháp. Đó là Cuộc Chiến Tranh Đông Dương số 1 giữa quân Pháp và dân Việt. Gọi đây là một cuộc kháng chiến của toàn dân vì rất nhiều người quốc gia không Cộng Sản đã gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Cuộc chiến với quân Pháp tại thành phố Hà Nội hoàn toàn do các Tự Vệ Thành của Hà Nội phát động, điều khiển. Các Tự Vệ Thành là các thanh niên trí thức tiểu tư sản của Hà Thành. Họ đã cầm chân quân Pháp trong gần 2 tháng, đủ thời gian để dân quân của Hà Nội rút ra khỏi thành phố. Các Tự Vệ Thành, sau này tập họp lại thành Trung Đoàn Thủ Đô, rồi biến cải thành Trung Đoàn Tây Tiến. Nhà thơ Quang Dũng là một thành viên của Trung Đoàn này.
Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc
...........................................................
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến, thơ Quang Dũng)
Đảng CSVN độc quyền lãnh đạo cuộc "kháng chiến chống quân Pháp". Chiến tranh Đông Dương chấm dứt năm 1954. CSVN chiếm được 1/2 đất nước kể từ Bắc Vĩ Tuyến 17. Người quốc gia dắt díu nhau về phần 1/2 quê hương, ở phía Nam của vĩ tuyến 17.
Sự liên hệ mật thiết của CS Trung Hoa với CSVN và Hồ Chí Minh được bắt đầu ngay từ lúc Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông ta nhận được viện trợ từ tay Trung Cộng của Mao Trạch Đông.
Năm 1949, Mao Trạch Đông và đảng Cộng Sản Trung Hoa hoàn toàn chiếm lãnh nước Tàu. Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch phải bỏ lục địa sang cố thủ ở Đảo Đài Loan. Biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa được rộng mở sau chiến thắng của Mao Trạch Đông. Người Pháp đã ý thức được sự hậu thuẫn của thế giới CS đối với đám CSVN của Hồ Chí Minh và các đồng chí của Hồ, cũng như những khó khăn của quân Pháp trong những ngày tháng sau đó.
Hồ Chí Minh đã sang Tàu để cầu viện nhiều lần kể từ năm 49-50:
- Sau khi thành lập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (VNCMĐMH) gọi tắt là Việt Minh (VM) vào năm 1941, cướp được chánh quyền vào năm 1945, Hồ Chí Minh đã bí mật sang Quảng Tây (Tàu) ngày 16/1/1950 để cầu viện TC. Chắc chắn Hồ đã thương lượng việc bán nước cho TC. Vì vậy tháng 10/1953, Chánh Vụ Viện tức Quốc Hội của TC đã chánh thức đổi tên Ải Nam Quan thành Mục Nam Quan.
- Hồ Chí Minh đã gặp Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai nhiều lần, khi thì bí mật khi thì công khai, thương thảo để nhận được viện trợ đến từ Tàu cũng như ký các hiệp định bán nước Việt cho Tàu.
Ngay từ năm 49-50, các cố vấn Tàu đã có mặt ở VN. Trận Biên Giới, năm 49-50 được tướng Tàu là Trần Canh thiết kế và điều động đã gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Sau khi Trần Canh phải về Tàu làm phó cho Bành Đức Hoài trong chiến tranh Cao Ly, đối đầu với Mỹ và Đồng Minh, một phái đoàn cố vấn gồm Vi Quốc Thanh (đứng đầu phía quân sự), Lã Quí Ba (đứng đầu nhóm dân sự) để cố vấn cho CSVN về mọi phương diện hành chánh cũng như quân sự. Do đó CSVN đã điều hành, cai trị dân tại các "vùng giải phóng" hoàn toàn rập theo khuôn Trung Cộng: các chiến dịch như Cải Cách Ruộng Đất, Rèn Cán Chỉ Quân, Phong Trào Tam Phản, Đấu Tố... đều được phỏng theo các chiến dịch cùng tên ở bên Tàu.
Trận đánh nổi tiếng Điện Biên Phủ là do các cố vấn Tàu Cộng chỉ huy đã đánh bại quân Pháp để đưa đến Hội Nghị Genève, chấm dứt chiến tranh Đông Dương thứ nhất. Điều này đã đưa đến việc chia cắt đất nước ở Vĩ Tuyến 17 vào ngày 20/7/1954.
CS Bắc Việt càng ngày càng lộ rõ việc bán nước cho Tàu. Năm 1956, Ung Văn Khiêm đã tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc về Trung Quốc. Công hàm của Thủ Tướng VNCS Phạm Văn Đồng công nhận quyền sở hữu của TC đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1974, khi Hải Quân của TC đánh chiếm Hoàng Sa, CS Bắc Việt đã im lặng. Hoàng Tùng, Ủy viên Trung ương đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân lại tuyên bố: "thà để Trung Quốc quản lý (Hoàng Sa) còn hơn là để đảo này vào tay bọn Ngụy phản động. Khi nào ta muốn, Trung Quốc sẽ trả lại ta." Thực là một ý tưởng ngây thơ đến độ ngu đần!
Từ năm 1959, sau khi bắt đầu cuộc chiến xâm lăng miền Nam trên mọi lãnh vực: quân sự, kinh tế, chính trị... CS Việt Nam đã nhận được rất nhiều viện trợ đế từ TC. Có lúc 300000 quân TC đã có mặt tại Bắc Việt, đề phòng Quân Mỹ và quân đội VNCH đánh ra Bắc.
Sự rạn nứt giữa 2 nước CS "anh em" chỉ bắt đầu sau khi CSVN chiếm được toàn Việt Nam. Cao điểm của việc tranh chấp này là cuộc chiến biên giới vào năm 1979 và những cuộc đụng độ tiếp theo ở biên giới và ở trên biển. Kết quả là VN mất một số đất đai ở biên giới kể cả Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, núi Lão Sơn - một địa điểm chiến lược ở vùng biên giới v.v... VN cũng mất thêm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mất đảo Gạc Ma là một bi thảm có một không hai: Bộ trưởng QP của CSVN là tướng Lê Đức Anh đã ra lệnh cho các người lính trên đảo không được chống cự. Quân Tàu đã hạ sát các người lính VN, gần 1 đại đội, Lính Tàu đã bắn các người lính VN như bắn bia.
Khi CS sụp đổ ở Nga, ở Đông Âu, các lãnh tụ CSVN - để bảo vệ chế độ như nguyên Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố: "thà mất nước chứ không mất Đảng" - đã quyết định hàng phục kẻ thù truyền kiếp Trung Cộng. Hiệp ước Thành Đô ký năm 1991 giữa các lãnh đạo của 2 nước chắc chắn là một hiệp ước bán nước. CSVN cố dấu kín nội dung của Hiệp Ước nhưng những "rò rỉ"' đã hé lộ nội dung bán nước của hiệp ước này.
Cuộc chiến biên giới năm 1979 đã cho TC một bài học về sức mạnh quân sự của họ. Họ cũng hiểu rõ ở thế kỷ này chuyện xâm lăng 1 nước láng giềng bằng các phương tiện quân sự việc "không có thể xảy ra được". TC ra sức canh tân quân đội song song với các phát triển về kinh tế. TC đổi chiến lược đối với VN, thay vì dùng quân sự, TC dùng các phương tiện khác để chinh phục Việt Nam.
TC đang tiến chiếm Việt Nam bằng các phương tiện phi quân sự trên bốn (4) mặt:
- Phía Đông, Hải Quân của TC đã chiếm cứ hoàn toàn biển Đông. VN chỉ còn một vùng biển hẹp ở bờ biển. Chất độc do các công ty Tàu thải ra Biển Đông cộng với các ngăn cấm của Hải quân TC, ngư nghiệp của VN đang bị tiêu diệt. Hàng triệu cư dân ở vùng ven biển trở nên thất nghiệp trong một sớm một chiều.
- Phía Tây, các đập nước ở thượng nguồn của sông Cửu Long, nằm sâu trong đất Tàu, có thể làm thay đổi lưu lượng nước ở hạ nguồn của sông Cửu Long khiến Miền Nam của VN bị hạn hán triền miên. Mùa màng ở vùng châu thổ của Miền Nam VN bị ảnh hưởng xấu, tai hại nặng nề. Người ta đã thấy ở một vài nơi ở Miền Nam, nạn đói đang hăm dọa người dân. Vì hạn hán ở hệ thống sông Cửu Long, nước biển mặn đã tràn vào đồng bằng Miền Nam. Có nơi bị hóa mặn trên một diện tích rộng hàng chục cây số, vào sâu trong đất liền. Việc trồng trọt bị ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ hết.
- Di dân Tàu, vì lý do vào VN không cần Visa, đang tràn ngập VN. Các đặc khu Tàu mọc lên như nấm. Người Việt cũng như công an Việt không được héo lánh đến các đặc khu này. Vùng Cao Nguyên đầy người Tàu làm việc trong các cơ sở Tàu khai thác Bauxít. Có người cho rằng đó là các lính TC trá hình. Không ai kiểm soát được.
Bản đồ về sự hiện diện của người Tàu trên toàn lãnh thổ VN (nguồn Internet)
Kinh tế của VN hoàn toàn bị TC khống chế. Hàng TC, hàng độc từ TC hoàn toàn chi phối VN (hơn 90%). Các công trình xây cất, các hãng kỹ nghệ đều do người Tàu trúng thầu, làm chủ. Tóm lại về kinh tế VN đang thở bằng "buồng phổi" của Tàu.
Về chính trị, CSVN hoàn toàn bị TC chi phối, điều hành. Các lãnh đạo CSVN hay phải sang Tàu trình diện, xin ý kiến.
Kết luận
Không cần tới giải pháp quân sự, TC đã thành công trong công cuộc chiếm đóng VN. Các lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam đã tiếp tay cho quan thầy Trung Cộng trong việc biến đất nước thành một đặc khu của Tàu. Lịch sử của dân tộc sẽ nghiêm khắc lên án các tên CS tại Hà Nội là một tập đoàn bán nước có một không hai trong lịch sử Việt Nam.
27.10.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét