27/6/16

Họp gấp bàn cách hoãn thi hành BLHS mới vì an ninh quốc gia?

Người Quan Sát (Danlambao) - Ngày 27/6/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải triệu tập gấp cuộc họp với trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để bàn cách hoãn thi hành BLHS mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7 tới đây.

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ cho hay: 

Cơ quan chức năng đã phát hiện bộ luật này có tới hơn 90 nội dung cần sửa đổi, bổ sung. “Mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với sự cố điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội trước đó.” - Một thành viên tham dự cuộc họp cho biết.

Trước đó vào tháng 4/2016, báo chí và các luật sư đã có nhiều phản biện chỉ ra các lỗi sai sót nghiêm trọng trong BLHS mới sắp có hiệu lực.

Và Quốc hội, lẫn những người có trách nhiệm im lặng.

Với quyết định hoãn thi hành BLHS mới vào ngày 1/7/2016 tới đây có nghĩa là việc áp dụng những điều khoản tiến bộ, có lợi cho nghi can, bị can, bị cáo sẽ bị hoãn?

Bên cạnh đó, việc quy định quyền im lặng, giám sát ghi hình ghi âm khi hỏi cung tại cơ quan công an cũng sẽ bị hoãn? 

Động thái này của Quốc hội diễn ra cùng lúc với việc Bộ Công an công bố sẽ có câu trả lời nguyên nhân cá chết vào ngày 29/6/2016 tới đây. 

Trả lời trong buổi họp báo quý 2 vào sáng 27/6 tại Hà Nội, trung tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay theo chỉ đạo của chính phủ, Bộ Công an được giao nhiệm vụ phối hợp với các ban ngành điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật. "Sự việc đang trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ nên Bộ chưa thể cung cấp thông tin. Chính phủ chỉ đạo trong tháng 6 sẽ cung cấp thông tin kết quả điều tra và rất có thể ngày 29 sẽ tổ chức họp báo công bố rộng rãi".

Hơn 500 đại biểu Quốc hội liệu đã nhắm mắt khi biểu quyết thông qua bộ luật mới, và nghiễm nhiên im lặng trong một khoảng thời gian dài. Nay đến hạn công bố tại sao cá chết mới cuống cuồng họp bất thường để bàn cách trì hoãn thời điểm hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự?

Quốc hội nháo nhào vì các sai sót đã được chỉ ra từ rất sớm, và vội vàng họp gấp để bàn cách đối phó với nhân dân?

Quốc hội phục vụ lợi ích của ai?

Dùng luật để trì hoãn quyền của công dân, dùng luật để đối phó với nhân dân là lựa chọn của chế độ Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Đây là lần thứ hai trong một nhiệm kỳ mà Quốc hội khoá 12 phải sửa đổi luật khi nó chưa có hiệu lực thi hành (lần trước là sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội). Sai sót lần này thực sự nghiêm trọng khi có đến 415 trong 435 Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vào tháng 11-2015

Và ai sẽ chịu trách nhiệm trước các sai sót khi đại biểu quốc hội nhắm mắt bấm nút thông qua?


____________________________________

Chú thích:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét