Tô Di (Tạp chí Luật Khoa) - Một khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế nói rằng cứ 100 người Việt thì có 65 người đưa hối lộ trong những dịch vụ công như trường học, bệnh viện, thủ tục hành chính, cảnh sát và tòa án.
Đây là một khảo sát phỏng vấn hơn 20.000 người tại 16 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương về tình trạng tham nhũng do tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) thực hiện. Trong đó khoảng 1000 người Việt được phỏng vấn.
Khảo sát này đã đưa Việt Nam xếp thứ hai châu Á về đưa và nhận hối lộ, chỉ sau Ấn Độ và có thể cao nhất các quốc gia trong khối ASEAN.
Bên phải ảnh dưới đây là tỷ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng đang gia tăng.
Cứ 100 người thì 56 người cho rằng tham nhũng đang gia tăng Việt Nam. Tỷ lệ này cao nhất ở Trung Quốc là 73/100 người, tiếp theo là Indonesia (65/100) và Malaysia (59/100).
Tỷ lệ đưa và nhận hối lộ của các quốc gia châu Á. Ảnh: Transparency International.
Ngành cảnh sát Việt Nam là nơi “ăn nên làm ra” nhất châu Á.
Hơn 61% người Việt trả lời là thường đưa hối lộ cho cảnh sát. Cảnh sát Việt Nam nhận hối lộ ngang bằng với Pakistan.
Theo sau cảnh sát, trường học và bệnh viện Việt Nam nhận hối lộ nhiều nhất châu Á và ngang bằng với Ấn Độ. Tiếp theo là thủ tục hành chính, cung cấp điện nước và tòa án.
Tỷ lệ nhận hối lộ của Việt Nam và một số quốc gia khác. Ảnh: Transparency International.
Khoảng 60/100 người được hỏi cho rằng chính phủ Việt Nam đang kiểm soát tham nhũng tệ hơn.
Tỷ lệ này tương đương với Nhật Bản, gần bằng Malaysia và Mông Cổ.
Tại châu Á, Hàn Quốc là thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ đưa và nhận hối lộ thấp nhất, nhưng cũng ít lạc quan nhất về kiểm soát tham nhũng. Tuần trước, Tòa án Hiến pháp nước này đã phế truất Tổng thống sau khi Quốc hội nước này luận tội tổng thống vào tháng 12 năm ngoái. Hàn Quốc sẽ bầu tổng thống mới vào đầu tháng 5 tới đây.
Quốc gia được cho là kiểm soát tham nhũng tốt nhất lần lượt là Sri Lanka, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Myanmar.
Tỷ lệ người dân đánh giá về kiểm soát tham nhũng của nhà nước. Ảnh: Transparency International.
Tại Việt Nam, người giàu thường xuyên đưa hối lộ hơn người nghèo.
Xu thế này cũng đúng đối với Myanmar, Cambodia và Trung Quốc. Nhưng lại ngược, ở Ấn Độ, Paristan và Thái Lan, người nghèo thường đưa hối lộ nhiều hơn.
Minh bạch Quốc tế cho rằng vì người nghèo không có điều kiện tiếp cận các lựa chọn khác, nên họ phải chấp nhận đưa hối lộ; ngược lại đối với người giàu ở các nước như Việt Nam muốn nhanh chóng và tiếp cận dịch vụ tốt hơn nên họ đồng ý với “chung chi”.
Tỷ lệ đưa tham nhũng giữa người giàu và người nghèo. Ảnh: Transparency International.
Người Việt cũng nằm trong top ít lạc quan nhất về chống tham nhũng.
Chỉ có 53/100 được hỏi đồng ý rằng một người bình thường có thể làm gì đó để chống tham nhũng.
Quốc gia có tỷ lệ cao nhất là Úc và Đài Loan, cũng là quốc gia có tỷ lệ hối lộ thấp nhất. Mặc dù có tỷ lệ hối lộ khá cao nhưng Indonesia, Cambodia và Thái Lan lại khác lạc quan về việc chống tham nhũng.
Khoảng 22% và 21% số người cho rằng cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn tham nhũng là tố cáo và từ chối đưa hối lộ. Cũng có khoảng 21% cho rằng một người bình thường không thể làm gì để chặn tham nhũng.
Tỷ lệ người dân cho rằng một người bình thường có thể chống lại tham nhũng. Ảnh: Transparency International.
Việt Nam xếp thứ 113 toàn cầu về chỉ số cảm nhận tham nhũng.
Trong một nghiên cứu về Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu năm 2016, do tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện, dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia, Việt Nam đạt 33/110 điểm, xếp hạng 113 toàn cầu, xếp thứ 21/28 quốc gia thuộc châu Á – Thái Bình Dương và nắm trong số các quốc gia được cho là tham nhũng nghiêm trọng.
Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ 7/10, chỉ đứng trên Lào, Myanmar và Cambodia.
Bản đồ Chỉ số tham nhũng toàn cầu. Ảnh: Transparency International.
Một báo cáo khác của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), cho rằng tham nhũng đã trở thành một tập quán trong khu vực công và có xu hướng ngày càng tệ hơn.
Tỉ lệ người trả lời đánh giá tình trạng tham nhũng đang gia tăng, gia tăng mạnh nhất trong năm 2015 là tỉ lệ phụ huynh phải “bồi dưỡng” ngoài quy định cho thầy cô giáo và “lót tay” tại bệnh viện công để được chăm sóc tốt hơn.
Đánh giá tình hình tham nhũng trong khu vực công. Ảnh: PAPI 2015.
Tài liệu tham khảo:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét