Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Các viên chức cộng sản tại Việt Nam thường so sánh chế độ cộng sản Việt Nam với Hoa Kỳ, nhất là về phương diện tự do, dân chủ, nhân quyền, và pháp luật. Những sự so sánh này thường là "nửa sự thật" và có tính chất xuyên tạc, lưu manh, và gian xảo. Để hiểu rõ và đánh giá chính xác các luận điệu xuyên tạc này, ta cần có kiến thức căn bản về Hiến pháp và hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ. Những kiến thức căn bản này gồ̉m có ý nghĩa của Bản tuyên ngôn độc lập, giá trị của Hiến pháp, hệ thống tòa án, các loại luật, và hủy bỏ luật vì vi hiến. Những đặc điểm của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ gồm có: thông luật, đối nghịch, liên bang và tiểu bang, dân sự và hình sự, các tiêu chuẩn cho gánh nặng chứng minh, và sự phân biệt giữa công và tư.
*
Trong bài trước (Cao-Đắc 2016), tôi nhắc đến sự nguy hiểm của "nửa sự thật." (Nên ghi nhận rằng "nửa" đây không có nghĩa 50% mà có nghĩa "một phần," có thể 30% hoặc 60%.) Khi "nửa sự thật" được dùng trong việc xuyên tạc và tuyên truyề̉n, hình thức đó được coi như "dốt hay nói chữ" với ý đồ ác hiểm. Trong niềm hăng say tuyên truyền và nghĩ rằng họ vẫn có thể lừa bịp dân như thời xưa, nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam dùng chiến thuật "nửa sự thật" khi so sánh chế độ cộng sản tại Việt Nam với Hoa Kỳ với mục đích bào chữa sự tàn ác, hiểm độc của mình. Có những ngưởi, vì không có cơ hội hoặc phương tiện tìm tòi nửa sự thật còn lại, tin vào nửa sự thật đưa ra, và có hiểu biết sai lầm về sự việc.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày những đặc điểm về Hiến pháp và hệ thống pháp luật Hoa Kỳ với mục đích cung cấp tài liệu căn bản để độc giả có thể hiểu rõ thêm khi đọc những bài viết của người cộng sản so sánh với Hoa Kỳ, nhất là về các phương diện pháp luật, tự do, dân chủ, và nhân quyền.
Việc dịch từ ngữ luật pháp tiếng Anh sang tiếng Việt có thể chưa được thống nhất. Do đó, tôi sẽ ghi tiếng Anh trong ngoặc để độc giả tiện đối chiếu.
A. Dẫn nhập: Hai thí dụ giải thích vấn đề
Tôi xin trình bày hai thí dụ về việc NCQCS so sánh với Hoa Kỳ về các khía cạnh tự do dân chủ và nhân quyền. Hai thí dụ này cho thấy sự ngu xuẩn của NCQCS trong việc so sánh và cũng cho thấy một cách tổng quát hệ thống pháp luật và tinh thần tự do dân chủ tại Hoa Kỳ.
1. Thí dụ thứ nhất: Lật đổ chính quyền và tự do ngôn luận
Khi lý luận rằng tự do báo chí, điều 88 và điều 258 Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn hoặc luật lệ quốc tế, NCQCS so sánh với điều 2385, chương 115 trong bộ luật Hoa Kỳ để chứng tỏ rằng xứ Hoa Kỳ, nổi tiếng là tự do dân chủ, cũng có luật lệ nghiêm cấm những hành vi nhắm vào lật đổ chính quyền (Xem, thí dụ như, Đỗ 2015, Nguyễn và Hoàng 2013, Trương 2015). Đặc biệt,Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi còn là Thứ trưởng viết về điều 2385 trong Bộ Luật Hoa Kỳ: "Những quy định chặt chẽ đó không ngoài mục đích ngăn chặn việc lợi dụng tự do báo chí nhằm mục đích chống chính quyền, lật đổ chính quyền, xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân khác" (Trương 2015). Câu này cho thấy các viên chức cộng sản tại Việt Nam có trí hiểu biết thấp kém về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ và xuyên tạc sự thật, như sẽ được trình bày sau. Ngoài ra, các bài viết này chỉ đăng nội dung điều 2385 mà không nói đến cách thức tòa Hoa Kỳ phán xét và cách diễn giải phân tích về điều luật. Đó là một hành động đưa ra "nửa sự thật" và có tính chất lưu manh, láu cá, và gian xảo.
Trên thực tế, tòa án Hoa Kỳ theo hệ thống thông luật (sẽ được giải thích sau). Thẩm phán, quan tòa, hay chánh án, xem xét và diễn giải luật dựa vào tiền lệ (một phán quyết trước đó có nội dung tương tự và phải được áp dụng cho các vụ án sau), các quy định của Hiến pháp, và các nguyên tắc về công bằng và tự do. Một điểm rất quan trọng trong việc xem xét và diễn giải là cân nhắc (balancing) các yếu tố khi có mâu thuẫn hoặc đối chọi nhau trong luật lệ. Việc cân nhắc này rất cần thiết vì luôn luôn có những quy luật mâu thuẫn hoặc đối chọi nhau, hoặc quá rộng, hoặc quá hạn hẹp, hoặc một luật có thể chú trọng vào một khía cạnh nào đó mà bỏ qua một hay nhiều khía cạnh khác trong các luật khác.
Điều 2385 trong bộ luật Hoa Kỳ về các hành vi lật đổ chính quyền có thể va chạm đến các luật lệ về tự do ngôn luận và những nguyên lý công bằng. Trước hết, điều 2385 về lật đổ chính quyền chỉ áp dụng cho trường hợp dùng bạo lực và không áp dụng cho việc phát biểu một niềm tin hoặc ý kiến. Quan trọng hơn, điều 2385 không thể nào được coi trọng hơn tự do ngôn luận. Điều 2385 nằm trong bộ luật thường được coi là Bộ Luật Smith (The Smith Act) (Wikipedia 2016h). Luật này, thông dụng trong thời chiến vào Thế chiến thứ hai, được Tối Cao Pháp Việt Hoa Kỳ (TCPVHK) diễn giải nhiều lần, được sửa đổi nhiều lần theo phán quyết của TCPVHK, và có nhiều phán quyết trở thành tiền lệ có thẩm quyền.
Một tiền lệ quan trọng là vụ Yates v. United States (1957) (Wikipedia 2016i). Tiền lệ này khẳng định điều 2385 chỉ có thể được áp dụng thật hạn hẹp trong trường hợp bạo lực tạo ra mối nguy hiểm rõ rệt và tức thời, thí dụ bom đã được chế tạo cho một cuộc khủng bố đã được sắp xếp. Quan trọng hơn, tiền lệ Yates v. United States nhấn mạnh rằng tự do ngôn luận cho phép người dân chủ trương hoặc ủng hộ học thuyết trừu tượng về lật đổ chính quyền. TCPVHK phán rằng Tu chính án thứ nhất về tự do ngôn luận bảo vệ phát biểu và hành vi cực đoan và phản động (radical and reactionary speech) trừ phi phát biểu và hành vi đó đưa ra mối nguy hiểm rõ ràng và hiện tại (clear and present danger) (tlđd.). Với phán quyết này, TCPVHK hủy bản án kết tội 14 đảng viên Đảng Cộng Sản Hoa Kỳ. Câu của Trương Minh Tuấn ở trên, do đó, đi ngược lại với tiền lệ Yates v. United States, được coi là luật diễn giải điều 2385 trong Bộ Luật Hoa Kỳ.
2. Thí dụ thứ nhì: Phạm vi công tư và tự do ngôn luận
Gần đây, một bài đăng trên tờ Công An Nhân Dân (CAND) tại Việt Nam so sánh víệc trang mạng Huffington Post gỡ bài viết của một blogger với việc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thu hồi thẻ nhà báo của 4 nhà báo (Đặng 2016). Sự so sánh này sai lầm hoàn toàn và được coi là sự so sánh khập khiễng (Nguyễn 2016). Ngoài ra, bài viết này cho thấy sự hiểu biết quá kém cỏi của người cộng sản về nguyên tắc căn bản nhất trong tự do dân chủ và nhân quyền. Đó là sự phân biệt giữa công và tư.
Sự phân biệt giữa công và tư xác định ranh giới phạm vi áp dụng các nguyên tắc tự do, dân chủ, và nhân quyền. Các cơ quan chính phủ và guồng máy cai trị một quốc gia phải tuân theo các quy tắc đặt ra trong Hiến pháp vì họ là cơ quan công, đại diện dân, hoạt động dưới sự chỉ huy của người dân, nhận ngân quỹ từ dân. Ngược lại, các cơ sở tư nhân không nhận gì của dân, và do đó họ có toàn quyền hành xử theo ý họ, miễn là những hành động của họ không xâm phạm đến quyền lợi công. Tại Hoa Kỳ, các cơ sở tư nhân phải theo các luật lệ ảnh hưởng đến dân chúng thí dụ như luật về kỳ thị màu da, tuổi tác, tôn giáo, sách nhiễu tình dục; nhưng họ không cần tôn trọng tự do ngôn luận trong phạm vi kiểm soát của họ, miễn là họ không vi phạm các luật khác như kỳ thị tôn giáo (Cox 2015; Dolgow 2012; Findlaw).
The Huffington Post là một trang mạng tư nhân, thâu thập tin tức và đăng các bài blogs viết bởi những người đóng góp. Những người đóng góp gởi bài đăng không được trả tiền và tự nguyện (Wikipedia 2016j). Là một trang mạng tư nhân có một số khuynh hướng chính trị xã hội nào đó để thu hút độc giả, Huffington Post có toàn quyền quyết định cho đăng hay gỡ bỏ các bài đã đăng, hoặc không cho phép người đóng góp tiếp tục đăng. Đó là một việc hiển nhiên và hợp lý, vì không ai có thể bắt buộc trang Huffington Post phải theo đường hướng chính trị nào.
Ngược lại, nhà báo tại Việt Nam hành nghề dưới sự kiểm soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, một cơ quan công; do đó, phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của mọi nhà báo theo Hiến pháp. Sự phân biệt giữa công và tư là bước đầu tiên trong việc phán xét tính chất vi phạm quyền tự do ngôn luận. Bài viết trên tờ CAND ở trên cho thấy người cộng sản không phân biệt điểm sơ đẳng này, và sự so sánh của họ chỉ làm trò cười cho thiên hạ.
Hai thí dụ trên cho thấy vài khái niệm về đề tài của bài này: sự kém hiểu biết của NCQCS về pháp luật Hoa Kỳ, tính chất độc lập của ngành tư pháp Hoa Kỳ, cách thức tòa Hoa Kỳ phán xét và phân tích luật, và sức mạnh vĩ đại của tự do ngôn luận. Trong phần sau, tôi sẽ đi vào chi tiết về Hiến pháp và các đặc điểm của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
B. Sự liên hệ giữa Hiến pháp Hoa Kỳ và hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ
Tôi sẽ không đi sâu vào lịch sử Hoa Kỳ và các diễn biến đưa đến sự ra đời của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ta cũng nên ghi nhận vài biến cố quan trọng. Trước Hiến pháp Hoa Kỳ có một văn kiện lịch sử rất quan trọng. Đó là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập (The Declaration of Independence), được Quốc hội lục địa thứ nhì chấp nhận vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được coi như là tác phẩm của Thomas Jefferson làm việc trong ủy ban năm người (Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman, và Robert Livingston).
1. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập (1776):
Có nhiều khía cạnh đặc sắc trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng tôi sẽ chỉ nêu ra ba khía cạnh chính (Vile 2015, 4-6):
a) Khái niệm bình đẳng của nhân quyền:
Đoạn thứ nhì trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập là đoạn quan trọng nhất: "Chúng ta tin những sự thật này hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hoá ban cho mọi người một số Quyền không thể tách rời được, trong đó có Sống, Tự Do và mưu cầu Hạnh Phúc." ("We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.") Ta nên hiểu đây chỉ là ba quyền tổng quát đưa ra trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Nhiều học giả liệt kê ra một số quyền không thể tách rời được dựa vào các quyền này (Xem, thí dụ như, Conservapedia 2016). Jefferson coi những quyền này được Đấng Tạo Hóa ban cho con người, vả do đó chính quyền không được lấy những quyền này của người dân. Ta nên hiểu rằng chữ "men" trong đoạn này không hề có ý chỉ "đàn ông" hoặc "phái nam" mà vào "thời thế kỷ thứ mười tám, như thời bây giờ, các học giả thường dùng đại từ giống đực cho mọi người, kể cả phái nữ" (Vile 2015, 4). Tuyên truyền cộng sản thường dùng cách diễn giải thân cộng cho rằng chữ "men" trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập có nghĩa "đàn ông" mà thôi (Cao-Đắc 2014).
Jefferson hiểu rằng mọi người đến cùng loại và tất cả đều được hưởng một số quyền. Jefferson coi các quyền đó là "Sống, Tự Do, và mưu cầu Hạnh Phúc." (Xem, thí dụ như Vile 2015, 4; Wikipedia 2016g) Nhiều học gỉả cho rằng quyền "mưu cầu Hạnh Phúc" là quyền quan trọng và tuyệt diệu nhất vì nó gói ghém mục đích của cuộc đời.
b) Mục đích của Chính quyền:
Jefferson coi mục đích thực sự của chính quyền là phục vụ mọi người bằng cách bảo đảm các quyền lợi của họ. Jefferson tuyên bố rằng chính phủ lấy quyền chính thống không phải từ ý Trời, hoặc sự ủy thác của người lãnh đạo, mà từ "sự đồng ý của người được cai trị." (Vile 2015, 5).
c) Quyền Cách mạng:
Vì dân tạo ra chính quyền để bảo đảm hạnh phúc họ, Jefferson tuyên bố rằng dân có thể chính đáng thay đổi hoặc lật đổ chính quyền nếu chính quyền không đạt được mục tiêu của mình. Jefferson lý luận rằng dân không nên nổi dậy vì hứng nhất thời hoặc những nguyên do yếu và ngắn ngủi mà chỉ khi một loạt lạm dụng và tiếm quyền cho thấy mưu đồ tạo ra nền chuyên chế tuyệt đối (Vile 2015, 5).
Cũng nên nhắc lại rằng Hồ Chí Minh dùng nguyên văn câu trên khi đọc diễn văn ngày 2 tháng 9 năm 1945, công bố kết quả của vụ cướp chính quyền. Ta thấy rõ Hồ Chí Minh ù ù cạc cạc không hiểu gì về các khái niệm bình đẳng, mục đích chính quyền, và quyền người dân lật đổ chính quyền. Hồ vin vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ chỉ để ve vãn nịnh hót Hoa Kỳ và mượn danh nghĩa Hoa Kỳ trong việc cướp chính quyền trong giai đoạn tranh tối tranh sáng lúc bấy giờ. NCQCS sau này và hiện nay lại càng không hiểu gì về những khái niệm căn bản, nhất là quyền người dân lật đổ chính quyền. Không những thế, NCQCS hiện nay lại còn tiến sâu vào tội ác mà Jefferson đặt ra là lý do cho việc lật đổ chính quyền. Đó là tạo ra nền chuyên chế tuyệt đối. Theo Jefferson, chỉ cần có "mưu đồ" tạo ra nền chuyên chế tuyệt đối cũng đủ cho người dân có chính nghĩa lật đổ chính quyền, không cần phải đợi đến khi nền chuyên chế tuyệt đối đó đã được thiết lập ngày càng kiên cố.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập lót đường cho các cuộc hội họp, tranh luận, bàn cãi, và văn kiện khác, dẫn đến Hiến pháp Hoa Kỳ.
2. Hiến pháp Hoa Kỳ:
Nền tảng của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ là Hiến pháp Hoa Kỳ, được bắt đầu thảo ra vào năm 1787, phê chuẩn bởi mười ba tiểu bang nguyên thủy vào năm 1790, thiết lập hệ thống chính quyền liên bang. Ngoài ra, mỗi tiểu bang cũng có hiến pháp tiểu bang. Hiến pháp Hoa Kỳ là văn kiện tối cao của quốc gia và không một luật lệ nào có thể đi ngược lại các quy định trong Hiến pháp. Điểm này thường là đề tài nhiều tranh cãi.
Câu hỏi quan trọng là làm sao một văn kiện được viết từ thế kỷ thứ 18 có thể chi phối hành vi con người sống trong thế kỷ thứ 21? Tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này, nhưng muốn vạch ra rằng Hiến pháp Hoa Kỳ không có tính chất "tĩnh," mà có tính chất "động," nghĩa là được thay đổi thích hợp với cuộc sống văn minh. Có hai lực căn bản cho tính chất "động" này. Lực thứ nhất là Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (TCPVHK), Supreme Court Of The United States (SCOTUS). Hiến pháp được diễn giải bởi TCPVHK gồm có các thẩm phán được cho giữ chức cả đời. Những diễn giải của TCPVHK phản ảnh tình trạng xã hội, chính trị, và các khía cạnh con người theo thời gian, và do đó mang theo tính chất sống động với tiến bộ nhân loại. Lực thứ nhì là các cơ chế rõ rệt hoặc tiềm tàng ngay trong các quy định của Hiến pháp. Thí dụ, cơ chế Tu chính án (Amendment) cho phép người dân sửa đổi Hiến pháp từng phần.
Hiến pháp (liên bang hay tiểu bang) là một văn kiện tối cao định nghĩa các quyền lợi của người dân và quyền hành trong hệ thống chính quyền. Tu chính án thứ nhất cho tới Tu chính án thứ mười tạo thành Bản Tuyên Bố Quyền (Bill of Rights) của Hoa Kỳ và thường được coi là Bản Tuyên Bố Nhân Quyền vì những quyền trong mười Tu chính án này bảo vệ quyền căn bản của con người (Wikipedia 2016e).
3. Hệ thống tòa án tại Hoa Kỳ:
Hệ thống tòa án tại Hoa Kỳ khá phức tạp vì có hai hệ thống song song: liên bang và tiểu bang. Tuy có những nguyên tắc căn bản phân chia hai hệ thống này, nhiều khi có những lẫn lộn về pháp quyền (jurisdiction).
Một cách tổng quát, tòa liên bang nghe và xử các vụ kiện liên bang và tòa tiểu bang nghe và xử các vụ kiện tiểu bang. Các vụ kiện liên bang là những vụ liên quan đến tính chất hiến pháp Hoa Kỳ và các vụ liên bang khác. Các tòa tiểu bang là tòa án cuối cùng cho các vụ kiện cáo dính líu đến luật lệ trong tiểu bang và hiến pháp tiểu bang. Khi có những vụ cần phải có diễn giải của luật liên bang, sự diễn giải về luật liên bang hoặc hiến pháp Hoa Kỳ có thể được đưa lên TCPVHK nhưng TCPVHK có thể quyết định nghe hay không nghe những vụ kiện này (Xem, USCourts).
Quan tòa hoặc thẩm phán (judge) liên bang do Tổng thống đề cử và được Quốc hội chính thức bổ nhiệm. Họ thường giữ chức vụ khi có hạnh kiểm tốt, thường là cả đời cho đến khi về hưu. Tuy nhiên, Quốc hội có quyền cách chức thẩm phán liên bang khi họ có hành vi tồi tệ hoặc thiếu tư cách. Quan tòa hoặc thẩm phán tiểu bang thường được bổ nhiệm qua nhiều cách tùy từng tiểu bang: bầu cử, bổ nhiệm trong một thời gian ấn định, bổ nhiệm cả đời, hoặc phối hợp các cách này.
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ:
TCPVHK là tòa cao nhất của mọi tòa liên bang. Hiến pháp Hoa Kỳ không nói rõ rằng tòa án có quyền duyệt xét (review) tính chất hợp hiến của luật lệ (Fallon 2013, 11). Tuy nhiên, TCPVHK tự cho mình quyền "duyệt xét tư pháp" (judicial review) qua phán quyết của Chánh Thẩm Phán Marshall trong vụ Marbury v. Madison (1803) (tlđd., 12-19).
Tòa thường có chín thẩm phán, một Chánh Thẩm Phán và tám Thẩm Phán khác. Họ do Tổng thống đề cử và Thượng viện xác nhận bổ nhiệm. Một khi được bổ nhiệm, các thẩm phán giữ chức vụ cả đời trừ phi họ từ chức, về hưu, hoặc bị truất chức sau khi bị xét có tội. Mọi phán quyết của Tòa được quyết định theo đa số.
4. Các loại luật:
Có ba loại luật dựa vào cơ quan tạo ra: lập pháp, hành pháp, và tư pháp. Mới thoạt nghe, ai cũng tưởng có sự lầm lẫn vì nguyên tắc phân quyền rõ ràng giao phó việc làm luật cho ngành lập pháp. Làm sao ngành hành pháp có thể làm luật? Lại càng có vẻ vô lý khi ngành tư pháp cũng được phép làm luật. Vậy thì phân quyền ở chỗ nào?
Trên lý thuyết, chỉ có cơ quan lập pháp làm luật; nhưng trên thực tế, cơ quan lập pháp không thể có khả năng (nhân lực, kiến thức, hoặc thì giờ) làm đủ hết mọi luật, nhất là những luật liên hệ đến cách thi hành luật, các chi tiết nhỏ nhặt hoặc đặc thù mà cần có kiến thức chuyên môn trong lãnh vực nào đó mới có thể hiểu, hoặc các vấn đề thể thức, hành chánh, hoặc nhân sự. Do đó, cơ quan lập pháp ủy nhiệm cơ quan hành pháp viết các quy chế, nghị quyết, sắc lệnh, quy luật trong việc điều hành các hoạt động của cơ quan hành pháp này. Thí dụ, sắc lệnh Hành pháp (Executive order), các quy định (regulations) của các cơ quan hành pháp (agencies). Các sắc lệnh, quy chế, nghị quyết, quy luật này có hiệu lực như các đạo luật do các cơ quan lập pháp soạn ra, và cũng có thể bị hủy bỏ bởi tòa nếu vi hiến hoặc mâu thuẫn với các luật cao hơn. Hầu hết quốc gia nào cũng đều có loại luật hành pháp này.
Luật do cơ quan tư pháp tạo ra còn gọi là luật do tòa hoặc luật do thẩm phán (judge-made laws) là loại luật đặc biệt chỉ có trong hệ thống thông luật. Luật do tòa là các học thuyết luật được thiết lập bởi các tiền lệ tư pháp (judicial precedents). Nói cách khác, tòa diễn gỉải luật và sự diễn giải đó tạo nên luật mới. Luật do tòa dựa vào nguyên tắc pháp lý "stare decisis" có nghĩa là theo cái gì được quyết định. Thí dụ, tiền lệ Yates v. United States thảo luận ở trên là luật do tòa diễn giải điều 2385. Luật do tòa đóng góp rất lớn trong nền pháp luật Hoa Kỳ. Hầu hết các luật này được ban hành dưới hình thức ý kiến của các thẩm phán quyết định một vụ nào đó. Khi phán quyết một vụ, các vị thẩm phán không chỉ bỏ phiếu hoặc đưa ra quyết định ngắn gọn, mà phải phân tích các sự kiện, đối chiếu các luật lệ, nhất là các tiền lệ, phân biệt các chi tiết liên hệ, và trình bày lý luận dẫn đến quyết định sau cùng.
5. Tòa hủy bỏ luật:
Như được trình bày ở trên, nhiệm vụ của thẩm phán phúc thẩm trong một phiên tòa là diễn giải luật, chính yếu là tìm hiểu ý nghĩa và phạm vi một đạo luật, và xem xét sự áp dụng luật vào một vụ kiện cáo dân sự hoặc tố tụng hình sự. Trong tiến trình tìm hiểu ý nghĩa và phạm vi một đạo luật, thẩm phán phúc thẩm, tòa tối cao tiểu bang, nhất là TCPVHK, xác định tính chất hợp hiến của luật. Nếu trong việc này, tòa nhận ra luật vi hiến, hoặc đi ngược lại các phán quyết tiền lệ, tòa sẽ hủy bỏ luật.
Có những luật không vi hiến ngay trên mặt, mà cần phải có suy diễn trung gian để đưa ra điều trong hiến pháp mà luật đó vi phạm. Một suy diễn trung gian quan trọng dựa vào học thuyết luật vô hiệu vì mơ hồ (Void for vagueness).
Sự mơ hồ vi hiến là khái niệm dùng trong tòa án liên bang Hoa Kỳ để hủy bỏ các luật lệ hoặc hành động tư pháp. Khái niệm này đến từ học thuyết "tiến trình xét xử theo đúng luật" (due process) trong Tu chính án thứ 5 và thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ. Đại khái, không ai có thể bị truy tố vì không hiểu hành vi nào đang bị luật cấm đoán (Wikipedia 2016f). TCPVHK đã hủy bỏ biết bao nhiêu luật lệ của liên bang, tiểu bang, quận hạt, thành phố với lý do "vi hiến vì mơ hồ" (Volokh 2012). Hủy bỏ luật do vi hiến vì mơ hồ còn được mạnh bạo hơn nếu luật đó cản trở tự do ngôn luận. Tuy nhiên, nhiều khi TCPVHK không cần phải dùng đến vi phạm tự do ngôn luận mà chỉ cần dựa vào học thuyết "tiến trình xét xử theo đúng luật" trong Tu chính án thứ 5 và thứ 14 (tlđd.).
Thí dụ, trong vụ Kolender v. Lawson (1983), một đạo luật của tiểu bang California bắt buộc ai mà "lảng vảng or lang thang trên đường phố phải trình xác minh nhân thân 'đáng tin cậy và xác thực' " khi cảnh sảt hỏi, tòa kết luận rằng việc bắt buộc đưa ra xác minh nhân thân "đáng tin cậy và xác thực" thì mơ hồ vi hiến vì "đạo luật hầu như cho phép cảnh sát toàn quyền tùy nghi định đoạt nghi can có theo luật không." (Post 1994, 495). Từ ngữ khiến cho luật này vi hiến là tính từ "đáng tin cậy và xác thực." Tiêu chuẩn đó chẳng theo tiêu chuẩn cộng đồng hoặc thể thức hành chánh đã được thiết lập. Áp dụng luật này do đó chỉ có thể phản ảnh ý thích cá nhân, và tùy vào ý thích nhất thời của viên cảnh sát.
Đ̣ộc giả có thể nhận ngay rằng những điều luật như điều 88, 245, và 258 trong BLHS Việt Nam có đầy rẫy những từ ngữ mơ hồ và không thể nào giúp người dân hiểu được hành vi nào thì vi phạm luật và chịu sự diễn giải tùy nghi của người thi hành luật. Các điều này chắc chắn sẽ bị hủy bỏ vì mơ hồ vi hiến dưới tiêu chuẩn pháp luật Hoa Kỳ.
C. Những đặc tính của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ.
Hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ khá phức tạp kể cả lý thuyết và thực hành. Trong bài này, tôi không thể thảo luận đầy đủ mọi khía cạnh, mà chỉ có thể trình bày những nét chính.
1. Thông luật và luật dân sự - Đối nghịch và điều tra:
Trên thế giới hiện nay có nhiều hệ thống luật. Sự phân loại các hệ thống này rất phức tạp vì các hệ thống này không có cùng tiêu chuẩn hoặc có những đặc tính không liên hệ gì với nhau. Tuy nhiên, một cách tổng quát, có hai cách phân loại, và hai cách phân loại này đều đưa đến cùng hai hệ thống căn bản (Xem, thí dụ như, Robbins-Berkeley 2010).
Cách phân loại thứ nhất dựa vào cách thức luật được áp dụng. Dưới cách phân loại này, có hai hệ thống luật chính: (1) thông luật (common law), hoặc thường luật hoặc luật thông thường; và (2) luật dân sự (civil law), hoặc luật lục địa (continental law).
Cách phân loại thứ nhì dựa vào thể thức đi tìm sự thật trong một phiên tòa. Dưới cách phân loại này, có hai hệ thống luật căn bản: đối nghịch (adversarial) và điều tra (inquisitorial). Hệ thống đối nghịch chủ trương rằng "chân lý" hoặc sự thật về các dữ kiện sẽ được phanh phui khi việc đó được thi hành bởi hai phe đối nghịch nhau: trong hình sự, đó là công tố viện và bị cáo; trong dân sự, đó là nguyên đơn và bị cáo. Hệ thống điều tra chủ trương rằng "chân lý" hoặc sự thật về các dữ kiện sẽ được phanh phui khi việc đó được thi hành bởi một cơ cấu điều tra có tính chất vô tư, không thiên vị. Cơ cấu điều tra này thường do một hay nhiều quan tòa hay thẩm phán đảm nhận.
Tuy có tên khác nhau, hai cách phân loại này đưa đến cùng hai hệ thống chính. Hệ thống thông luật thường dùng phương thức đối nghịch và hệ thống luật dân sự thường dùng phương thức điều tra. Do đó, các danh xưng này thường được dùng lẫn nhau. Mọi quốc gia trên thế giới thường theo một trong hai hệ thống này.
Hai hệ thống này có nhiều điểm khác biệt và tương đồng. Ngoài ra, có những hệ thống không nằm trong hai hệ thống này, hoặc có sự trộn lẫn của cả hai hệ thống. Thực ra, hiện nay cũng ít có hệ thống thông luật/ đối nghịch hoặc luật dân sự/ điều tra thuần túy. Hai hệ thống này cũng có ít nhiều ảnh hưởng lẫn nhau và một hệ thống đôi khi có vài tính chất của hệ thống kia.
Sau đây là vài thí dụ quốc gia nào theo hệ thống nào (Xem, CIA; Wikipedia 2016b).
Thông luật/ đối nghịch: Hoa Kỳ (trừ luật tiểu bang Louisiana), Vương Quốc Anh, Gia Nã Đại (trừ Quebec), Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Ấn Độ (trừ vài vùng theo luật dân sự Bồ Đào Nha).
Luật dân sự/ điều tra: Áo, Bỉ, Ba Tây, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (Tàu cộng), Tiệp Khắc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Na Uy, Đài Loan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Venezuala.
Mỗi hệ thống có điểm tốt và xấu. Vì khuôn khổ hạn hẹp, tôi không thể trình bày đầy đủ so sánh hai hệ thống này. Độc giả có thể tham khảo thêm ở các tài liệu khác (Xem, thí dụ như, Koch 2004; lawgovpol; O'Connor 2012). Tuy nhiên, hình thức không bảo đảm nội dung. Một quốc gia có thể chế chính trị chi phối tính chất độc lập của ngành tư pháp như Việt Nam thì cho dù theo một hệ thống nào cũng đều vô ích.
2. Liên bang (federal) và tiểu bang (state):
Như trình bày ở trên, pháp quyền của tòa liên bang và tiểu bang được quy định khá rõ ràng. Một vụ kiện cáo phải được đưa ra tòa thích hợp. Một vụ tiểu bang không thể được đưa ra tòa liên bang và ngược lại. Tuy nhiên, có những vụ dính líu cả tiểu bang lẫn liên bang và có thể được đưa ra một trong hai, hoặc cả hai, tòa tùy vào người khởi kiện (nguyên đơn cho dân sự và công tố viện cho hình sự).
Một thí dụ nổi tiếng là vụ Rodney King (Wikipedia 2016a). Rodney King bị các cảnh sát Los Angeles đánh đập sau một quãng truy nã cao tốc vào năm 1991. Cuộc đánh đập được thu hình bởi một nhân chứng và được truyền bá khắp nơi. Có tổng cộng ba phiên tòa cho vụ này: hình sự tiểu bang, hình sự liên bang, và dân sự liên bang.
Áp dụng Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bill of Rights) vào tiểu bang:
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền hoặc Mười Tu chính án đầu, nguyên thủy áp dụng cho chính quyền liên bang, không phải tiểu bang. Thực ra mỗi tiểu bang cũng có Hiến pháp và bản tuyên ngôn nhân quyền của mình, nhưng không lúc nào cũng tương đồng với Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền liên bang.
Tu chính án thứ 14 là Tu chính án được TCPVHK diễn giải là Mười Tu chính án Hoa Kỳ đầu được áp dụng cho tiểu bang. Phần 1 của Tu chính án thứ 14 cấm tiểu bang không được từ chối quyền "sống, tự do, và tài sản" của một người mà không có "tiến trình xét xử theo đúng luật" ("due process of law"). Dựa vào câu "tiến trình xét xử theo đúng luật," TCPVHK dần dà áp dụng các Tu chính án trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền vào tiểu bang. Cho tới này, hầu hết các điều khoản trong Mười Tu chính án được áp dụng vào tiểu bang (Wikipedia 2016d).
Thực ra, chưa chắc Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ bảo vệ dân mạnh mẽ hơn các Hiến pháp tiểu bang. Nhiều tiểu bang có điều khoản trong Hiến pháp (tiểu bang) và Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền (tiểu bang) bảo vệ quyền lợi dân trong tiểu bang nhiều hơn Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ. Do đó, nhiều học giả cho rằng việc đem Mười Tu chính án Hoa Kỳ đầu áp dụng cho tiểu bang lả chuyện không cần thiết, và Mười Tu chính án Hoa Kỳ chỉ thiết lập mức tối thiể̀u, không phải mức tối đa, của quyền lợi người dân (Vile 2015, 120-121).
3. Quan tòa/ thẩm phán/ chánh án (judge) và bồi thẩm đoàn (jury) trong phiên tòa:
Một phiên tòa luôn luôn được điều hành, quản trị, và kiểm soát bởi một quan tòa (còn gọi là thẩm phán hoặc chánh án). Việc tìm kiếm sự thật, hoặc dữ kiện/ sự kiện, trong một phiên tòa có thể được giao phó cho vị quan tòa điều hành hoặc bồi thẩm đoàn (jury).
Điều III của Hiến pháp Hoa Kỳ tuyên bố rằng mọi phiên tòa (liên bang) phải có bồi thẩm đoàn. Quyền này được nới rộng thêm qua Tu chính án thứ sáu của Hiến pháp Hoa Kỳ, trình bày một phần, "Trong mọi cuộc truy tố hình sự, người bị kết tội phải có quyền được có một phiên tòa mau lẹ và công khai, bởi một bồi thẩ̀m đoàn không thiên vị từ tiểu bang và địa hạt nơi tội phạm xảy ra," và Tu chính án thứ bảy của Hiến pháp Hoa Kỳ, bảo đảm phiên tòa bồi thẩm đoàn trong các phiên tòa dân sự (Wikipedia 2016c). Ta nên nhớ các quyền này áp dụng các vụ tòa liên bang. Như trình bày trên, phần lớn các quyền này cũng được áp dụng cho tiểu bang qua Tu chính án thứ 14, nhưng có vài quyền chưa được đem vào tiểu bang. Thí dụ quyền có bồi thẩm đoàn cho phiên tòa dân sự chưa được bắt buộc phải có trong tiểu bang (Wikipedia 2016d).
4. Dân sự (civil) và hình sự (criminal):
Sự phân biệt giữa dân sự và hình sự khá rõ ràng. Đại khái, luật dân sự liên can đến các vụ kiện cáo giữa hai phe về những tranh chấp có tính chất cá biệt, và thường liên hệ đến bổn phận và trách nhiệm giữa hai phe. Luật hình sự liên can đến các vụ truy tố tội phạm bởi chính quyền, đại diện dân chúng, với mục đích bảo vệ xã hội.
Một hành vi có thể đưa đến trách nhiệm pháp lý về cả dân sự lẫn hình sự. Một thí dụ là vụ án Rodney King như đã trình bày ở trên. Một vụ án khác, cũng rất nổi tiếng, liên hệ đến hình sự và dân sự, là vụ án O.J. Simpson. Năm 1995, O.J. Simpson bị truy tố hình sự ra tòa tiểu bang (California) về tội giết người, nhưng không bị kết tội. Gia đình nạn nhân kiện Simpson ra tòa dân sự tiểu bang về cái chết trái luật (wrongful death) của nạn nhân và đòi bồi thường. Simpson bị thua kiện trong vụ kiện này năm 1997.
Lý do có sự khác biệt về quyết định về tội phạm hoặc trách nhiệm pháp lý giữa vụ hình sự và dân sự là tiêu chuẩn kết tội cho hình sự cao hơn tiêu chuẩn dân sự, sẽ được trình bày sau. Ngoài ra, trong các phiên tòa có bồi thẩm đoàn, tỉ lệ bỏ phiếu của hình sự cao hơn dân sự. Với hình sự, hầu hết các tòa đòi hỏi tỉ lệ tuyệt đối, nghĩa là tất cả bồi thẩm viên trong bồi thẩm đoàn phải đồng ý (unanimous) với quyết định. Với dân sự, tỉ lệ này chỉ tương đối, thường là đa số (majority); thí dụ quá nửa.
5. Tiêu chuẩn trong việc tìm kiếm sự kiện hoặc áp dụng luật:
Một phiên toà thường gồm có ba yếu tố: bằng chứng, luật áp dụng, và áp dụng luật vào sự kiện dựa vào bằng chứng. Việc áp dụng luật vào sự kiện dựa vào bằng chứng phải đạt được một tiêu chuẩn nào đó. Tiêu chuẩn này khác nhau tùy vào tính chất của vụ kiện hoặc phiên tòa. và là điều kiện cho một bên trong vụ kiện phải chứng minh rằng phiên bản của họ về dữ kiện, bằng chứng, phải đạt một mức độ đáng tin nào đó. Cái trách nhiệm chứng minh đó thường được gọi là "gánh nặng chứng minh" (burden of proof).
Một cách tổng quát, có ba tiêu chuẩn chính thường được dùng trong tòa: Vượt quá hồ nghi/nghi ngờ hợp lý (Beyond a reasonable doubt), rõ rệt và thuyết phục (clear and convincing), và mức độ bằng chứng cao (preponderance of evidence).
a) Vượt quá nghi ngờ hợp lý:
Tiêu chuẩn này khá cao, có nghĩa là tuy không biết chắc chắn 100%, những chứng cớ đưa ra khiến bạn không còn hồ nghi gì nữa. Một cách nôm na, "vượt quá nghi ngờ hợp lý" có thể được diễn giải là "không còn nghi ngờ gì nữa" tuy vẫn có thể có một chút phần không rõ. Thông thường, tiêu chuẩn này coi là có xác suất hoặc mức độ chắc chắn trên 95% (Newman 2007).
Tiêu chuẩn này thường được dùng trong các vụ hình sự. Biện lý hoặc phe buộc tội phải có gánh nặng chứng minh các dữ kiện và bằng chứng của họ vượt quá nghi ngờ hợp lý để buộc tội bị cáo. Sở dĩ tòa dùng tiêu chuẩn cao này vì việc buộc tội một người rất quan trọng, và đòi hỏi bằng chứng khá chắc chắn để có thể bỏ tù bị cáo hoặc tước đi những tự do của bị cáo.
Làm sao mà biết được một bồi thẩm viên có mối hoài nghi hợp lý hay không hợp lý? Như trình bày ở trên, trong phiên họp bồi thẩm đoàn, sau khi bỏ phiếu quyết định, thông thường mọi người tham gia vào cuộc tranh cãi, và ai cũng phải cố thuyết phục người khác theo ý mình. Do đó, ai cũng phải trình bày lý do tại sao họ bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý với tội phạm đưa ra.
b) Rõ rệt và thuyết phục:
Tiêu chuẩn này thấp hơn tiêu chuẩn "Vượt quá nghi ngờ hợp lý" ở trên, nhưng cũng đòi hỏi chứng cớ có sức thuyết phục và rõ rệt, không được mơ hồ hoặc chỉ là phỏng đoán. Tiêu chuẩn này đại khái có thể đòi hỏi mức độ chắc chắn khoảng từ 70% tới 90%.
Tiêu chuẩn này thường được dùng trong các vụ kiện dân sư đòi hỏi thiết lập yếu tố nào đó trong luật, thí dụ các vụ kiện cáo về gian lận, dính líu đến di chúc và thừa kế. Đôi khi tiêu chuẩn này cũng được dùng cho vài vụ án hình sự cho các vấn đề phụ thuộc.
c) Mức độ bằng chứng cao:
Tiêu chuẩn này thấp hơn tiêu chuẩn "rõ rệt và thuyết phục" và thường được dùng trong các vụ kiện cáo dân sự hoặc hành chính. Đại khái, "mức độ có bằng chứng cao" có nghĩa là "có phần chắc hơn là không chắc" (more likely than not). Để thỏa mãn tiêu chuẩn này, một bên (thường là nguyên đơn) chỉ cần chứng minh là các chứng cớ, dữ kiện, nguyên do, thiệt hại, mà họ đưa ra có phần đúng hơn là sai. Nếu dùng phần trăm, thì mức độ chắc chắn là hơn 50% (Xem, USLegal).
6. Công (public) và tư (private):
Như đã được trình bày trong phần đầu, sự phân biệt giữa công và tư rất quan trọng vì việc đó cho biết luật nào có thể áp dụng được. Một cách tổng quát, "công" liên hệ đến chính quyền và "tư" liên hệ đến cá nhân. Sự phân biệt này quan trọng vì những gì liên hệ đến công đều phải được điều hành bởi các luật lệ chính quyền và theo hiến pháp. Ngược lại, những gì dính líu đến tư nhân không phải theo các luật lệ hiến pháp trừ phi những sự kiện đó có tác dụng trên công chúng, như kỳ thị màu da, tôn giáo, tuổi tác.
Công và tư có thể dùng để chỉ nơi chốn, nghĩa vụ, quyền lợi. Thí dụ, khuôn viên một trường học công lập là địa điểm công, nhưng bãi đậu xe của một cơ sở thương mại tư nhân là địa điểm tư. Có vài trường hợp "tư" có thể coi là "công" nếu việc "tư" đó có tác dụng "công." Thí dụ khi sân chơi một trường học tư thường được chính phủ dùng là nơi các ứng cử viên cho các chức vụ chính quyền vận động tranh cử thì sân chơi đó có thể được coi là "công."
Trên đây chỉ là phác họa vài nét về Hiến pháp và hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Có rất nhiều đặc điểm trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ nhưng tôi không thể trình bày hết. Vài thí dụ như: sự khác biệt giữa vấn đề pháp lý (question of law) và vấn đề dữ kiện (question of fact), các thể thức kháng cáo, chi tiết về bồi thẩm đoàn, tính chất công khai của các phiên tòa. Những đặc điểm trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành các khái niệm về nhân quyền, tự do, và công lý.
D. Kết Luận:
NCQCS tại Việt Nam thường so sánh tình trạng nhân quyền và pháp luật tại Việt Nam với Hoa Kỳ. Những sự so sánh này hầu hết sai lầm, mang tính chất xuyên tạc và tuyên truyền với mục đích cố chứng minh rằng những quy luật tại Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, rất quan trọng cho dân Việt Nam, nhất là các thành phần trí thức, sinh viên học sinh, và giới trẻ, hiểu rõ sự thật để có một cái nhìn chính xác về tình trạnh nhân quyền và pháp luật tại Việt Nam. Hiểu biết về Hiến pháp và hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ sẽ giúp dân có một khái niệm cụ thể về các tiêu chuẩn tại các quốc gia tự do dân chủ, và đánh giá chính xác tình trạng luật pháp tại Việt Nam.
Để hiểu thêm về nhân quyền và thể thức thi hành luật hình sự, ta nên tìm hiểu về các Tu chính án trong mười Tu chính án đầu tiên trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Quan trọng nhất là các Tu chính án thứ nhất, thứ tư, thứ năm, và thứ sáu. Nếu có dịp, tôi sẽ trình bày về các Tu chính án này trong các bài sắp tới.
GHI CHÚ:
Tôi viết bài này đặc biệt tặng cháu Khoái Văn Nghệ và tất cả các sinh viên, học sinh, và giới trẻ tại Việt Nam.
Tài Liệu Tham Khảo:
tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.
Cao-Đắc, Tuấn. 2014. Dốt hay nói chữ. 1-12-2014. http://goc-tin-tuc.blogspot.com/2014/12/dot-hay-noi-chu.html (truy cập 24-4-2016).
_________. 2016. Không biết, cố tình không biết, ngu dốt, im lặng, và chối bỏ. 7-9-2016. http://goc-tin-tuc.blogspot.com/2016/09/khong-biet-co-tinh-khong-biet-ngu-dot.html (truy cập 21-9-2016).
CIA. Không rõ ngày. The World Factbook: The Legal Systems. Không rõ ngày. https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/fields/2100.html (truy cập 28-7-2016).
Conservapedia. 2016. Unalienable rights. Thay đổi chót: 27-7-2016. http://www.conservapedia.com/Unalienable_rights (truy cập 13-9-2016).
Cox, Jeannette. 2015. A Chill Around the Water Cooler: First Amendment in the Workplace. 2015. http://www.americanbar.org/publications/insights_on_law_andsociety/15/winter-2015/chill-around-the-water-cooler.html (truy cập 22-9-2016).
Dolgow, Michael. 2012. Where Free Speech Goes to Die: The Workplace. 3-8-2012. http://www.bloomberg.com/news/articles/2012-08-03/where-free-speech-goes-to-die-the-workplace (truy cập 22-9-2016).
Đăng Minh. 2016. Từ chuyện nhà báo bị đuổi việc vì xúc phạm bà Hillary Clinton. 19-9-2016. http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Tu-chuyen-nha-bao-bi-duoi-viec-vi-xuc-pham-ba-Hillary-Clinton-408661/ (truy cập 22-9-2016).
Đỗ Phú Thọ. 2015. Tự do phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật. 2-3-2015. http://www.tuyengiao.vn/Home/Bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-Dang/73964/Tu-do-phai-dat-trong-khuon-kho-cua-phap-luat (truy cập 19-9-2016).
Fallon, Jr., Richard H. 2013. The Dynamic Constitution: An introduction to American Consitutional Law and Practice. Second Edition. Cambridge University Press, New York, New York, U.S.A.
Findlaw. Không rõ ngày. Freedom Of Speech In The Workplace: The First Amendment Revisited. Không rõ ngày. http://corporate.findlaw.com/law-library/freedom-of-speech-in-the-workplace-the-first-amendment-revisited.html (truy cập 22-9-2016).
Koch, Charles H., Jr. 2004. The Advantages of the Civil Law Judicial Design as the Model for Emerging Legal Systems. Indiana Journal of Global Legal Studies. Vol. 11, Issue 1, Article 6. Winter 2004. http://www.repository.law.indiana.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1278&context=ijgls (truy cập 28-7-2016).
lawgovpol. Không rõ ngày. Common law - advantages and disadvantages. Không rõ ngày. http://lawgovpol.com/common-law-advantages-disadvantages/ (truy cập 28-7-2016).
Newman, Jon O. 2007. Quantifying the standard of proof beyond a reasonable doubt: a comment on three comments. 23-7-2007. http://lpr.oxfordjournals.org/content/early/2007/07/23/lpr.mgm010.full.pdf+html (truy cập 16-4-2016).
Nguyễn Dư. 2016. Một sự so sánh khập khiễng không thuyết phục để bênh vực cho chế độ CSVN. 21-9-2016. http://goc-tin-tuc.blogspot.com/2016/09/mot-su-so-sanh-khap-khieng-khong-thuyet.html (truy cập 22-9-2016).
Nguyễn Hữu Phúc và Hoàng Thế Nhân. 2013. Điều 88 Bộ luật Hình sự phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam. 5-8-2013. http://tapchiqptd.vn/zh/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/dieu-88-bo-luat-hinh-su-phu-hop-voi-luat-phap-quoc-te-va-thuc-tien-viet-nam/4067.html (truy cập 21-9-2016).
O'Connor, Vivienne. 2012. Common Law and Civil Law Traditions. 3-2012. http://www2.fjc.gov/sites/default/files/2015/Common%20and%20Civil%20Law%20Traditions.pdf (truy cập 28-7-2016).
Post, Robert C. 1994. Reconceptualizing Vagueness: Legal Rules and Social Order. 82 Cal L. Rev. 491 (1994). Available at: http://scholarship.law.berkeley.edu/californialawreview/vol82/iss3/2 (truy cập 22-9-2016).
Robbins-Berkeley. 2010. The Common Law and Civil Law Traditions. 2010. https://www.law.berkeley.edu/library/robbins/pdf/CommonLawCivilLawTraditions.pdf (truy cập 28-7-2016).
Trương Minh Tuấn. 2015. Tự do báo chí không phải là vô hạn. 8-6-2015. http://www.nhandan.com.vn/binhluan/binh-luan-phe-phan/item/26576602-tu-do-bao-chi-khong-phai-la-vo-han.html (truy cập 21-9-2016).
USCourts. Comparing Federal & State Courts. http://www.uscourts.gov/about-federal-courts/court-role-and-structure/comparing-federal-state-courts (truy cập 5-3-2016).
USLegal. Preponderance of the Evidence. http://courts.uslegal.com/burden-of-proof/preponderance-of-the-evidence/ (truy cập 16-4-2016).
Wikipedia. 2016a. Rodney King. Thay đổi chót: 4-3-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Rodney_King (truy cập 5-3-2016).
_________. 2016b. List of national legal systems. Thay đổi chót: 26-7-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_national_legal_systems (truy cập 28-7-2016).
_________. 2016c. Juries in the United States. Thay đổi chót: 3-3-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Juries_in_the_United_States (truy cập 9-4-2016).
_________. 2016d. Incorporation of the Bill of Rights. Thay đổi chót: 23-3--2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Incorporation_of_the_Bill_of_Rights (truy cập 9-4-2016).
_________. 2016e. United States Bill of Rights. Thay đổi chót: 20-3--2016. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Bill_of_Rights (truy cập 11-4-2016).
_________. 2016f. Vagueness doctrine. Thay đổi chót: 21-2-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Vagueness_doctrine (truy cập 15-4-2016).
_________. 2016g. United States Declaration of Independence. 22-4-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Declaration_of_Independence (truy cập 24-4-2016).
_________. 2016h. Smith Act. Thay đổi chót: 31-8-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Smith_Act (truy cập 21-9-2016).
_________. 2016i. Yates v. United States. Thay đổi chót: 10-7-2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Yates_v._United_States (truy cập 21-9-2016).
_________. 2016j. The Huffington Post. Thay đổi chót: 11-9-2016. https://en.wikipedia.org/wiki/The_Huffington_Post (truy cập 22-9-2016).
Vile, John R. 2015. A Companion to the United States Constitution and its Amendments. Sixth Edition. Praeger, ABC-CLIO, Santa Barbara, California, U.S.A.
Volokh, Eugene. 2012. The Void-for-Vagueness / Fair Notice Doctrine and Civil Cases. 21-6-2012. http://volokh.com/2012/06/21/the-void-for-vagueness-fair-notice-doctrine-and-civil-cases/ (truy cập 14-4-2016).
23.9.2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét