Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Bài viết này nằm trong chuỗi bài theo chủ đề “Hành trình về dân chủ đa nguyên”, với ý tưởng vừa đi vừa thảo luận, nhằm tìm hiểu bản chất và kết cấu của một thể chế dân chủ đa đảng, như đích đến của hành trình. Nội dung bài này đề cập “Lộ trình tới dân chủ đa đảng”, đáng lẽ được đưa ra sau khi xem xét các chủ đề khác, như Hiến Pháp, hệ thống giá trị, kết cấu Nhà nước, cấu trúc nền Dân chủ, hệ thống bầu cử... Nhưng nhân tiện có bài viết “Đã đến lúc cần phải đối thoại” của Giáo sư Chu Hảo, đăng trên AnhBaSam ngày 23/08/2016 và bài “Đối thọai và lòng tin” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, đăng ba kỳ liên tiếp từ ngày 31/08/2016 cũng trên AnhBaSam. Bài viết này đưa ra lộ trình năm bước, dựa trên tư tưởng đối thoại, có thể là một ý kiến đóng góp thêm cho cuộc thảo luận rộng rãi. Đối thoại có thể đã trở thành một lựa chọn được khẳng định.
Tuy vậy, cũng nên nhắc lại nguyên tắc của chúng ta là “không một ý kiến nào bị cấm nêu ra, không một chủ đề nào cấm bàn đến và không tư tưởng nào là thống soái”. Tự do tư tưởng là nguyên tắc của sinh hoạt dân chủ. Trang AnhBaSam có một phương ngôn: “tôi không đồng ý với điều bạn nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói ra điều đó của bạn”.
Đối thoại với đảng cộng sản cầm quyền là con đường ngắn nhất, thực tế và khả thi nhất. Không có con đường nào dẫn đến thay đổi chế độ một cách hoà bình, thân thiện và tiết kiệm hơn con đường chính đảng cầm quyền tự nguyện hoà giải thông qua đối thoại với các thành phần chính trị khác của xã hội. Không có đập bỏ, không có loại trừ, không có ân oán, thù hận. Cầm quyền không phải là một cuộc tranh đoạt quyền lợi, không phải là cuộc chiến giành giật quyền áp đặt ý thức hệ. Cầm quyền là một vinh dự, niềm kiêu hãnh được cống hiến.
Nhưng để đối thoại, nói đúng hơn để đảng cộng sản có thế chấp nhận đối thoại, có hai việc cần làm, một là làm cho đảng viên, nhất là các đảng viên cao cấp trong bộ máy lãnh đạo đảng cộng sản nhận thức thực chất nhu cầu bức thiết và chính đáng phải thay đổi thể chế chính trị, từ bỏ độc đoán chuyên chế, thứ hai, phải tạo bằng được áp lực buộc đảng cộng sản phải chấp nhận đối thoại vì lợi ích của chính đảng cộng sản trên nền lợi ích quốc gia dân tộc. Đây sẽ là cuộc cách mạng cuối cùng.
Lộ trình bao gồm Năm bước đi, chúng ta sẽ thảo luận công khai cho từng bước, tuy nhiên, cuộc đấu tranh đang còn ở phía trước, trong lúc chưa đủ giác ngộ để tin rằng trong một xã hội dân chủ, sự khác biệt tư tưởng, khác biệt ý thức hệ không tạo ra đối kháng, không tạo ra kẻ thù, có thể thái độ và hành xử của nhà cầm quyền vượt ra ngoài giới hạn, chưa kể trong số những kẻ cuồng tín mông muội mà còn nắm quền lực, không thể lường trước tất cả. Vì vậy, sẽ có những nội dung phải thảo luận chi tiết trong một phạm vi hẹp hơn. Người viết xin không nêu ra ở đây. Đó cũng là nguyên tắc thông thường.
Lộ trình Năm bước tới dân chủ đa nguyên.
1- Bước một - Làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam từ chế độ độc đảng chuyên chính sang chế độ dân chủ đa đảng theo tiêu chí Tự Do - Công lý - Tiến bộ.
Bước đi này có hai nội dung:
A - Tạo áp lực, bao gồm các nội dung sau:
1- Thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất, là Liên minh hay Uỷ ban Liên minh các tổ chức, các lực lượng dân chủ và xã hội dân sự cả trong nước và nước ngoài, tổ chức vận động xây dựng và tổ chức quần chúng.
- Thảo luận và công bố tuyên bố chung cuả Mặt trận.
- Bầu chủ tịch và thường vụ Mặt trận.
- Bầu ban kiểm tra.
- Thông qua quy ước sinh hoạt.
2- Cung cấp phương tiện và tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho quần chúng với mục tiêu thành lập Mặt trận dân tộc theo phương châm toàn bộ và toàn diện.
3- Tổ chức tập dượt các hình thức biểu dương lực lượng.
4- Hình thành các Uỷ ban tự quản do dân bầu trực tiếp tại địa phương cơ sở có quy mô tăng dần từ cấp làng, xóm, thôn, xã, tổ dân, tiểu khu, phường.
5- Tổ chức biểu tình ôn hoà, quy mô từng bước lớn dần, phản đối các chính sách sai trái của chính phủ, phản ứng kịp thời các diễn biến chính trị xã hội có biểu hiện tiêu cực.
6- Tiến tới tẩy chay chính sách, bất tuân pháp luật, làm tê liệt từng phần cuả hệ thống.
B- Vận động đối thoại:
1- Vô hiệu hoá các công cụ chuyên chính của chế độ bằng các biện pháp dân sự, tập trung các vụ án chính trị, các biện pháp đàn áp biểu tình.
2- Tiếp cận vận động đối tượng.
3- Tổ chức đối thoại bàn tròn, giải toả và điều chỉnh khác biệt.
4- Thoả thuận quy trình hình thành chính phủ chuyển tiếp.
2- Bước hai - Thành lập chính phủ chuyển tiếp
- Chính phủ chuyển tiếp là quy ước thoả thuận sau đối thoại, là chính phủ đương quyền, nhưng chịu sự giám sát của Hội đồng chính phủ có sự tham gia của các đại diện chính của Mặt trận.
- Chủ tịch Hội đồng Chính phủ chuyển tiếp là Tổng bí thư đảng cộng sản, hoặc một đại diện toàn quyền của đảng cộng sản cầm quyền.
- Nghị quyết của Hội đồng lâm thời có hiệu lực pháp lý cao nhất trong giai đoạn chuyển tiếp.
Chính phủ chuyển tiếp có ba nhiệm vụ chính:
- Thành lập Hội đồng soạn thảo Hiến Pháp
- Thành lập Uỷ ban An ninh quốc gia, chống đảo chính và bạo loạn.
- Thành lập Uỷ ban chuẩn bị Tổng tuyển cử, thảo thư mời Liên Hợp Quốc.
3- Bước ba - Bầu cơ quan lập pháp tức là bầu Quốc hội hay Hạ viện, theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín và có sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
- Quốc hội phê chuẩn và công bố Hiến pháp.
4- Bước bốn - Bầu cơ quan Nhà nước, bao gồm:
- Bầu Tổng thống hay Chủ tịch nước theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp bỏ phiếu kín và có giám sát quốc tế.
- Bầu Thượng viện hay Hội đồng Nhà nước, theo thể thức gián tiếp đại diện, bỏ phíếu kín theo quy tắc số phiếu từ trên xuống.
5- Bước năm - Quốc hội thông qua quyết định công nhận Thủ tướng chính phủ do đảng hay liên minh đảng chiếm quá bán số ghế trong Quốc hội đề cử, và cơ cấu nội các do thủ tướng đề nghị.
- Quốc hội biểu quyết quy trình phê chuẩn các luật do chính phủ kiến nghị.
***
Trong lộ trình này, rõ ràng, bước một, có ý nghĩa quyết định bước đi này có thể tóm tắt như sau. Muốn làm thay đổi từ chế độ độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng, phải có đối thoại. Muốn có đối thoại phải tạo được áp lực. Muốn tạo được áp lực phải tạo ra tổng hợp lực cuả tất cả các tổ chức chính trị và xã hội, quy tụ, giáo dục và tổ chức quần chúng. Đảng cầm quyền sẽ chỉ chịu chấp nhận đối thoại khi không còn năng lực kiểm soát xã hội, khi quyền kiểm soát xã hội nằm trong tay phong trào quần chúng.
Trong lời kêu gọi đối thoại, Giáo sư Chu Hảo nói “Vì chưa có điều kiện xuất hiện những tổ chức chính trị đối lập, cũng như chưa hình thành được một xã hội dân sự đủ mạnh để làm đối trọng với chính quyền, nên cuộc Đối thoạt này phải do phía đảng độc quyền lãnh đạo chủ động mời gọi để tránh một cuộc xung đột không được kiểm soát không thể không xảy ra nếu có thêm nhiều tiếng súng nữa tương tự như 9 tiếng mới phát nổ ở Yên Bái vừa qua”. Thực ra ông Chu Hảo không muốn xảy ra chuyện quá khích không thể kiểm soát, chẳng hạn như chuyện những tiếng súng khác tương tự Yên bái, nhưng không chỉ nhằm vào quan đầu tỉnh, mặc dù rõ ràng mong muốn của ông là “xuất hiện những tổ chức chính trị hay dân sự đủ mạnh để đối trọng với đảng”.
Bà Từ Huy có lẽ còn sốt ruột hơn, “Để có một cuộc đối thoại với chính quyền trong tương lai, phải bắt đầu bằng việc mở ra không chỉ một mà nhiều cuộc đối thoại giữa các nhóm, các tổ chức, đảng phái nhỏ lẻ hiện nay của người Việt. Một liên minh, nếu muốn được hình thành thì các nhóm phân tán hiện nay cần có nhu cầu đối thoại và cần mở ra được các cuộc đối thoại. Để có thể đối thoại được với chính quyền, người Việt cần có khả năng đối thoại với nhau và cần nhanh chóng đi tới tiến hành đối thoại với nhau”.
Khi nhìn vào thực trạng, bà Từ Huy thất vọng, “phải chăng một lý do nữa khiến người Việt không tập hợp lại được với nhau là vì ai cũng tự thấy mình giỏi, người này tự thấy mình giỏi hơn những người khác, nhóm này tự thấy mình giỏi hơn các nhóm khác? Phải chăng vì thế mà các nhóm người Việt đấu tranh cho dân chủ, nhóm nào nhóm nấy đi con đường riêng của mình, chia rẽ, tách rời, tồn tại trong manh mún nhỏ lẻ ? Lẽ nào cứ mãi manh mún rời rạc như vậy mà bất lực nhìn con tàu Việt Nam từ từ chìm xuống biển Đông”.
Đó là một sự thực thật đáng tiếc. Trong khi không một tổ chức nào, khi công bố thành lập, không tuyên bố rằng tổ chức của mình lấy dân chủ hoá xã hội làm mục đích, nhưng lại thấy một tổ chức khác đấu tranh cho dân chủ theo lối của họ là không thể chấp nhận và không thể hợp tác. Nếu những người cùng tôn thờ dân chủ mà không chịu được sự khác biệt trong phương sách hành động của nhau, nếu những người cùng trận tuyến với nhau còn không thể đối thoại tìm kiếm sự thống nhất với nhau, thì kẻ đối diện với chúng ta, những lãnh đạo cộng sản thủ cựu, giáo điều và ngạo mạn trên chiếc ngai quyền lực, có thể chấp nhận đối thoại với chúng ta không, trong khi điều chúng ta cần không chỉ là đối thoại chung chung, mà là đối thoại để đi đến chấp nhận các yêu sách và chương trình của chúng ta.
Dù khác biệt đến đâu, những khác biệt đó có thể đến từ nhiều nguyên nhân, từ lịch sử hình thành tổ chức, từ quan niệm cuộc sống, từ thói quen, từ cá tính v.v... nhưng cái chung của chúng ta là văn hoá dân chủ, điều có thể khẳng định rằng chúng ta hơn hẳn những kẻ mê muội chủ nghĩa cộng sản. Nếu gạt bỏ những khác biệt bề ngoài, nhiều khi vặt vãnh ấy, chúng ta sẽ chỉ là những bộ phận gắn liền trên một cơ thể. Mỗi người, mỗi tổ chức, dù hoạt động nhiều hay ít hiệu quả khác nhau, thủ lĩnh của nó có thể nhiều hay ít năng lực, nhưng dù ít còn hơn không, và nhất là dù vô ích nó cũng sẽ không là kẻ có hại.
Với lại, cũng nên nói rõ một điều rằng, phần bánh của ai, tất nhiên phụ thuộc vào cống hiến và đóng góp của người đó. “Gái có công, chồng không phụ”. Nhưng trước hết phải có bánh. Không lẽ giành nhau chiếc bánh giấy? Phải có bò đã rồi mới cãi nhau về cách mổ chứ! Nếu trong chúng ta, ai cũng chỉ thấy mình to, mình quan trọng, và cách khôn ngoan hơn người là tìm cách chiếm phần hơn về mình, bất chấp lợi ích chung, thì chính chúng ta đang bị “diễn biến”, nhưng là diễn biến cộng sản hoá, một ngày nào đó, lại có người gọi lầm mình là “Trọng Lú”.
Cho nên, thú thực, tôi rất thông cảm khi bà Từ Huy buộc phải đưa ra đề nghị, “Nếu trong hàng ngũ cao cấp đương nhiệm có một vị lãnh đạo cộng sản đủ năng lực, đủ can đảm và đặt lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích cá nhân và lợi ích của đảng, để tiến hành các thao tác cần thiết nhằm chuyển đổi thế chế chính trị một cách ôn hòa theo xu hướng dân chủ, thì vị lãnh đạo đó xứng đáng được người dân bầu làm Tổng thống của một nước Việt Nam dân chủ”.
Ở bước thứ hai trong lộ trình năm bước mà chúng ta đang thảo luận cũng có một đề nghị tương tự. Tổng thống lâm thời, hay Chủ tịch Hội đồng chính phủ chuyển tiếp cần, và có thể buộc phải là Tổng bí thư hay một đại diện toàn quyền của đảng cộng sản cầm quyền. Vì chỉ có thế mới tránh được đổ máu, hoặc ít nhất là tránh được hỗn loạn, tiết kiệm tiền của của dân.
Phía trước đang là những bước đi khó khăn nhất, nhưng chúng ta hoàn toàn tự tin, vì chúng ta đang đi đúng hướng. Tiếng súng Yên Bái, Vụ trộm cắp Trịnh Xuân Thanh báo hiệu những đổ vỡ từng mảng. Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng, Trần Đại Quang, Phùng Quang Thanh... những trái bom nổ chậm đang còn đó. Chúng sẽ nổ. Việc của chúng ta là chuẩn bị tốt hành trang và với tư thế sẵn sàng. Cơ hội có thể đến nhanh hơn sự hình dung cuả chúng ta, nhanh hơn rất nhiều.
25/09/2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét