19/10/16

Giải nghĩa các dữ liệu của nhà báo Huy Đức

Bùi Quang Vơm - Ngày 16/10/2016, nhà báo Huy Đức cho đăng tiếp bài thứ ba trong chuỗi bài về Vụ án mà chúng ta xin mạn phép tạm đặt tên là Vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn, khởi nguồn từ chiếc xe Lexus mang biển xanh chạy nghênh ngang trên lãnh thổ tỉnh Hậu Giang, mà khách thuê chiếc xe này là phó chủ tịch tỉnh, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp Dầu khí PVC Trịnh Xuân Thanh, thủ phạm gây thất thoát 3.300 tỷ đồng, hiện đang lẩn trốn đâu đó tại châu Âu. Bài báo này có tên tựa Những “Vinashin” của Đinh La Thăng, đăng trên anhbasam.com.

Cũng như những bài báo trước, bài này cũng đầy ắp các dữ liệu vưà có tính kỹ thuật, vưà có tính nghiệp vụ chuyên ngành, có thể gây khó khăn cho các bạn đọc phổ thông. Người viết bài này muốn dựa vào tư liệu của nhà báo Huy Đức, giải nghĩa thực chất cái Quy trình ăn cắp mà Đinh LaThăng và đồng bọn rất đông của hắn đã thực hiện như thế nào, hy vọng từ việc này bạn đọc có thể hiểu những gì Nguyễn Tấn Dũng cùng hệ thống của ông ta đã làm, và hiểu phần nào, số tài sản quốc gia mà bè lũ quan lại tham lam và táng tận lương tâm này đã tước đọat của Đất Nước và của người lao động ở cấp mức nào.

Phải nói không sợ sai rằng, khi nhìn thấy một đống tiền khổng lồ nằm trong két Tập đoàn dầu khí Việt Nam, thu được từ tiền lãi do giá dầu thô tăng vọt từ khoảng 45-50 đôla/thùng năm 2005 lên 110 đôla một thùng năm 2006-2007 và đạt đỉnh 147,27 đôla/thùng vào tháng 07/2008. Tiền lãi dồn lại sau khi nộp ngân sách và làm mọi nghĩa vụ, tăng vọt từ năm này sang năm khác, nằm chềnh ềnh trong két sắt PVN, là thứ tiền vô chủ, tiền của trời, đã làm Nguyễn Tấn Dũng tối mắt. Cần một người tài giỏi sổ sách kế toán để dựng hồ sơ tài chính giả, nhằm biển thủ tiền của nhà nước. Ông Dũng đã phát hiện ra Đinh La Thăng, gần 9 năm làm kế toán trưởng, 5 năm làm Tổng giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công Ty Sông Đà. Có vẻ như duyên số tiền định. Hai tên ăn cắp có hạng này gặp nhau. Và mọi việc đã xảy ra theo ý của ông ta. Sau 6 năm, từ khi ông Dũng bổ nhiệm ông Thăng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày 5/10/2005 tới khi rời Tập đoàn này để nhận chức bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 3/08/2011, số tiền trong két Tập đoàn dầu khí từ 7 tỷ đôla ban đầu chỉ còn 1,9 tỷ đôla. Nếu cộng cả con số ước tính thu thêm trong khoảng 6 năm này là 4 tỷ đôla, thì số tiền bị biến mất sẽ là khoảng 9 tỷ đô. Số tiền này vào túi những ai, có trời biết, đất biết, và cái hệ thống của ông Dũng và ông Thăng biết. Hiện nay, ông Tô Lâm và ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã biết một phần, qua lời khai của Vũ Đức Thuận và Phạm Tiến Đạt. Tất nhiên chỉ một phần.

Còn câu chuyện các VINASHIN mà Huy Đức nói tới, là một thủ đọan trong rất nhiều thủ đọan. Đây là chuyện dựng công ty ma, biến không thành có. Trong giới trộm cắp này, chúng gọi với nhau là chiến thuật “Mỡ nó rán nó” kết hợp với thuật “ném đá ao bèo”.

“Mỡ nó rán nó” còn được gọi là “tay không bắt giặc”. Nghĩa là thuật mua tài sản nhà nước hay tài sản công bằng tiền của nhà nước, tiền của công, cũng có nghĩa là tước quyền kiểm soát một công ty quốc doanh, trở thành cổ đông quyết định, chủ tịch Hội đồng thành viên quản trị, nắm tỷ lệ cổ phiếu chi phối, rồi hàng tháng, hàng năm hưởng lợi nhuận chi theo cổ phần, mà không phải bỏ ra một xu, tước vũ khí bằng hai bàn tay không.

Chúng bắt đầu phép biến hoá đó như thế này: Bằng tiền thuộc quỹ đầu tư của Tập đoàn, chúng thành lập một công ty mới. Trong trường hợp mà Huy Đức nói là thành lập PVFC invest sau khi đẩy PVFC thành Tổng công ty Tài chính, trực tiếp quản lý và phân phối quỹ đầu tư của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia. PVFC Invest được PVFC rót 500 tỷ làm vốn điều lệ để đăng ký kinh doanh, nhưng Hội đồng quản trị ma, trụ sở ma, chỉ có Tài khoản và số tiền trong tài khoản là thật, mã số thuế là thật. Công ty này không có hoạt động, chỉ có một việc là dùng số tiền do PVSC cấp, theo mưu của Đinh La Thăng, mua lại cổ phần của PVFC, tự nhiên biến số cổ phần này thành tài sản, nhưng thực chất là chuyển trả lại cho PVFC số tiền 500 tỷ để khép kín sổ sách cuả PVSC, thủ thuật ném đá ao bèo, xoá dấu vết lần 1. Coi như chưa hề có gì xảy ra. Nhưng với ngân hàng thì tiền vốn của PVFC Invest vẫnđược đảm bảo bằng số cổ phiếu PVFC. Thế là tay không bắt giặc lần 1. Tiền của PVFC lại hoàn trả lại cho PVFC, nhưng PVFC invest tự nhiên có khoản tiền trên giấy bằng giá trị số cổ phiếu chiếm giữ của PVFC.

Sang bước thứ hai, công ty PVSC Invest làm đại hội công nhân viên chức ma. Ma, vì công ty chỉ có tên, mà không có bộ máy, không có trụ sở, không có hoạt động, và tất nhiên là chẳng có một mống nhân viên nào. Hội nghị công nhân viên chức tổ chức bán cổ phiếu ưu tiên cho cán bộ công nhân viên chức. Vì Quy định của luật là ưu tiên từ 10-22 % cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên của chính công ty đang được cổ phần hoá. Công ty tự định giá cổ phiếu và lượng cổ phiếu phát hành. Số cổ phiếu tương đương sẽ bán cho cán bộ công nhân viên, nhưng là bán chịu, trả dần, công ty đứng ra cho vay và thanh toán tiền mua cổ phiếu cho công nhân viên. Trong trường hợp có công nhân viên thật, thì công nhân vẫn ký sổ thanh toán tiền và sổ nhận cổ phiếu, nhưng không hề phải bỏ tiền, chỉ là lập sổ cho kế toán, còn với công ty ma thì đơn giản, bộ máy tự làm ra mọi thứ chứng từ cần thiết. Bằng biên bản hội nghị công nhân viên chức, Tổng giám đốc ký lệnh giải ngân khoản tiền cho cán bộ công nhân viên vay. Nhưng ở trường hợp PVSC Invest này, làm gì có tiền, nên PVSC mẹ lại chuyển tiếp tiền 194 tỷ, nhưng bằng cách uỷ thác vốn từ các công ty khác.

Sau khi đã làm xong công việc bán chịu cho công nhân viên số cổ phiếu tương đương 22% giá trị, công ty công bố niêm yết giá cổ phiếu trên sàn giao dịch. Trong trường hợp có công nhân viên thật, công ty sẽ báo lỗ liên tiếp, khiến cổ phiếu tụt xuống hàng chục lần, gần như không còn giá trị. Việc này không khó vì thực chất công ty không có hoạt động, không có thu nhập, trong khi thuế vẫn phải đóng, các nghĩa vụ khác vẫn phải làm, báo lỗ liên tiếp, còn bớt đi được các khoản phải nộp. Cổ phiếu mất giá, công nhân không còn ham muốn đối với cổ phiếu, tiền vay thì vẫn phải trả theo gía ban đầu.Thế là Công đoàn và Đảng uỷ công ty họp đột xuất, quyết định giúp bù lỗ cho công nhân viên bằng cách mua lại nguyên giá. Công nhân không mất gì, vì thực chất mua bằng tiền vay của công ty, trường hợp vay một phần, thì được nhận phần đã bỏ tiền. Công nhân phấn khởi vì trút được món nợ thua lỗ, lại được nhận khống một khoản tiền. Như vậy, toàn bộ số cổ phiếu bán ra cho công nhân viên bây giờ nằm gọn trong tay lãnh đạo. Nếu là công ty ma, thì chẳng phải làm gì, sổ chuyển sổ, tiền di chuyển chỉ là di chuyển trên sổ sách.

Sau khi chiếm lại hết số cổ phiếu, một chiến dịch ngược chiều được phát động. Tổng công ty PVFC mẹ rót tiền xuống. Đây là khoản tăng cường vốn 647 tỷ. Một mặt làm giả như công ty phát triển và tăng tài sản, một mặt lập báo cáo tài chính với lợi nhuận ròng khổng lồ, dùng tiền của PVFC nộp lãi thu nhập, làm nghĩa vụ xã hội, đồng thời đánh trận giả, lập quân xanh quân đỏ, tạo dựng scanđan, giành giật cổ phiếu, kích cho giá cổ phiếu tăng vọt. Khi tính toán cổ phiếu đã đạt đỉnh, có thể tăng hàng trăm lần so với mệnh gía, Công ty công bố bán ra một số cổ phiếu, thu lại số tiền đủ để lấp vào chỗ trống trong sổ sách. Nhưng bây giờ, 22% giá trị tài sản của công ty đã lọt vào tay ban lãnh đạo mà không phải bỏ ra một xu. Công ty ma, thì ban lãnh đạo là ma. Những con ma này có tên là Đinh La Thăng ở bên trên, ở trên nữa là Nguyễn Tấn Dũng, còn Trịnh Xuân Thanh ở bên dưới.

Chu trình tay không bắt giặc hoàn thành. Đó là chu trình biến của công thành của riêng, tài sản quốc gia thành tài sản cá nhân. Với cổ phần 15%, hàng năm, chủ nhân của nó được hưởng 15% lợi nhuận của công ty.

Sổ sách được lập lại, xoá hết những phát sinh trung gian, bèo lại lan ra lấp kín mặt ao. Mọi chuyện như chưa hề xảy ra bao giờ. Chu trình “ném đá ao bèo” kết thúc. Không thể tìm thấy dấu vết, nếu không phải là thành phần nằm trong dây tiết lộ, ngay cả khi bị lật tẩy, chứng cứ cũng không dễ dàng truy cứu được

Đến đây, các bạn có thể hiểu cái bộ mặt cơng cơng của Trịnh Xuân Thanh thách ông Trọng đưa hắn ra Toà. Cho nên cũng có lý, khi mấy bà già đi chợ ghé tai nhau, “già đòn, non nhẽ, cứ cho đi tàu ngầm là ra hết”.

Đây chỉ là cách giải thích được tối giản hoá. Thực tế không diễn ra dễ dàng và chóng vánh như vậy. Phải ít nhất qua hai kỳ báo cáo tài chính, nghĩa là hai năm. Nhưng với cách hiểu đơn giản này, chúng ta hãy thử hình dung. Trong gần 9 tỷ tiền vốn được huy động vào đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong mấy năm Đinh La Thăng làm Chủ Tài khoản, nếu tính khoảng 70% số tài sản này chuyển thành tài sản các công ty cổ phần, và cổ phần mà ông Thăng chiếm được là 10%( theo thực tế quan sát được, phần của chủ tịch Hội đồng quản trị, tức là chủ tài khoản, không bao giờ thấp hơn 15%),thì lượng tài sản mà ông Thăng tham gia làm chủ là 9*0,7= 6,3 tỷ đôla. Nếu lợi nhuận bình quân chỉ tính 5 % vốn, là 6,3*0,05= 0,32 tỷ, lợi tức hàng năm ông thu được là 0,32*0,1 = 0,032 tỷ đô, tức là 32 triệu đôla/năm = 640 tỷ vnđ/năm. Nếu tính cho một người có thu nhập 5 triệu vnđ/tháng, thì riêng cái khoản này, đã bằng 10.000 người làm việc trong 1 năm. Con số này cho ta hình dung mức độ tội các mà những kẻ như Thăng, Dũng đã làm.

Tất nhiên những phép tính này chỉ có ý nghĩa giúp chúng ta hình dung sự việc có thêm chút định lượng. Người ta truyền tai nhau là ông Thăng giàu nhất Việt Nam bây giờ, có thể, nhưng theo ý kiến của riêng tôi ông Dũng mới thực là người giàu nhất. Ông Dũng có thâm niên làm chủ tài sản quốc gia lâu hơn, và giá trị tổng tài sản mà ông Dũng quản trị lớn hơn gấp hàng chục lần.

Tuy nhiên, ở bài viết này chúng ta đang chỉ cố hiểu một phần những dữ liệu mà nhà báo Huy Đức đưa ra.

Và nếu hỏi Huy Đức lấy ở đâu ra những dữ liệu ấy. Nếu là việc tự điều tra thì Huy Đức có thể điều tra ở đâu, nếu phải lần theo từng vết, thì một mình, Huy Đức chắc chắn phải mất vài năm, mà tìm như thế nào, khi thực chất nó xảy ra như chúng ta đã chỉ ra trên đây, đó là thuật ném đá ao bèo, không ở đâu còn để lại dấu vết. Nó chỉ bị lộ từ chính người trong cuộc.

Suy ra, Huy Đức phải được một ai đó cung cấp. Nhưng ai đó là ai. Không thể là Vũ Đức Thuận, nguyên là Tổng Giám đốc, hay Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng cuả Tổng công ty xây lắp Dầu khí PVC, Huy Đức không có cơ hội để tiếp cận và lấy lời khai của một trong bốn tội phạm tạm giam trong điều kiện đặc biệt và cách ly với nhau. Chỉ còn một khả năng là Huy Đức được người của Chính quyền cung cấp. Một thông điệp của ông Trọng hoặc của cánh ông Trọng qua Huy Đức, gửi đến ông Thăng rằng, “trong trại giam, người ta đã khai hết, nhận hết, đầu hàng hay tuyên chiến, tuỳ ông”.

Nếu những phán đoán như trên là có lý, thì sẽ xảy ra hai khả năng.

- Ông Thăng đầu hàng vô điều kiện. Tất cả các sổ tài khoản, các cổ phiếu sẽ được tập hợp lại hoàn trả cho Bộ Chính trị. Ông Thăng sẽ vẫn tiếp tục làm bí thư Sài Gòn, và một thứ bệnh tật nào đấy sẽ chuẩn bị được phát hiện từ bây giờ, chờ một phiên họp bất thường của TW, ông Thăng sẽ xin rút vì lý do sức khoẻ, và “biến” về làm người “tử tế”.

- Ông Thăng tin vào sự hoàn thiện bất khả khai thác của thuật “ném đá ao bèo”, thách đố bộ chính trị theo kiểu Trịnh Xuân Thanh làm mới đây. Sẽ phải diễn ra trò đối chất giữa ông Đinh và bốn vị nguyên lãnh đạo PVC. Trong trường hợp này, sự khuất phục hoàn toàn của ít nhất một trong bốn vị đang tạm giam là tối cần thiết. Và quyết tâm bắt Trịnh Xuân Thanh sẽ được nhân lên nhiều lần. Nhưng rất có khả năng hệ thống ông Dũng và tay chân trực tiếp của Đinh La Thăng sẽ phản công để làm áp lực. Phản công như thế nào khó mà lường được, nhưng có lẽ chỉ dừng ở mức đe doạ an ninh cuả cá nhân ông Trọng. Làm như vụ Nguyễn Bá Thanh nhiễm thạch tín cực mạnh, hoặc là tay súng ẩn danh thứ tư trong vụ Yên Bái. Ông Dũng hay cả ông Dũng lẫn ông Thăng không có lực lượng sẵn sàng để làm những việc lớn hơn hoặc dẫn đến việc buộc phải đi xa hơn.

Bằng Hội nghị TW 4 khoá XII vưà kết thúc “tốt đẹp” ngày 14/10, ông Trọng vừa ra lệnh tổng động viên, vưà ra lệnh thiết quân luật, mục đích là uy hiếp,khủng bố đối phương, giống như việc diễn tập của 5200 cảnh sát cơ động có xe tăng yểm trợ, trước ngày diễn ra Đại hội XII hôm 9/01/2016 vậy.

Tuy vậy, ông Trọng có đánh thắng ông Thăng hay ông Dũng, thì rồi việc đâu lại vào đấy. Không có Thăng hay Dũng này thì có Thăng hay Dũng khác. Vì khi còn điều 4 thì những kẻ giống như Thăng hay Dũng còn sinh ra, chỉ có khác là tinh quái hơn. Bản thân ông Trọng, ông Đinh Thế Huynh, ông Tô Lâm đều chưa kinh qua quản lý, các ông còn phải vất vả. Sau ông Thăng, người kế tiếp phải tính đến là ông Hoàng Trung Hải, rồi đến ông Nguyễn Văn Bình. Còn ông Trần Đại Quang và ông Nguyễn Xuân Phúc thì có lẽ không còn đến lượt ông Trọng nữa. Nếu thực lòng muốn diệt tận gốc tham nhũng, các ông cần một nền tư pháp phi chính trị, một nền báo chí độc lập, một xã hội dân sự tích cực, và nếu có thể một hay nhiều đảng phái chính trị khác làm đối trọng và giám sát chất lượng cầm quyền của các ông.

18/10/2016

Bùi Quang Vơm (THDCĐN)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét