Lê Bá Vận (Danlambao) - “Dậy! Dậy! Dậy! Bên án một tiếng gà vừa gáy…” (Phan Bội Châu)
“Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy,
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng.
Xuân ơi xuân, xuân có biết hay chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng…”
(Phan Bội Châu 1867-1940 “Bài ca chúc tết thanh niên,1927”) (1)
Con gà Tết Đinh Dậu 2017 tiếng gáy đầu xuân, với tinh thần bài ca chúc tết thanh niên của cụ Phan Bội Châu, sẽ thức tỉnh thanh niên vùng đứng dậy, đạp đổ bình chuột, giải thoát thảm họa vong quốc diệt tộc, Việt sáp nhập Tàu, hai nước làm một, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đường gầy dựng, các đời tổng bí thư vun đắp và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiện toàn.
*
- A, A! ông nội mới ra, ông nội ở Đà Nẵng mới ra! ông nội ra ăn Tết!
Mấy đứa con tôi chạy ùa ra sân tíu tít, đứa nắm tay ông nội, đứa giành cầm cái túi xách nhỏ.
Chú xe (đạp) ôm gỡ cái lẵng mây móc ở tay lái trao cho một đứa nhỏ, giơ tay nhận tiền xe ông cụ đưa trả rồi lên xe quay lui.
Đứa nhỏ cầm lúc lắc cái lẵng mây.
- Ủa, sao ông nội! giỏ gì mà nhẹ dữ vầy.
Một đứa banh lẵng nhìn vào.
- Trống trơn, không có gì trong giỏ. Giỏ không phải không, ông nội?
Nội xoa đầu đứa cháu, cười, chặc lưỡi:
- Có, có con gà trong giỏ, của bà nội.
- Con thấy gà đâu nào?
- Trên tàu ông nội làm sổng, gà bay mất rồi. Uổng quá!
Mấy cháu đem giỏ vào rửa, cất cho ông, mai ông đem về Đà Nẵng trả người ta.
Vừa lúc đó thì tôi cũng đi làm về, dựa xe đạp vào tường và khóa xe cẩn thận.
Mấy hôm nay trong cơ quan lu bu đợt tổng kết cuối năm, lập thành tích “Mừng Đảng Mừng Xuân”, hoàn thành nhiệm vụ, vượt chỉ tiêu học tập phấn đấu, sáng kiến cải tiến, thi đua bình bầu đạt các danh hiệu cao quí cá nhân, tập thể xuất sắc, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua…
*
Hôm đó là nhằm ngày 25 tết năm Tân Dậu, vài năm sau ngày miền Nam sụp đổ 30/4/1975.
Tôi và gia đình, vợ con sống tại Huế.
Trước năm 1975 tôi ở nhà công, góc đường Trưng Trắc (Hai Bà Trưng) và Nguyễn Huệ.
Đầu tháng 3/1975 Huế thất thủ, thành phố bỏ trống.
Nhà tôi đã chở con cái, lái xe hơi vào Đà Nẵng bốn ngày trước, có ông bà nội ở trong đó, nhà rộng, sát cạnh ga Đà Nẵng. Chú em, có gia đình thì nhà ở gần dưới phố.
Tôi cũng lái xe hơi rời Huế vừa vặn ngày trước chót, chở thêm một ít đồ đạc.
Cuối tháng 3/1975 thì đến lượt Đà Nẵng bỏ ngỏ. Cả gia đình tôi chạy thoát kịp vào Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975 gia đình tôi hụt di tản và khoảng một tháng sau trở về Đà Nẵng, rồi Huế.
Nhà cũ ở đường Trưng Trắc đã bị ban Quân quản thành phố niêm phong và có vẻ nhà trống, tất cả đồ đạc trong nhà đều dọn mất sạch.
Tôi cùng gia đình một người quen được giới thiệu thuê một ngôi nhà sát cạnh đó, khá rộng, chia nhau ở. Có một căn bếp riêng tách biệt thì chủ nhà tiếp tục cho gia đình một công nhân cũ của họ ở sẵn. Ông này làm tổ trưởng cho cả xóm.
*
- Ủa! ba ra tàu, đi có mệt không? Bà nội cũng thường chứ! Ba nghỉ chút rồi ăn cơm.
Mà nghe mấy đứa nhỏ nói có con gà gì đó bị sổng hay mất cắp phải không? Tôi hỏi.
Ba tôi nhắp một ngụm trà rồi thong thả kể:
- Bà nội (gọi theo mấy đứa cháu) mua một cặp gà trống họ đi bán dạo tuần trước.
Sáng nay bà nội bảo ba đi tàu, mang con gà lớn nhất ra cho mấy đứa cháu nội ăn Tết.
Mấy đứa cháu chụm lại chỏng tai nghe.
- Bà nội mượn cài lẵng mây bên hàng xóm, bỏ vừa vặn con gà vào trong lẵng để ông xách đi.
Bà dặn trên tàu coi chừng người ta ăn cắp gà, nhớ cho gà uống nước.
Ông nội đằng hắng, nói tiếp với tôi:
- Ba đi tàu cũng đông vừa thôi, lẵng mây để dưới sàn tàu ba luôn trông chừng.
Khi tàu đến Truồi thì con gà trong giỏ vùng vẫy đập cánh mạnh.
Ba xách giỏ lên lấy gà ra cho nó uống nước, cởi dây buộc 2 chân nó, định một lát buộc lại.
Đột nhiên tàu lắc, ba hơi chúi người và con gà vùng ra được, nhảy lên cửa sổ tàu, đứng vỗ cánh kêu quác quác.
Ba hơi mừng, nhờ người gần đó đến chụp lại thì nó bay vụt xuống đường.
Ông nội xoa đầu mấy đứa cháu.
- Vậy là Tết này mấy cháu mất ăn gà nhưng nghe ông dặn cả nhà không được nói cho bà nội biết chuyện mất gà. Bà nội có hỏi thì tụi bây nói ông có đem gà ra.
Mấy đứa cháu nhìn nhau, cười khúc khich. Bà vợ tôi xen vào:
- Thôi ba đừng nói chuyện gà mất nữa, ngoài này ngoài chợ cũng có.
Ở cơ quan của ba mấy đứa, Tết đến nhà nước có cho mua thêm tiêu chuẩn lương thực để ăn Tết. Không sợ thiếu.
Chuyện này thì có thật. Hồi đó cán bộ công nhân viên có tiêu chuẩn lương thực, quan trọng nhất là gạo, kèm bo bo bù vào, nấu trộn chung ăn cũng được, còn hơn không.
“Cán bộ công nhân viên thì ai cũng được phát nhu yếu phẩm hàng tháng với tiêu chuẩn giống nhau. Anh Văn, một nhân viên hành chánh cũ cùng với 1 cán bộ ở Bắc vào phụ trách việc này. Cứ mỗi tháng họ đi lãnh một số thịt và rau trái về để phân phối cho công nhân viên. Họ chia thành từng phần rồi bốc thăm. Ai cũng trông mong được 1 phần có nhiều mỡ đem về rán ra để dành ăn lâu, và tóp mỡ thì rất thực dụng.” (Võ Đăng Đài YKH “Tính Sổ Một Đoạn Đường”)
Đúng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”
Kể ra ông nội ra Huế làm mất gà mà cũng không dám giấu, nhỡ về sau chuyện vỡ lở, bà nội cằn rằn, mất tín nhiệm.
*
Mẹ tôi nghe ai nói ngoài Huế không dám ăn ngon mặc đẹp thì chắc cũng có phần đúng, không nhiều thì ít vào thời điểm ấy.
Sau ngày 30/4/1975 toàn quốc chia đôi thành 2 vùng hành chánh.
Từ Đà Nẵng trở vào thuộc hành chánh quản trị của miền Nam, đời sống tương đối cởi mở.
Từ Huế trở ra thuộc miền Bắc quản lý, rập khuôn mẫu cứng nhắc quốc doanh, tập thể, xã hội chủ nghĩa. Cuộc sống ngột ngạt của miền Bắc xa lạ với nhân dân miền Nam.
Họa vô đơn chí, từ đầu năm 1976 Trung ương ra quyết định nhập 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên làm một, thành tỉnh Bình Trị Thiên.
Theo Trung ương khoe hàng thì đây là một sáng kiến mang tính đột phá, có tầm vóc vĩ đại.
"Ba cây chụm lại…" 3 tỉnh hợp nhất sẽ tạo sức mạnh tổng hợp to lớn tha hồ Bình Trị Thiên làm giàu, rừng vàng bể bạc, nhân dân kiên cường, có truyền thống Mậu Thân giết sạch Mỹ ngụy.
Thực tế sau đó cho thấy 3 anh nghèo họp lại là kéo nhau xuống hố.
Thời đó đường sá thì xa, phương tiện giao thông liên lạc thì thô sơ nên sự quản trị 3 tỉnh từ ngoài sông Gianh vào đến đèo Hải Vân vấp nhiều trở ngại khó vượt, cọng thêm nội bộ lủng củng do óc bè phải tranh giành địa phương.
Kết quả là đến giữa năm 1989 Trung ương chấp thuận cho tách tỉnh, ai về nhà nấy như cũ.
Mọi người đều vui vẻ. Huế thì mừng rỡ vì không còn phải cưu mang 2 anh nghèo.
Quảng Bình, Quảng Trị thì hân hoan vì lãnh đạo được lên chức bí thư, chủ tịch, trưởng sở v.v... là các chức vụ được thành lập cho các tỉnh mới tách.
Cho hay “ta về ta tắm ao ta”, không nhờ vả ai, tự do tự tại là thích nhất.
Trong thời gian 1976- 1989 của tỉnh Bình Trị Thiên do hợp tỉnh nên các cán bộ cơ sở là do từ Quảng Bình vào chi viện đông đảo cho Thừa Thiên – Huế.
Trên đường phố Huế, qua cầu Tràng Tiền, các cô gái Quảng Bình, là cán bộ, dáng mạnh bạo xốc vác, mặc áo cộc, đội nón cối xanh bộ đội, còng lưng chúi người đạp xe thoăn thắt khiến hình ảnh các cô nữ sinh Đồng Khánh Huế xưa yểu điệu ngồi thẳng lưng trên xe đạp, góc tà áo trắng cầm tay giữ vào ghi-đông (tay lái) bị lỗi thời.
Song đời sống ở Huế khắc nghiệt chẳng khác ở ngoài vĩ tuyến 17.
Nhân dân sau vài năm thì nghèo xơ xác nhất là sau 3 vụ đổi tiền 22-9-1975, 03-5-1978 và 14-9-1985.
Trước năm 1975 ở Huế tôi đi xe hơi. Nhiều người có xe hơi, nếu không thì xe gắn máy.
Sau 1975 vợ chồng tôi đi 2 chiếc xe đạp. Như vậy đã là tốt lắm.
Dù ai còn ít nhiều tiền cũng không dám tiêu pha lộ liễu, cũng chịu thương chịu khó với thiên hạ để sống được với Cách Mạng XHCN đổi đời.
Tết Tân Dậu con gà trống năm đó, bà nội chăm nuôi, ông nội thân hành đem ra cho mấy cháu ăn Tết, miếng ăn tận miệng còn sẩy thật nhớ hoài.
Và cũng nhớ kỷ niệm những ngày Bình Trị Thiên hợp tỉnh, con gà Tết Tân Dậu năm ấy sổ lồng bay tuốt báo hiệu ngày BTT rã tỉnh.
“Đinh Dậu niên lai kiến phá bình” (2).
“Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy…”
Con gà Tết Đinh Dậu 2017 tiếng gáy đầu xuân, với tinh thần bài ca chúc tết thanh niên của cụ Phan Bội Châu, sẽ thức tỉnh thanh niên vùng đứng dậy, đạp đổ bình chuột, giải thoát thảm họa vong quốc diệt tộc, Việt sáp nhập Tàu, hai nước làm một, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đường gầy dựng, các đời tổng bí thư vun đắp và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiện toàn.
(Tết Đinh Dậu)
____________________________________
Chú Thích:
(1) Mùa xuân năm 1927, Phan Bội Châu tròn 60 tuổi và đang bị thực dân Pháp giam lỏng ở Bến Ngự (Huế). Nhân dịp học sinh các trường Quốc Học, trường Nhà Dòng (Pellerin) đến thăm và chúc tết, Phan Bội Châu đã “đáp lễ” bằng một bài hát nói. Đấy là bài “Bài ca chúc tết thanh niên” trứ danh.
(2) Phá破 = vỡ. Vd: Phá kính trùng viên破镜重圆= gương vỡ lại lành.
“Thân Dậu niên lai kiến thải bình.” Sấm Trạng Trình Đinh Dậu.
“Đánh con chuột đừng để vỡ bình.” Nguyễn Phú Trọng 2014, dẫn lời chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tết về nhớ bánh chưng xanh.
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh Lợn – Gà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét