Trần Nhật Phong (Danlambao) - Đầu năm, một vài người bạn cũ ở Bolsa nhiều năm, ghé ủng hộ quán mới, ngồi tâm tình kể chuyện xưa tích cũ ở Bolsa thuở còn là… vườn cam, kể lân la một hồi đến những nhân vật một thời lừng lẩy ở Bolsa, tạo nên những “huyền thoại” có một không hai. Từ “Tài Chém”, “Tám Vàng” cho đến “Quốc Nhái”, có người còn, người mất, người ẩn dật, người còn… lao xao.
Về tới nhà, câu chuyện vẫn còn đeo đẳng tôi, và rồi tôi bật cười một cách tự nhiên với những so sánh mà tôi cảm nhận từ câu chuyện của những người bạn cũ.
Miền Nam Việt Nam, nơi tôi sinh ra (dù gốc tôi hoàn toàn là Bắc Kỳ, Bố gốc Hưng Yên, Mẹ quê Thái Bình), được xem là vùng đất có nhiều huyền thoại, những huyền thoại dân gian chưa bao giờ “chết” trong lòng người miền Nam Việt Nam.
Từ những huyền thoại của Tứ Đại Danh Hộ “Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định” được xem là 4 gia tộc giàu có nhất ở Sài Gòn hơn 120 năm trước, rồi đến những huyền thoại của “Chú Hỏa”, sau này của “Hắc Bạch Công Tử”, Nguyễn Tấn Đời, cho đến những huyền thoại của “dân chơi” như “Đại Cathay”, “Hải Phòng Kim” (còn gọi là Điền Khắc Kim).
Văn hóa thì có Hồ Biểu Chánh, có Phùng Há, có Cao Văn Lầu, Cao Long Ngà, có Ba Trà, có Năm Phỉ, có Vương Hồng Sển, có bà Năm Sa Đéc v.v…
Mỗi một nhân vật, dù là những kẻ biết làm giàu, cho đến những giang hồ lãng tử hay lãng mạn một thời, đều để lại những huyền thoại đầy bí ẩn đối với người dân Miền Nam, do cách sống và nhân cách của từng nhân vật của huyền thoại, Và những giai thoại, huyền thoại đều đến một cách tự nhiên, không hề có sự “lăng xê” hay áp đặt.
Tôi nhớ nhiều năm trước đây (khoảng 95-96), khi người anh “kết nghĩa trong đêm nhậu” của tôi từ bên Pháp sang, Duyên Anh Vũ Mộng Long, gọi là “kết nghĩa trong đêm nhậu” là vì đó là lần đầu tiên tôi gặp lại Duyên Anh, sau thời gian dài anh bị bán thân bất toại vì bị đánh, và chỉ tâm tình trong một đêm anh nhận tôi làm em “kết nghĩa”, chúng tôi gặp nhau vài tháng trước khi anh về pháp và mất tại Pháp.
Đêm đó anh kể cho tôi nghe về giai thoại anh phải bỏ trốn khỏi Sài Gòn một thời gian dài, chỉ vì bị… "Đại Cathay" cho người… xin tí huyết.
Anh nói rằng khi viết đoạn chót tác phẩm “Điệu Ru Nước Mắt” một tác phẩm viết về huyền thoại của “Đại Cathay”, do bực tức một đàn em của “Đại Cathay”, ngang nhiên “dớt” một người đẹp mà anh đang có ý định “cua”, nên anh nổi sùng và kết quả, trong “Điệu Ru Nước Mắt” anh quyết định cho “Đại Cathay” chết vì bị…. điện giựt, một đại ca lừng lẫy của đất Sài Gòn - Gia Định, mà chết vì điện giựt thì làm sao ăn nói với đàn em.
Đương nhiên khi tác phẩm ra mắt công chúng thì Duyên Anh phải… tị nạn về Cần Thơ, tức là quê vợ của anh một thời gian, trong khi đàn em của “Đại Cathay” lung kiếm anh khắp các quán café ở Sài Gòn.
Duyên Anh lúc gặp tôi, anh nói rằng anh đã hối hận về việc đó, vì dù sao “Đại Cathay” vốn là một huyền thoại lớn của người Sài Gòn, và “Điệu Ru Nước Mắt” đã có một vết nhơ không hay lắm trong tác phẩm của anh.
Kể lại câu chuyện này tôi muốn nói rằng, huyền thoại vốn là những giai thoại tự nhiên, được người đời truyền tụng, dù có thêu dệt chút đỉnh ở chừng mực nào đó, nhưng bản chất của nhân vật và cách ứng xử trong đời sống của họ, đã tạo ra những huyền thoại không hề có sự áp đặt nào, tương tự như Duyên Anh muốn “áp đặt” một cái chết “lãng xẹt” cho “Đại Cathay”, và điều này đã khiến cho tác phẩm của anh mất đi nhiều giá trị.
Những huyền thoại của Miền Nam Việt Nam quả thật có rất nhiều, và nó hoàn toàn khác hẳn với những huyền thoại thêu dệt một cách đầy “áp đặt” của những “người bắc có lý luận”, hay áp đặt những thứ văn hóa không giống ai, và kết quả chả ai them biết hay nhớ đến những cái gọi là “huyền thoại” đó cả, vì nó được “áp đặt” để người ta nhớ, chứ không hề đến một cách tự nhiên.
Nhân vật được xây dựng huyền thoại nhiều nhất chính là “ông tổ” của CSVN Hồ Chí Minh, họ thêu dệt ra hàng loạt những câu chuyện để xây dựng hình tượng của ông ta, họ buộc các trẻ thơ trong học được phải thuộc lòng những thêu dệt do họ dựng ra và muốn mọi người phải nghĩ rằng đó là những “sự thật”.
Hơn nữa thế kỷ qua, hàng năm, những “huyền thoại” đó được lập đi lập lại nhiều lần trên đài, trên báo chí, thậm chí còn giữ cả xác của ông Hồ Chí Minh để buộc tất cả người Việt Nam phải biết và nhớ đến ông ta.
Nhưng kết quả thế nào, ngay cả thành phố thân thương của người miền nam có tên gọi là Sài Gòn cũng bị đổi thành thành tên Hồ Chí Minh, nhưng có mấy ai gọi đúng tên mà người cộng sản đặt? Hầu hết người dân ở miền Nam Việt Nam đều vẫn dùng chữ Sài Gòn, cho dù người đó sinh trước hay sau năm 1975, chữ thành phố Hồ Chí Minh hầu như chỉ có báo chí của ban tuyên giáo dùng, còn không một người miền Nam nào muốn dùng cái tên này cả.
Thành phố cũng đặt tên, tiền cũng in hình, dựng bao nhiêu bức tượng trên toàn quốc, xác cũng giữ lại không chôn cất, thế mà ông Hồ Chí Minh năm nào đổi tên này, có bao nhiêu người tình, giới tính ra sao, chính xác “chết” ngày nào, năm nào cũng không ai biết, ngay cả bây giờ nếu tôi gọi điện thoại cho một đứa cháu trẻ nào ở Việt Nam hỏi thì đảm bảo chúng sẽ trả lời “Google còn không biết, sao con biết????”
Áp đặt đến như vậy mà vẫn không trở thành huyền thoại, không trở thành quen thuộc với chính người dân sinh sống ở nơi đó, đây cũng chứng minh rằng những “huyền thoại được thêu dệt và áp đặt” thì không bao giờ được ai nhớ tới.
So sánh giữa những “huyền thoại tự nhiên” và “huyền thoại áp đặt”, tôi bật cười, có phải vì cố gắng tạo những huyền thoại giống ông Hồ Chí Minh, nên mới có những “con cháu” như Ngọc Trinh, Kenny Sang, Tùng Sơn và Lệ Rơi và một nền văn hóa “thích gây ồn ào” để người ta nhớ tới mình chăng?
Đừng trách tại sao xã hội Việt Nam hôm nay lại có những hiện tượng như Ngọc Trinh, Kenny Sang, Tùng Sơn và Lệ Rơi, bởi vì ngay cả “ông tổ” của đảng cầm quyền cũng đang được PR theo kiểu đó suốt mấy mươi năm qua, và những hiện tượng đó đưa nhau nở rộ là dựa trên cái “sườn” giáo dục và “làm gương” của đảng cầm quyền hiện nay mà thôi.
Thôi đầu năm có chút “tếu lâm” với bạn bè khắp nơi, chúc mọi người năm 2017 sẽ là một năm “đột phá” nhé, dùng chữ của “nhà sản”, để các quan chức “nhà sản” đọc, vì nghe nói các “quan chức” hay vào “tường nhà” của tôi và Dân Làm Báo đọc mỗi ngày lắm. Happy New Year.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét