Đại Nghĩa (Danlambao) - Ngay từ khi cá chết hàng loạt thì dư luận Việt Nam đã nói ngay nguyên nhân là do công ty Formosa xả thải chất độc ra biển và chính người đại diện của công ty nầy cũng đã công nhận và hách dịch thách thức rằng: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, chọn đi!”
“Ông Chu Xuân Phàm - trưởng văn phòng Formosa tại Hà Tĩnh đã có những phát biểu ‘gây sốc’ như vậy khi trả lời phóng viên Tuổi Trẻ vào ngày 25-4...
“Tôi công nhận việc xả thải là có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên…
Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được...” (TuoiTre online ngày 25-4-2016)
Công ty Formosa đã ngang nhiên làm một đường ống xả thải chất độc ra biển ngầm phi pháp dài 1,5 km, đường kính 1,5 m nhưng quan chức cộng sản thì người nói thế này người nói thế khác, chứng tỏ họ đã lúng túng, bất nhất trong việc bao che.
“Trong khi ông Hoàng Dương Tùng-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT khẳng định Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển thì ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT nói rằng đường ống này đã được cơ quan chức năng cho phép đặt”. (PetroTimes online ngày 24-4-2016)
Việc Formosa có được phép xây dựng hệ thống xả thải ngầm hay không, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định:
“Đối với pháp luật Việt Nam thì hệ thống ống xả thải mà lấp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này”. (Vietnamnet online ngày 28-4-2016)
Ngay từ khi thợ lặn Nguyễn Xuân Thành khám phá ra đường ống xả thải bất hợp pháp của Formosa thì “Kình ngư ‘mất tích’ sau công bố bí mật về ống xả thải của Formosa” mà ai cũng nghĩ là do nhà cầm quyền CSVN bí mật đạo diễn. Ngoài ra, anh Lê Văn Ngày, thợ lặn của công ty chết một cách bất đắc kỳ tử bị dấu nhẹm cũng như 5 người thợ lặn khác phải nhập bệnh viện vì sức khỏe có vấn đề mà công an can thiệp thế nào bác sĩ không cho bệnh nhân biết bệnh tình cũng như kết quả xét nghiệm máu của mình.
“Liên quan đến thực trạng cá chết hàng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, sau khi công bố về những bí mật về đường ống xả thải khổng lồ nối từ khu vực dự án Formosa (thuộc khu kinh tế Vũng Áng, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ra biển, anh Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, trú tại thôn Ba Đồng, P. Kỳ Khương, TX. Kỳ Anh) đã rời khỏi địa phương một cách rất khó hiểu”. (Motthegioi online ngày 23-4-2016)
Tổ chức Ethecon -Quỹ vì Đạo đức & Kinh tế ở Cộng hòa Liên bang Đức đã gửi thư cho ba nơi: Tập đoàn Formosa Plastics, Chính phủ Đài Loan và Nhà nước Cộng sản Việt Nam, cùng nội dung một bức thư có đoạn đề cập đến vấn đề:
“Theo truyền thông địa phương, Formosa cũng đã đặt hàng 300 tấn hóa chất rất độc hại để làm sạch ống dẫn nước thải. Formosa từ chối tiết lộ chính xác những gì đã được làm sạch, những gì đã được gỡ bỏ và số lượng chính xác những loại hóa chất độc hại đã được sử dụng”. (Boxitvn online ngày 25-6-2016)
Công ty Formosa này đã từng có thành tích bất hảo, chính ngay “Campuchia từng ‘gửi trả’ Formosa chất độc” mà họ mang qua sử dụng ở xứ này.
“Hồi năm 1999, chính quyền Campuchia đã kỷ luật hàng chục quan chức và gửi trả hàng nghìn tấn chất độc mà Formosa Plastics tống sang cảng Sihanoukville…
Sự việc xảy ra từ ngày 4 đến 6 tháng 12/1998, khi Formosa cho đem sang cảng Sihanoukville khối chất thải nhiễm độc, và gây nhiễm độc cho nước biển, đất ven bờ và cả người dân địa phương…
Dù vậy, vào tháng 12/1998, tàu container Chang Sun từ Đài Loan đã vào cảng Sihanoukville và đem đến 2.799 tấn chất thải…
Vẫn theo BBC News, Formosa sau đó đã thu lại chừng 3.000 chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Hoa Kỳ…
Chính quyền ở Cao Hùng, Đài Loan cũng đã phạt công ty Formosa 48 nghìn đô la vì vận chuyển chất thải ra nước ngoài trái phép”. (BBC online ngày 25-4-2016)
Theo nhà báo Diane Wilson (Hoa Kỳ), người từng được giải “Hành tinh xanh” năm 2006, viết về phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu cho hay:
“Nhà báo Wilson nhiều lần nhắc đến công ty Formosa-Plastics gốc ở Đài Loan với những tội tàn phá môi trường rất nặng ở hai tiểu bang Texas và Delaware (Hoa Kỳ) và ở vùng vịnh Mexico rộng lớn, suốt những năm 1995, 1997 cho tới 2008.
Nhiều lần hảng này bị phạt tiền rất lớn, có khi phải đền cho ngư dân Texas 13 triệu đô la”. (VOA online ngày 12-5-2016)
Ngoài việc làm ăn có chất độc hại, Formosa còn là một tập đoàn làm ăn có tính cách gian manh lươn lẹo về thuế má, cho nên “Kiểm tra Formosa: đụng đâu sai đó”. Như vậy nhà cầm quyền CSVN có thể tiếp tục hợp tác với một đối tác đầy mưu ma cước quỷ như thế không?
“Gần 20.000 hóa đơn không đúng quy định, giấy tờ chứng minh nhập khẩu chưa đầy đủ, khai khống giá trị hàng hóa nhập khẩu…là những sai phạm của Formosa trong những lần kiểm tra ba năm trở lại đây.
Kết quả kiểm tra là cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn hơn 1.900 tỉ đồng tiền hoàn thuế Formosa”. (Boxitvn online ngày 22-5-2016
Ngoài ra còn “Dấu hiệu chuyễn giá ở Formosa Hà Tĩnh”, một lần bắt được mười lần không.
“Kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2-2016 của Formosa Hà Tĩnh, cơ quan thuế đã phát hiện 19.497 hóa đơn của Cty đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Kết quả là Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng…
Vào tháng 5-2016, Cục Hải Quan Hà Tĩnh cũng đã phát hiện việc DN này cố tình nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình lên tới 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra kể từ năm 2013 đến nay, một loạt những sai phạm khác liên quan đến vấn đề đóng thuế của Formosa Hà Tĩnh cũng đã được phát hiện”. (DanTri online ngày 26-6-2016)
Nhà cầm quyền CSVN cần phải làm rõ số cá mà người dân tỉnh Quảng Bình “Tấp nập vớt cá chết bán cho thương lái với ‘giá cao”. Số cá chết do nhiễm độc này hiện tẩu tán ở nơi đâu, ai mua với mục đích để làm gì, để xẻ khô hay làm mắm sau này bán ra thị trường cho người dân ăn? Theo báo điện tử Dân Trí cho biết:
“Trong khi phía cơ quan chức năng chỉ đạo thu gom và tiêu hủy cá chết thì thực tế những ngày qua, người dân sống ven biển Quảng Bình vẫn đổ xô đi gom cá chết, cá nhiễm độc nằm lờ đờ dọc bãi biển về bán cho thương lái”. (DanTri online ngày 27-4-2016)
Người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã đổ dầu vào lửa. Trong khi cá chết ở miền Trung người dân đang cho nguyên nhân là do công ty Formosa xả thải chất độc hại thì ông Trọng chẳng đá động gì đến việc cá chết mà lại đi thăm viếng “ve vãn” công ty Formosa, ông Trọng, ông Quang, bà Ngân cũng như những lãnh đạo cộng sản cao cấp khác đã vô cảm không nhắc gì đến việc cá chết miền Trung.
“Truyền thông ‘lề trái’ chỉ trích TBT Việt Nam ‘không đề cập tới vụ cá chết hàng loạt’ khi thăm tỉnh Hà Tĩnh, và tới ‘kiểm tra tiến độ dự án Formosa’ trị giá nhiều tỉ đô la…
Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo của nhà nước nói: ‘Trong khi cá chết hàng loạt, ông không đôn đốc quân lính ông đi kiểm tra, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân hầu ngăn chận kịp thời cho dân nhờ”. (VOA online ngày 24-4-2016)
Thái độ khiếp nhược của một số quan chức cộng sản khi có ai hỏi tới việc cá chết cũng như có hành động trốn chạy trong “Một buổi họp báo lạ lùng”. Theo báo điện tử PetroTimes đưa tin:
“Trên thực tế thì tận 20h, cán bộ đầu tiên của Bộ TN&MT mới bước vào phòng họp và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cầm văn bản chuẩn bị sẳn đọc một mạch trong vòng hơn 5 phút.
Đọc xong ông đi thẳng ra khỏi phòng họp báo mà không cho phóng viên có cơ hội hỏi thêm một câu nào. Tất cả diễn ra trong vòng chưa tới dăm bảy phút.
Một cuộc họp báo ngắn nhất trong lịch sử Việt Nam do một cơ quan nhà nước tổ chức. Và có lẻ là cuộc họp báo duy nhất mà phóng viên không được đặt câu hỏi nào mà cũng không có câu trả lời nào được đưa ra”. (PetroTimes online ngày 28-4-2016)
Một nữ nhà báo cố hỏi theo một câu về nguyên nhân cá chết có phải do nhiễm độc thì ông Võ Tuấn Nhân vội vã từ chối trả lời câu hỏi bằng cách khoác tay nói nhanh:
“Tắt máy. Tắt máy nghe. Xin lỗi. Không. Không, để anh nói riêng với em. Đừng hỏi câu đó. Hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình. Nhá. Em hỏi câu đó tổn hại cho đất nước của mình”. (VOA online ngày 30-4-2016)
Theo PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang thì khoảng 20-4 đã có kết quả đủ bằng chứng kết luận nguyên nhân cá chết, tuy nhiên còn phải chờ “xào nấu tin” theo chỉ đạo:
“Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám hôm 5-5 nói với báo chí Hà Nội là, các mẫu cá chết ở Bắc Trung bộ mà Bộ phân tích cho thấy cá bị nhiễm kim loại nặng.
Tuy vậy Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết ông không được phép công bố chi tiết, về chủng loại, thành phần cũng như số lượng kim loại nặng mà cá bị nhiễm từ nước biển.
Báo điện tử Tiền Phong trích lời Thứ trưởng Vũ Văn Tám giải thích là, Thủ tướng chỉ đạo kết quả phải được chuyễn cho Bộ TN&MT và chỉ có Bộ TN&MT là cơ quan được phép công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung”. (RFA online ngày 6-5-2016)
Câu chuyện cá chết ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam không dừng lại trong nước, nó đã được chính phủ Hoa Kỳ nhận giúp đỡ tìm ra nguyên nhân nhưng nhà cầm quyền CSVN đã từ chối. Nhưng, khi chính phủ và những nhà lập pháp Đài Loan “cương quyết” giúp Việt Nam dù họ đã từ chối. Một phóng sự truyền hình của PTS 60 phút về cá chết ở miền Trung làm xúc động lương tri thế giới khiến Cty Formosa phải cúi đầu nhận lỗi và nhà cầm quyền CSVN “không còn” cách nào hơn là phải công bố.
Trong sự che đậy ám muội, CSVN và Formosa đã thương lượng việc đền bù mà không cần có sự lượng định của một cơ quan có khả năng và đáng tin cậy, con số đền bù CSVN và Formosa tưởng chừng như đã đủ ém miệng người dân.
Theo GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP Sài Gòn trả lời phỏng vấn của đài RFA cho biết:
“Cân đong, đo đếm thì 500 triệu USD không ăn thua. Phải đền bù cho hơn triệu ngư dân sống ven biển, bám biển về mặt sinh kế lâu dài chứ không phải một, hai, ba tháng... là đủ. Ngoài ra còn phải đền bù thiệt hại về tài nguyên và đền bù thiệt hại về môi trường.
Tài nguyên biển thiệt hại nhiều và phải tính đủ để đền bù. Còn về môi trường thì theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả. Riêng cho môi trường thì 500 triệu USD không có nghĩa gì cả.
Rồi còn sức khỏe cộng đồng: độc mãn tính cả 10-15 năm sau mới phát ra. Như ở Nhật cả 20-30 năm sau vẫn còn bị. Nếu tính đủ phải tính như thế”. (RFA online ngày 30-6-2016).
Không đồng ý với sự “khoan hồng xanh” của CSVN, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS cho biết ý kiến của mình như sau:
“Tôi nghĩ rằng cuộc họp báo này thể hiện sự đạo diễn trong suốt thời gian qua. Đây là một quá trình phức tạp mà chính phủ không có phản ứng nhanh nhạy…
Tôi tin các cơ quan nhà nước VN sẽ phải tiến hành các thủ tục pháp lý để chống lại Formosa và đánh giá cụ thể các thiệt hại mà Formosa phải bồi thường. Theo tôi 500 triệu USD này chỉ là một phần nhỏ ban đầu mà thôi. Tôi ủng hộ một hành động pháp lý để đánh giá tất cả các thiệt hại để đòi Formosa phải bồi thường cho người dân”. (RFA online ngày 30-6-2016)
Sau khi Cty Formosa lên tiếng nhận là thủ phạm xả thải gây chết cá ở biển miền Trung thì “Vì sao Bộ Luật Hình Sự mới bị hoãn thi hành?” Luật sư Lê Công Định giải thích là theo bộ luật cũ thì Formosa không bị ảnh hưởng, còn nếu thi hành bộ luật mới thì Formosa sẽ b ị ngưng hoạt động vĩnh viễn.
“Như vậy, vì biết rất rõ chính Formosa là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và lâu dài tại miền Trung, và cũng vì kiên quyết bảo vệ Formosa bằng mọi giá bất chấp thiệt hại mà toàn dân gánh chịu, nhà cầm quyền Việt Nam buộc lòng hoãn thi hành Bộ Luật Hình sự mới một cách cuống cuồng, nhằm tránh áp dụng những quy định luật pháp hoàn toàn bất lợi cho Formosa…
Bộ Luật Hình Sự hiện hành tiếc thay hoàn toàn không thể động chạm đến lợi ích và hoạt động của Formosa. Nên bộ luật này sẽ mặc nhiên tiếp tục hiệu lực thi hành (dù đã dự trù bị thay thế từ hôm nay) cho đến khi nào vụ Formosa chìm xuồng hẳn nhờ số tiền 500 triệu USD được mang ra đổi chác hôm qua và chia chác ngày mai.
Một cách thẳng thắn, nhà cầm quyền Việt Nam rõ ràng ngày càng mất tính chính danh khi cố tình tìm cách bảo vệ một doanh nghiệp ngoại bang và không giấu diếm thái độ chống lại toàn thể nhân dân Việt Nam. Dừng thi hành vào phút cuối một bộ luật đồ sộ mà vẫn dám làm, thì còn điều gì là không thể đối với họ?” (Boxitvn online ngày 2-7-2016)
Trong cuộc họp báo chiều ngày 30-6, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng công bố Formosa Hưng Nghiệp chính là thủ phạm gây ra sự cố môi trường dẫn tới hiện tượng cá chết và cho rằng 500 triệu USD (kể cả dưới gầm bàn) là đã đủ, vì thế cho nên ông Bộ trưởng đã nhủ lòng: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Formosa vẫn còn ngoan cố “Biện bạch trước “giờ G”; đổ lỗi cho nhà thầu phụ, đổ lỗi cho mất điện!
Vậy còn trước đây thì đảng và nhà nước đánh kẻ chạy lại: Bob Kerrey; mặc dù ông ta đã rất thành khẩn sám hối thì sao?
Tất cả sự dễ dãi của nhà cầm quyền CSVN dành cho Formosa đều do “lợi ích” cả.
Ôi “chính sách khoan hồng” của đảng CSVN sao mà “xanh lè” (USD) vậy?
03.07.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét