3/10/16

Bạn đã làm gì để đóng góp cho quê hương đất nước?

Tran Anh Duong (Danlambao) - Đây là câu hỏi khó nhưng cũng rất dễ trả lời. Hôm nay xin hầu chuyện cùng quý vị để trả lời câu hỏi vừa mang tính vĩ mô vừa mang tính vi mô này. Xin nói những hiểu biết cá nhân, không mang tính phổ quát học thuật và phân biệt, kỳ thị về sự khác biệt quan điểm chính trị, tôn giáo. Xin đi từ những vấn đề vi mô trước và sẽ khái quát thành những vấn đề lớn như yêu nước, tự hào dân tộc và bảo vệ bờ cõi, nòi giống. Hãy phân chia sự đóng góp cho quê hương đất nước không đồng nghĩa với việc đóng góp công sức cho đảng phái chính trị hay lợi ích của một nhóm người. Khái niệm quê hương đất là một khái niệm nghĩa rộng bao hàm về lãnh thổ, văn hóa, truyền thống, nhân chủng, giống nòi không bao hàm đảng phái, chế độ chính trị hay bất kỳ tổ chức nào. Bởi vì đảng phái hay chế độ chính trị chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định, còn quê hương đất nước là những giá trị phổ quát trải dài suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Trước hết, một người được sinh ra đời là sự khẳng định sự tồn tại của giống nòi, huyết thống của cha mẹ hay chủng tộc. Sự tồn tại của những con người trên một mảnh đất tạo nên hình hài đất nước, là sự khẳng định về văn hóa, ngôn ngữ, bờ cõi trên phương diện vật thể và phi vật thể. Từ khi lọt lòng, mỗi người sinh ra là công dân của đất nước, khi lớn lên sẽ đóng góp vào nguồn nhân lực, sự gìn giữ các tập tục, thói quen và nếp sống văn hóa riêng biệt của dân tộc đó. Đó cũng là sự hình thành sơ khai ban đầu của một đơn vị cấu thành đất nước.

Khi họ lớn lên, tham gia vào quá trình vận động của xã hội, được học tập, lao động và đóng góp sức lao động chân chính và là nguồn tài nguyên con người cả về sức lực và trí tuệ để xây dựng một xã hội văn minh, thịnh vượng hoặc bảo vệ bờ cõi khi có chiến tranh. Đó là sự đóng góp lớn lao của từng đơn vị con người cho tổ quốc dưới góc độ kinh tế - xã hội. Họ được đi học, được đến trường, được lao động đóng góp vào nền giáo dục quốc gia, tiêu thụ và đóng thuế để thúc đẩy sản xuất hàng hóa và chi tiêu cho toàn xã hội. Mỗi cá nhân đều có tác động qua lại trong một cộng đồng chung, không thể tách rời các nghĩa vụ và quyền lợi có liên quan. Không ai có thể độc lập tồn tại trong một cộng đồng xã hội cả về tự nhiên và xã hội. Đó cũng là quan hệ hai chiều nhân quả giữa cá nhân và xã hội được nghiên cứu và thừa nhận cả nghìn năm nay dưới cái nhìn xã hội học.

Trên phạm vi hẹp, mỗi cá nhân làm việc, học tập, lao động là đóng góp chung cho sự phát triển của xã hội. Nhờ sức lực lao động hiện có thì có thể đóng góp vào nguồn nhân lực như công nhân, kỹ sư, bác sĩ…để hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Sự tiêu dùng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và tạo công ăn việc làm cho người lao động làm cho xã hội giàu và chất lượng cuộc sống nâng lên. Những người giỏi hơn có thể phát triển công ty, xí nghiệp và tạo những việc làm mới cho người lao động. Tất cả chủ, thợ, công nhân, nhà quản lý, chính trị gia đều là một mắt xích không thể thiếu tạo nên sự vận hành của xã hội. Sự phân công lao động xã hội nhằm xác lập vị trí và chức năng riêng của từng cá thể. Không thể đánh giá vai trò ai hơn ai trong một guồng máy nếu thiếu đi một bộ phận, guồng máy này sẽ không vận hành được. Hơn thế nữa, sống tuân thủ luật pháp, bảo vệ luật pháp và làm phát triển một xã hội pháp trị đó là sự đóng góp rất lớn về nhận thức, hành động của một quốc gia văn minh.

Trên nghĩa rộng hơn, mỗi một con người là một thế giới khẳng định chủng tộc và giống nòi. Ngôn ngữ, màu da, thói quen văn hóa là những nét dễ nhận biết của từng dân tộc khác nhau. Thể hiện sự xác quyết khẳng định nguồn gốc về nhân chủng học. Họ có thể sinh sống và cư trú ở một nơi khác nhưng không đồng nghĩa với việc họ không đóng góp cho quê hương, nòi giống và tổ tiên. Có rất nhiều các nhà Bác học, nhà khoa học, nhà văn hóa…họ không sống trên các quốc gia của mình nhưng đóng góp chung cho nền khoa học của thế giới và tất cả các quốc gia đó đều thừa hưởng những thành quả phát minh, sáng chế bao gồm cả quốc gia mà họ sinh ra. Những người sống xa quê hương, hàng ngày họ lao động học tập và giúp đỡ bằng vật chất, nhân lực hay tinh thần cho những người thân họ hàng hoặc cộng đồng tại quê hương cũng chính là đóng góp không chỉ cho nước sở tại mà đóng góp cho quê hương xa xôi của mình. Hiện nay có rất nhiều người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở khắp nơi trên thế giới bổ sung nguồn nhân lực đang già đi và thiếu hụt ở các nước tư bản như Đức, Nhật, Bắc Âu... Hằng năm họ gửi hàng tỷ đô la Mỹ kiều hối về xây dựng đất nước thông qua gia đình, từ thiện, viện trợ…Đó là những đóng góp có thể thấy được, còn những giá trị khẳng định tôi là người Việt đang học tập, làm việc tại các nước như Mỹ, Đức, Úc…với những phát minh, sáng kiến đóng góp cho nhân loại và cho đất nước không thể định lượng được. Nhìn sâu hơn về quan hệ gia đình, dòng tộc. Cứ thử hỏi, giả thuyết một người không đóng góp gì cả nhưng họ mất đi, không còn tồn tại trên thế gian nữa thì vợ, con, cha mẹ, anh em, họ hàng sẽ đau buồn, gục ngã và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, công việc, học tập, nghề nghiệp của những người khác. Một đứa bé mới ra đời là niềm cảm hứng vô tận cho sự lao động sáng tạo cho những ông bố, bà mẹ. Là suối nguồn tình thương, tình yêu làm động lực để họ lao động và cống hiến. Điều đó cho thấy sự tồn tại của họ chẳng phải không có giá trị gì sao?

Cuối cùng, câu hỏi bạn đã làm gì cho đất nước? đã không cần phải trả lời vì mỗi hành động, lời nói hay đơn giản là sự tồn tại của mỗi cá thể đã là đóng góp cho quê hương, đất nước rồi. Những câu hỏi nên dành cho những người ăn cơm từ tiền thuế của dân, được dân bầu lên làm dịch vụ công, làm việc phụng sự nhân dân. Xa hơn, mỗi một cá nhân góp lên tiếng nói, phản đối cái xấu ác, ủng hộ những điều tốt đẹp là góp phần đóng góp vào nhận thức chung của xã hội và đó cũng là quyền căn bản của mỗi người được Liên Hiệp Quốc ghi nhận và thông qua và các nước trên thế giới tham gia ký kết trong đó có Việt nam. Và đó cũng là quyền được đòi hỏi một dịch vụ công tốt hơn, một bộ máy hiệu quả hơn vì dân trả tiền cho dịch vụ đó vì họ là ông chủ. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng, không chỉ bằng việc làm, bằng hành động thiết thực mà còn góp lên tiếng nói của sự thật, lương tri và thúc đẩy tự do, công bằng, dân chủ. Im lặng trước những xấu ác của xã hội, thờ ơ với thời cuộc và sống ích kỷ chỉ lo cho quyền lợi cá nhân của riêng mình là một hành động đáng lên án, đáng bị chê trách và có tội với tổ tiên nòi giống. Sự im lặng, thờ ơ là tiếp tay cho các thế lực xấu làm hủy hoại đất nước, phá bỏ thành trì xương máu mà tổ tiên cha ông đã đổ biết bao xương máu xây dựng nên ngày hôm nay. Đó chẳng phải là sự xấu hổ của một kẻ tri thức biết mà không làm, chỉ biết vinh thân phì da, ngậm miệng ăn tiền, hùa theo những thói hư tật xấu của xã hội để cốt ích lợi cho bản thân và gia đình. Đó là sự thể hiện sự hèn hạ ngay trong suy nghĩ, chưa cần đến hành động, sự nhu nhược và lấy câu hỏi bạn đã làm gì cho đất nước để bịt miệng những người có lương tri, lo lắng cho thời cuộc, cho vận mệnh dân tộc trong đó có con em họ. Đó cũng là sự vi phạm pháp luật một cách trắng trợn khi đánh tráo khái niệm, dùng những lập luận không liên quan này để tước bỏ quyền căn bản của một con người là quyền được nói, quyền thể hiện quan điểm cá nhân, tự do ngôn luận.

Nếu còn rất nhiều những người đặt những câu hỏi bạn đã làm gì cho đất nước thì những giá trị phổ quát như tự do, trung thực, trách nhiệm sẽ còn rất lâu mới đạt được. Các thế hệ tương lai của đất nước sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi cần có lời giải đáp và chính mỗi người dân phải giải đáp câu hỏi này bằng đấu tranh cho quyền và lợi ích của riêng mình và của dân tộc mình. Không có một thế lực hay quyền năng nào có thể làm thay những người trong cộng đồng đó. Đó cũng là thông điệp bạn hãy làm gì cho đất nước này đi chứ, đừng ngồi đó mà hỏi những câu hỏi mang tính lừa bịp và nói những người tiên phong đứng lên chống lại cái xấu ác, tạo lực cản cho sự phát triển và văn minh của xã hội. 

Colorado, USA, ngày 1/9/2016.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét