20/10/16

Biết rồi khổ lắm nói mãi

Phạm Trần (Danlambao) - Bệnh di căn Tham nhũng chưa trị xong mà trận cuồng phong “tự diễn biến” và “tự chuyền hóa” đã vùi dập đảng đến thập tử nhất sinh thì liệu đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) có qua khỏi cơn bĩ cực này chăng?

Đó là mối ưu tư hàng đầu đang đè nặng lên giới Lãnh đạo nhà nước Việt Nam, đứng đầu bởi Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.

Tình trạng này đã thể hiện trong Thông báo kết thúc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, từ ngày 09 đến 14/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.”

Lý do đảng phải triệu tập Hội nghị này, vì theo lời ông Trọng: "Tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường."

Nên biết cách nay 4 năm (2012), Khóa đảng XI cũng họp lần thứ 4 để bàn và ra Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. 

Nghị quyết của Hội nghị này, phổ biến ngày 16/1/2012, thừa nhận: "công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ."

4 NĂM TRƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

Ngoài chuyện quen thuộc đổ tội cho “các thế lực thù địch chống phá” và “mặt trái của kinh tế thị trường” đã làm xiêu lòng những cán bộ đảng viên thiếu bản lĩnh, đảng cũng thú nhận còn có các yếu tố chủ quan như:

1.- “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ.”

2.- “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém.”

3. “Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao.”

Sau đó, đảng ra lệnh cho toàn đảng ưu tiên hàng đầu phải: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.”

KHỦNG HỎANG 2016

Nhưng 4 năm trôi qua mà mọi chuyện vẫn như nước chảy qua cầu. Tình trạng suy thoái toàn diện của cán bộ, đảng viên đã xuống cấp và tồi tệ hơn bao giờ hết. Thông báo Hội nghị 4 năm 2016 cho biết: "Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân."

Như thế thì đảng CSVN đã mục nát để tan hoang chưa hay còn xứng đáng hồi sinh?

Nhưng suy thoái, xuống cấp bắt nguồn từ đâu? Ban Chấp hành Trung ương giải thích: "Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời; nhiều văn bản quy định thiếu chế tài cụ thể. Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc. Chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hình thức khác."

Như vậy thì có gì mới đâu, nếu so với Nghị quyết năm 2012? Toàn là những chứng bệnh ai cũng đã “biết rồi khổ lắm nói mãi”!

Vậy giải pháp lần này của đảng là gì? Ban Chấp hành nói họ đã: "Thống nhất tập trung vào 4 nhóm: Về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, "lợi ích nhóm".

Cũng chẳng có gì là bộc phát, mới mẻ gì. Chuyện “tự phê bình và phê bình” rất ồn ào trong nội bộ đảng khóa XI cũng chẳng “chết thằng Tây nào”. Rồi phong trào chống “chủ nghĩa cá nhân” cũng chỉ để đẻ thêm ra “lợi ích nhóm" để nuôi tham nhũng ăn béo ngủ ngon.

THAM NHŨNG - VÒI BẠCH TUỘC

Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), tổ chức tại Hà Nội ngày 12/7/2016 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nói hụych toẹt rằng: "Cùng với những kết quả đạt được, công cuộc đổi mới đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Công tác PCTN hiện nay chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo."

Ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ báo cáo trong suốt 10 năm đã phát hiện gần 60.000 tỉ đồng tham nhũng và trên 400 ha đất. Nhưng đến nay chỉ thu được là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất.

Báo trong nước viết: "Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, theo báo cáo là do nhiều nguyên nhân, việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn; nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán tài sản."

Vì vậy, ông Sáu cho biết: "Qua 10 năm, tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp trong đó đã phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực."

Chỉ tìm ra có 17 người khai không thật trong 10 năm thì quả là mắt đảng cũng cần phải thay. Tuy nhiên ông Sáu cũng đã nhìn nhận:”Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.”

Tổng Thanh tra Chính phủ đã nói thật lòng, nhưng không bằng những tuyên bố của Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC).

Ông Độ nói thẳng: "10 năm qua, tham nhũng ngày càng “phát triển”, hầu như lĩnh vực nào cũng có, quy mô rất lớn khi có những vụ lên tới cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, còn tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Chính vì thế tôi cho rằng phải sớm thành lập Ủy ban Điều tra tham nhũng độc lập và có sức mạnh." (theo báo Dân Trí, 16/08/2016)

Ông Độ đã đề nghị như thế tại cuộc họp thẩm tra dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mà cả ông và nhiều người khác đã phê bình “không có gì mới và sẽ chẳng giải quyết được những việc cần phải làm.”

Tướng Độ nhận xét: "10 năm qua, mặc dù chúng ta có nhiều cơ quan chỉ đạo của Đảng, các cơ quan chống tham nhũng ở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao, cơ quan thanh tra ở các bộ ngành, địa phương nhưng thực tế đều hoạt động không hiệu quả. Đối tượng tham nhũng đều là những người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt trong những vụ tham nhũng lớn thì “dây mơ rễ má” rất lớn, những tổ chức, cơ quan thông thường không đủ quyền lực, quyền hạn để phát hiện, điều tra và xử lý."

Ông nói: "Đặc biệt là việc phát hiện tham nhũng thông qua kiểm toán, thanh tra, phải có cơ quan áp dụng điều tra đặc biệt để đưa những vụ án đấy ra ánh sáng. Có như vậy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng mới hiệu quả hơn."

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, khi còn tại chức, đã than phiền có những cán bộ, đảng viên "ăn của dân không từ cái gì". Rồi nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cũng đã từng nói trước diễn đàn Quốc hội rằng "tiền ăn, chơi, chạy chạy không phải từ tham nhũng thì từ đâu?"

Ngay đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói: "Sốt ruột, bức xúc lắm, không phải bây giờ mà mấy năm trước Đảng đã gọi đây là quốc nạn, giặc nội xâm, quyền lực lớn mà không kiểm soát dễ sinh hư hỏng, tham nhũng... Lãng phí cũng ghê gớm, có khi còn hơn tham nhũng, về thời gian, công sức, tiền bạc... Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu" (báo VNNET,27/09/2013) 

TỪ TỔNG TRỌNG ĐẾN ÔNG HUYNH

Rồi bây giờ, 3 năm sau, vào ngày 17/10/2016 ông vẫn thản nhiên than phiền với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội: "Đây là vấn đề lớn, đặt ra từ lâu, nay lại tiếp tục lưu ý, nói phải đi đôi với làm…Chúng tôi tha thiết muốn làm hiệu quả, vì nói mà không làm là mất uy tín, không của cá nhân ai mà của Đảng, Nhà nước. Nhưng thực tế vô vùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta. Ai dám nhận kỷ luật, chỉ kiểm điểm nghiêm túc rồi thôi".

"Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung".

Rồi ông kêu gọi: "Mỗi người tự xem mình có suy thoái không, có thích khen sợ chê không, có tham ô, có ham chức quyền không?" (báo VnNet, 17/10/2016)

Nghe ông Tổng Bí thư nói, có lẽ nhiều kẻ tham nhũng đã cười khà bên bàn nhậu đâu đó ở Hà Nội. Bởi vì người dân Thủ đô đã nghe quen câu 'Hà Nội không vội được đâu' nên nói là chuyện của ông còn tham nhũng để ăn nhậu là chuyện của người khác, cứ đường ai nấy đi cho tiện việc sổ sách.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì cũng đã một lân, được báo chí thuật lại qua cuộc tiếp xúc của ông với cử tri Sài Gòn ngày 10/05/2016.

Ông nói: "Đảng và Nhà nước đã xác định tham nhũng là quốc nạn, 1 trong 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ."

Rồi ông cũng nhìn nhận: "Khâu khó nhất hiện nay là phát hiện tham nhũng” nên ông “mong cử tri và cơ quan báo chí vào cuộc chống tham nhũng." 

Ông Quang cũng đồng tình rằng: "Đi liền xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng thì phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng."

Ông nói với người Sài Gòn y hệt như khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm dân Sài Gòn khi còn nắm quyền: "Chúng ta chống tham nhũng với tinh thần là không có vùng cấm."

Nghe điệp khúc “không có vùng cấm” chống tham nhũng từ miệng ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truyền cho người kế vị Trần Đại Quang mà có ai ở Sài Gòn thấy mát lòng mát ruột đâu.

Câu nói này không còn ý nghĩa gì nữa vì tham nhũng đã có mặt ở mọi địa bàn thì còn hở chỗ nào đâu mà cấm với đoán?”

Người đứng hàng thứ ba trong “tứ trụ triều đình” CSVN, Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã cho biết quan điểm của mình, khi được một nhà báo hỏi: "Trong phát biểu phiên khai mạc Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các ĐBQH kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà sẽ tạo điều kiện thế nào cho các ĐBQH đấu tranh chống tham nhũng?"

Bà Ngân đáp: "Khi tuyên thệ chúng tôi không nhắc đến quan liêu, tham nhũng, nhưng nói “Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân” chính là chống quan liêu, tham nhũng, rà soát chính sách cho phù hợp để không còn kẽ hở cho tham nhũng. Chúng ta cũng đang thực hiện chương trình cải cách hành chính cả về chính sách, con người và pháp luật. Luật ban hành rồi thì Quốc hội phải đi giám sát xem việc vận dụng luật có đúng hay không." (theo báo Giao Thông,23/07/2016)

Nói đến giám sát là chuyện dài vô tận của Quốc hội Việt Nam. Ngay đến Mặt trận Tổ quốc, cơ quan quy tụ hàng trăm Tổ chức chính trị và Xã hội, thay mặt nhân dân để giám sát đảng và nhà nước mà chưa làm được việc gì ra hồn huống chi các Đại biểu Quốc hội.

Đảng không tin cứ hỏi Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trong nhiều năm để biết có ai giám sát được ai không?

Hay cũng vì “lỗi hệ thống” nên không ai bảo được ai? Hầu hết Đại biểu Quốc hội là đảng viên nên trong thực tế đã chứng minh rất hiếm khi thấy gà cùng một mẹ lại đá nhau khi kẻ tham nhũng cũng là đảng viên? Vì vậy chuyện mỉa mai vừa đá bóng vừa thổi còi chưa bao giờ kết thúc trong hệ thống cầm quyền ở Việt Nam.

Người thứ tư trong hệ thống quyền lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã hứa với Quốc hội khi nhận chức ngày 07/04/2016 rằng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ông là “nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”.

Trung Chương trình hành động 6 điểm của Nội các Nguyễn Xuân Phúc có câu: "Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí."

Ông Phúc cũng hứa sẽ: “Xây dựng Chính phủ trong sạch vững mạnh, đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, năng động sáng tạo, hiệu lực hiệu quả; hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân.” (theo Thông tin Chính phủ)

Ông Phúc hứa bấy nhiêu đã nhiều lắm rồi, nhưng ông có làm được hay không lại là chuyện khác vì ông cũng là người của hệ thống và phải làm theo lệnh đảng.

Ngoài ra, ta cũng nên nghe thêm lời hát chống tham nhũng và cách chống quốc nạn này của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh.

Ông nói: "Phải tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng không chịu nổi, chứ tham nhũng mà chưa bị lên án một cách quyết liệt, áp lực xã hội chưa đủ mạnh thì lúc đó chúng ta chưa thể ngăn chặn và đẩy lùi được." (VNNET, 12/09/2016) 

Nhưng “ai lên án ai” và “áp lực xã hội” lấy từ đâu? “Tệ nạn tham nhũng” năm nao đã thành “quốc nạn tham nhũng” bây giờ và kẻ tham nhũng thì như họa châu chấu phá hoại mùa màng. Chỗ nào trên đất nước Việt Nam cũng có kẻ tham nhũng thì có cho vàng dân cũng không dám đưa đầu ra cho chúng báng.

Ông Đinh Thế Huynh, người còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1953 tại xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Với chức vụ đầy quyền lực này, ông còn chỉ huy tổng quát hệ thống lý luận và thông tin-tuyên truyền cho đảng. Ông là người được nói là thân Trung Quốc như ông Trọng và sẽ có cơ may nhảy lên chức Tổng Bí thư đảng, một khi ông Nguyễn Phú Trọng thôi chức.

Thế nhưng khi nói về công tác chống tham nhũng thì ông Huynh, lại quen giọng tuyên giáo khi ra lệnh cho đội ngũ cán bộ Hà Nội: "Phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động, phải xây dựng được một văn hóa, nếp sống khinh bỉ những kẻ tham nhũng, hành vi tham nhũng."

Nói nghe thì dễ mà làm có được gì đâu, bởi vì những lời ông Huynh nói đã có nhiều lãnh đạo khác nói rồi. Lối chỉ tay năm ngón “phải thế này, phải thế kia” của những kẻ trên nói với người dưới cũng đã nhan nhản dưới thời các Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh. Tổng cộng trên 20 năm mà tham nhũng vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt thênh thang bước sang thời Tổng Bí thư Trọng từ khóa đảng XI, năm 2011, đến bây giờ lại tiếp tục sống vinh quang ở khóa đảng XII (2016-2021).

Vì vậy mà chính ông Huynh cũng phải nói rằng: "Trong tất cả thăm dò dư luận xã hội hiện nay, điều mà nhân dân băn khoăn nhất, lo lắng nhất bao giờ cũng là nạn tham nhũng. Các phiếu thăm dò, đợt thăm dò dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo TƯ, Viện nghiên cứu dư luận xã hội Ban Tuyên giáo TƯ tiến hành ở quy mô lớn cho thấy, nạn tham nhũng bao giờ cũng chiếm mối quan tâm lo lắng hàng đầu". (theo VNNET, 12/09/2016).

Như vậy thì có khổ cho dân không? Ai cũng chỉ biết than vì tham nhũng nhiều quá chịu không thấu. Đã vậy còn phải vểnh tai ra mà nghe những điều “biết rồi khổ lắm nói mãi” của các quan chức thì có chán mớ đời không?

20.10.2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét