22/7/16

Tôi với cái loa rè

HSTS (Danlambao) - “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng...” cứ vào mỗi buổi sáng sớm, cái loa rè trên cây cột điện xã lại lanh lảnh bài hát này. Nhiều lúc tiếng hát hòa lẫn với tiếng còi tàu hỏa chạy ngang qua tạo thành bài “cộng hưởng” tra tấn lỗ tai những người xung quanh. Nghe hay không? Dân không có quyền chọn lựa, vì việc phát thanh này đã có từ rất lâu, trải qua mấy nhiệm kỳ chủ tịch xã từ lúc tôi cắp xách bi bô đánh vần a, b, c cho đến nay chuẩn bị tốt nghiệp đại học.

Cạnh nhà tôi có một bác cán bộ quân đội về hưu. Qua trò chuyện, tôi được biết trước đây bác làm quân y và hiện hai con của bác đang làm chung một bệnh viện của Tỉnh nhà. Bác xem tôi như con cháu, hễ cây khế trước sân nhà chín thì bác bảo tôi hái sạch để không phải mất thời gian quét sân và nhặt trái rụng. Có lần, tôi phản ứng tiêu cực bằng cách ném trái khế vào cái loa để nó tắt tiếng. Bác thấy vậy gọi tôi lại và giải thích cho tôi biết theo một cái cách mà chưa từng có ai nói như thế. 

Theo bác, phát qua loa như là một kiểu tâm lý chiến. Tai người mỗi ngày tiếp thu rất nhiều âm thanh với nhiều tần số khác nhau. Tuy nhiên nếu cứ nghe một bài hát, phát ngày này qua tháng nọ với cùng một tần số không đổi thì sẽ tạo nên hiệu ứng phụ thuộc. Ví dụ với những âm thanh khác nhau trong ngày, con người sau một đêm ngủ dậy, ngày hôm sau sẽ hoàn toàn không nhớ gì. Nhưng với bài hát trên, được phát đúng giờ mỗi ngày sẽ tạo cảm giác lưu luyến (gọi cách khác là quen tai) gây cho người nghe cảm thấy bị “nghiện” dù thích hay không thích bài hát đó. Đoạn đầu tiên của bài hát “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” như trở thành một con gà báo thức đi vào tiềm thức của mỗi người nghe. Thay cho tiếng chuông đồng hồ khô khốc, lời mở đầu bài hát có tác dụng nhắc người nông dân đến giờ ra đồng, anh công nhân đến giờ đi làm, trẻ em sẽ được cha mẹ gọi dậy chuẩn bị đi học. Các cụ lớn tuổi thì kết thúc tập thể dục để tụ họp nhau bên tách trà nóng. Hẳn trong số những người đó có tôi chắc chắn sẽ hát khẽ theo lời đầu của bài hát. Và theo thời gian, bất cứ ai từ bé đến già đều thuộc lòng đoạn hát trên mặc dù không thuộc hết cả bài. Với những người sống ở thành thị, nhạc hiệu bản tin buổi sáng trên tivi là một dạng tương tự. Do đó, tôi có phá hủy chiếc loa này, sẽ có cái loa khác được thay thế ngay.

Tôi lắng nghe như nuốt từng chữ vào lòng. Không rõ bác quân y này dựa trên căn cứ khoa học nào để phân tích một cách hết sức thuyết phục (với riêng cá nhân tôi). Tôi đã kiểm chứng, nếu buổi sáng đang còn chìm giấc ngủ vì thức khuya, mặc dù là ngày cuối tuần được nghỉ nhưng chỉ cần nghe cái loa phát bài hát đó lên là cơ thể tôi phản ứng tiếp thu ngay bằng cách bật dậy, lao ra khỏi giường. Hai em và cả gia đình tôi cũng phản xạ như thế. 

Đảng đã cho tôi sáng cái con mắt khi nhận ra nhiều vấn đề. Với đảng CSVN, tuyên truyền là trên hết, dùng mọi thủ đoạn để ru ngủ cả một dân tộc. Đảng bất chấp tất cả nhằm nhồi nhét vào đầu không chỉ đảng viên, mà với người ngoài đảng những lý luận dài dòng, lặp đi lặp lại niềm tin vào đảng. Với riêng tôi, thay vì bịt tai không nghe loa xã thì tôi chọn cách đối diện với nó. Hãy để loa phát “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” và vẫn nằm lại trên giường tiếp tục lắng nghe đến đoạn “Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông” thì hãy bật dậy. Tôi thà bừng tỉnh trong đêm tối hơn thức giấc với ánh sáng chói lòa giả tạo. 

Riêng với bác quân y hưu trí, bác ấy cũng chỉ cho tôi cách của bác đối phó với cái loa. Đó là bác chẳng thèm để tai nghe bài hát nữa, có lẽ bởi bác ấy đã nghe nhiều đến mức nhàm chán không chỉ một bài hát về đảng. Bác dậy sớm hơn giờ phát loa, mở máy tính và gắn tai phone để nghe bản tin tiếng nước ngoài. Bác chọn cái loa hiện đại thay cho cái loa rè. Thói quen nào cũng có thể thay đổi nếu chúng ta quyết tâm thay đổi.

22.07.2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét