3/1/17

Người "binh sĩ" trong ca khúc "Ly Rượu Mừng" là ai?

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Theo một nguồn tin gần đây, ca khúc "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được cấp giấy phép cho trình diễn tại Việt Nam sau 40 năm ngăn cấm. Lý do cho việc này là nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam cho rằng các từ ngữ "binh sĩ" và "đời lính" trong lời nhạc mô tả người lính chống Pháp, và không phải là lính của quân đội miền Nam. Bài này trình bày những lý lẽ và bằng chứng đồng nhất cho thấy "binh sĩ" và "đời lính" trong ca khúc "Ly Rượu Mừng" thực sự nói về người lính trong miền Nam chống cộng sản.

*

Theo một nguồn tin, ca khúc "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã trở lại trên đất nước Việt Nam sau 40 năm bị nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) ngăn cấm. Lý do cho sự trở lại này không được NCQCS công bố rõ rệt. Tuy nhiên, dựa vào bản tin đầu tiên (dường như đã bị gỡ bỏ), "theo nhà báo Nguyên Minh, chính việc tác giả Phạm Đình Chương vô tình nhắc tới người lính, tới từ ngữ 'đời lính', 'binh sĩ ' mà bài hát này đã không được phép phổ biến suốt 40 năm. 'Chính yếu tố người lính làm bài hát không được cho hát - Người lính là người lính nào?', ông chia sẻ" (Đông 2017; Ông 2017). Cũng theo nguồn tin này, "có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính thời chống Pháp. Trên cơ sở chứng minh đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn [đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016]. Cuối cùng thì sau 40 năm bài hát đã được giải oan, ông Minh nói" (tlđd.). 

Câu hỏi đặt ra là người "binh sĩ" trong ca khúc "Ly Rượu Mừng" là ai? Có thật nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết về người lính thời chống Pháp?

Trong bài "Ly Rượu Mừng" tôi viết cách đây khoảng hai năm, và được đăng lại gần đây (Cao-Đắc 2015), tôi không đề cập đến câu hỏi này, vì lúc đó vấn đề NCQCS cấp giấy phép cho ca khúc này chưa xảy ra. Bây giờ, với nguồn tin này, tôi bổ túc bài viết trên qua bài này, với hy vọng làm sáng tỏ nội dung bài hát.

A. Thời điểm ca khúc "Ly Rượu Mừng" được sáng tác và nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam.

Trước hết, có vài chi tiết không được rõ rệt. Đó là năm bản nhạc được sáng tác và năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam. Theo tài liệu tôi tra cứu cách đây hai năm từ Wikipedia, nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam năm 1951 và ca khúc "Ly Rượu Mừng" được sáng tác vào năm 1952. (Tôi không có lý do gì để viết sai năm này vì bài viết lúc ấy không đề cập đến vấn đề ai là người lính trong ca khúc.) Tuy nhiên, Wikipedia đã được cập nhật, vào ngày 1 tháng 9 năm 2016 và có thể trước đó, với câu "Năm 1951, ông về Hà Nội lập ra ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng" và "Năm 1953, ông lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc rồi chuyển vào Sài Gòn sống." (Phần này có thể sẽ còn bị sửa đổi nữa.)

Nói tóm lại, tài liệu từ Wikipedia thay đổi năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam từ 1951 sang 1953. Năm ca khúc "Ly Rượu Mừng" được sáng tác vẫn giữ nguyên là năm 1952. Ai là người thay đổi chi tiết này và với mục đích gì không được biết rõ. Tuy nhiên, việc sửa đổi này xảy ra sau ngày tôi truy cập cho bài viết hai năm trước như thể hợp thức hóa lý lẽ "người lính thời chống Pháp" cho năm 2016 tạo nên một nghi ngờ. 

Wikipedia thường được mọi người tra cứu. Tuy nhiên mức độ chính xác thay đổi tùy đề tài. Ta nên biết Wikipedia không phải là tài liệu hàn lâm có uy tín, vì ai cũng có thể sửa đổi được. Về những đề tài không dính líu đến chính trị, Wikipedia khá chính xác, ngang ngửa với các tài liệu bách khoa khác, thí dụ như Britannica. Tuy nhiên, về các đề tài chính trị, Wikipedia thường bị phá hoại (Wolchover 2011). Về Wikipedia tiếng Việt, việc phá hoại sửa đổi các bài tra cứu trên Wikipedia thường xảy ra cho phù hợp tài liệu tuyên truyền hoặc che giấu tội ác của NCQCS (thí dụ cuộc thảm sát Mậu Thân 1968). Việc năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam được thay đổi trong Wikipedia dường như là một nỗ lực trẻ con và tiểu nhân của NCQCS trong việc sửa lại sự thật.

Điều đó không có nghĩa là ta không thể tìm ra được câu trả lời vì có những chi tiết khác giúp ta xác định câu trả lời này. Sau đây là ba chi tiết liên hệ đến năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam và năm sáng tác ca khúc "Ly Rượu Mừng."

Thứ nhất, nhạc sĩ Phạm Đình Chương dùng tên Hoài Bắc trong ban hợp ca Thăng Long. Theo Wikipedia cập nhật ở trên, "[n]ăm 1951, ông chuyển về Hà Nội. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng, du ca khắp các thành thị lớn của Việt Nam lúc đó" (Wikipedia 2016). Ta hiểu "Hoài Bắc" nghĩa là "Nhớ Miền Bắc." Thật lạ lùng nếu nhạc sĩ Phạm Đình Chương dùng tên "Nhớ Miền Bắc" vào năm 1951 khi ông vẫn còn ở Bắc. Là một nhạc sĩ tài ba về cách dùng chữ, lẽ nào nhạc sĩ Phạm Đình Chương dùng tên ca hát của ông một cách kỳ lạ như vậy? Do đó, hoặc danh xưng "Hoài Bắc" được dùng sau khi ông vào Nam (tức là năm 1953), hoặc năm 1951 là năm ông vào Nam. Vì tài liệu trên cho biết ông dùng tên Hoài Bắc vào năm 1951 (chi tiết vào Hà Nội là chi tiết đang bị tranh cãi nên loại ra khỏi "phương trình"), ta có thể kết luận ông vào Nam trễ nhất là năm 1951, và ca khúc "Ly Rượu Mừng" được viết sau khi ông vào Nam.

Thứ nhì, không cần biết ông vào định cư tại miền Nam chính thức vào năm nào, ta biết vào năm 1951 ban hợp ca Thăng Long "du ca khắp các thành thị lớn của Việt Nam lúc đó" (Wikipedia 2016). Sài Gòn và Huế đương nhiên là hai thành phố lớn tại Việt Nam lúc bấy giờ. Việc ông ghé qua Sài Gòn hoặc Huế vào khoảng những năm 1951-1953 trong lúc lưu diễn là việc rất khả tín. Do đó, cho dù ông định cư vào Nam vào năm 1953, ông vẫn có thể viết ca khúc "Ly Rượu Mừng" đặc biệt cho miền Nam sau khi ông ghé Sài Gòn, Huế, hoặc một thành phố lớn tại miền Nam trình diễn.

Thứ ba, một tờ nhạc bài "Ly Rượu Mừng" ghi "ẤN QUYỀN 1956 CỦA TINH HOA" và "ẤN-HÀNH LẦN THỨ NHẤT" (Hình 1). Đây là một tài liệu rất thuyết phục cho biết ca khúc "Ly Rượu Mừng" được sáng tác năm 1956 tại miền Nam. Trong khoảng thời gian đó, nhà xuất bản Tinh Hoa có trụ sở chính đặt tại 121 đường Trần Hưng Đạo, Huế (Trần 2010). Lúc bấy giờ, tuy luật lệ về sở hữu/tài sản trí tuệ (intellectual property) chưa được hoàn hảo, những nguyên tắc căn bản về bản quyền (copyright) đã được thiết lập trong lãnh vực ca nhạc. Câu "Ấn quyền 1956 của Tinh Hoa" cho biết quyền in của bài hát có vào năm 1956 và thuộc về nhà xuất bản Tinh Hoa. Tôi không rõ luật lệ thời bấy giờ có phân biệt bản quyền (copyright) và quyền ấn loát. Tuy nhiên, thông thường bản quyền bao gồm nhiều quyền, kể cả quyền ấn loát. Câu "Ấn hành lần thứ nhất" thiết lập thời gian ấn loát lần đầu, và thường là thời gian sáng tác của tác phẩm. Có một khả dĩ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác trước năm 1956 và nhượng ấn quyền cho nhà xuất bản Tinh Hoa vào năm 1956. Tuy nhiên, thông thường, để tránh kiện tụng, năm sáng tác thường được ghi chú trong tác phẩm. Việc tờ nhạc chỉ ghi chú ấn quyền vào năm 1956 và không có ghi chú nào khác về bản quyền cho thấy với một xác suất khá cao rằng bản quyền (và năm sáng tác) hiện hữu vào năm 1956.

Hình 1: Tờ nhạc ca khúc "Ly Rượu Mừng" cho thấy ấn quyền 1956 của nhà xuất bản Tinh Hoa.

Dựa vào các điểm trên, ta có thể kết luận chính xác rằng nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác ca khúc "Ly Rượu Mừng" sau khi ông định cư vào Nam hoặc sau khi ông trình diễn tại miền Nam. Do đó, câu trả lời cho câu hỏi người binh sĩ trong ca khúc "Ly Rượu Mừng" là ai trở nên hiển nhiên. Đó là người chiến sĩ quốc gia Việt Nam, chống đối quân đội cộng sản hoặc Việt Minh. Lý do đơn giản là nhạc sĩ Phạm Đình Chương không thể viết về người chiến sĩ của phe bên kia trong cuộc chiến tranh khi ông định cư trong miền Nam và với lời "Mừng người vì nước quên thân mình" và "Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính."

Ngoài ra, cho dù các chi tiết về ngày tháng sáng tác và vào Nam không rõ rệt, những chi tiết về nội dung bài hát đưa đến cùng một kết luận như được trình bày sau đây.

B. Nội dung bài hát khẳng định người lính trong ca khúc "Ly Rượu Mừng" là người lính quốc gia Việt Nam chống cộng.

Tác giả Đông Đô Phạm viết, "Từ ngàn xưa của dân tộc chúng ta quân binh chiến sĩ người lính nào khi lên đường chiến đấu thì cũng một lý tưởng niềm tin chiến đấu cho quê hương cho đất nước chứ không chiến đấu cho bất cứ một thứ chủ nghĩa ngoại lai nào" (Đông 2017). Đây là một nhận xét chính xác. Thật vậy, người lính chiến đấu cho "ngày mai sáng trời tự do," "nước non thanh bình," và "muôn người hạnh phúc chan hoà" chỉ có thể là người lính trong quân đội quốc gia Việt Nam chống cộng, vì người chiến sĩ cộng sản không hề chiến đấu cho tự do, thanh bình, và hạnh phúc. Người chiến sĩ cộng sản chỉ chiến đấu cho đảng cộng sản, hoặc/và chủ nghĩa ngoại lai cộng sản, hoặc/và các quốc gia cộng sản đàn anh như Liên Xô và Tàu cộng.

Tác giả Ông Bút đi xa hơn với những nhận xét tinh tế và sâu sắc về những người chống Pháp như Nguyễn Thái Học, Việt Nam Quốc Dân Đảng, và Đảng Đại Việt (Ông 2017). Ngoài ra, tác giả Ông Bút đưa ra những lý luận hùng hồn về ý nghĩa của "người thương gia lợi tức," và "bà mẹ già từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa" (tlđd.). Chế độ cộng sản, trong khoảng thời gian Cải Cách Ruộng Đất tàn sát hơn 170 ngàn "địa chủ" vào các năm 1953-1956, làm sao có thể mừng người thương gia lợi tức và ca ngợi bà mẹ già mong con mắt vương lệ nhòa?

Trong khoảng thời gian ca khúc "Ly Rượu Mừng" được sáng tác, thanh niên miền Nam tham gia quân đội trong cuộc chiến chống cộng sản. Quân đội Quốc Gia Việt Nam (QGVN), tiền thân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), được thành lập từ năm 1950 (Duiker 1996, 154). Vì thiếu thốn ngân quỹ và có những cản trở hành chánh, lực lượng quân đội QGVN đạt được 100 ngàn binh lính vào năm 1953 (tlđd., 163). Tuy nhiên, chiến sĩ QGVN tham gia các trận đánh chống Việt Minh trong những năm này. Vào năm 1955, QLVNCH được thành lập và sau đó được phát triển mạnh mẽ. 

Ca khúc "Ly Rượu Mừng" nhắc đến người lính, chiến tranh, và hòa bình nhiều lần. Do đó, tác giả hẳn nhiên có nhiều suy nghĩ về chiến tranh trong dịp Xuân về. Tuy nhiên, toàn thể bài hát không hề có một lời nhắc đến kẻ thù, một đặc điểm trong các bài hát cộng sản, Nếu người "binh sĩ" trong "Ly Rượu Mừng" là chiến sĩ cộng sản, thì tác giả, nếu viết bài hát trong lúc ở miền Bắc, ắt là phải nhắc đến việc tiêu diệt kẻ thù như được viết trong quốc ca Việt cộng "Tiến Quân Ca" ("xây xác quân thù," "nuốt căm hờn") để bài hát được phổ biến trong mùa Xuân vào tình trạng chiến tranh. Ngược lại, bài hát nhắc đến những nét hiền hòa, nhân bản của người lính miền Nam với các câu "sáng cuộc đời lành," "vì nước quên thân mình," "thắm tươi đời lính," và "đợi anh về trong chén tình đầy vơi." Việc toàn bài không nhắc nhở đến quân thù, chém giết, hoặc nỗi căm hờn, cho thấy nhạc sĩ Phạm Đình Chương chủ ý viết người "binh sĩ" và "đời lính" cho người lính miền Nam chống trả quân cộng sản.

Một khía cạnh quan trọng trong việc tìm hiểu ý của tác giả trong tác phẩm là xem xét các tác phẩm liên hệ để suy diễn. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết ca khúc "Anh Đi Chiến Dịch" về người lính (Xem, Hợp Âm Việt). Ca khúc "Anh Đi Chiến Dịch" mô tả người lính miền Nam với những nét phù hợp với người lính trong ca khúc "Ly Rượu Mừng": "lòng súng nhân đạo cứu người lầm than," "nghe như lúa reo đời sống lành," và "mênh mang một niềm thương." Ta thấy cùng một ý tưởng sống cuộc đời lành và nhân hậu. Đặc biệt, như người lính trong "Ly Rượu Mừng," người lính trong "Anh Đi Chiến Dịch" không ôm nỗi căm hờn về kẻ thù và xây xác quân thù. Với những nét phù hợp trong cách mô tả người lính, ta có thể suy diễn dễ dàng rằng người "binh sĩ" trong ca khúc "Ly Rượu Mừng" là người lính miền Nam chống lại cộng sản.

Ngoài ra, nhạc sĩ Phạm Đình Chương là người chống cộng mạnh mẽ qua việc ông vào Nam và định cư tại Hoa Kỳ. Ca khúc "Anh Đi Chiến Dịch" có câu "Bao nhiêu chàng trai tay xiết mạnh, thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi" cho thấy ông mơ ngày "quân Nam về Thăng Long" như nhạc sĩ Lam Phương trong bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến." Với ý chí như vậy, làm sao ông có thể mô tả người "binh sĩ" trong ca khúc "Ly Rượu Mừng" là người lính chống Pháp, hoặc người lính cộng sản?

C. Kết Luận:

NCQCS tại Việt Nam một lần nữa lộ ra bản chất lưu manh khi cho phép ca khúc "Ly Rượu Mừng" lưu hành trong nước với lý do người lính nhắc đến trong ca khúc là người lính chống Pháp, hy vọng dân tin rằng đó là lính cộng sản. Trên thực tế, nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một nhạc sĩ chống cộng tích cực qua các bài hát nói lên cuộc chiến chống cộng, và do đó không thể nào mô tả người lính trong bài "Ly Rượu Mừng" là người lính chống Pháp với hàm ý là người lính cộng sản.

Các chi tiết về năm nhạc sĩ Phạm Đình Chương vào Nam và năm sáng tác ca khúc "Ly Rượu Mừng" cộng với ý nghĩa lời hát và tính chất nhất quán trong các ca khúc liên hệ là những bằng chứng hùng hồn cho thấy người "binh sĩ" trong bài hát là người lính miền Nam chống lại quân cộng sản. 

Những nỗ lực lấp liếm, sửa đổi tài liệu, và dối trá của NCQCS càng cho thấy bản chất lưu manh, ngu xuẩn, và dại dột của họ. Với những việc rành rành như vậy mà họ còn dối trá, thì những việc khác họ còn dối trá, giấu giếm như thế nào?

Tài Liệu Tham Khảo:

tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.

Cao-Đắc Tuấn. 2015. "Ly Rượu Mừng" Đăng lại ngày 3-1-2017. 

Duiker, William J. 1996. The Communist Road to Power in Vietnam. Second edition. Westview, Boulder, Colorado, U.S.A.

Đông Đô Phạm. 2017. Bản “tù ca” bất hủ sau 40 năm đã ra tù. 2-1-2017. 

Hợp Âm Việt. Không rõ ngày. Sheet nhạc bài Anh đi chiến dịch

Ông Bút. 2017. Người lính chống Pháp và chống Cộng, trong nhạc phẩm Ly rượu mừng. 3-1-2017. 

Trần Bá Đại Dương. 2010. Chuyện ít ai biết trong làng xuất bản Việt: Nhà Xuất Bản Tinh Hoa - Những điều tôi biết. 3-6-2010. http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c88/n5679/Chuyen-it-ai-biet-trong-lang-xuat-ban-Viet.html (truy cập 3-1-2017).

Wikipedia. 2016. Phạm Đình Chương. 1-9-2016. 

Wolchover, Natalie. 2011. How Accurate Is Wikipedia? 24-1-2011. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét