Chu Tất Tiến (Danlambao) - Người Việt Nam đi đến đâu thì mang theo Phở, rau răm, và rau húng đến đấy. Bây giờ, đi khắp thế giới, thấy chỗ nào có người Việt Nam mà không thấy Phở và không thấy rau răm thì chỗ đó là... Việt Gian rồi! Mùi Phở đã bám vào quần áo, đầu tóc, và đầu óc người Việt mình đặc đến nỗi mình hầu như không bao giờ ngửi thấy nữa. Chỉ những người khác mầu da, chưa ăn Phở, hoặc còn mới nếm thử Phở mới ngửi thấy mà thôi.
Nghe nói những ngày mới di tản ra ngoại quốc, đầu tiên là nước Mỹ, chưa có nhiều tiệm Phở, bà con ta phải lái xe đi cả ngày mới tới được chỗ có tiệm Phở, và cảm thấy vui vẻ, khoan khoái móc ví ra, trả tiền cho chủ tiệm, không một chút cằn nhằn sao mà nấu dở thế, giá cả mắc thế, rau gì thối thế... Mấy ông bà chủ tiệm hồi đó phát tài nhanh như điện, nếu tên tiệm được người di tản nghe thấy.
Mãi cho đến khi bà con ta lũ khũ dắt díu nhau qua nhiều, tiền bạc cũng rủng rỉnh, tiệm bắt đầu mọc lên như nấm, góc nào cũng có Phở thì dân thưởng thức mới bắt đầu đi tăng dần đòi hỏi lên, trước là tìm tiệm nào nấu ngon, rau tươi, ít mùi hôi, rồi phong cách tiếp đãi, rồi trang trí tiệm, rồi tới "Lô kê Sân" tức là vị trí tiện lợi. Nhiều yêu cầu được đặt ra từ từ, để những ông bà chủ nào thiếu kinh nghiệm làm "Mác Két Ting" tức là "khuyến mãi" (nói theo kiểu Sègòng bây giờ), thì sẽ ngủm củ tỏi, tưng bừng khai trương và âm thầm đóng cửa. Mấy ông bà cho ăn "dơ" thì "tiêu tán đường" lẹ nhất. Chỉ vài tháng ngồi ngáp vặt là đi đoong ngay trăm ngàn đô la liền một khi. Đôi khi vì "Lô Kê Sân" có "huông" nữa. Có những nhà hàng thay đổi chủ như chong chóng, vài tháng lại một tên mới, mà quái lạ, các ông chủ bà chủ đi sau hình như không cảm thấy có "huông" hay sao đó, mà cứ cắm đầu cắm cổ mở tiệm tại những chỗ đã làm thịt bao nhiêu chủ trước rồi! Hình như họ cảm thấy mình có tài hơn người khác, kệ mẹ họ, ai chết mặc bay, ta cứ nhào vô, rồi sẽ khá! Người ngoài cuộc nhìn vô, sáng nước là thấy liền những điểm không thể mở tiệm được như Parking quá ít, chỉ có hai ba chỗ thì làm sao mà ăn với uống! Hoặc góc quẹo vào rất khó, đang ở ngã tư mà muốn phóng vào tiệm thì phải mắt trước mắt sau, ào vào một cái, hú hồn hú vía, tấp vào một lần rồi thì lần sau có mời cũng không đi. Nhiều tiệm thì chật chội, kê được có chục cái bàn, đi ra đi vô phải né nhau, kẻo đụng vào người bưng phở, ướt mất áo đẹp! Có tiệm tạm được về đồ ăn, giá cả, tiếp đãi nhưng lại hứng ánh nắng chói chang, buổi trưa buổi chiều là chào thua, chả ai dám ngồi vào để vừa ăn vừa tắm nắng. Phở nóng, cà phê nóng, nước trà nóng, lại thêm cái cửa sổ nóng, thì mồ hôi mẹ mồ hôi con chảy tràn mặt. Có tiệm lại mở ở chỗ toàn nói tiếng Mễ, hoặc trên đường mà xe phóng như điên, không ai kịp ngừng lại nhìn vào...
Thật sự, không ai có thống kê, nhưng chỉ họa hiếm lắm mới có trường hợp chủ trước chết thẳng cẳng mà chủ sau phát tài... Hoặc chỉ sống cầm chừng, lấy công làm lời. Thay vì ở nhà xin tiền thất nghiệp, thì thôi, kéo vợ kéo con ra bưng tô, kiếm vài ngàn một tháng, coi như tiền công, không tính tiền vốn.
Lại cũng có nhiều ông bà chủ "mát giây". Cũng món ăn đó, chỉ khác vài bức tranh, vài cảnh trang trí nước chẩy róc rách mà giá cả "trời ơi đất hỡi" làm người nào móc túi ra phải méo mặt. Ở Mỹ, ngay khu Little Saigon, có tiệm phở mang cái văn hóa “phở chửi” của “nhà quê” Việt Nam sang, nên ông chủ mặt cứ hầm hầm như muốn “làm thịt tái” các khách hàng luôn. Hễ cần một tí rau, một ly nước gì đó, thì ông lầm bầm rủa thầm trong mồm! Bà con bỏ đi hết, cho đến khi thay ông kẹ này.
Nhưng thôi, nói chuyện đó ích chi! Kệ cho ông bà nào lắm tiền nhiều của, ngồi không rảnh rỗi ra mở tiệm, bán "seo" cho khách ăn khoái chí vì được bớt vài đồng, lại thêm ly chè, chén cháo. Điểm chính mà người ta thấy đó là sự vệ sinh sạch sẽ của mấy cái tiệm người mình.
Ở mấy tiệm Mỹ, tiệm Tây, thì không khí, khung cảnh, trên dưới, trái phải cứ sạch như ly như lau. Bước vào tiệm người mình, nhất là tiệm đông, thì ôi thôi, đôi khi ớn lạnh, muốn bước ra liền, nhưng chỉ tại cái dạ dày đang réo gọi, nên đành ngồi luôn. Rau thơm vung vãi lung tung, giá sống giá chín nhảy loạn, đến khi có mấy anh dọn bàn tới, thì làm ào một cái, vơ gọn mọi thứ vào trong cái xô rác, thế là xong. Chỉ vài tiệm lịch sự thì có xịt chất thuốc lau bàn, rồi mới lau khô. Đa số là lau ướt. Một cái khăn tay ướt làm cả vài cái bàn liên tiếp. Có khi lau rồi còn dơ hơn, vì cái mùi hôi từ cái khăn ám mãi vào mặt bàn! Khách vừa ngồi vào phải nhẩy ngay sang bàn khác! Thấy ớn!
Hồi này có màn gói đũa vào trong bao giấy, trông cũng lịch sư văn minh, còn thìa múc thì không. Nhìn thấy những việc làm dơ dơ của những người dọn bàn thì tưởng tượng được ngay cách rửa thìa sạch sẽ đến mức nào. Tưởng tượng luôn đến rau thơm đã được nhúng nước như thế nào. Có tiệm mang rau thơm ra còn chẩy nước tong tỏng trên mặt bàn. Từ đó, tưởng tượng luôn đến việc rửa tay của những nhân vật đứng bếp, không biết sau khi đi "toa lét" ra có rửa tay cho sạch không?
Từ con nít đến người lớn, ai cũng biết rửa tay là một trong những điều quan trọng nhất để khỏi mắc bệnh. Không nói riêng về tiệm ăn, mà nói chung thì có năm trường hợp lây lan từ những bàn tay có nhiễm vi khuẩn hay vi trùng:
1- Từ tay đến thực phẩm: Vi khuẩn truyền lan từ những bàn tay nhiễm trùng đến thức ăn. Đồ ăn sẽ bị nhiểm khuẩn nếu người dọn thức ăn không rửa tay sau khi đi “toa-lét”. Vi trùng, vi khuẩn sẽ truyền từ bàn tay không rửa ấy đến đồ ăn.
2- Từ phân của trẻ em, vi khuẩn sẽ lây qua những đứa trẻ khác: Trong khi thay tã lót cho trẻ em, vi khuẩn sẽ bám vào tay người giữ trẻ hay cha mẹ và nếu người giữ trẻ hay cha mẹ không rửa tay, vi khuẩn sẽ lại bám vào những đứa trẻ khác khi người này đến bế bồng đứa trẻ khác.
3- Từ thực phẩm đến tay rồi đến thực phẩm khác: Vi khuẩn truyền từ những đồ ăn chưa nấu nướng (như thịt gà) đến tay của người làm thịt gà, rồi truyền sang thức ăn không nấu khác như rau sống, nếu người này vừa cầm con gà xong lại cầm vào rau sống.
4- Từ mũi, miệng hay mắt đến tay rồi đến thực phẩm: Vi khuẩn gây ra bệnh cúm, đau mắt hay những căn bệnh khác sẽ truyền ra tay khi hắt hơi, ho, hay khi lấy tay chùi lên mắt và rồi lan sang những người khác khi người có tay bệnh nắm lấy tay người không bệnh.
5- Từ thức ăn đến tay rồi đến trẻ em: Vi khuẩn lây từ đồ ăn không được nấu chín sang tay rồi sang trẻ em.
Như vậy, rửa tay, nhất là rửa tay trong các tiệm ăn, sẽ tránh được sự lan truyền vi khuẩn như vừa kể trên.
Theo đúng nguyên tắc, để có thể rửa tay thật sạch, phải làm nhiều động tác sau:
- Làm ướt tay rồi xoa xà bông vào. Đặt cục xà bông lên giá cho khô.
- Chà xát tay vào nhau thật mạnh và chùi rửa từng chỗ trên da.
- Tiếp tục chà xát khoảng 10-15 giây. Xà bông sẽ làm cho vi khuẩn long ra và trôi đi.
- Rửa bằng nước lạnh cho thật sạch xà bông.
Có thế mới thật là an toàn cho những thực khách, và làm cho lương tâm của mấy ông bà chủ tiệm được ngủ yên. Dĩ nhiên, phần thưởng thực tế là tiệm càng ngày càng đông khách, mới đầu tiệm nhỏ, về sau càng lớn, càng phát triển càng to...
Đã nói về vệ sinh của tiệm, mà không nói về khách ăn thì hơi thiếu. Hình như một số quý vị phong lưu công tử không chịu rửa tay sau khi vào "toa lét"! (Không biết bên quý bà có vậy không?) Nhiều vị vào phòng “toa lét” xong bước ra bàn ngoài ngồi ngắt rau tưng bừng khiến người ngồi cùng bàn cũng hơi thắc mắc! Không biết cha này có rửa tay không mà ngắt rau thế? Thôi! Cái cọng rau kia bị thằng chả đụng vào rồi! Dẹp! Ăn phở không rau chắc ăn hơn!
Ôi! Cái nết vệ sinh ăn ở của người mình nói hoài cũng chưa hết giấy... Mong sao cho tất cả tiệm ăn của người mình trông lịch sự, đẹp đẽ để mọi khách ăn thực sự được hưởng một bữa ngon miệng.
29.06.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét