24/3/17

Đảng CSVN có thể tự diễn biến thành dân chủ hay không?

"Cộng sản không thể nào sửa chữa mà cần phải đào thải nó" - Boris Yeltsin

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Ông Thein Sein, một cựu tướng lãnh, đã nhậm chức Tổng Thống Miến Điện vào tháng 3 năm 2011, sau cuộc bầu cử đầu tiên của nước này trong 20 năm vào tháng 11 năm 2010. Kể từ đó, ông đã thực hiện một tiến trình cải cách ở Myanma, sau hơn 20 năm bị “cai trị” bởi một nhà cầm quyền quân phiệt độc đoán mà ông từng là một thành viên chính. Ông đã cam kết với Đại hội đồng LHQ ở New York vào năm 2012, cho biết Myanmar (Miến Điện) đang trên con đường cải cách dân chủ và hứa sẽ không quay trở lại. Chuyến thăm của ông đến Mỹ là lần đầu tiên bởi một nhà lãnh đạo Miến Điện trong 46 năm. 

Cuối cùng dân Miến Điện đã bắt đầu nhìn thấy ánh sáng dân chủ. Diễn tiến dân chủ này không khỏi gợi lên một chút ghen tức và hy vọng cho nhiều người Việt Nam, chừng nào Việt Nam mới thấy ánh sáng dân chủ từ đó đến nay, 2017?

Câu hỏi được đặt ra là, Đảng CSVN có thể tự diễn biến từ cơ chế chuyên chính vô sản thành dân chủ như Miến Điện hay không?

Mọi người con Việt đều hiểu dân chủ là gì và ao ước dân chủ, nhưng tới thế kỷ 21 này mà con dân Việt vẫn chưa được phép có dân chủ! 

Thật đáng buồn! 

Cản ngại to lớn cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam mà ai cũng biết (ngay cả hơn 3 triệu đảng viên đảng CSVN cũng biết) chính là chế độ CSVN. Và điều này đã trở thành sự đồng thuận toàn dân, ngay cả người đảng viên “hạng bét” cũng hiểu mà không dám hở miệng mà thôi!

Nhưng vấn đề còn khúc mắc là ở chỗ làm cách nào “giải quyết” chế độ CSVN. 

Đề tài này đã gợi hứng ra nhiều ý kiến trong giới bình luận chính trị nhằm tập trung truy tìm phương cách xóa bỏ chế độ CSVN. 

Như vậy, phương cách giải quyết là gì?

Qua các bài viết chính trị phổ biến, có thể phân loại ra hai phương cách thường được hướng tới và cổ xúy là:

(1) Khuyến khích thay đổi từ từ hay còn gọi là tự diễn biến;

(2) Xóa bỏ hoàn toàn bằng một cuộc cách mạng toàn dân.

Nhìn chung dư luận về công cuộc đấu tranh hiện tại có thể nhận ra rằng quan điểm khuyến khích thay đổi đang là mục tiêu “đàng sau” nhiều thảo luận chính trị trong mấy năm gần đây qua các buổi hội luận, họp báo, “hội nghị bàn tròn” của nhiều nhóm, đảng phái chính trị, hoặc cá nhân v.v…

I. Quan điểm khuyến khích thay đổi từ từ

Theo quan điểm trên đây, chế độ CSVN có uy lực rất lớn và bao trùm mọi ngõ ngách xã hội Việt Nam, ĐCSVN đã có một kinh nghiệm cai trị đất nước và chiến thắng hai trận chiến lớn. Ngày nay, cho dù với chính sách mở cửa kinh tế tạo kẽ hở cho tư tưởng dân chủ và kinh tế thị trường du nhập vào Việt Nam, nhưng bộ máy an ninh cũng đã được chuyển đổi để thích ứng với tình thế mới và vẫn bảo vệ được vị thế cai trị độc đoán và sắt máu của họ. Bộ máy công an sẵn sàng giết chết từ trong trứng nước bất cứ hình thức tổ chức phản kháng hay mầm mống phản kháng nào. An ninh CS đã chứng tỏ rất hiệu quả trong công tác đàn áp với kết quả là một cuộc biểu tình khoảng vài trăm người cũng khó lòng bộc phát. Vì thế áp dụng phương pháp đối đầu bằng một lực lượng đối kháng sẽ khó có thể thực hiện được vì vấn đề tổ chức rất khó khăn. 

- Thay vào đó bằng phương pháp kích thích, gây mâu thuẫn nội bộ đối phương để chính đảng viên ĐCSVBV đứng lên thực hiện thay đổi. Phương pháp này chính yếu dựa vào lý lẽ "gậy ông đập lưng ông", dùng chính CS đánh CS. 

- Một lợi điểm khác là cố gắng thực hiện khai thác tối đa lãnh vực truyền thông, tuyên truyền để trong nước và hải ngoại có đầy đủ điều kiện trao đổi trong-ngoài. Công tác này ngày càng thuận lợi với phương tiện mạng lưới toàn cầu ngày càng phổ biến do có nhiều người trong nước truy cập. Những lãnh vực tuyên truyền chánh yếu bao gồm:

1. Phô bày, chỉ trích những sai trái, hành động sắt máu của chế độ CSVN;

2. Cổ động dân chủ, nhân quyền để nhiều người Việt Nam trong nước hiểu rõ thêm và phổ biến ngược ra hải ngoại và quốc tế những tin tức “phản dân chủ” của CSVN;

3. Khuyến khích những thành phần của chế độ còn nhứt điểm lương tâm quay trở về với Tổ Quốc, Dân Tộc;

4. Khơi dậy tinh thần dân tộc chống tham nhũng, chống Tàu cộng.

Từ đó, hy vọng, với áp lực từ mọi phía, thành phần chóp bu của ĐCSVN sẽ phản tỉnh và lèo lái ĐCSVN từ bỏ chủ thuyết độc tài đảng trị và chấp nhận tự do chính trị, mở đường cho một Việt Nam dân chủ.

II. Quan điểm khuyến khích thay đổi là không tưởng

Quan điểm khuyến khích rõ ràng là một phương cách dễ dàng để tạo thay đổi cho Việt Nam, nhưng dễ dàng chưa hẳn là một chọn lựa khôn ngoan.

Vì sao? 

- ĐCSVN có thể tự thay đổi để trở thành một đảng chấp nhận dân chủ hay không? Xét về mặt lịch sử, trên thế giới, chưa hề có đảng cộng sản nào trên thế giới tự thay đổi thành một đảng dân chủ. Kinh nghiệm ở các nước Đông Âu và Liên Xô, mọi ĐCS đều bị các cuộc cách mạng lật đổ. Vì thế sự kiện ĐCS tự thay đổi là chuyện chưa từng có tiền lệ.

ĐCSVN không có khả năng thay đổi. Cơ cấu vận hành của ĐCSVN dựa theo ĐCS Liên Xô, không dung thứ cho bất cứ sự phản đối nào liên quan tới quyền thống trị tuyệt đối của đảng, hay bất cứ cá nhân nào đứng trên sự sống còn của đảng. Thỉnh thoảng có những tiếng nói đảng viên phê phán nhau nhưng tất cả đều có giới hạn, ngay cả những đảng viên về hưu hay đã rời khỏi chức vụ cũng chỉ giới hạn sự phản đối dưới quy luật xin-cho.

· Sự tự diễn biến của các đảng viên là điều ĐCS lo sợ đã bị hiểu lầm theo lối tự diễn biến thành dân chủ. Thực ra sự tự diễn biến của đảng viên mà ĐCSVN lo sợ là vấn đề tham nhũng và tha hóa của đảng viên. Đảng viên tha hóa sẽ không chú tâm vào việc bảo vệ đảng, chỉ lo tranh giành quyền lợi, gây chia rẽ nội bộ làm cho ĐCS suy yếu và mất chính nghĩa. 

Thực chất là ĐCSVN không tiềm ẩn yếu tố gây nên tự diễn biến thành dân chủ vì nếu có đảng viên nào ý thức được tội ác cũng như sự sai trái của ĐCS thì đã tự gạt mình ra ngoài đảng và sẽ phải rút lui như trường hợp ông Tô Hải, Lê Hiếu Đằng (nhằm thành lập đảng Dân chủ Đối lập trước khi chết) và một số đảng viên gọi là... “phản tỉnh” khác. 

Điển hình hơn cả, một ông trí thức miền Nam “đã từng góp công chống Mỹ cứu nước” tên Tiêu Dao Bảo Cự đến nước này mà vẫn nói chuyện...“Từ kiến nghị, tuyên cáo đến biểu tình và vai trò của trí thức Việt Nam”. Vẫn là một luận điệu xin-cho.

Một người tự trọng, có lương tâm thì không thể ở trong ĐCS và như thế, danh hiệu “đảng viên CS cảnh tỉnh” hay “đảng viên CS tiến bộ” chỉ là chuyện thần thoại, hay được gán do những người còn “ngây thơ” (naïve) trong lý luận chính trị thực tế ở Việt Nam, nhất là một số người ở hải ngoại.

· Trông chờ, đặt niềm tin vào sự tự diễn biến thành dân chủ của ĐCS là bị nhiễm chiêu bài xin-cho mà ĐCSVN muốn mọi người dân Việt Nam thấm nhuần. Bất cứ điều gì cũng phải do ĐCSVN ban cho và người dân muốn có thì phải van xin, ngay cả những giá trị đứng trên hết là nhân quyền. 

Một khi mang tâm thức này là bị lọt vào cái bẫy của sự xin-cho. 

Một khi nhân quyền của người dân được ĐCS ban cho thì họ có thể lấy lại bất cứ lúc nào, không có gì bảo đảm nhân quyền được nhà cầm quyền tôn trọng. 

Duy nhất là chỉ khi nào nhân quyền do người dân tranh đấu đoạt được và đặt dưới sự giám sát của người dân thì nhân quyền lúc đó mới được bảo đảm.

- Cổ động sự thay đổi từ từ cũng là đi cùng đường và tiếp tay cho ĐCSVN lấy lại chính nghĩa. Hiện nay ĐCSVN và TC đang muốn “cải cách” để tồn tại. Một hình ảnh rõ nét nhất là chúng ta hãy xem tất cả các diễn văn của Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền bính cho tới nay (từ 2012 trở đi), Mác hay Mao đã không được nhắc tới mà tinh thần dân tộc, đôi khi tinh thần dân tộc cực đoan được cổ võ trong một số tình huống căng thẳng ngoài Biển Đông. 

Đây là dấu hiệu về “cải cách” và có lẽ sẽ bắt đầu bằng việc ban phát cho người dân vài cuộc bầu cử tự do ở lãnh vực làng xã như đã được thực hành ở vài nơi hay vài nhân quyền có giới hạn (một xã ở Quảng Châu năm 2015). Nhưng dĩ nhiên mọi chuyện phải nằm trong vòng kiểm soát của đảng cộng sản. Đây chính là chiêu bài ‘tự diễn biến’ để tồn tại. Hình thức “cải cách” này tựa như con chó và sợi dây thắt cổ. Sợi dây có thể được nới dần để con chó có khoảng di động rộng hơn nhưng dây thòng lọng quấn cổ vẫn còn đó, và dĩ nhiên, người chủ CS có thể siết chặt sợi dây bất cứ lúc nào. 

Đó là nhân quyền xin-cho!

Thay Lời kết

Qua các lý luận trên đây, ắt hẳn chúng ta cũng thấy rõ là: Xóa bỏ cơ chế chuyên chính vô sản và Đảng CSVN bằng một cuộc cách mạng toàn dân là giải pháp duy nhất mà thôi.

Công cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài toàn trị CSVN còn có rất nhiều cạm bẫy vì ĐCSVN sẽ không bao giờ ngồi chờ bị lật đổ mà sẽ tìm mọi cách mỵ dân để nắm chặt chiếc ghế thống trị, ngay cả việc áp dụng những biện pháp tàn độc từ thời Trung cổ vẫn không từ. 

Vì vậy căn bản tư tưởng đấu tranh chống độc tài CS phải dứt khoát đoạn tuyệt với bất kỳ hứa hẹn tốt đẹp nào của ĐCSVN.

Hơn 70 năm qua, đã quá đủ rồi Bà Con ơi!

Đây là cuộc đối đầu và ĐCSVN phải bị loại bỏ hoàn toàn mới có thể có được một Việt Nam dân chủ, tự do.

24.03.2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét