Trần Trung Đạo (Danlambao) - Luồng gió ngoại giao đã đổi chiều khi Tổng Thống Mỹ Richard Nixon bắt tay với Mao ngày 21 tháng Hai 1972. Chuyến viếng thăm Trung Cộng của Nixon nhắm vào 3 mục đích: (1) hướng tới một giải pháp hòa bình tại Đài Loan, (2) tìm một giải pháp hòa bình cho chiến tranh Việt Nam qua đàm phán và (3) giảm ảnh hưởng của Liên Xô. Như lịch sử đã chứng minh, ít nhất hai trong số ba mục đích của TT Richard Nixon đều không đạt được. Chỉ riêng vấn đề Việt Nam, chiến tranh không chấm dứt bằng giải pháp hòa bình mà bằng máu cho đến ngày 30-4-1975.
Sự gần gũi giữa Mỹ và Trung Cộng đã đẩy CS Việt Nam nghiêng xa hơn về phía Liên Xô. Bắc Việt cho rằng Trung Cộng đã phản bội đảng CSVN khi đặt mối quan hệ giữa Trung Cộng và Mỹ lên trên quyền lợi của Bắc Việt. Xuân Thủy, trưởng phái đoàn đàm phán của Bắc Việt, tố cáo Mỹ “âm mưu chia rẽ khối xã hội chủ nghĩa”. Khoảng cách giữa Bắc Việt và Trung Cộng xa cách dần mặc dù Trung Cộng tuyên bố vẫn tiếp tục “ủng hộ cuộc chiến chống Mỹ đến mục đích cuối cùng”.
Chủ trương chiếm Hoàng Sa trước khi chiến tranh chấm dứt
Sau khi hiệp định Paris được ký kết, quan hệ giữa CS Bắc Việt và Trung Cộng trở nên tệ hại hơn. Học bài học tranh chấp biên giới với Liên Xô phía Bắc và phát xuất từ mối lo sợ bị bao vây ở phía Nam, Mao nghĩ đến việc phải tiến chiếm các đảo ngoài Biển Đông trước khi CS Bắc Việt chiếm toàn bộ Việt Nam và rơi hoàn toàn vào quỹ đạo của Liên Xô, lúc đó là kẻ thù số một của Trung Cộng. Mao càng lo lắng hơn khi thấy chính sách của Mỹ ngày càng trở lại với chủ trương tự cô lập (American Isolationism) trước đây trong lúc Liên Xô ngày càng mở rộng và có khả năng lấn chiếm sang Châu Á.
Ngoài lý do lãnh thổ, việc tiến chiếm Hoàng Sa là một bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mao, chuyển từ giai đoạn đấu tranh cách mạng dựa trên quan điểm Marx-Lenin-Mao sang thực tế quốc tế. Để thực thi các chính sách này, Mao cần một lãnh đạo có đầu óc thực dụng, và người đó không ai khác hơn là Đặng Tiểu Bình. Ngày 22 tháng 12, 1973, Mao phục hồi họ Đặng.
Mặc dù già nua, bệnh hoạn, chủ trương “phục hồi các lãnh thổ Trung Quốc bị mất” là chủ trương của Mao.
Đặng Tiểu Bình đóng vai trò tích cực nhưng y chỉ mới được phục hồi chưa đầy một tháng sau sáu năm bị hạ bệ. Chu Ân Lai chủ tọa nhiều phiên họp của Bộ Chính Trị nhưng trong thời gian đó họ Chu đang bị kết án hữu khuynh. Diệp Kiếm Anh được giao trách nhiệm chủ tịch của ủy ban nhưng họ Diệp đã 77 tuổi và thuộc thành phần tướng lãnh thời Vạn Lý Trường Chinh.
Tháng Giêng 1974, Mao quyết định tiến chiếm Hoàng Sa trước. Kế hoạch chiếm Hoàng Sa được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và chi tiết, không chỉ về mặt quân sự mà cả chuẩn bị dư luận quốc tế để biện hộ cho hành động xâm lược Việt Nam.
Về mặt đối ngoại. Để có lý do tấn công Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, bộ máy tuyên truyền Trung Cộng tố cáo Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 11, 1973 đã bắt giữ tàu đánh cá Trung Cộng và hành động đó được xem như vi phạm chủ quyền Trung Cộng, buộc Trung Cộng phải “phản công tự vệ”. Ngày 11 tháng Giêng 1974, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng ra thông báo xác định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và vùng biển chung quanh quần đảo này: “Các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa đều là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có chủ quyền không thể tranh cãi đối với những hòn đảo này”.
Về mặt tổ chức. Một ủy ban đặc nhiệm của các lãnh đạo cao cấp nhất trong đảng và nhà nước Trung Cộng được thành lập để phát thảo kế hoạch tiến chiếm Hoàng Sa được thành lập trong phiên họp của Bộ Chính Trị do Chu Ân Lai chủ tọa. Năm Ủy viên Bộ Chính Trị trong ủy ban gồm Thống Chế Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying), Phó Chủ Tịch Trung Ương Đảng Vương Hồng Văn (Wang Hongwen), Ủy Viên Thường Trực Bộ Chính Trị phụ trách tuyên truyền Trương Xuân Kiều (Zhang Chunqiao), Phó Thủ Tướng Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và Đại Tướng Tư Lệnh Quân Khu Bắc Kinh Trần Tích Liên (Chen Xilian). Chu Ân Lai giao cho Diệp Kiếm Anh trách nhiệm điều hành ủy ban.
Mao phê chuẩn thành phần ủy ban
Một phiên họp mở rộng sau đó, ngoài Chu Ân Lai và năm thành viên còn có sự tham dự của Đô Đốc Tô Chấn Hoa (Su Zhenhua), Chính Ủy Thứ Nhất của Hải Quân Trung Cộng. Tô Chấn Hoa là một trong những tướng hải quân có quan hệ mật thiết với Đặng Tiểu Bình và cũng là người chủ trương bành trướng Biển Đông.
Với một thành phần lãnh đạo chiến dịch cao cấp và đầy đủ ban bộ như vậy chứng tỏ việc tiến chiếm Hoàng Sa không chỉ là một tranh chấp biển đảo bình thường mà còn mang một ý nghĩa chiến lược hàng đầu và phải chiếm Hoàng Sa bằng mọi giá.
Về mặt quân sự. Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Cộng thực hiện một cuộc viễn chinh hải quân chống lại nước ngoài và lực lượng tham chiến được chọn lựa kết sức cẩn thận. Bốn ngày sau khi Trung Cộng tuyên bố chủ quyền, 11 chiến hạm của hải quân Trung Cộng và 600 lính được lệnh tiến vào vị trí. Các phi đoàn chiến đấu cơ đặt trên đảo Hải Nam được lệnh sẵn sàng tham chiến. Đặng Tiểu Bình trong thời gian này vừa được giao phó chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và thay mặt ủy ban điều hợp các hoạt động của Quân Ủy Trung Ương cũng như các vấn đề quân sự khẩn cấp. Bộ Tư lệnh Hạm Đội Nam Hải dưới quyền Tư lệnh Zhang Yuanpei trực tiếp chịu trách nhiệm tiến chiếm Hoàng Sa.
Kế hoạch được đệ trình lên Mao và Mao chấp thuận
Ngày 19 tháng Giêng 1974, Hải Quân Trung Cộng tiến chiếm Hoàng Sa. Sau trận hải chiến khoảng một giờ, Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Phía Trung Cộng công bố họ chỉ có 18 binh sĩ thiệt mạng và không có tàu nào chìm mặc dù báo chí Tây Phương cho rằng ít nhất một chiến hạm của hải quân Trung Cộng đã bị bắn chìm. Người viết không trình bày chi tiết ở đây vì diễn biến của hải chiến Hoàng Sa đã được rất nhiều tài liệu và nghiên cứu Việt Nam cũng như quốc tế công bố. Rất nhiều thông tin quý giá đang được lưu trữ tại website hqvnch.org.
Thái độ bàng quan của Mỹ
Chính phủ Mỹ ra lệnh Đệ Thất Hạm Đội không được can thiệp vì đã đồng ý ngầm với Trung Cộng sẽ giữ thái độ bàng quan trong tranh chấp Hoàng Sa, và các chiến hạm và phi cơ của Mỹ sẽ không xâm phạm giới hạn 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Cam kết này của Mỹ đã được Ngoại Trưởng Trung Cộng Hoàng Hoa nhắc lại trong diễn văn đọc trước Liên Hiệp Quốc ngày 12 tháng Tư 1972 với sự hiện diện của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger.
Bản tin của báo Time ngày 4 tháng Hai 1974 cũng xác định chính sách của Mỹ trong hải chiến Hoàng Sa là “tuyệt đối khoanh tay”.
Ngoài ra, trước đó vào mùa xuân 1972, Trung Cộng đã thử ý định Mỹ bằng cách gởi công hàm phản đối khi một tàu chiến Mỹ vi phạm khu vực 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa. Mỹ đáp ứng bằng việc chỉ thị hải quân Mỹ sẽ không hải hành trong khu vực 12 hải lý do Trung Cộng quy định. Thái độ đó của Mỹ là dấu hiệu cho Trung Cộng biết Mỹ sẽ không can dự vào tranh chấp Hoàng Sa.
Tại sao Trung Cộng chọn ngày 19 tháng Giêng 1974?
Ngày 19 tháng Giêng 1974 là ngày kỷ niệm 24 năm Trung Cộng công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đây không phải là sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên mà là một cái tát chính trị vào mặt đảng CSVN.
Tối ngày 20 tháng Giêng, Chu Ân Lai triệu tập phiên họp để tổng kết thành quả chiến dịch, và ngay sau phiên họp y đã trình chiến thắng lên Mao. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị sáp nhập vào địa phận tỉnh Quảng Đông. Các báo đảng và nhà nước Trung Cộng sau đó đã tung hô “chiến thắng vĩ đại của Mao Chủ tịch trên biển”.
Về phía CSVN, ngoài tuyên bố ba điểm chung chung giống như người ngoài cuộc của cái gọi là “Chính phủ Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” ngày 26 tháng Tư 1974, các lãnh đạo CS Bắc Việt không có một lời phản đối nào trước hành động xâm lăng của Trung Cộng. Khi đất nước bị xâm lăng, những kẻ chọn thái độ im lặng cũng chẳng khác gì chọn đứng về phía xâm lăng.
Bài học lịch sử từ hải chiến Hoàng Sa
- Đừng trông cậy vào ngoại viện: Trong tổng kết mới nhất The U.S. China Military Scorecard 1996-2017 của RAND Corporation, tuy Trung Cộng đạt nhiều tiến bộ trong hơn 30 năm hiện đại hóa, kỹ thuật chiến tranh của Mỹ vẫn còn dẫn trước rất xa. Ngay cả trong vũ khí nguyên tử, tỉ lệ giữa Mỹ so với Trung Cộng là 13 trên 1. Nghĩa là, dù bắn trước, Trung Cộng vẫn sẽ phải bị Mỹ đánh trả bằng bom nguyên tử nhiều lần.
Tuy nhiên, sự vượt trội kỹ thuật chiến tranh không có nghĩa Mỹ sẽ can thiệp vào xung đột Biển Đông nếu Việt Nam bị Trung Cộng tấn công lần nữa. Vì các lý do kinh tế, Mỹ có thể làm ngơ như họ đã từng làm ngơ vì lý do chính trị trong hải chiến Hoàng Sa 1974. Bài học của hai cuộc thế chiến cho thấy Mỹ chỉ tham chiến khi quyền lợi của họ bị va chạm trực tiếp và phải có lợi về đường dài. Không nên trách ai cả. Một con người hay một quốc gia cũng thế, phải tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình trước khi trông cậy vào sự giúp đỡ của người khác.
- Dân chủ hóa hay mất nước: Tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Trung Cộng quá rõ ràng và lộ liễu. Mặc dù có các áp lực quốc tế, không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Cộng sẽ từ bỏ tham vọng chiếm đoạt Biển Đông. Chủ trương gặm nhấm Biển Đông của Trung Cộng đang được tiến hành từng bước và chúng hy vọng đến mức độ nào đó sẽ đặt Mỹ và cả thế giới vào thế đã rồi. Trung Cộng đã nuốt vô thì chỉ có cách mổ bụng chúng mới lấy ra được.
Để tránh đại họa mất nước, chọn lựa duy nhất của Việt Nam hiện nay là dân chủ hóa và phải dân chủ hóa gấp. Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương, nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc và thăng tiến đất nước. Một dân tộc chia rẽ không thắng được Trung Cộng. Dân chủ là đôi cánh giúp đất nước có thể cất cao lên cùng thời đại. Đó không phải là lý thuyết mà là thực tế chính trị đang được hầu hết các quốc gia áp dụng. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất trong tiến trình dân chủ hóa là tháo gỡ cho được cơ chế chính trị xã hội độc tài CS hiện nay.
- Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia: Bước quan trọng sau dân chủ hóa là chủ động chiến lược vị trí quốc gia trong trường quốc tế. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cho phép Phần Lan được duy trì cơ chế dân chủ trong khi khống chế mọi chính sách đối nội và đối ngoại đi ngược với quyền lợi của Liên Xô. Phần Lan không có chọn lựa nào khác vì không nằm trong vị trí chiến lược.
Khác với trường hợp Phần Lan, một Việt Nam dân chủ có khả năng thoát ra khỏi khả năng bị “Phần Lan Hóa”, đưa đất nước vào vị trí chiến lược quốc tế và chủ động làm cho quốc tế quan tâm.
Chủ trương hiện nay của lãnh đạo CSVN “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là chủ trương tự sát, không đúng về lý thuyết lẫn thực tế chính trị. Chủ trương này là bản sao chính sách đối ngoại của Trung Cộng nhưng khác ở điểm Trung Cộng chỉ tuyên bố để tuyên truyền chứ không bao giờ áp dụng.
Kết luận
Robert D. Kaplan, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng và đã được tạp chí The Policy hai lần xếp vào danh sách 100 nhà tư duy hàng đầu của thế giới (“Top 100 Global Thinkers”), cho rằng Trung Cộng có khả năng cao sẽ “Phần Lan Hóa” Việt Nam.
“Phần Lan Hóa” là một loại chủ nghĩa thực dân trong thời đại toàn cầu.
Chủ trương này ít tốn kém vì các quốc gia bị “Phần Lan Hóa” được phép duy trì độc lập trên danh nghĩa nhưng chính sách đối ngoại sẽ được soạn thảo tại Bắc Kinh.
Trung Quốc làm như vậy để vừa thúc đẩy nền kinh tế đang tiến rất chậm và đồng thời cũng để giảm áp lực chống đối từ trong nước qua việc đề cao chủ nghĩa dân tộc. Công thức mà Trung Cộng đang sử dụng không có gì mới và mô hình phát triển hiện nay của Trung Cộng cũng không phải là một loại mô hình ngoại lệ (Chinese exceptionism) như một số lý thuyết gia của đảng CSTQ đang dùng để kết luận Trung Cộng sẽ không sụp đổ.
Một thành phần có ảnh hưởng trực tiếp vào sự thay đổi cơ chế chính trị nhưng Robert D. Kaplan không đưa vào phân tích của ông, đó là nhân dân, tức là thành phần những người dân của một quốc gia có ý thức cao về quyền hạn và trách nhiệm phải thực thi đối với đất nước. Trong thực tế cách mạng dân chủ, đóng góp của nhân dân là yếu tố âm thầm nhưng quyết định, tiềm tàng nhưng vô cùng mạnh mẽ như đã chứng tỏ tại nhiều quốc gia Đông Âu, Phi Châu, và tại Liên Xô cũ. Tại Việt Nam, yếu tố nhân dân còn giới hạn, chưa tập trung, thiếu tổ chức nhưng đã có và đang trên đà phát triển. Những hạt giống đã được gieo xuống. Mỗi người Việt, mỗi tổ chức, đoàn thể trong điều kiện và phương tiện sẵn có của mình nên tập trung chăm bón.
__________________________________________
Tham khảo:
- Yang Kuisong (2002). Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 1949-1973. Woodrow Wilson International Center for Scholars.
- Bruce A. Elleman and S.C.M. Paine (2011). Naval Power and Expeditionary Warfare: Peripheral Campaigns and New Theatres of Navy Warfare. Taylor and Francis Group.
- Qiang Zhai (2002). China & The Vietnam Wars, 1950-1975. University of North Carolina Press.
- Dr. Stein Tonnesson (2001, July). The Paracels: The “other” South China Sea Dispute, Paper presented at the South China Sea Panel, International Studies Association, Hong Kong Convention.
- Eric Heginbotham (2015). The U.S. China Military Scorecard 1996-2017, RAND Corporation.
- Paracel (Xisha) Islands – 1974, globalsecurity.org.
- David Brown (2014, May 22). Vietnam Faces “Finlandization” from China. Asia Sentinel.
- Larry M. Wortzel, Robin D. S. Higham (1999). Dictionary of Contemporary Chinese Military History. Greenwood Press. - The World: Storm in the China Sea. Time, Feb. 04, 1974.
- Robert D. Kaplan. The South China Sea is to China what the Greater Caribbean was to the United States, The Globe and Mail, June 19, 2015.
- John W. Garver. Chinas Quest: The History of the Foreign Relations of the Peoples Republic. pp. 324-325. Oxford University Press.
- Lai To Lee (1999). China and the South China Sea Dialogues, pp13-14. Praeger, London.
- Bill Hayton (2014). The South China Sea: The Struggle for Power in Asia, Yale University Press.
- hqvnch.org (Trang sưu tầm tài liệu lịch sử Hải Quân VNCH)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét