23/6/16

Một cô giáo bị kỷ luật vì "ý kiến" với quyết định đặc cách vợ phi công

Người Quan Sát (Danlambao) - Chiều 23/6/2016, trả lời báo chí ông Phan Thanh Tùng, hiệu trưởng trường PTTH Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Sau khi họp hội đồng, nhà trường thống nhất phương án “cảnh cáo” để xử lý giáo viên Trần Thị Mỹ Hà - Tổ trưởng tổ Văn vì đã đăng phát ngôn trên mạng xã hội Facebook nêu ý kiến về việc quyết định tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải (người vừa hy sinh khi chiếc chiến đấu cơ Su-30MK2 lâm nạn) của Chủ tịch UNBD TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào trường THPT Chu Văn An.

Đây là động thái xử lý mạnh tay thứ hai của nhà cầm quyền Hà Nội sau khi Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn ký quyết định tước thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi, Phó Tổng Thư ký báo Pháp luật Tp HCM, với phát biểu máy bay CASA8983 “tan xác”.

Trước đó, vào ngày 20/6/2016, cô Trần Thị Mỹ Hà đăng ý kiến trên trang Facebook cá nhân về việc ưu tiên tuyển dụng như sau: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này”. Đi kèm với phát ngôn này là ảnh và tin “Vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục”.


Ngay lập tức, phóng viên báo Gia đình và Xã hội đã chụp màn hình trang cá nhân của cô Hà và làm ngay bài báo với nội dung cho rằng “dư luận bức xúc” vì lời phát biểu của cô giáo trên. 

Ban giám hiệu trường THPT Trần Nhân Tông - nơi cô Hà công tác, ngay sau khi nhận được thông tin đã kiểm tra và mời cô Hà lên làm việc. Chi bộ trường đã họp, phân tích việc làm của cô Hà là “tuyên truyền, phát ngôn gây ra hậu quả ở mức độ nào?

Theo hiệu trưởng Phan Thanh Tùng thì chi bộ trường Trần Nhân Tông cũng chủ trương việc kiểm điểm đảng viên vi phạm là "để đảng viên đó nhận ra sai lầm, khắc phục và quan trọng nhất là sau không tái phạm". “Kiểm điểm không phải là chấm hết”- ông Tùng một lần nữa nhấn mạnh.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam có hình thức xử lý mạnh tay với các cá nhân đang làm việc trong cơ quan nhà nước, chịu sự quản lý của đảng Cộng sản. 

Điều đáng nói ở đây là việc các nhà báo rất hăng hái trong việc tấn công và truy bức những cá nhân sử dụng Facebook để bày tỏ quan điểm xã hội. Nguy hiểm nhất là việc các phóng viên này đã sử dụng báo chí như một công cụ để tấn công quyền tự do ngôn luận của người khác, dưới sự bảo trợ của luật công chức và các quy định của đảng viên. 

Qua sự kiện hai máy bay bị rơi trong khi huấn luyện và cứu hộ, và cách báo chí khai thác đời tư, tấn công các cá nhân có quan điểm chỉ ra sự bất cập trong việc áp dụng luật pháp công bằng cho thấy: Việt Nam sẵn sàng sử dụng quyền lực mềm để chặn đứng quyền được biết và quyền tự do bày tỏ của công dân trên mạng xã hội.

23.6.2016


__________________________________

Tham khảo:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét