Dân Đen (Danlambao) - Bộ y tế của cộng sản Việt Nam vừa gửi bộ tư pháp văn bản dự án luật về máu và tế bào gốc. Đáng chú ý đề xuất này qui định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc công dân phải thực hiện mỗi năm một lần. Như vậy, nếu quốc hội thông qua dự án luật thì mỗi người dân sẽ bị cướp ít nhất 250ml (một đơn vị) máu của mình dù muốn dù không.
Với dân số khoảng khoảng 90 triệu người, một năm sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ khoảng 30 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu). Vậy thì sẽ có khoảng 50% dân số bị cướp máu theo luật của cộng sản (nếu được thông qua).
Theo tính toán lý thuyết của tổ chức Y Tế Thế Giới, ở các nước đang phát triển, dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu. Một sự chênh lệnh về con số % giữa việc cần và việc bắt buộc công dân hiến máu.
Giả sử dự án luật này được quốc hội thông qua thì chẳng mấy dân đen có thể biết những giọt máu mình đã hiến sẽ được sử dụng ra sao. Khi ấy những thành phần trục lợi đầu tiên là những đảng viên cao cấp của cộng sản, kế đến là thành phần râu ria liên quan đến y tế. Những giọt máu ấy sẽ được bán cho những bệnh nhân đang cần tới chúng với một cái giá không hề rẻ. Với con số 2% cần nhưng 50% bắt buộc thì số % dư còn lại rất nhiều khả năng sẽ được xuất khẩu cho “đối tác vàng” là Trung cộng để thâu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Những khoản lợi ấy sẽ đi về đầu thì chỉ có đỉnh cao trí tuệ của cộng sản mới biết được. Người dân sống dưới sự cai trị của cộng sản như Việt Nam thì không ai có thể đảm bảo sự minh bạch trong việc quản lý và sử dụng những giọt máu quí giá một khi đã “trao” cho cộng sản mà bộ y tế là đại diện. Nhưng có một điều mà dân đen chắc chắn biết là sẽ chẳng mấy đảng viên nào của cộng sản tham gia hiến máu.
Việc công dân tự nguyện hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp mà những ai có khả năng đều muốn chia sẻ. Bởi ai cũng hiểu ý nghĩa lớn lao của những giọt máu khi được truyền vào cơ thể những bệnh nhân đang cần tới chúng. Rất nhiều hội đoàn, giáo xứ, chùa chiền, trường học, luôn kêu gọi giáo dân, phật tử hay sinh viên hưởng ứng tham gia phong trào hiến máu nhân đạo trong nhiều năm qua. Bằng chứng là trong báo cáo của bộ y tế trình chính phủ cho thấy tỉ lệ hiến máu trên dân số toàn quốc luôn tăng trong những năm vừa qua. Bộ y tế còn cho biết thêm, hiện nay có 60 cơ sở tiếp nhận hiến máu trên toàn quốc với qui mô rất đa dạng. Nếu như thế tại sao bộ y tế lại đề xuất cái dự án luật hiến máu này? Phải chăng bộ y tế muốn đưa bộ mặt hút máu nhân dân của mình ra phơi bày cho công chúng thấy rõ ràng hơn. Người dân ai cũng thấy được sự vô tâm và cái khốn nạn của bộ y tế qua chất lượng phục vụ y tế. Khi nói về chất lượng y tế của Việt Nam, chắc chắn nhiều người lắc đầu ngao ngán bởi hàng trăm cái chết oan của trẻ sơ sinh khi được tiêm văcxin. Hoàng loạt cái chết tức tưởi của bệnh nhân do sự tắc trách của các y bác sỹ dưới sự quản lý của bộ y tế. Bệnh nhân phải nằm 2,3 người chung một giường bệnh, tình trạng đút lót bác sĩ để được điều trị sớm tràn lan các bệnh viện của nhà nước...
Trên thế giới chưa thấy một quốc gia nào qui định việc hiến máu bắt buộc, kể cả Trung cộng. Nhưng rất có thể Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện qui định này. Dù mới chỉ là dự án nhưng sống dưới môi trường xã hội chủ nghĩa của cộng sản thì người dân đã ngầm hiểu rằng dự án luật này nhiều khả năng sẽ được thông qua. Kinh nghiệm cho thấy cộng sản thường tạo dư luận để xem phản ứng của quần chúng nhân dân. Sau đó sẽ ranh mãnh luồn lách để hợp thức hóa vấn đề một cách ôn hòa nhất có thể.
Một khi đã được chấp thuận thì rõ ràng đây là một việc làm vi phạm quyền con người nghiêm trọng. Vì máu là một phần tài sản trong cơ thể của mỗi người, việc cho, tặng hay mua bán phải do chủ thể đó quyết định. Mỗi người khi được sinh ra cho tới khi lớn lên đều không phải do cộng sản hay bộ y tế nuôi dưỡng. Vì thế không có bất cứ một tổ chức, đảng phái nào được quyền xâm hại thân thể người khác, mà điều này chính cộng sản Việt Nam đã ký kết với thế giới về quyền con người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét