21/9/16

Formosa Hà Tĩnh và sự yếu kém của các bộ, ngành

Mẹ Nấm (Danlambao) - Đã 5 tháng trôi qua sau thảm họa môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung kể từ tháng 4/2016, vấn đề tồn đọng do nhà máy Formosa xả thải gây ra vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, việc tạm giữ 160 tấn hàng được cho là “bùn” (hay bột) bauxite tại cảng nước sâu Sơn Dương (Hà Tĩnh) làm lộ rõ thêm sự lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chủ quản.

Chiều 15/9, báo Người Đưa Tin chạy tít “Nóng: Tạm giữ tàu chở bùn bô xít nhập từ Trung Quốc vào Formosa” (1)

Ngày 16/9, ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã trả lời báo Thanh Niên về việc các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh nhận được thông tin có 1 tàu chở hàng trọng tải lớn từ cảng Đại Liên (Trung Quốc) cập cảng Sơn Dương (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), trên tàu chở các thiết bị, linh kiện kèm theo. Theo kết quả kiểm tra bước đầu, toàn bộ hàng hóa trên con tàu này đều có thủ tục thông quan, được các cơ quan chức năng liên quan cho phép nhập khẩu. Lượng bùn thải bô xít này được Formosa nhập về làm vật liệu chịu nhiệt trong công nghệ sản xuất thép. (2) 

Một cán bộ thuộc Chi cục Hải quan cảng Vũng Áng (Cục Hải quan Hà Tĩnh) cho biết thêm: toàn bộ hàng hóa trên tàu hàng nêu trên đều có thủ tục thông quan của cơ quan chức năng cho phép. “Bùn thải bô xít trên tàu là loại hàng hóa miễn thuế, nằm trong danh mục được phép nhập khẩu do Bộ Công thương cho phép nhập về." (2) 

Sáng 18/9/2016, đại diện Bộ Công thương trả lời báo chí: Chúng tôi đã kiểm tra kỹ các thông tin. Trong danh mục hàng hóa nhập khẩu cần sự cấp phép của Bộ Công Thương thì không có mặt hàng bùn hay bột bô xít này. Còn trong danh mục của các bộ chuyên ngành khác thì chúng tôi chưa rõ. “Hiện nay cơ quan chức năng đang lấy mẫu xem thực tế lô hàng Formosa nhập về là cái gì. Căn cứ vào đó mới biết được hàng nhập ấy có giấy phép hay không và nhập đúng hàng ghi trong giấy phép hay không”. "Còn phía Bộ Công Thương khẳng định mặt hàng Formosa nhập về không thuộc trách nhiệm cấp phép của Bộ Công Thương hay nằm trong danh mục quản lý của Bộ Công Thương như đại diện của Hải quan Vũng Áng đã thông tin cho báo chí trước đó." (3) 

Cuối cùng thì trách nhiệm thuộc về ai? 

Theo một số nhà quan sát, việc Formosa nhập vật liệu để xây lò chịu nhiệt độ cao đã thể hiện rõ trong hồ sơ khai quan. Tại sao các cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong vụ này? 

Cần phải đặt dấu hỏi tại sao lại đẩy một sự việc kiểu này lên thành “sự kiện”? Và nếu đã tạo sự kiện thì nên đặt câu hỏi rằng Formosa đang có mục đích gì qua sự kiện này? Phải chăng đây là cái bẫy được giăng ra để Formosa tạo ngược lại áp lực cho toàn hệ thống sau canh bạc 500 triệu đô?

Formosa không phải là tay chơi nghiệp dư trong các canh bạc huỷ hoại môi trường được bảo kê có hệ thống, nên nhớ là như vậy.

Trong khi các vấn đề sai phạm tại Formosa còn chưa được minh bạch để giải quyết, thì việc tiếp tục để Formosa hoạt động với cơ chế giám sát lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm như trên của các bộ, ngành khiến người dân hoang mang.

Phương án cấp duyệt cho nhà máy thép này xả thải ra sông Quyền đã và đang khiến cho người dân địa phương phản ứng dữ dội. Các vụ chôn lấp chất thải trái phép xảy ra hàng loạt trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có thêm thông tin xử lý... Có ai dám đảm bảo rằng thảm họa sẽ không xảy ra một lần nữa dưới sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm như hiện nay? 

Quá trình xử lý Formosa vẫn đang được chia thì tương lai, nghĩa là “sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”. Tôi còn nhớ một đoạn trong bài viết Formosa nhận lỗi, đảng nhận tiền – nhân dân nhận thảm họađến nay nhìn lại vẫn đúng nguyên. 

“Formosa nhận lỗi nhưng chưa nhận tội. Cũng không cho biết trong những lỗi đó đã thải xuống biển những chất độc gì và hàm lượng bao nhiêu. Đảng nhận tiền nhưng không biết những thiệt hại đối với môi trường đến kinh tế, sức khoẻ và đời sống của người dân nghiêm trọng ra sao. Đảng cũng cương quyết không nhận lỗi lẫn nhận tội khi đã biết rõ nguyên nhân cá chết cả tháng trước, nhưng vẫn phớt lờ để ngư dân ra biển, vẫn không một cảnh báo chính thức về hiểm họa tiêu thụ thức ăn hải sản có nguy cơ nhiễm độc. Chỉ có người dân là đóng vai trò nạn nhân lẫn khán giả và nhận thảm họa trong bi kịch Cá Chết Formosa.” (4)

Đừng im lặng, đừng co mình khóc than và lo sợ trước các hiểm hoạ ung thư như chúng ta đã. Hãy lên tiếng yêu cầu khởi tố các cá nhân liên quan đến thảm hoạ môi trường mang tên Formosa vì tương lai. 

21.9.2016


____________________________________

Chú thích:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét