24/6/16

Xã hội lại tăm tối ngột ngạt mông muội trong đấu tố

Phạm Đình Trọng (Danlambao) - Lấy đấu tố thay cho luật pháp, lấy quyền uy thay cho lẽ phải chỉ diễn ra ở xã hội mông muội chưa có pháp luật. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bằng hành xử vô pháp luật, lấy đấu tố thay cho pháp luật, lấy quyền uy thay cho lẽ phải thì lối hành xử đó chỉ đưa xã hội lùi về thời hồng hoang mông muội, làm sao có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa!

*

Trong thảm họa của đất nước, biển bị đầu độc, cá chết xếp lớp dưới đáy biển và cá chết nổi trắng thê lương, dày đặc trên mặt biển trải dải hàng trăm kilomet thì một trang mạng cá nhân của một người làm truyền thông chia sẻ một clip của đài truyền hình cấp nhà nước về cái chết của cá ở vùng biển bị đầu độc là việc quá nhỏ nhặt, thường tình và chính đáng. Đó là quyền tư do báo chí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt chính kiến đã được hiến định, không vi phạm bất cứ điều luật tố tụng hình sự nào.

Liên tiếp hai máy bay hiện đại nhất, kỳ vọng nhất của đất nước gặp nạn ngoài biển, máy bay tan tành, cả chục người đang là nhân lực quí hiếm của đất nước chết thảm theo máy bay. Đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau, nỗi bất an lớn đó của đất nước, trang facebook của nhóm nhà báo trẻ đã đưa ra các tình huống: Máy bay bị bắn; Máy bay bị giông lốc quật xuống biển vỡ tan; Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật..., để các nhà báo thảo luận vì sao chiếc máy bay thứ hai là máy bay tuần tra, trinh sát hiện đại, đắt tiền Casa 212, có tính ổn định, an toàn cao nhưng vừa bay ra biển đã tan xác. Diễn đàn đó của trang facebook cũng chỉ là một sinh hoạt dân sự lành mạnh, bình thường, quá nhỏ nhặt, thường tình và hợp pháp.

Dồn dập những tai ương ngoài biển cướp đi mạng sống của hàng ngàn dân lành, cướp nguồn sống của hàng triệu người dân đánh cá. Kéo dài đã nhiều năm vấn nạn cướp đất, cướp đi nguồn sống của hàng vạn gia đình nông dân trên khắp cả nước. Liên tiếp những sự biến thách thức nghiêm trọng an ninh đất nước, nỗi đau mất lãnh thổ thiêng liêng đã diễn ra và đang hiển hiện nguy cơ mất cả giang sơn gấm vóc, mất cả nòi giống Lạc Hồng. Lồ lộ quá nhiều quan chức hư đốn ngang nhiên tham nhũng của cải của nước, tham nhũng quyền lực của dân, vô liêm sỉ và trắng trợn thách thức người dân khi đưa những đứa con non nớt, công tử bột, cuộc đời trống rỗng, chưa thử thách, rèn luyện, chưa công tích, đóng góp, không một chút năng lực quản lý, lãnh đạo vào những vị trí nắm quyền lực lớn của nhà nước và nắm hàng ngàn tỉ đồng tiền vốn làm ăn sinh lời của dân để rồi quyền lực của dân trở thành quyền lực của riêng con ông cháu cha, nền hành chính nước nhà khép kín âm u, trì trệ, cồng kềnh, quan liêu, chỉ biết hành dân, để rồi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng vốn liếng là mồ hôi nước mắt của dân, là máu của nền kinh tế đất nước bị thất thoát, thua lỗ, mất mát dễ dàng, mau lẹ. Trước những tai họa và vấn nạn nguy khốn như vậy thì cả hệ thống truyền thông hùng hậu của nhà nước lạnh lùng làm ngơ, bình chân như vại nhưng lại quá xăng xái, sôi sục bất thường khi lôi hai sự việc cỏn con, vụn vặt, thường tình, hợp pháp kia ra hằn học xét nét, gay gắt lên án.

Đài truyền hình quốc gia hùng hổ huy động cả một đội ngũ những nhà báo, nhà thơ, tiến sĩ vào một chương trình truyền hình kéo dài cả tiếng để áp đảo, chất vấn, tra hỏi, truy bức một người đơn độc: “Động cơ gì? Động cơ gì mà chia sẻ clip cá chết?”, biến một chương trình truyền hình văn hóa xã hội thành màn đấu tố sôi sục, ngột ngạt và lạc lõng giữa kỉ nguyên dân chủ và văn minh tin học. Xu thế dân chủ hóa cho người dân được làm mọi việc pháp luật không cấm và công nghệ thông tin đã xóa đi mọi khoảng cách không gian và thời gian, đưa người dân tiếp cận với mọi thông tin, mọi sự thật.

Tờ báo đã coi phẩm chất một nhà báo cần có suy nghĩ, có tư duy, có chính kiến riêng phải như phẩm chất một con chó chỉ biết có miếng ăn và sự trung thành với miếng ăn, tờ báo với tổng biên tập có phẩm chất của con chó mà họ cho là cao quí đó đã hô lên hiệu lệnh khởi xướng cuộc đấu tố, luận tội diễn đàn Nhà Báo Trẻ đã dùng từ “tan xác” với chiếc máy bay Casa 212 bị nạn ngoài biển và những tờ báo quốc doanh cũng có phẩm chất như tờ báo khởi xướng cùng với những tướng lãnh võ biền một sao, hai sao, những nhà báo, nhà thơ, tiến sĩ, quan chức và cả bộ máy quyền lực nhà nước ào ào lao vào cuộc đấu tố, luận tội từ “tan xác” quá nhỏ nhặt, thường tình trên diễn đàn Nhà Báo Trẻ kia.

Cuộc đấu tố những nghệ sĩ, những nhà văn hóa, nhà khoa học trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, cuộc đấu tố những nhân cách trung thực, những trí tuệ chói sáng, những khí phách trung kiên trong vụ án Xét lại chống lại sự lạc lối đi theo tư tưởng Mao của đảng cộng sản đã đánh tan tác một thế hệ trí thức tài năng vừa hình thành đội ngũ đi đầu, mở đường cho sự phát triển của đất nước. Hậu quả cuộc đấu tố nặng nề đến mức đội ngũ trí thức bị đánh tan tác cho đến tận hôm nay vẫn manh mún, liêu xiêu, ngơ ngác, lơ láo chưa hoàn hồn, cho đến hôm nay chỉ có những cá nhân trí thức ít ỏi, nhỏ bé, lẻ loi, đơn độc và rúm ró trong sợ hãi, không có một đội ngũ trí thức đủ mạnh, đủ dũng khí, bản lĩnh định hướng, soi sáng con đường đi cho đất nước.

Cải cách ruộng đất phát động số đông nông dân không thước đất cắm dùi, chỉ biết cắm mặt làm thuê, nghèo khổ, mù chữ vào cuộc đấu tố, bức hại những người chủ đất giỏi giang biết tổ chức sản xuất làm ra của cải nuôi cả xã hội. Bục đấu tố nào cũng liền kề pháp trường giữa cánh đồng và hàng trăm ngàn chủ đất lương thiện có công lớn với dân với nước đã bị dẫn từ bục đấu tố ra pháp trường nhận lấy cái chết tức tưởi. Dù vị tư lệnh tối cao cuộc cải cách ruộng đất có đứng trên diễn đàn Quốc hội trình diễn màn xin lỗi mùi mẫm ứa nước mắt nhận sai lầm của cuộc đấu tố tàn bạo, man rợ trong cải cách ruộng đất thì cuộc đấu tố đó đã đánh một đòn chí tử làm tan rã, ly tán khối đoàn kết đùm bọc của dân tộc Việt Nam, để lại hậu quả cho đến tận hôm nay vẫn chưa thể hàn gắn, dân tộc Việt Nam vẫn ly tán trong phân chia giai cấp, trong khác biệt ý thức hệ, để lại một nỗi đau, một vết nhơ hằn sâu mãi mãi trong lịch sử Việt Nam đã có quá nhiều đau khổ.

Những người chồm chồm nhảy lên đấu tố những chủ đất có công tổ chức sản xuất tạo ra miếng ăn nuôi xã hội, nuôi cuộc kháng chiến chống Pháp là những người nông dân chân đất áo đụp, nghèo khổ, mù chữ, làm thuê. Còn những người xăng xái xông ra đấu tố “Động cơ gì? Động cơ gì mà chia sẻ clip cá chết?”, những tướng lĩnh, quan chức, nhà nọ, nhà kia hằm hè kết tội diễn đàn Nhà Báo Trẻ chỉ vì chữ “tan xác” đều là những người xúng xính với quần là, áo lượt, đều bằng cấp đầy mình, học hàm học vị chót vót nhưng hành xử của họ vẫn không khác những người nông dân chân đất, áo đụp, mù chữ, vẫn chưa đủ nhân cách và tri thức làm chủ con người mình, vẫn chỉ là đám đông, là công cụ của những phong trào, những chiến dịch và căn tính nông dân thời manh mún, hủ lậu vẫn làm chủ, chi phối, dẫn dắt họ! 

Lấy đấu tố thay cho luật pháp, lấy quyền uy thay cho lẽ phải, chỉ diễn ra ở xã hội mông muội chưa có pháp luật. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước bằng hành xử vô pháp luật, lấy đấu tố thay cho pháp luật, lấy quyền uy thay cho lẽ phải thì lối hành xử đó chỉ đưa xã hội về thời hồng hoang mông muội, làm sao có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa!

24.6.2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét