Một cảnh trong đêm đại nhạc hội "cùng hoà nhịp để làm sạch biển" |
Mẹ Nấm (Danlambao) - Báo Tài Nguyên Môi Trường đưa tin về buổi đại nhạc hội “Cùng hòa nhịp để làm sạch biển” được tổ chức tại Quảng trường trung tâm, Thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tối 18/6/2016.
Theo dẫn giải của phóng viên, đây là “hoạt động nằm trong dự án Hãy làm sạch biển được Đài THVN phát động từ tháng 5/2016, đại nhạc hội Cùng hòa nhịp để làm sạch biển không phải chương trình ca nhạc đơn thuần mà mang tính chất của một chương trình chính luận nghệ thuật.” (1)
Không thể hiểu nổi, sau hơn hai tháng thảm họa môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, những người có trách nhiệm vẫn có thể tổ chức nhảy múa, hát hò và kêu gọi làm sạch biển bằng kiểu “chính luận nghệ thuật” như trên.
Làm sạch biển, đó không phải là câu khẩu hiệu ngày 1, ngày 2, không phải là một hoạt động trình diễn sau khi nhảy nhót, nhấn nút như lũ vượn.
Kêu gọi làm sạch biển bằng việc dọn rác thì hãy chú trọng đến việc giáo dục hành vi nơi công cộng từ trẻ đến già, hãy chú trọng đến việc lắp đặt, trang bị các điểm bỏ rác hợp lý ở các khu vực biển.
Dọn rác không làm sạch biển được khi nước biển bị ô nhiễm.
Và rõ ràng là biển không thể tự ô nhiễm nếu được bảo vệ bởi các tiêu chuẩn quan trắc môi trường.
Việt Nam đã hạ thấp các chỉ tiêu về mặt môi trường so với thế giới và khu vực để thu hút đầu tư.
Đến khi có sự cố xảy ra thì các lãnh đạo đứng lên kêu gọi “rà soát, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường ven biển”, “xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế biển bền vững”…
Phát biểu như vô can, hành động như thế có tâm luôn luôn là giải pháp mà các lãnh đạo đảng Cộng sản chọn để sửa sai trên lưng nhân dân.
Biển nhiễm độc, cá chết sau hơn hai tháng không có được câu trả lời. Các bộ ngành ngoài việc loay hoay né tránh trách nhiệm thì bắt đầu phát động phong trào làm sạch biển, bảo vệ môi trường như thể ô nhiễm là do ý thức của người dân gây ra vậy.
Còn nhớ trong buổi tọa đàm về vấn đề chất thải công nghiệp sáng ngày 10/5/2016 tại Hà Nội, ông Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ TNMT đã đề nghị cần làm rõ việc có tham nhũng hay không khi cho phép Formosa xả thải ra biển.
“Tại sao lại thay đổi từ nơi xả thải từ sông Quyền sang xả thải ra biển? Tôi cho rằng đây là sự luẩn quẩn trong công tác quản lý. Cần chỉ ra rằng có tham nhũng trong vấn đề này hay không? Đường ống xả thải ra sông hay ra biển là cả vấn đề lớn. Ra biển nguy hiểm hơn nhiều. Ra sông khi biết còn có biện pháp xử lý được, còn ra biển thì khi xảy ra sự cố môi trường rồi thì chịu không thể kiểm soát, khắc phục vô cùng khó khăn, tốn kém”. (2)
Theo tin từ Đài Bắc, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã quyết định hoãn làm lễ khánh thành, ngưng đưa vào hoạt động chính thức nhà máy luyện thép của họ, trước đây lên kế hoạch vào ngày 25-6.
Mặc dù nguồn tin từ Formosa không nêu lý do, trước đó báo chí Đài Loan đưa tin có hai lý do cho việc ngưng khánh thành: một là Formosa Hà Tĩnh bị buộc đóng số thuế còn thiếu chừng 70 triệu đô-la Mỹ và hai là chính quyền Việt Nam cần thêm thời gian để xử lý đơn xin đi vào sản xuất của Formosa.
Thật ra nhà máy luyện thép này đã bắt đầu sản xuất vào ngày 25-12-2015 và sau hai tháng sản xuất thử nghiệm như thế đã cán nóng được 4.700 tấn thép.
Sau sự cố cá chết ở các tỉnh ven biển miền Trung, Bộ Tài nguyên & Môi trường và nhiều cơ quan khác đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường tại công trường Formosa. Trước đó Bộ này đã cử nhiều đoàn vào kiểm tra việc xả thải của Formosa cũng như việc sử dụng hóa chất súc rửa đường ống xả thải chảy ngầm ra biển. (3)
Liệu Formosa tạm hoãn khánh thành đã xong phần thủ tục xử lý bề nổi các sai phạm hay chưa?
Vấn đề ở đây là trách nhiệm của những người lãnh đạo có liên quan đến thảm họa môi trường lần này.
Nghiêm trọng hơn ở chỗ, trong khi chưa có câu trả lời rõ ràng với nhân dân thì các cơ quan chức năng, điển hình là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an vẫn xem các yêu cầu minh bạch của nhân dân là “gây rối”, là “phản động” để trấn áp và bóp nghẹt quyền tự do căn bản của công dân.
“Hãy làm sạch biển” – không chỉ bằng một buổi đại nhạc hội, bằng phong trào vài ngày. Làm sạch biển, làm sạch môi trường sống phải được bắt đầu bằng hành động cầu thị và có trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Đừng loanh quanh nữa, hãy trả lời nhân dân: Vì sao cá chết?
20.6.2016
________________________________
Chú thích:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét