3/1/17

Trump thắng cử, Nguyễn Phú Trọng ngả mạnh vào Bắc Kinh và ý chí kiên trì đấu tranh thắng lợi của chúng ta

Âu Dương Thệ (Danlambao) - Trump chống lại những giá trị căn bản của xã hội Hoa kì và lẫn lộn giữa bạn và thù

- Trump có thể thực hiện các ý định điên rồ được không?

- Trump phải vật lộn giữa tham vọng quá lớn, nhưng tư duy lạc hậu và uy tín quá tồi!

- Chế độ bội ước dân, Nguyễn Phú Trọng chỉ lo củng cố quyền lực và đàn áp nhân dân!

- Chế độ toàn trị do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đang trong hoàn cảnh nào?

- Từ Tổng bí thư tới Thủ tướng chỉ cho dân ăn bánh vẽ!

- Những vấn nạn cho CSVN từ chính sách của Trump và cách giải quyết mù quáng cúi đầu trước Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng.

*

Trump chống lại những giá trị căn bản của xã hội Hoa kì và lẫn lộn giữa bạn và thù

Mặc dầu thua đối thủ là cựu Ngoại trưởng bà Clinton gần 3.000.000 phiếu trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2016, nhưng ngày 19.12 đa số Cử tri đoàn vẫn bầu nhà tỉ phú địa ốc Donald Trump làm Tổng thống (TT) thứ 45 của Hoa kì (1). Chiến thắng không danh dự qua các thủ đoạn tồi tệ nhất và những lời hứa mị dân của ông Trump đang nổ ra những cuộc tranh luận rất gay gắt và tạo ra những lo ngại sâu sắc không chỉ đối với nhân dân Mĩ mà ngay cả với các đồng minh và đối thủ của Hoa kì trên thế giới. 

Nếu tân TT thực hiện toàn bộ những gì ông nói và hứa trong cuôc tranh cử vừa qua thì đây sẽ là một cuộc cách mạng, nhưng là một cuộc cách mạng rất tồi và cực kì nguy hiểm cho không chỉ nước Mĩ mà toàn thế giới(2). Tại sao? Cố tình khai thác các mánh lới mị dân ông Trump đã không ngần ngại chống lại những giá trị căn bản của xã hội Mĩ. Hoa kì được thành lập trước đây hơn hai thế kỉ trong những điều kiện đặc biệt. Những thế hệ đầu tiên di cư sang Mĩ là người Âu châu, trong đó phần lớn là những nạn nhân của chiến tranh tôn giáo (Thiên chúa giáo và Tin lành), và những nạn nhân chính trị cùng đói nghèo do các cuộc chiến tranh tàn ác, tranh chấp quyền bính giữa các vua chúa. Vì thế những người Mĩ đầu tiên quyết xây dựng một tân quốc gia lấy tự do tôn giáo và tôn trọng dân quyền là giá trị chung của xã hội. Tiếp theo đó làn sóng mua bán nô lệ từ châu Phi sang Hoa kì đã dẫn tới chiến tranh Nam-Bắc, nhưng cuối cùng chủ nghĩa cấm kì thị chủng tộc được nhìn nhận. Các giá trị quan trọng khác của xã hội Mĩ là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, bình đẳng nam nữ đã được ghi nhận trong Hiến pháp và là nền tảng trong sinh hoạt chính trị giữa chính quyền và các công dân xuyên qua các đoàn thể dân sự được thành lập độc lập trong mọi lãnh vực đời sống ở Hoa kì. Những cuộc tranh đấu cho những giá trị này ở Mĩ cũng đã diễn ra cùng thời ở Âu châu và sau đó ở trên toàn thế giới với kết quả là Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc 1948. Từ đó Hoa kì trở thành một biểu tượng tốt cho nhân loại! 

Những giá trị xã hội mang tính nhân bản và thời đại này đã được thử thách và đã chứng tỏ tính đúng đắn mang lại những lợi ích thiết thực trong việc xây dựng đất nước Hoa kì. Từ phân hóa, đa chủng tộc, đa tôn giáo và khác biệt ngôn ngữ, kì thị chủng tộc, chiến tranh Nam-Bắc, Mĩ tiến lên thành một liên bang, một chế độ dân chủ đa nguyên dựa trên những nền tảng nhân bản vững chắc, nhưng vẫn sẵn sàng cho những thay đổi để cải thiện nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa như các tu chính Hiến pháp hoặc các đạo luật bổ xung cho tự do báo chí, chống kì thị chủng tộc, chống tham nhũng. Ngọn cờ đòi các nước thực dân cũ phải chấm dứt chính sách thuộc địa và trao trả độc lập cho các nước ở Á, Phi và Nam Mỹ đã tạo uy tín lớn cho Mĩ trên thế giới. Giữ gìn các cam kết quốc tế, như trực tiếp cùng đồng minh tham gia đánh tan phát xít Hitler Đức, quân phiệt Nhật và ngăn chặn thành công làn sóng CS dẫn tới tan rã Liên xô và thế giới CS đã đưa Mĩ trở thành siêu cường và được sự tin cậy của các nước dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Nhưng trong cuộc tranh cử vừa qua, để giành ghế TT nên Trump đã cố tình dùng chủ thuyết mị dân công khai chống lại những giá trị căn bản nói trên của xã hội Mĩ. Ông đã kì thị tôn giáo đòi không cho người Hồi giáo vào Hoa kì; ông đã mạt sát phụ nữ, kết án tự do báo chí, ủng hộ việc tra tấn tù nhân kiểu cựu TT Bush con, kì thị chủng tộc đòi dựng bức tường suốt mấy ngàn cây số dọc theo biên giới Hoa kì-Mễ tây cơ! Không những thế Trump còn đe dọa hủy bỏ các hiệp ước quốc tế mà Hoa kì đã kí và những cam kết của Mĩ với các đồng minh; đồng thời lại ca tụng TT Nga Putin, một chính trị gia độc tài suốt 16 năm qua chuyên quyền, tham nhũng và nuôi những tham vọng cực kì nguy hiểm và điên rồ. Một cá nhân hành động phản lại những giá trị con người, đó là một cá nhân xấu; một chính trị gia có những hành động chống lại những giá trị chung của xã hội và nhân loại là một chính trị gia cực kì nguy hiểm!

Trump có thể thực hiện các ý định điên rồ được không?

Các câu hỏi trung tâm cho các chính trị gia trên thế giới và các nhà quan sát chính trị quốc tế là, liệu tân TT Mĩ có thể thực hiện những tuyên bố và lời hứa trong tranh cử vừa qua hay không? Đâu là trọng tâm trong chính sách đối nội và đội ngoại của Trump? Vì Hoa kì vẫn còn là siêu cường cả về quân sự lẫn kinh tế, nên những câu hỏi quan trọng này đang là chủ đề tranh luận ở Mĩ và thế giới. Đặc biệt đối với VN, một nước có nền kinh tế đặt trọng tâm vào xuất khẩu, đang có số xuất siêu cao nhất với Hoa kì nhưng đồng thời lại phải chịu số nhập siêu cao nhất với Trung quốc; nên các quyết định kinh tế, ngoại giao và quốc phòng của Trunp chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới số phận của chế độ toàn trị CSVN.

Theo Hiến pháp Mĩ, TT đứng đầu hành pháp và có quyền hành lớn, nhưng từ thời TT Nixon các quyền của TT đã bị cắt bớt cho lưỡng viện(3). Là một xã hội dân chủ đa nguyên lâu đời nên quyền lực trong xã hội Hoa kì được phân chia vào các cột trụ chính là hành pháp (TT), lập pháp (Thượng viện và Hạ viện) và tư pháp (tòa án). Quốc hội Mĩ có thể gây khó khăn hoặc làm tê liệt các hoạt động của TT, như mở các cuộc điều trần và điều tra từ TT tới các bộ trưởng, hoặc không thông qua ngân sách của hành pháp(4). Ngoài ra hệ thống báo chí độc lập ở Hoa kì luôn luôn là những tiếng nói, bộ phận theo dõi và kiểm soát các cơ quan quyền lực khác; trong những giai đoạn khủng hoảng về chính trị, báo chí Mĩ đã từng chứng tỏ là tiếng nói có ảnh hưởng quyết định tới những cơ quan cao nhất của Mĩ, như dưới thời các TT Nixon, Clinton và Bush (con). Là một nước tư bản hàng đầu nên nhiều công ti lớn, đặc biệt là các công ti liên quốc, có ảnh hưởng lớn tới các chính sách và quyết định của hành pháp và lập pháp. Hệ thống đa diện và đa năng của các tổ chức dân sự ở Mĩ vừa là những đoàn thể áp lực, vừa là tai mắt và tiếng nói của nhiều thành phần trong xã hội Hoa kì. Trong các cuộc xung đột quốc tế, tranh chấp về môi trường và vi phạm nhân quyền trên thế giới các tổ chức xã hội dân sự ở Hoa kì đã có những tiếng nói rất mạnh ảnh hưởng tới hành pháp, lập pháp và tư pháp. Ngoài ra trong hệ thống bầu cử ở Mĩ, các dân biểu quốc hội chịu áp lực lớn của cử tri địa phương, nên nhiều khi họ không chịu những ràng buộc của đảng mình trong các cuộc bỏ phiếu tại lưỡng viện như ở nhiều nước dân chủ Âu châu.

Như vậy nói tóm lại, trong cơ chế chính trị và cách tổ chức vận hành xã hội của Hoa kì, ông Trump không có toàn quyền như trong một chế độ độc tài. Mặt khác, lí lịch mấy chục năm trong kinh doanh địa ốc đầy tai tiếng để trở thành tỉ phú, khiến Trump bị coi như một trọc phú không có uy tín. Tư cách tồi và tính tình bất nhất, lại không có kinh nghiệm chính trị, cho nên đối với nhiều giới ở Hoa kì và trên thế giới ông Trump không có uy tín để trở thành một nhà lãnh đạo đáng tin cậy. Một người tôn thờ dối trá, cực đoan bỗng chốc đứng đầu một xã hội đã từng có nền tảng giá trị dân quyền và nhân quyền cao như Mĩ thì chắc chắn ông Trump phải đương đầu với các thành phần chính yếu nhiều quyền lực và uy tín trong xã hội Hoa kì. Xã hội Mĩ có thể ví như một ngôi nhà chung của một số chủ nhân có quyền hành ngang nhau. Nay một chủ nhân mới ngang bướng và không có tư cách muốn chỉ huy thì điều gì sẽ diễn ra, mọi người có thể tiên liệu được!

***

Không những thế, ông Trump cầm quyền trong giai đoạn thế giới đang chuyển vào một thời đại mới chưa từng có. Tiếp nối những tiến bộ và phát minh mới trong các lãnh vực khoa học và kĩ thuật, gần 30 năm qua nhân loại vừa là chứng nhân vừa là tác nhân cho những thay đổi sâu sắc và đạt nhiều thành tựu mới vĩ đại. Đó là sự tan rã của Liên xô và các nước CS Đông Âu đã từng tôn thờ chủ nghĩa bạo lực và thủ tiêu nhân quyền, tự do dân chủ. Đồng thời nhân loại còn bước vào hai cuộc cách mạng mới, đó là toàn cầu hóa về tài chính-kinh tế và kỉ nguyên internet điện tử. Nhờ những tiến bộ khoa học-kĩ thuật và những cuộc tranh đấu kiên trì của nhân dân nhiều nước nên chiến tranh lạnh chấm dứt, nhờ thế hai cuộc cách mạng mới này đã song hành bùng nổ rất nhanh và mãnh liệt, nay đang bao trùm toàn thế giới. Mỗi ngày hàng tỉ người trên thế giới với điện thoại cầm tay, máy điện tử và các mạng Internet dân sự có thể liên lạc nhanh chóng và trực tiếp với nhau trong mọi lãnh vực không cần phải xin phép, không còn bị gò bó trong các kênh tuyên truyền một chiều; qua đó tạo nên những quan hệ mới, tin cậy mới giữa cá nhân với cá nhân từ những nước khác nhau, từ đó mở ra những vận hội mới cho từng dân tộc và toàn thế giới. Các dân tộc xích lại với nhau hơn, các nền văn minh-văn hóa lớn trao đổi trực diện thường xuyên hàng ngày với nhau. Hai cuộc cách mạng này đang thay đổi bộ mặt thế giới và tâm lí, tình cảm của con người và làm thay đổi tương quan lực lượng trên thế giới, hình thành các trung tâm quyền lực mới, như Hoa kì, EU, Trung quốc, Nhật, Nga, Ấn…; trong đó vai trò của Hoa kì đang bị thử thách lớn. Do những sai lầm tai hại trong chiến lược suốt 8 năm thời TT Bush (con) đã khiến Mĩ đang mất thế thượng phong kinh tế.

Có những người đưa ra nhận định, Trump gian dối làm TT Mĩ, TT Putin ma đầu và Tổng bí thư Tập Cận Bình tôn thờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì các cuộc cách mạng này sẽ bị chững lại hoặc bị thủ tiêu. Nói như thế có khác nào tin rằng, điện thoại cầm tay, điện thư và các phương tiện truyền thông xã hội tân kì gắn kết thông tin và liên lạc giữa nhiều tỉ người trên trái đất sẽ bị vô hiệu hóa, thành đống sắt vụn? Và các giao thương, quan hệ kinh tế trên bình diện toàn cầu hiện nay phải nhường chỗ cho giao dịch chỉ giới hạn trong khuôn khổ quốc gia và khu vực như các thế kỉ trước? Ai tin như thế là nghĩ rằng, độc tài, bạo lực, dối trá và mị dân đang thắng thế và thay cho ôn hòa, trung thực và nhân bản. Ai tin như thế là vô tình hay cố ý cho rằng, những giá trị về nhân quyền, công bằng, bác ái và tự do dân chủ mà nhân loại từ Tây sang Đông đã đổ bao nhiêu xương máu trong nhiều thế kỉ qua đã mất hết giá trị! Những ai tin như vậy có khác gì nghĩ rằng, có thể bắt thời gian ngưng lại, hay quay ngược được thời gian! Các nhà độc tài Hitler, Stalin, Mao… có thể khuấy động một nước hay một khu vực trong một thời gian; nhưng nhân loại vẫn từng bước vững vàng tiến về phía trước, loại bỏ các chế độ độc tài và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn, với tự do dân chủ và cuộc sống ấm no hơn. Đây là một sự thực lịch sử không ai có thể chối cãi được!

Hai cuộc cách mạng kinh tế-tài chính và kĩ thuật điện tử hiện nay đang làm thay đổi cuộc sống của nhiều tỉ người, dẫn tới thay đổi nhiều tương quan lực lượng quốc tế, thay đổi tư duy và tâm lí của nhân loại. Những sai lầm trầm trọng về chiến lược 8 năm thời TT Bush con đã làm Hoa kì suy yếu cả về quân sự, kinh tế, chính trị lẫn ngoại giao và vô tình giúp cho các thế lực độc tài ở Trung quốc, Nga và VN vực đầu lên(5). Một số chế độ độc tài vô trách nhiệm đã lợi dụng tình hình để thủ lợi riêng, phát triển kinh tế bằng mọi giá kể cả phá hủy môi trường, cấu kết với tư bản bên ngoài bóc lột nhân dân và củng cố chế độ độc tài tham nhũng như Tập Cận Bình ở Trung quốc và Nguyễn Phú Trọng ở VN. Như chính Nguyễn Phú Trọng phải nhìn nhận sau thảm họa môi trường Formosa(6). Hoặc lợi dụng tiến bộ kĩ thuật điện tử để can thiệp trực tiếp vào tình hình chính trị, kinh tế của nước ngoài mong thoát khỏi sự phong tỏa của quốc tế, như trường hợp Putin đã cho cấp dưới tổ chức Hacker đánh cắp các email của bà Clinton rồi cho WikiLeaks tung ra để giúp Trump thắng cử(7). Trong khi đó theo đuổi danh vọng cao bất chấp trách nhiệm, Trump đã lợi dụng sự lo ngại của một số thành phần trong xã hội Mĩ đã đưa ra những đòi hỏi mị dân trong cuộc tranh cử.

***

Hai cuộc cách mạng mới đang thay đổi bộ mặt thế giới và ảnh hưởng tới tư duy cũng như tập quán của các dân tộc và các nền văn minh. Nhưng cuộc cách mạng nào cũng có bề trái của nó. Bên cạnh những tiến bộ và thành quả không thể chối cãi được, nó đang chứa đựng một số những sơ hở cần phải nghiêm túc sớm sửa chữa, cải thiện.

Đối với các cuộc cách mạng toàn cầu hóa kinh tế-tài chính và ứng dụng điện tử với hàng tỉ người trên thế giới cần phải giữ tinh thần khoa học khách quan, lòng can đảm và đầu óc sáng suốt biết sử dụng những lợi ích thiết thực và to lớn mới cho quốc gia, cho con người; đồng thời biết cải thiện và ngăn ngừa những bất cập! Các cuộc cách mạng mới hiện nay đang mở ra cho nhân loại những vận hội mới; như xóa nghèo đói, chậm tiến, đẩy lùi các thế lực độc tài. Những giá trị nhân quyền và tự do dân chủ đang được phổ cập tới từng cá nhân và ngõ ngách mà trước đây hai ba thập kỉ vẫn bị coi là ảo tưởng. Sức mạnh của Internet và báo chí điện tử đã được chính Nguyễn Phú Trọng lo ngại khi nhắc tới một số nhận định của phương Tây trong bài "Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay" trên tờ CS điện tử ngày 9.11.05: 

"Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành"; "một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước''; ngày nay ''làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người''; ''một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng''

Nó đang tạo thành những sức mạnh vũ bão mới, khiến cho những chính trị gia độc tài, những chủ nghĩa dân tộc cực đoan và quá khích tôn giáo lo lắng và hoảng sợ. Họ đang lao đầu phản công bằng những chủ nghĩa mị dân, phao tin thất thiệt để gây hận thù, chia rẽ theo cách cò, hến tranh nhau ngư ông biển lợi! Ở một số nơi các nhà cầm quyền độc tài còn lợi dụng hai cuộc cách mạng mới này để củng cố chế độ!

Thắng của Trump không làm sang trang thế giới, mà cùng lắm chỉ có thể làm trì hoãn một thời gian. Tại sao? Trào lưu toàn cầu hóa kinh tế-tài chánh mở ra cùng lúc thế giới CS tan rã và sự bùng nổ của internet đang tạo ra những điều kiện và cơ hội giúp phát triển các quyền tự do và dân chủ từ khu vực trở thành toàn cầu. Các trào lưu và phát minh công nghệ và kĩ thuật này có tầm vóc rộng lớn hơn cuộc Cách mạng Công nghiệp hai thế kì trước. 

Tuy nhiên, một cuộc cách mạng thường mở ra các khả năng, đó là các lực lượng cách mạng muốn tạo ra một xã hội mới tiến bộ và nhân bản, nhưng các lực lượng phản cách mạng muốn duy trì chế độ cũ. Ngoài ra còn phải lưu ý, có những lực lượng lợi dụng cách mạng để thủ lợi riêng. Trong lịch sử nhân loại đã thường xẩy ra những tình trạng như vậy trong giai đoạn giao thời. Khi các cơ chế cũ không còn thích hợp và những cơ chế mới chưa được thành lập hoặc chưa hoạt động kiến hiệu. Trong đó các thế lực cực tả hoặc cực hữu lợi dụng để thiết lập và củng cố các chế độ không tưởng như Cách mạng tháng 10 của Lenin ở Nga, hoặc dân tộc cực đoan như Quốc xã Đức thời Hitler không bao lâu sau Thế chiến thứ nhất.

Cuộc cách mạng mới đang diễn ra trong khi đó nhiều cơ chế cũ không còn thích hợp, như chiếc áo chật. Nhiều giới có ý thức trách nhiệm trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế đã nhận ra được một số khuyết điểm của hai cuộc cách mạng mới và đòi hỏi phải nghiêm túc thay đổi nhanh chóng. Đó là:

- Cần phải chấm dứt tình trạng nhiều công ti liên quốc và đại công ti đạt lợi nhuận hàng năm cả chục tỉ, thậm chí cả trăm tỉ Mĩ kim, nhưng lại chỉ phải đóng thuế rất thấp 1-2%. Cần thiết lập chế độ thuế khóa quốc gia và quốc tế để chấm dứt bất công này, trích các lợi nhuận của các công ti này cho các quốc gia liên hệ và các tổ chức quốc tế để giải quyết công ăn việc làm, chống bất công và bóc lột, tạo lợi ích cho đa số. 

- Cũng cần chấm dứt sớm tình trạng lợi dụng thời cơ đục nước béo cò ở nhiều nước độc tài đảng trị và độc tài cá nhân. Ở một số nước toàn trị, như Trung quốc và VN, những người cầm đầu đang lợi dụng sự viện trợ và đầu tư của các công ti nước ngoài lên tới hàng trăm tỉ Mĩ kim để đổ vào các doanh nghiệp nhà nước nhằm củng cố bộ máy độc tài và tạo ra nạn tham nhũng bất trị trong hàng ngũ bọn quan đỏ từ trung ương tới địa phương. Các chế độ độc tài đảng trị và độc tài cá nhân đang toa rập với nhiều công ti nước ngoài cùng nhau bóc lột công nhân qua các mánh lới thỏa hiệp và tham nhũng. Các thủ đoạn tồi tệ này giống hệt như thời kì đầu của Cách mạng Công nghiệp, bọn tư bản và vua chúa đã cấu kết với nhau dựng lên chế độ tư bản rừng rú!

- Cần có những định chế quốc tế qui định pháp lí công khai, minh bạch và nghiêm khắc để ràng buộc và ngăn cấm những hoạt động Hacker (phá hoại, ăn cắp thông tin điện tử cho các mục đích đen tối). Các công ti làm dịch vụ điện tử xã hội phải chịu trách nhiệm về những tin cố tình bịa đặt (Fake news), cố súy cho kì thị tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đồng thời phải nghiêm khắc ngăn cấm mọi biện pháp độc tài xâm phạm tự do báo chí, thông tin và tự do tư tưởng của nhân dân.

Trump phải vật lộn giữa tham vọng quá lớn, nhưng tư duy lạc hậu và uy tín quá tồi

Tân TT đang dự tính gì? Chỉ ít ngày sau khi thắng cử chức TT, đạt danh vọng cao nhất trong đời, Trump đã bội ước ngay hàng chục triệu cử tri đã tin ông. Nay Trump đã hủy bỏ hoặc làm nhẹ nhiều hứa hẹn trong lúc tranh cử trong một số lãnh vực. Như thay vì hứa tống xuất tất cả 11 triệu người nhập cư trái phép vào Mĩ, mức này đã hạ xuống chỉ 2-3 triệu(8). Thay vì hủy bỏ chế độ bảo hiểm sức khỏe Obamacare liên quan tới cả 20 triệu người, nay Trump nói, vẫn giữ lại những nguyên tắc chính của đạo luật này. Khẩu hiệu tranh cử hàng đầu để kiếm phiếu là quyết xây bức tường “Vạn lí trường thành” giữa Mĩ-Mễ và Mễ phải trả kinh phí cho việc xây này, nay Trump bảo có thể chỉ dựng hàng rào thôi. Trong khi tranh cử Trump còn mạt sát thậm tệ các cơ quan báo chí, truyền hình và truyền thanh ở Hoa kì, trong đó có tờ New York Times (NYT) là báo có uy tín lớn đã đưa các tin về khai thuế gian lận của ông Trump. Nhưng ngày 22.11 Trump đã thân hành tới NYT và khen tờ báo này như là một “viên ngọc” của Hoa kì(9)! 

Trong thành phần nội các và cố vấn quan trọng tương lai của chính phủ Trump hầu hết là những nhà tỉ phủ hoặc ít nhất là các triệu phú Dollar, không có ai xuất xứ từ thành phần trung lưu thấp hoặc nghèo khó, là hai thành phần cử tri quan trọng nhất đã bầu cho Trump. Như vậy Trump cũng như các bộ trưởng và giám đốc trong chính phủ tương lai sẽ đại diện cho thành phần nào, hay chỉ đại diện quyền lợi cho chính họ, những tỉ phủ và triệu phú?(10) 

Căn cứ vào thành phần nội các và các cố vấn mới trong lãnh vực thương mại và an ninh, cũng như một số hoạt động và chương trình hành động 100 ngày đầu của tân TT cho thấy một số trọng tâm. Với khẩu hiệu “Mĩ trước tiên” (America First), ông Trump trong đối nội đang tìm cách lôi kéo các đại công ti Mĩ rút vốn ở các nước ngoài, như từ Trung quốc, VN…, trở về Hoa kì hoạt động. Với bên ngoài, Trump đặt trọng tâm ngăn chặn Trung quốc trong kinh tế-thương mại. Ông sử dụng chiến lược chọn lãnh vực nhạy cảm nhất của Bắc kinh để đánh là tìm cách làm sống dậy chủ thuyết hai Trung quốc, lục địa và Đài loan; dùng Đài loan như là đòn áp lực để hi vọng Bắc kinh phải nhượng bộ. Đây là sách lược mượn sức của người khác để cứu mình, một cách làm ăn mà ông Trump đã từng sử dụng trong kinh doanh địa ốc. Trump bổ nhiệm GS kinh tế P. Navarro, người chủ trương chống Trung quốc triệt để, làm cố vấn cao cấp trong lãnh vực thương mại, và đề cao cuộc điện thoại giữa Trump và TT Đài loan, bà Thái Anh Văn đầu tháng 12(11). Là những tín hiệu cho hướng hành động này. Nếu thực hiện các chủ trương cứng rắn này thì sẽ có thể có đối đầu lớn giữa hai cường quốc kinh tế số 1 và số 2. Kết quả như thế nào còn tùy thuộc vào nội lực của chính Hoa kì và Trung quốc, cũng như sự hậu thuẫn của các đồng minh mỗi bên. Trong khi Trump phải tranh thủ sự ủng hộ ở ngay trong nước thì Tập Cận Bình phải đấu tranh để giữ ghế Tổng bí thư tiếp tục tại Đại hội 19 ĐCS Trung quốc vào cuối 2017.

Mặt khác Trump đã tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước thương mại xuyên Thái bình dương (TPP) giữa Hoa kì và 11 nước, trong đó có VN. Đây không chỉ thuần là hiệp định thương mại-kinh tế, nhưng là một hiệp ước có mục tiêu chiến lược an ninh-quốc phòng của Hoa kì trong khu vực này, trong đó có nhiều đồng minh quan trọng của Hoa kì ở Đông Á và Đông nam Á đang quan ngại sự bành trướng của Bắc kinh. Trong chiến lược xoay trục sang Thái bình dương thời TT Obama để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung quốc thì TPP là cái hồn. Hồn mất thì việc quay trục chỉ là cái xác bất động, mặc dù tới nay ông Trump chưa cho biết chiến lược này có được dùng tiếp không. 

Đối với các đồng minh chính của Hoa kì trong NATO và EU và chính sách với Nga, đối thủ nguy hiểm của Mĩ và đồng minh ở Âu châu, ông Trump đã có những tuyên bố và đòi hỏi rất mâu thuẫn. Trong khi Putin đã xâm chiếm bán đảo Krim của Ukraine, xóa bỏ nguyên tắc tôn trọng biên giới lãnh thổ giữa các nước Âu châu sau Thế chiến 2, tức là vi phạm Hiệp ước an ninh và hợp tác Âu châu. Hành động này của Putin đe dọa trực tiếp các đồng minh chính của Mĩ và thách thức NATO. Không những thế, Putin còn trực tiếp tham chiến ở Syrien giúp nhà độc tài Asad củng cố quyền lực và tạo ra làn sóng di cư của nhiều triệu người, đe dọa trực tiếp tới an ninh của EU. Nhưng Trump đã nhiều lần ca ngợi Putin và đe dọa các đồng minh chính của Mĩ là, có thể Hoa kì sẽ xét lại sự tham dự trong NATO. Rõ ràng một chủ trương như thế là ông Trump đã vướng vào sai lầm nguy hiểm, là lẫn lộn giữa thù và bạn; không những thế còn tìm cách hợp tác với độc tài và chống các đồng minh dân chủ chính của Hoa kì. 

Việc Trump cử Steve Bannon, một người cực hữu, làm cố vấn an ninh(12) và cử giám đốc công ti dầu khí Exxon, Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mĩ tương lai -một người bạn của Putin(13)- và việc TT Obama yêu cầu công bố việc điều tra về tin, chính Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử TT vừa qua với việc để cho thực hiện Hacker tung các email bất lợi cho ứng cử viên đảng Dân chủ bà Clinton sẽ trở thành chủ đề tranh cãi rất gay go trong lưỡng viện, báo chí và chính giới Mĩ trong thời gian tới. Quyết định trừng phạt Nga của Obama bằng cách tống suất 35 nhà ngoại giao Nga khỏi Hoa kì ngày 29.12(14) là một thách thức lớn cho cả Putin lẫn Trump. Uy tín và uy quyền tương lai của ông Trump sẽ tùy thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc điều trần và tranh luận rất gay go này. Một chính trị gia khó thành công nếu không được hậu thuẫn của nhân dân trong nước và sự đồng tâm giúp đỡ của đồng minh.

Chế độ bội ước dân, Nguyễn Phú Trọng chỉ lo củng cố quyền lực và đàn áp nhân dân!

30 năm trước, cũng đúng vào dịp này cuối 1986, tại Đai hội 6 những người cầm đầu chế độ khi ấy từ Trường Chinh tới Nguyễn Văn Linh đã thề thốt “lấy dân làm gốc”, “đổi mới hay là chết”, “đổi mới toàn diện cả kinh tế lẫn chính trị”. Nhưng nay 30 năm sau chính họ và những người cầm đầu tiếp theo đã bội ước toàn bộ. Nguyễn Phú Trọng, người đang cầm đầu chế độ toàn trị, trước sau vẫn ra lệnh quân đội, công an phải trung thành tuyệt đối với đảng, mạt sát Dân chủ đa nguyên, theo dõi nhân dân và giam cầm hàng trăm người dân chủ. Cả Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 do ông nặn ra vẫn giữ chủ nghĩa Marx-Lenin là kim chỉ nam tư tưởng và chế độ độc đảng là nền tảng của xã hội. 

Sự bội ước của họ không chỉ đa số nhân dân đã thấy rõ mà ngày càng nhiều đảng viên cũng nhận thức ra, bừng tỉnh lại. Cho nên ngày càng nhiều đảng viên tiến bộ muốn rũ bõ chế độ tham nhũng thối nát. Bên cạnh sự chống đối của nhiều thành phần nhân dân, các đảng viên tiến bộ cũng đang dứt khoát cùng với nhân nhân chống lại chế độ toàn trị và bất lực. Từ những cuộc phản đối lẻ tẻ vài năm trước, mới đây đã có những cuộc biểu tình tập hợp cả ngàn người, thậm chí cả chục ngàn ngưới, như ở Hà tĩnh chống công ti Formosa và nhà cầm quyền đã cấu kết gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung. Đây là nguy cơ đe dọa trực tiếp sự tồn tại của chế độ toàn trị. 

Vì thế hiện nay ngoài việc gia tăng đàn áp các người dân chủ, đi đầu là trí thức và thanh niên, Nguyễn Phú Trọng còn phát động phong trào đàn áp và thanh toán các đảng viên tiến bộ không còn tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin phá sản và bất tin các nhóm cầm quyền vừa tham quyền vừa tham tiền. Tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc vừa qua để học tập Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 ngày 9.12.16, Nguyễn Phú Trọng đã kết án những đảng viên tiến bộ này là “tự diễn biến”, “tự chuyển biến”. Suốt 30 năm qua họ vẫn chỉ lo củng cố chế độ toàn trị bằng mọi biện pháp dã mãn tàn bạo chống nhân dân và đảng viên tiến bộ. Rõ ràng thay vì “lấy dân làm gốc”, họ đã lợi dụng và sử dụng nhân dân như những cái rễ để nuôi bọn độc tài tham nhũng tiếp tục cưỡi trên đầu nhân dân và đảng viên! 

Sau chiến thắng bất chính tại Đại hội 12 vào đầu năm 2016, Nguyễn Phú Trọng đang ra tay thâu tóm thêm quyền lực. Ngoài chức Tổng bí thư, ông còn nắm đầu quân đội và mới đây còn nắm quyền chỉ huy cả công an nữa. Ngoài ra từ hơn 4 năm qua ông còn đứng đầu công tác chống tham nhũng. Như vậy Nguyễn Phú Trọng cũng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về toàn bộ các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, quốc phòng… Nguyễn Phú Trọng không tham nhũng tiền bạc, nhưng lại là người cực kì tham nhũng quyền lực. Cao điểm nhất của hành động tham nhũng quyền lực rất trắng trợn của ông là Đại hội 12 đầu năm 2016. Trong đó ông Trọng dù đã gần 72 tuổi quá hạn tuổi theo qui định của Điều lệ đảng từ lâu, nhưng vẫn cố tình lợi dụng quyền lực bắt các đồng liêu trong Bộ chính trị và trong Trung ương đảng phải xếp mình vào “trường hợp đặc biệt” để tái cử Tổng bí thư!(15) Tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn tham nhũng tiền bạc, ở chỗ họ muốn giữ quyền lực và còn tìm mọi cách mở rộng thêm quyền lực, nên sẵn sàng thỏa hiệp lười biếng và đi đêm với những phần tử tham nhũng tiền bạc! Nguyễn Phú Trọng đã cầm đầu chế độ toàn trị gần 6 năm và đụng đâu hỏng đấy, nhưng vẫn tham quyền cố vị!

Chế độ toàn trị do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đang trong hoàn cảnh nào?

* Nợ công gia tăng tới mức nguy hiểm: Ngân Hàng Phát Triển Á Châu vừa qua cho biết, nợ nước ngoài của VN gia tăng nhanh mỗi năm. Năm 1985 trước khi “đổi mới,” nợ nước ngoài của VN chỉ hơn 10 tỷ USD. Nhưng nay Ngân hàng Thế giới nói, nợ công của VN sẽ vượt xa con số 117 tỷ USD của năm 2015(16). Trong khi ấy đầu tư nước ngoài đang rời khỏi VN vì tham nhũng và môi trường dơ bẩn. Theo các chuyên viên quốc tế và VN, hai nguyên nhân chính đưa đến tình trạng kinh tế tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực là do Kinh tế thị trường định hướng XHCN và chính sách công hữu đất đai. Nhưng cả hai nguyên nhân này đều bắt nguồn từ chế độ độc đảng và chủ nghĩa Marx-Lenin phản khoa học đã phá sản(17). Ngay cả Thứ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phải nhìn nhận: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến… thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được”. (18)

* Tái cơ cấu kinh tế vẫn dẫm chân tại chỗ: Các kế hoạch tái cơ cấu kinh tế cổ phần hóa các DNNN đã được nhiều Hội nghị trung ương quyết định xuyên qua nhiều Đại hội đảng; các Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng… từng hô hoán quyết làm đến nơi đến chốn. Nhưng sau cả hơn chục năm, mới đây cho biết mới chỉ có 2% vốn được cố phần hóa. Các đại gia đỏ trước sau vẫn ngăn chặn chủ trương này để có thể tiếp tục moi tiền từ ngân sách nhà nước, giữ đất đai để làm lợi riêng, đồng thời đưa con cháu và vây cánh vào làm thịt các tập đoàn và tổng công ti Nhà nước!(19)

* Bọn quan đỏ tham nhũng cấu kết với các công ti nước ngoài hủy hoại môi trường sống: Tham nhũng bành trướng của bọn quan đỏ từ trung ương tới địa phương càng trở nên bất trị. Ôm ấp, ưu đãi tư bản nước ngoài bất kể những phá hủy về môi trường; cao điểm là thảm họa môi trường của công ti Đài loan Formosa tàn phá 300 km môi trường biển và cuộc sống của hàng chục triệu dân nhiều tình miền Trung từ đầu tháng 4. Nhưng từ Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Xuân Phúc đều tìm cách bưng bít và che chở cho Formosa. Mới đây chính ông Trọng phải nhìn nhận trách nhiệm, “trước kia chúng ta kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu, nên bây giờ chúng ta phải trả giá.”(20) Tuy thế Nguyễn Phú Trọng không chịu từ chức vẫn bám vào ghế Tổng bí thư!

Luật sư Trần Quốc Thuận, có 44 năm tuổi đảng và từng 14 năm làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nhận xét về sự bất lực hoàn toàn trong việc chống tham nhũng của chế độ toàn trị: “Chống tham nhũng, chống suy thoái bắt đầu đặt ra từ Đại hội lần thứ 8, bây giờ đã chuyển sang năm thứ 26 rồi. Nhưng câu chuyện nó không giảm mà ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.” (21)

Từ Tổng bí thư tới Thủ tướng chỉ cho dân ăn bánh vẽ!

Nguyễn Phú Trọng từng thề thốt, “nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế”.(22) Nhưng cơ chế, thể chế nào? Từ khi lên làm Tổng bí thư ông Trọng cho ra đời "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội". Tiếp theo đó ông đẻ ra chuyện “sửa đổi Hiến pháp”, đó là Hiến pháp 2013 vẫn bổn cũ sao lại để đảng độc quyền tiếp tục. Cơ chế độc đảng theo XHCN đẻ ra tham nhũng quyền lực và tham nhũng tiền bạc, đẻ ra “tòa án nhân dân xử thế nào cũng được”. Nay ông lại hô hoán dùng các cơ chế đẻ ra tham nhũng quyền lực và tham nhũng tiền bạc này để nhốt hai cái tham nhũng động trời này! Ông Trọng ngủ mơ hay chỉ trước sau vẫn dối trá, đảo điên?

Nay ông Thủ cũng đang đi vào bước chân dơ dáy của ông Tổng. Hầu như mỗi tuần Nguyễn Xuân Phúc lại hô lớn lên một khẩu hiệu. Như “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả”, “tuyển người tài chứ không người nhà”, “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ”… Các Phó Thủ tướng cùng đóng tuồng hề như thế, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mở miệng, “phấn đấu người dân nào cũng có bác sĩ riêng”.(23) Mặc dầu bao nhiêu năm qua vẫn tiếp tục tình trạng 3-4 bệnh nhân phải chia nhau một phòng chật hẹp và thiếu vệ sinh, lại còn phải dúi dấm “phong bì” cho bác sĩ nếu muốn được chữa trị khá hơn! Hoặc chỉ vài ngày sau NXP gặp đại diện các tôn giáo ra lệnh “ngăn chặn lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước”(24) thì Chủ tịch MTTrung quốc NT Nhân lại vênh váo: "Hạnh phúc của đồng bào Công giáo là mục tiêu của Đảng, Nhà nước Việt Nam"(25) Đúng là trước sau vẫn dở thủ đoạn bất nhân "trên trải thảm, dưới rải đinh!"

Sau gần một năm nhận những chức vụ cao mới, nhưng từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân và Đinh Thế Huynh tới các cấp thấp hơn lại còn bắn chỉ thiên hơn cả thời “Đồng chí X” Nguyễn Tấn Dũng! Nhiều ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng đương thời hay đã về hưu như Trần Đại Quang, Nông Đức Mạnh, Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Chì, Phùng Quang Thanh, Phan Quang Nghị, Lê Thanh Hải, Vũ Huy Hoàng… đều đã hoặc đang sắp đặt con cháu vào các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng, chính quyền và các tập đoàn cùng tổng công ti nhà nước. Thậm chí có nơi như ở Hà Giang Bí thư tỉnh ủy mới biến thành vương triều họ Triệu, ở Hải dương 44 xếp chỉ có 2 nhân viên… Nghĩa là tiêu chí cực kì phong kiến và phản động trong qui trình chọn người vẫn là “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ”.

Họ tưởng rằng, cứ có quyền trong tay thì nói gì cũng được ai cũng phải nghe! Nhưng nhân dân đều biết rõ, những lời hô hoán của họ chỉ như lớp sơn loang lổ bề ngoài của một bức tranh đã mục nát. Ai cũng thấy, hệ thống toàn trị độc tài đang nuôi bọn quan đỏ tham nhũng và đẻ ra lợi ích nhóm làm suy thoái đạo đức cán bộ từ trung ương tới cơ sở. Nghĩa là cái nhà đã mục rữa, chỉ lo sơn quét bề ngoài, rồi hô hoán là đã có thay đổi. Đấy là thái độ giả đối, trí trá của những người cầm đầu chế độ toàn trị, vẫn chỉ muốn cho dân ăn bánh vẽ! Tâm địa của những kẻ “trên trải thảm, dưới rải đinh!”

Những vấn nạn cho CSVN từ chính sách của Trump và cách giải quyết mù quáng cúi đầu trước Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng

Nhập siêu và lệ thuộc kinh tế Trung quốc tăng tiếp tục cao từ năm này sang năm khác. Đến nỗi Tạp chí CS, cơ quan tư tưởng trung ương của chế độ toàn trị, phải nhìn nhận đang tới mức nguy hiểm: “Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc tới hơn 80% vào nền kinh tế Trung Quốc, trong khi lý thuyết kinh tế thế giới cho rằng, để giữ nền kinh tế độc lập, tỷ lệ này không nên vượt quá 30%.”. “2015, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc ước tính đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014(1).” (26) Chỉ mới 8 tháng đầu 2016 mức nhập siêu từ Trung quốc đã lên tới 19 tỉ USD.(27)

Nền kinh tế VN đặt trọng tâm vào xuất khẩu, nhất là các thị trường Hoa kì, EU và Trung quốc. Trong đó ngoại thương với Hoa kì giúp suất siêu cao nhất cho VN. Kể từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại với Mỹ với giá trị ngày càng tăng. Năm 2015 Việt Nam xuất siêu 25 tỷ USD sang Mỹ (28). Nhờ đó VN có thể trang trải một phần quan trọng để trả nợ nhập siêu từ Trung quốc. Nhưng nay chế độ toàn trị CSVN phải đứng trước chủ trương “Mĩ trước tiên” của Trump, với trọng tâm lôi kéo các doanh nghiệp Mĩ lớn rút về hoạt động ở Hoa kì, hủy bỏ Hiệp định TPP, trong đó có VN – Như vậy dưới thời Trump thị trường xuất khẩu hàng hóa của VN đang đứng trước thử thách rất lớn. Trump hủy bỏ TPP và đòi thiết lập các hiệp ước song phương giữa Hoa kì với từng nước. Cho tới gần đây Hà nội đã kì vọng rất nhiều vào TPP có thể cứu vãn nền kinh tế đang suy đồi. Nhưng dưới thời Trump chế độ toàn trị ở VN sẽ phải chịu những những yêu sách bất lợi không chỉ trong kinh tế, thương mại, mà cà trong ngoại giao, quốc phòng…

Chính vì vậy trong thời gian gần đây đang có những tín hiệu cho thấy, để giải quyết trường hợp bất thường có thể xẩy ra nên Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu chế độ toàn trị đã sẵn sàng chọn giải pháp cúi đầu và quì gối với Bắc kinh hơn nữa. Trong các tháng gần đây Nguyễn Phú Trọng đã cử nhiều phái đoàn cao cấp sang Bắc kinh để chuẩn bị cho giải pháp này. Cuối tháng 8 ông Trọng đã cử phái đoàn quân sự cao cấp nhất do bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sang Bắc kinh để tạo dư luận tâm lí là đang có hòa bình với phương Bắc.(29) Chỉ gần hai tuần sau Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được phái sang với một phái đoàn đông nhất để đàm phán về kinh tế, thương mại với Bắc kinh. Ông Phúc đã được Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa, Trung quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa của VN hơn để cải thiện việc nhập siêu cao rất bất lợi cho VN. Nhưng đây không phải là lời hứa mới, Bắc kinh đã hứa tương tự từ cả hơn chục năm qua; nhưng thực tế đều diễn ra ngược lại, nhập siêu của VN với Trung quốc tăng cao liên tục từ năm này sang năm khác. Đã vậy, ngày 13.9 khi tiếp Nguyễn Xuân Phúc Tập Cận Bình lại dùng tình “đồng chí” ra dụ: "Hai nước Trung Quốc-Việt Nam đều kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ nghĩa xã hội, đây là lợi ích chiến lược chung lớn nhất giữa hai nước" và còn nhấn mạnh, không được quốc tế hóa tranh chấp biển Đông, phải giữ đàm phán song phương tiếp tục. Từ đó họ Tập đưa ra yêu sách phải nhường biển Đông hơn nữa cho Bắc kinh khai thác: "Tích cực thúc đẩy các công việc tiếp theo của hoạt động khảo sát chung trên vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy cùng khai thác, phát triển trên vùng biển rộng lớn hơn trên Nam Hải sớm thu được tiến triển thực chất, biến thách thức của vấn đề trên biển thành cơ hội hợp tác."(30) Trong Thông cáo chung 15 điểm ngày 14.9.16 hai bên đã đề cao "gia tăng tin cậy chính trị", đồng thời phải để Trung quốc mở rộng đầu tư và buôn bán hơn nữa với VN (từ Điểm 6 tới 10)(31). Nghĩa là hàng Trung quốc sẽ tràn ngập thêm, các công ti và nhà thầu Trung quốc sẽ mở rộng độc quyền và đòi yêu sách nhiều hơn nữa.

Chỉ 5 tuần sau Nguyễn Phú Trọng còn cử Ủy viên Bộ chính trị Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, đại diện Bộ chính trị và cũng là người được coi là kế vị, sang gặp Tập Cận Bình để tỏ lòng trung thành(32). Chính vào thời điểm này Hà nội đã lần đầu tiên cho các tầu hải quân Trung quốc ghé thăm quân cảng Cam ranh. Ông Huynh đã được Tập Cận Bình tiếp. Đinh Thế Huynh đã thề với họ Tập: "Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia chính là chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam."(33) Tập Cận Bình lại lên tiếng phủ dụ với hàm ý là, “ĐCSTrung quốc trụ được thì ĐCSVN cũng trụ được”, Trung quốc và VN đều do hai ĐCS lãnh đạo "là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược", nên phải biết gìn giữ đại cục thì sẽ "cùng có lợi, cùng thắng". (34)

Vì vậy trong ba chuyến đi từ Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Xuân Phúc tới Đinh Thế Huynh đều không dám đưa ra yêu cầu rất chính đáng là, Bắc kinh phải tôn trọng và thực thi Phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế ngày 12.7.16 phủ nhận chủ quyền của Trung quốc ở biển Đông và coi bản đồ 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Trung quốc là vô giá trị. Đây là một thắng lợi cực kì quan trọng cho VN, các nước trong khu vực và quốc tế. Mặc dầu sau Phán quyết 12.7 những người cầm đầu toàn trị VN đã hứa với nhân dân là, sẽ có thái độ công khai và rõ ràng về việc này! Cả trong trả lời báo chí tổng kết các hoạt động quan trọng của Nhà nước năm 2016 Trần Đại Quang cũng sợ Tập Cận Bình nổi nóng nên không dám động tới Phán quyết 12.7.(35)

Việc Trump tuyên bố hủy bỏ Hiệp ước TPP và kêu gọi các công ti Mĩ đang làm ăn ở VN nên rút về Mĩ đã gây sốc mạnh cho Bộ chính trị CSVN. Cuộc điện đàm của ông Trump với TT Đài loan đang gây cay cú cho Tập Cận Bình. Nhóm cầm đầu CSVN đã hốt hoảng hơn nữa, nên đã quyết định mở rộng và sâu liên minh với Bắc kinh hơn nữa để mong được phương Bắc che chở. Vì vậy Nguyễn Phú Trọng đã để Đại sứ VN tại Trung quốc Đặng Minh Khôi mở cuộc họp báo tại Bắc kinh ngày 19.12 công khai bày tỏ lòng trung thành với Bắc kinh:

"Bởi vì tình hình quốc tế và khu vực hiện nay hết sức phức tạp, diễn biến rất nhanh và có ảnh hưởng rất sâu sắc. Trong tình hình này, Trung Quốc và Việt Nam càng cần phải đoàn kết chặt chẽ, tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước chúng ta hơn bất cứ lúc nào và thời kỳ nào".(36)

Đáng chú ý là, các báo chí lề đảng hầu như được lệnh không đưa tin việc trên. Việc cố tình bưng bít thông tin về thái độ cúi đầu hơn nữa trước Bắc kinh của những người cầm đầu toàn trị CSVN cho thấy, họ cực kì e ngại sự chống đối của nhân dân VN, đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên và đảng viên tiến bộ. Để chuẩn bị cho những mưu đồ đen tối này, nên trong thời gian qua họ đã thực hiện song hành hai thủ đoạn là, gia tăng đàn áp các cuộc tranh đấu của nhân dân, bắt giam nhiều người dân chủ, kể cả phụ nữ; đồng thời mở phong trào đàn áp và chụp mũ các đảng viên tiến bộ.

Nguyễn Phú Trọng tiên liệu là, chủ trương quì gối hơn trước Bắc kinh sẽ tạo ra chống đối mãnh liệt không chỉ trong nhân dân mà còn ngay trong nội bộ đảng và cả các phe nhóm cầm quyền. Chính vì thế, trong tháng 12 song song với việc phát động phong trào chỉnh đảng, Nguyễn Phú Trọng còn hoảng hốt tới các hội nghị của quân đội và công an gào thét bắt quân đội và công an phải trung thành tuyệt đối với đảng. Trong khi ấy Nguyễn Xuân Phúc nhận lệnh phải thẳng tay ngăn cản các cuộc đấu tranh của các tôn giáo và nhân dân. như đã trình bày ở phần trên! Nhưng chính những hành động gia tăng đàn áp nhân dân và đảng viên, cũng như những tuyên bố hoảng hốt của Nguyễn Phú Trọng đã tự chứng minh là, cuộc tranh đấu của nhiều thành phần nhân dân, đi đầu là trí thức, chuyên viên, thanh niên và cả đảng viên tiến bộ trong các năm qua đang có hậu thuẫn lớn ở trong nước và quốc tế. Vì vậy, ngày càng làm cho bọn quan đỏ tham quyền và tham tiền hết sức lo âu!

***

Hiện nay không chỉ VN mà cả thế giới bị đẩy vào một hoàn cảnh rất khó khăn và nguy hiểm, vì hai cường quốc kinh tế số một và số hai đang bị những chính trị gia chủ trương dân tộc cực đoan thao túng. Trong khi Tập Cận Bình đòi quyết “thực hiện giấc mơ vĩ đại của Trung quốc!” và tân TT Trump chủ trương “Mĩ trước tiên!” Nhưng cần thông minh và tỉnh táo hiểu rằng, trong chế độ Dân chủ đa nguyên lâu đời của Hoa kì, Trump không thể ba đầu sáu tay tung hoành như chỗ không người. Tập Cận Bình cũng không thể dễ dàng thực hiện giấc mơ đế quốc mới rất lỗi thời trong thời đại toàn cầu hóa và sức mạnh của thông tin điện tử. 

Lịch sử VN và nhiều nước đã từng chứng minh, trong các giai đoạn đất nước gặp nguy nan thì các chính trị gia khôn ngoan và có ý thức trách nhiệm phải biết lấy nội lực làm chính, thực hiện chính sách toàn dân đoàn kết chân thành, chứ không phải “trên trải thảm, dưới rải đinh!” Đồng thời cần biết lên kết với các lực lượng tiến bộ, các nước dân chủ thực sự trên thế giới, chứ không mù quáng gửi trọn niềm tin cho ác quỉ, như thế có khác nào trao trứng cho ác!

Những việc làm và tính toán hiện nay của Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu toàn trị, như đã phân tích rất rõ ràng ở trên, cho thấy, họ đang mù quáng cúi đầu hơn nữa để xin Bắc kinh che chở; mặc dầu họ thừa biết, càng nhờ vả thì Bắc kinh càng gia tăng mưu đồ được đằng chân lân đằng đầu. Các chủ trương chiếm đất trên đất liền, chiếm các đảo trên biển Đông rồi biến các đảo thành các pháo đài quân sự đe dọa trực tiếp an ninh VN, bắt VN phải nhường tài nguyên biển, đồng thời ngăn cấm và giết hại, làm bị thương hàng ngư dân cùng các tầu đánh cá của VN.

Quị lụy trước bọn bành trướng Bắc kinh để thực hiện mục tiêu “còn đảng còn mình” là tính toán cực kì thiển cận và ích kỉ. Không những thế, đây là một chủ trương cực kì phản động đi ngược lại quyền lợi của đất nước và khát vọng chính đáng của nhân dân và cả những đảng viên tiến bộ. Mọi mưu đồ đen tối và sai lầm này chắc chắn không có tương lai! Nhân dân quyết đứng lên và đảng viên tiến bộ dứt khoát rời bỏ nhóm cầm đầu độc tài, tham nhũng và thần phục Bắc kinh là việc trước sau phải diễn ra. Nguyễn Phú Trọng và những người cầm đầu toàn trị cần hiểu rõ qui luật, vỏ quýt dầy có móng tay nhọn; càng ngụp lặn cúi đầu với bọn bành trướng Bắc kinh thì đó là cách tự đào huyệt chôn chế độ nô lệ nhanh hơn!

2.1.2017


_____________________________________

Ghi chú:

[1]. Bầu cử dân chủ thực sự phải hội đủ 2 điều kiện cần và đủ là công bằng và bình đẳng. Một xã hội Dân chủ đa nguyên đôi khi cũng bị những chính trị gia vô trách nhiệm làm hoen ố, biến trình độ dân chủ ở bậc cao như đại học tụt xuống bậc thấp hơn như trung học hoặc tiểu học. Đây là trường hợp ở Hoa kì trong cuộc bầu cử TT vừa qua. Mĩ cần phải tu chỉnh Hiến pháp thay qui định để 538 Cử tri đoàn thay cho mấy trăm triệu cử tri công dân. Nếu không thì sẽ tái diễn. Ở Anh, quốc gia Dân chủ đa nguyên lâu đời nhất, trong năm nay cũng đã rơi vào tụt hậu do một số chính trị gia hàng đầu cả trong chính phủ lẫn đối lập đã thiếu trách nhiệm để tiến hành Brexit tách khỏi EU vào giữa năm. Nhưng đây là những xã hội Dân chủ đa nguyên có căn bản vững chắc, nên các trường hợp này chỉ coi là bệnh trái gió trở trời, cảm cúm, chứ không phải là các bệnh kinh niên hay ung thư như trong các chế độ độc tài. 

[2]. Điện thư của người viết trao đổi với bình luận gia Ngô Nhân Dụng, nhật báo Người Việt California, ngày 10.11.16

[3]. Au Duong The, die Vietnampolitik der USA – von der Johnson- zur Nixon-Kissinger Doktrin. Oder: die Neuorientierung der amerikanischen Außenpolitik, Peter Lang Verlag, Frankfurt 1979, từ trang 221

[4]. Từ thời TT Nixon tới Obama đã diễn ra một số lần

[5]. Các bài của Bùi Diễm, Đinh Xuân quân và Âu Dương Thệ về chủ đề “Bài học của siêu cường Hoa kì qua hai nhiệm kì của TT Bush“, trong tạp chí Dân chủ & Phát triển số 36, 7.2008

[6]. Lao động (LĐ)17.10.16

[7]. White House 29.12.16

[8]. Süddeutsche Zeitung (SZ) 24.11.16

[9]. NYT 22.11.16

[10]. SZ 29.11.16

[11]. NYT 3.12.16

[12]. SZ 1.12.16

[13]. NYT 12.12

[14]. White House 29.12.16

[15]. Cùng tác giả, Đại hội 12 đi về đâu? Nguyễn Phú Trọng quyết dùng cả giải pháp bạo lực để thanh toán đối thủ trong đảng, http://www.dcpt.org/thoisu/baithoisu2016/adt901.htm

[16]. Người Việt14.10.16

[17]. VNExpress 18.5.16: Cựu bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ trích Kinh tế thị trường định hướng XHCN và chính sách công hữu đất đai. Đây là 2 nguyên nhân chính làm kinh tế VN không ngóc đầu lên được, nhất là kinh tế tư nhân

[18]. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội thảo khoa học “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới, và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 22/12., Sài gòn báo Times 22.12.16

[19]. BBC 23.12.16; RFA 12.10.16:TS Trần Đình Thiên được báo mạng Vietnam Economy dẫn lời bày tỏ nghi ngờ về quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, ông đặt dấu hỏi là làm thật hay chỉ hô hào tuyên truyền.

[20]. LĐ 17.10.16

[21]. VOA 2.11.16

[22]. Quân đội nhân dân (QĐND) 15.4.16

[23]. Dân trí 10.12.16

[24]. VN net 19.12.16

[25]. Chính phủ (CP) 23.1.216


[27]. Tuổi trẻ 17.10 +Tạp chí CS 26.12.16

[28]. Trí thức trẻ 12.11

[29]. QĐND, Đài Bắc kinh, BBC 28-30.8.16 

[30]. Đài Bắc kinh 14.9.16

[31]. CP 14.9.16.

[32]. CS 20.10.16

[33]. BBC 21.10.16

[34]. Đài Bắc kinh, VOV 20.10.16

[35]. VOV 29.12.16

[36]. Đài Bắc kinh 20.12.16

0 nhận xét:

Đăng nhận xét