Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Sau gần 3 tháng quốc dân lẫn quốc tế chờ đợi câu trả lời chính thức về nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ biển nhiễm độc và hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, chiều ngày 30-06-2016, Việt cộng đã tổ chức họp báo tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có sự tham dự của quan chức nhiều bộ khác, với 2 nội dung: một là thông báo ban hành nhiều nghị định quy định chi tiết các Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp có hiệu lực từ 1 tháng 7; hai là công bố nguyên nhân cá chết bất thường như Chính phủ đã cam kết và sau công bố này là lời xin lỗi của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, có rất nhiều điều để nói về cuộc họp báo mà ai có lương tâm và trách nhiệm với đất nước cũng ngóng chờ này.
Đểu giả
Trước hết, việc công bố nguyên nhân thảm họa về môi trường biển, khiến cả toàn xã hội điêu đứng, thậm chí thế giới phải quan tâm, đã được lồng ghép một cách khiên cưỡng, vô nguyên tắc, kiểu coi thường công luận, vào việc thông báo những nghị định liên quan đến hai Luật nói trên. Điều đó cho thấy đối với giới cầm quyền, thảm họa Formosa Hà Tĩnh chỉ là một cơn bão trong tách trà không hơn không kém.
Với kiểu kể công, thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ lên giọng: “Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý”. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng phụ họa: “Việc công bố hôm nay thể hiện chủ trương công khai của Đảng và Nhà nước. Ngay từ đầu những người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân, thủ phạm gây ra, đánh giá hậu quả gây ra, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng…”.
Thế nhưng, dù đao to búa lớn (“quyết liệt, quyết liệt”) như thế, nhà cầm quyền VC vẫn chỉ xử lý một cách chung chung: chẳng có “quan” nào phải từ chức, bị truy cứu trách nhiệm dân sự hay hình sự vì đã để xảy ra thảm họa. Thậm chí chẳng có “quan” nào đứng lên xin lỗi toàn dân và các nạn nhân, kể cả những kẻ đã từng nói rằng Formosa không liên quan đến vụ việc, rằng một trong những nguyên nhân là thủy triều đỏ, hoặc từng ra tay đàn áp tra tấn người bảo vệ môi trường.
Trước ngày công bố, xuất hiện trên mạng xã hội và báo lề phải bức thư nhận lỗi của Formosa. Tại sao có sự trùng hợp về thời điểm như vậy trong hành động của công ty và Chính phủ? Điều tra nguyên nhân thảm họa môi trường là vấn đề kỹ thuật và pháp lý, lẽ ra kết quả phải công bố trước khi Formosa thừa nhận lỗi về mình. Chẳng lẽ Chính phủ chờ thuyết phục Formosa thừa nhận trước mới dám công bố nguyên nhân sau? Nói cách khác, phải chăng đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà cầm quyền với Formosa trong sự kiện nghiêm trọng này để đối phó dư luận? Vậy yêu cầu chính đáng của người dân cả nước, nạn nhân của thảm họa môi trường này, không đáng để Chính phủ ưu tiên quan tâm hơn thủ phạm sao? (Ý kiến của luật sư Lê Công Định).
Rồi trước câu hỏi của báo chí “Cơ quan công an có khởi tố vụ án hình sự hay không?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thản nhiên rả lời: “Việc đấu tranh tìm ra thủ phạm là thái độ cương quyết của Đảng, Chính phủ: xử nghiêm không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào… Nhưng vì Formosa đã nhận lỗi trước người dân VN, đưa ra 5 cam kết về bồi thường hỗ trợ, nên Chính phủ cũng có chính sách độ lượng: Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”. Đểu giả! Về việc này, Ts Nguyễn Quang A bình luận: “Theo tôi phải tiến hành một vụ án, đánh giá đầy đủ thiệt hại và buộc Formosa phải bồi thường, chứ không thể coi việc 500 triệu đô [họ bảo là để đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng] với vài lời hứa như thế này là xong và để chìm xuồng vụ việc”.
Ngang ngược
Về thái độ của tập đoàn Formosa, thì từ trước tới nay, người ta chỉ thấy sự ngang ngược. Ngay khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm đã khẳng định: giữa cá tôm và nhà máy phải chọn một trong hai. Đến nay, khi tìm ra thủ phạm chính thức là chất kịch độc phenol và cyanur do Formosa xả thải, nó lại tiếp tục “đỗ thừa” do mất điện trong vài ngày đầu tháng 4-2016. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị lại gửi thư cho nhân viên với lời tuyên bố “sẽ giữ lại nhà máy hoạt động bằng bất kỳ giá nào và đặt quyền lợi của cán bộ, nhân viên lên hàng đầu” (không phải luật pháp, người dân và môi trường của VN!). Trong thư này bọn họ lại đưa ra một chủ thể khác mang tên “nhà thầu phụ” là thủ phạm gây thảm họa.
Như thế, so với việc khắc phục những hậu quả hết sức tai hại như cá chết sạch sành sanh gần bờ, một thợ lặn đã tử vong và một số phải điều trị bệnh, hàng ngàn người dân ngộ độc do ăn hải sản trong thời gian qua, biển bị ô nhiễm về lâu dài đến cả nửa thế kỷ từ mặt nước cho tới các rặng san hô bên dưới, hàng triệu người nay đang thất nghiệp và đói khổ, nền kinh tế quốc dân, an ninh đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều thế hệ sẽ sinh ra với những dị tật do biến đổi gen vì cha mẹ dùng muối và nước mắm nhiễm kim loại nặng… Nói tóm, tác hại của thảm họa này -theo ý kiến của nhiều nhà khoa học- không khác chi một quả bom nguyên tử nổ dưới biển, với những di chứng để lại trong môi trường tới gần cả trăm năm, thì số tiền 500 triệu đôla bồi thường quả là nực cười, bèo bọt, chẳng thấm vào đâu, thậm chí mang tính cách lăng mạ.
Hiện đang có một vụ kiện hãng xe Volkswagen ở Mỹ, buộc hãng này phải đền chừng 10 tỷ đô cho 475,000 chủ một loại xe của hãng vì đã trang bị một phần mềm lừa hệ thống kiểm định khí thải, 2,7 tỷ đô đền bù môi trường và 2 tỷ đô nữa cho việc nghiên cứu dòng xe bảo vệ môi trường tốt hơn trong tương lai. Rồi như một quán KFC cũng ở Mỹ đã phải bồi thường gần 10 triệu đô cho chỉ một cô bé mà sau khi ăn gà của hãng đã bị bại liệt. So với thiệt hại ở Mỹ thì thảm họa môi trường của Việt Nam lớn hơn nhiều. Thành ra 500 triệu đô không phải là tiền đền bù mà là một sự bố thí hay trò đấm mõm. Ấy vậy mà nhà cầm quyền Việt cộng đã vội vàng chấp nhận số tiền bèo bọt ấy. Nó giống như việc một kẻ lái ôtô ẩu, đâm chết người nhưng chỉ đưa tiền cho gia đình nạn nhân đủ mua một quan tài sau khi được chính quyền đứng ra dàn xếp như vậy. Với cái giá đó, Việt cộng đang bán rẻ hiện tại và tương lai dân tộc! Ngư dân nói riêng và đất nước nói chung cần một số tiền lớn hơn rất nhiều -50 tỷ đô- mới thỏa đáng cho những thiệt hại vô cùng lớn lao mà Formosa đã và đang gây ra tại VN. Khốn nạn thay, đây lại là thỏa thuận của riêng đám lãnh đạo VC với cái tập đoàn tai tiếng quốc tế ấy. Chẳng những thế, với kiểu “phạt cho tồn tại” như đã thấy lâu nay với nhiều công ty, xí nghiệp cũng gây ra thảm họa tương tự nhưng với tầm mức nhỏ hơn, Formosa sẽ tiếp tục hoạt động. Một tội phạm về môi trường lừng danh năm châu bốn bể, được nhận cả giải thưởng ô nhục “Hành tinh đen”, vẫn không bị một tòa án nào, quan tòa nào, bản án nào tại VN in dấu thêm vào lịch sử tội ác của nó. Dĩ nhiên là không! Bởi lẽ khi bộ máy tham nhũng (toàn bộ đảng và nhà cầm quyền Việt cộng) quyện chặt với một tập đoàn bất hảo như Formosa thì ta chớ nên trông chờ công lý được thực hiện. Tất cả đã được dàn dựng để biến quả núi thành ổ mối, con voi thành con chuột, với luận điệu nực cười: nào là Formosa thành tâm xin lỗi, bỏ ra 500 triệu để bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, nào là dạy cho ngư dân nghề mới, xử lý môi trường biển, nào là xin hứa khắc phục, cam kết không tái phạm, vân vân và vân vân. Liệu một vụ nữa có xảy ra không? Có trời biết nhưng người cũng đoán được. Chỉ có những kẻ thiểu năng trí tuệ hoặc bị tẩy não nhồi sọ mới tin vào cam kết của một tập đoàn kinh tế đầy tai tiếng về môi trường như Formosa và của một tập đoàn chính trị đầy thành tích tham nhũng và cướp bóc, gian dối và bạo lực như đảng VC.
Rình chờ.
Chính vì thế, công luận đang có những phản ứng hết sức dữ dội. Cứ vào những trang hàng triệu độc giả mỗi ngày như Anh Ba Sàm hoặc Dân Làm Báo thì thấy. Đảng và nhà cầm quyền VC không phải không biết điều này. Nên từ trước ngày công bố nguyên nhân đại họa, nhân dân đã thấy có nhiều diễn biến “động binh” của bộ quốc phòng, như xe tăng, thiết giáp, pháo cao xạ… xuất hiện khắp nơi. Theo một số tin tức chưa kiểm chứng, việc vận chuyển các khí tài quân sự này đều có đích đến là Hà Tĩnh - nơi nhà máy Formosa trú đóng. Cận thời điểm công bố thủ phạm, tân bộ trưởng công an Tô Lâm đã ra lệnh cho lực lượng dưới quyền phải ngăn chặn các hoạt động biểu tình trong thời gian sắp tới. “Nhiệm vụ trọng tâm” này được ban ra trong một hội nghị tại Sài Gòn hôm 28-6-2016, có sự tham dự của Thủ tướng và lãnh đạo công an 63 tỉnh thành. Trước đó, kể từ đầu tháng 4, người dân đã chứng kiến việc công an bưng bít thông tin, ngăn chặn mọi nỗ lực điều tra độc lập, thẳng tay đàn áp mọi ý kiến phản biện, mọi nghi ngờ bất mãn, tấn công giam nhốt những người biểu tình, vu khống những ai xuống đường vì môi trường là do sự xúi giục của các lực lượng thù địch. Giờ phút này, lực lượng an ninh đang rất phấn khởi với thành tích đạt được, tức cuộc họp báo đã giúp dẹp yên dư luận, và sau cuộc họp báo này thì bất kỳ ai còn lên tiếng đòi minh bạch đều chỉ có thể là “phản động”, cần phải trấn áp mạnh mẽ, vì đó là một tai họa cho chế độ.
Kết: Nhưng tai họa thực lúc này chính là Formosa. Với sự dung túng mọi mặt nhờ đã được ăn chia của hàng lãnh đạo VC, đó là một ổ độc chất lâu dài cho môi trường đất nước cũng như một nguy cơ tiềm tàng cho an ninh tổ quốc. Tuy nhiên, tai họa lớn hơn hết của Dân tộc vẫn là đảng VC.Bởi lẽ cái chết của biển cũng như của cá chỉ là ngọn của vấn đề, gốc chính là cái chết của lương tâm, của đạo đức, của lý trí và của chính trị nơi đám lãnh đạo vô tổ quốc lẫn vô dân tộc này. Thành thử toàn thể Đồng bào, các lực lượng quần chúng (sinh viên học sinh, nông dân, ngư dân, công nhân), các cộng đồng tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự độc lập cần tiếp tục xuống đường đông đảo, tỏ quyền lực nhân dân để khử cho được mối họa này!
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 246 (01-07-2016)
Ban Biên Tập
0 nhận xét:
Đăng nhận xét