Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Vào ngày 17 tháng Mười Một 1989, công an dẹp tan cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên ở Prague. Cuộc trấn áp này đưa đến các cuộc phản kháng trên toàn quốc, kết thúc bằng cuộc tổng đình công. Trong vòng 11 ngày, những cuộc biểu tình rất đông người đã lật đổ chế độ cộng sản. Václav Havel được bầu làm tổng thống vào ngày 29 tháng Mười Hai. Jan Bubeník trở thành nhà chính trị trẻ nhất trong chính phủ mới. Ông nói chuyện với Jo Glanville.
*
Chế độ cộng sản có rất nhiều cách trừng phạt khác nhau. Họ rất sáng tạo và nếu họ bắt quả tang anh làm điều gì đấy chống lại chế độ, thường thường họ sẽ chắc chắn làm cho anh rớt vào kỳ thi tới hay họ sẽ yêu cầu giáo sư đánh rớt anh. Tôi tham gia vào câu lạc bộ văn hóa ở trường y khoa, ở ký túc xá. Chúng tôi thường mời hoặc các nhà thơ hay các nhóm chơi nhạc rock hay những nghệ sĩ sân khấu không được phép thu âm chính thức, hay không được trình diễn trên đài, nhưng thỉnh thoảng được phép chơi ở các câu lạc bộ nhỏ. Chúng tôi làm những chuyện như thế. Chúng tôi trao đổi sách cấm, có một vài câu lạc bộ thảo luận.
Nhưng tôi tin chúng tôi chắc chắn không phải là những nhà bất đồng chính kiến. Gia đình từ trước đến nay đều có ảnh hưởng lớn đến đời tôi. Cha tôi là giáo sư ở trường đại học Charles cho đến sau năm 1968 thì bị đuổi việc vì ông từ chối hoan nghênh quân đội Xô-viết. Mặc dù ông không có tên trong danh sách những người bị sa thải vì ủng hộ Mùa Xuân Prague, nhưng việc không bỏ phiếu tán thành việc đuổi họ ra khỏi trường đại học đồng nghĩa là họ điền thêm tên anh vào danh sách ấy.
Sau khi mất việc, ông trở thành phu đường sắt. Trong cái rủi cũng có cái may - chồng của một người học trò cũ ông gặp ông trên đường ray liền hỏi: "Giáo sư, phải thầy đó không? Trời, thầy làm gì ở đây vậy?" Ông đáp đây là công việc duy nhất ông có thể tìm được để nuôi gia đình. Thế là anh ấy cho cha tôi công việc nhân viên an toàn lao động.
Ông ngoại tôi, từng đứng đầu bộ thuế vào thập niên 1950, được yêu cầu làm thống đốc một vùng của Sudetenland.
Ông tôi từ chối và cuối cùng làm việc ở mỏ than tại Bắc Moravia. Vào 1968 họ đến gặp ông và muốn phục hồi ông, nhưng ông nói xét vì những người đang nắm quyền, ông thà ở lại đấy. Vì vậy ông tôi không thể hành nghề luật, mà trở thành công chức ở nhà máy thủy tinh.
Ông tôi và cha tôi đều là những người rất quan tâm đến hạnh phúc và đoàn kết của những người khác. Cha tôi xuất thân trong gia đình chín người, gia đình rất nghèo. Ông tôi trở thành như người cha đối với tám người em ở trại cưỡng bức lao động Đức. Cho nên họ rất thiên tả, nhưng họ ghét chủ nghĩa cộng sản dưới hình thức như ở đây. Tôi lớn lên trong xã hội như thế và với những chuyện đời riêng như thế. Tôi cảm thấy xã hội sống hai mặt - tức ta trả lời hoàn toàn khác nhau cho cùng câu hỏi khi được hỏi ở nhà hay trước những sinh viên khác.
Về sợ hãi và thối nát
Thời ấy (năm 1989) tôi sợ. Tôi rất sợ. Người ta chỉ cần phát biểu không đồng ý thôi là đã vô cớ bị bắt giam rồi. Một bạn học tôi say rượu hạ lá cờ Nga ở ngoài đường xuống đã bị đuổi học và đi tù chắc chắn. Trong mỗi nhóm học ở đại học, thường có từ mười đến mười lăm sinh viên, chúng tôi biết chắc là sẽ có một hay hai kẻ chỉ điểm của mật vụ, cho nên chúng tôi luôn luôn hơi dè chừng.
Cho nên chúng tôi hơi cẩn thận và chúng tôi sợ sức mạnh và bạo lực của chế độ. Nhưng hiển nhiên là chế độ đã rất thối nát về phương diện kinh tế và đạo đức. Ngay cả mấy đứa bạn học của tôi trong những gia đình cộng sản cao cấp đều nói bọn chúng không tin tưởng chế độ và cha mẹ chúng cũng chẳng tin tưởng gì chế độ. Họ chỉ biết thu lợi rất nhiều từ chế độ. Vì thế rất rõ ràng ai đúng ai sai. Cũng có tình hình quốc tế, perestroika, Gorbachev... Chúng tôi nói về tin tức chúng tôi có được từ đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và đài Châu Âu Tự Do. Cho dù ta không muốn chú ý đến tin tức - ta cũng không thể nào tránh được. Chúng tôi có thể thấy bức Tường đang tan rã dần nhưng dù sao để hình dung cuộc cách mạng ta vẫn cần có can đảm để dám hình dung - tôi không có hình ảnh ấy hay mục đích ấy trong đầu.
Vào ngày 17 tháng Mười Một tôi biết một số người đang tổ chức những sự kiện để tưởng niệm ngày Quốc xã đóng cửa các trường đại học Tiệp - cuộc biểu tình sinh viên chính thức được cho phép. Tôi giúp phân phát các biểu ngữ ở ký túc xá và câu lạc bộ, mà nói chung kêu gọi mọi người hãy mang nến và hoa đến trường đại học Charles. Chẳng ai biết liệu chưa chắc có một hay hai người sẽ đến cho nên chúng tôi rất ngạc nhiên trước số người có mặt ở đấy. Chính tôi có mặt ở đấy với tư cách người tham dự thường xuyên và lẩn tránh khi mật vụ quay phim chúng tôi. Nhưng vài người can đảm hơn; họ giơ cao biểu ngữ kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng và kêu gọi bầu cử tự do. Từ đấy chúng tôi bắt đầu la to và truyền can đảm cho nhau - chúng tôi không phải là những kẻ điên cuồng, có rất nhiều người trong chúng tôi suy nghĩ rất giống nhau. Thế là tôi đi tuần hành từ trường đến nghĩa trang nơi an nghỉ của người sinh viên bị Quốc xã bắn chết rồi ai đấy hướng dẫn cuộc tuần hành đi vào trung tâm thành phố.
Tôi không biết cuộc biểu tình sẽ kết thúc bằng bạo lực. Tôi muốn nói, tôi thật sự không biết đoán trước gì. Tôi chỉ cảm thấy rằng việc cuộc biểu tình là chính thức đã cho tôi can đảm để đến tham dự. Khi chúng tôi đến Nhà hát Quốc Gia trên Đại lộ Quốc Gia, ngay trung tâm, cảnh sát bạo động đã dàn sẵn. Một đầu đường đã bị hàng dài cảnh sát chống bạo động với mũ sắt, khiên, và dùi cui trắng ngăn chặn. Đầu kia là hai xe tăng có hàng rào phía trước xe. Và hai xe tăng này tiến tới nhằm nói chung dồn ép đoàn người cuối cùng độ từ hai ngàn đến năm ngàn người này lại - khiến mọi người cực kỳ sợ hãi vì họ không thể nào di chuyển.
Hai bên là các tòa nhà còn cảnh sát bạo động dàn ở bên thứ ba, họ bao vây chúng tôi lại nên mọi người không thể nào rời khỏi được mà còn bị gãy chân hay phải chui xuống dưới gầm xe chỉ để có thể thở. Họ tạo ra những lối đi ra rất hẹp và nhỏ mà mọi người muốn thoát ra đều phải đi qua để họ bắt đầu đánh đập người từ cả hai bên. Có đội đặc nhiệm SAS dẫn chó theo và họ đánh tất cả mọi người đi ra từ lối nhỏ họ đã tạo ra ấy.
Vì vậy chúng tôi rất hoảng sợ và chỉ muốn thoát ra ngoài. Tôi thật sự sợ mình sẽ bị giết và chúng tôi đi qua lối ra ấy và họ tha hồ đánh chúng tôi từ cả hai bên. Tôi có ba lô vì tôi trước đấy đã đi lấy áo quần mới giặt mà mẹ tôi gởi lên cho tôi theo xe lửa, cho nên tôi dùng nó để bảo vệ đầu mình. Boris, bạn cùng phòng với tôi, đi cùng với người yêu Dana; tôi cao hai mét và cô ấy chỉ cao gần bằng nửa tôi. Chúng tôi phải đỡ cô ấy lên, vì tôi nghĩ biết đâu bắp vế tôi đè lên phổi cô ấy khiến cô ấy không thở được, thế là chúng tôi mang cô ấy giữa hai chúng tôi và đi qua lối nhỏ ấy. Boris bị đánh vào đầu, ngã xuống bất tỉnh. Tôi chỉ bị đánh vào chân và bắp vế nhưng lúc ấy tôi chỉ hơi bị tê, chỉ sau đó tôi mới biết dây chìa khóa có các chìa khóa của mình ghim chặt vào bắp vế tôi. Chúng tôi bị ép chặc vào nhau như cá mòi cho nên nó đâm vào thịt tôi nhưng lúc ấy tôi chẳng cảm thấy gì. Tôi chỉ đỡ Boris lên, còn Dana thét lên khi một gã mũ nồi đỏ khác muốn đánh bạn cô dù anh ấy đã nằm gục dưới đất, và cô cứ thét lên và la lên và hắn liền đánh vào chân cô. Vì vậy tôi gần như cố gắng đỡ cả hai bạn lên rồi bỏ chạy ngay, rồi cuối cùng chúng tôi cũng chạy thoát được sau khi bị đánh bồi thêm vài lần nữa.
Về cách mạng
Về sau ở ký túc xá chúng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau và chúng tôi nói cách mạng thật sự chẳng phải dành cho chúng tôi, chúng tôi có lẽ sẽ không thay đổi được gì với cảnh u đầu sứt trán như thế này. Tôi đoán chúng tôi vẫn còn rất bàng hoàng và sợ hãi nhưng chúng tôi nói chuyện với nhau thâu đêm. Khi chúng tôi nghe trên đài Châu Âu Tự Do hay đài Tiếng Nói Hoa Kỳ rằng có người chết trong cuộc biểu tình, chúng tôi bắt đầu thu thập thông tin và nối kết với những người khác mà chúng tôi biết ở nhiều trường khác nhau nên biết được vào ngày Chủ Nhật mọi người sẽ quay trở lại chỗ sinh viên được cho là đã chết ấy.
Chúng tôi lấy hết can đảm để nhủ lòng rằng đây chính là lúc phải hành động, chẳng ai đáng phải chết cả. Vì chúng tôi đã có mặt ở đấy, nên chúng tôi là nhân chứng, nên chúng tôi hoàn toàn ghê tởm trước phản ứng của chính quyền mà hoặc làm ngơ không nói đến hay chỉ nhắc sơ qua rằng đã có nhiều côn đồ phá rối an ninh chứ chẳng có chuyện gì quan trọng đã xảy ra.
Vì thế chúng tôi đi từ phòng này đến phòng khác. Có hai khu ký túc xá mỗi khu 15 tầng và chúng tôi thật sự gõ cửa từng phòng một để bảo cho mọi người biết chuyện gì đã xảy ra rồi kêu gọi họ cùng tham gia với chúng tôi một lần nữa vào Chủ Nhật trên đại lộ Quốc Gia và đấy nói chung là cách tôi thật sự tham gia và gắn bó với các cuộc biểu tình.
Rồi khi chúng tôi trở lại vào đêm Chủ Nhật, lần này nhiều người cũng lại bị đánh đập. Chúng tôi muốn đi đến Lâu đài Prague để biểu tình trước Phủ Chủ Tịch nhưng họ chặn không cho chúng tôi đi.
Nhưng họ cũng để cho chúng tôi đi về. Từ đấy chúng tôi nói chung bắt đầu sắp đặt công việc tổ chức. Chúng tôi chờ các bạn sinh viên trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần rồi lập ra nhóm đình công và bắt đầu sắp đặt công việc tổ chức. Đấy là lý do tại sao những người mà trước đây đã từng tổ chức mọi thứ từ các bữa tiệc sinh nhật đến những buổi đọc thơ tinh tế hơn hay những buổi trình diễn trên sân khấu nay tự nhiên trở thành những người lãnh đạo và chính thức được bầu.
Vào sáng Thứ Hai, những người ở Prague và những ai sống ở nơi ở riêng gặp gỡ các khoa phòng và tôi là người đọc các yêu cầu. Vào tối Chủ Nhật chúng tôi đã phối hợp với các sinh viên học sinh từ các trường đại học và các trường học khác và cả từ các thành phố khác. Tôi đã tổ chức phong trào ở cấp cơ sở trường y như thế.
Về chính nghĩa và phi nghĩa
Tôi nghĩ chính cuộc đối đầu lần thứ nhất, sự nhận thức chế độ có thể rất tàn bạo và rất phi nghĩa đã truyền cho tôi can đảm để trở thành người lãnh đạo. Tôi nghĩ hai điều đối với tôi, đứa trẻ đang thành người lớn: chính niềm tin là tôi không muốn cuộc sống này cho đời tôi và cho bao tuổi trẻ thơ ngây. Tôi biết bản chất chế độ và chúng tôi được dạy không nên nổi bật trong đám đông hay tạo ra bất kỳ sự chú ý nào về mình- điều dễ làm nhất là hãy sống gần như thờ ơ, mờ nhạt và bình bình. Nhưng tôi thật sự không chịu được. Hơn nữa người khác còn trông chờ ở tôi sự lãnh đạo và ý kiến- cũng hơi đúng là tôi không thể nào thoái thác được. Tôi cảm thấy rõ ràng rằng điều ban cho tôi sức mạnh chính là niềm xác tín rằng chúng tôi chính nghĩa còn họ phi nghĩa.
Tôi nghĩ trong bốn hay năm ngày đầu cha mẹ tôi không hay biết gì, nhưng rồi tôi gọi về nhà thăm vì tôi biết cha tôi rất chăm nghe đài Châu Âu Tự Do và Tiếng Nói Hoa Kỳ, cho nên chỉ là vấn đề thời gian trước khi cha mẹ tôi hay biết. Và tôi phải nói rằng đây cũng là một trong những lúc quyết định mà ban cho tôi sức mạnh và sự ủng hộ để tham gia cho dù tôi đã hoàn toàn ở trong phong trào.
Tôi gọi về nhà cho cha mẹ hay tôi bình an và mẹ tôi trả lời điện thoại và nói, "Con có tham gia không? Mẹ chắc chắn con thuộc về một trong những ủy ban đình công, phải không?" Và tôi nói, "Mẹ ơi, đúng, nhưng con bình an." Rồi bà nói, "Mẹ bảo con về nhà ngay lập tức!" Chúng tôi sống cách Prague hai tiếng. Bà nói những lời như thế này: "Con không nhớ chuyện gì đã xảy ra với bố sao? Con biết con sẽ làm tan nát đời con. Mẹ sợ cho con. Con đã học rất cần cù bao lâu nay chỉ để mong lấy được tấm bằng y khoa."
Rồi tôi đáp, "Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, con không thể nào về nhà được. Con còn trách nhiệm ở đây."
Thế là mẹ tôi gọi cha tôi nói, "Josef, ông hãy nói với nó đi, bảo nó về nhà." Và cha tôi bước lại nói, "Con biết, nếu bố ở bên con, chắc bố sẽ tát con nổ đom đóm, nhưng con ơi, bố rất tự hào về con." Đối với tôi, lúc ấy tôi thật sung sướng vô vàn vì cha mẹ tôi hiểu - hay ít ra tôi nghĩ cả hai người đều hiểu. Khi bố nói thế, tôi biết tôi tự do đi làm bất kỳ điều gì cần thiết.
Về sinh viên
Quan điểm của tôi, hay có lẽ suy đoán, về việc tại sao sinh viên (đóng vai trò xúc tác) là điều này một phần do ngẫu nhiên, có thể còn có kích hoạt nào khác chăng, nhưng bất luận tình huống xúc tác nào khác cũng là tình huống khi chế độ mới vừa đi quá đà giới hạn và đồng thời khi nhân dân bùng lên phẫn nộ, và đối với nhân dân đó là thời điểm đột phá khi họ thật sự càng căm giận chế độ hơn hay càng bất mãn với chế độ hơn-nhưng trong trường hợp này xúc tác của phong trào chính là sinh viên.
Tôi sinh năm 1968 và chúng tôi là thế hệ đầu tiên không nhớ những trấn áp sau năm 1968 hay vào năm 1977 sau Hiến Chương 77, trong thời cái gọi là bình thường hóa khi chế độ kiểm soát càng chặt chẽ hơn rất nhiều cuộc sống của người dân. Vả lại chúng tôi quá tầm thường đến mức chế độ thật sự chẳng cần phải dùng đến toàn bộ vũ lực để đương đầu. Thời ấy chúng tôi vẫn chưa bị yêu cầu phải thỏa hiệp niềm xác tín và lòng ngay thẳng của mình để đổi lấy sự thăng tiến trong công việc hay thậm chí để có thể hành nghề vì thế tôi nghĩ chúng tôi vẫn còn rất lý tưởng và thơ ngây như bao người trẻ khác.
Hơn nữa chúng tôi vẫn bị coi là con cái của thế hệ năm 1968 những người mà ít nhất đã bị khiển trách vì thế nên họ rất sợ hãi và lo âu nhưng vì chế độ gần như giết con cái họ nên họ phải hành động mạnh mẽ hơn. Và vì chúng tôi con cái họ tham gia nên họ không còn chọn lựa nào nào khác ngoại trừ ủng hộ chúng tôi hay để mặc chúng tôi thất bại như họ vào năm 1968.
Tôi cực kỳ kinh ngạc trước diễn biến các sự kiện. Tựa như một... chuyến đi chơi xa. Chúng tôi náo nức không tài nào ngủ được. Chúng tôi chẳng muốn bỏ lỡ một giây phút nào và tưởng như chúng tôi hoàn toàn đang lâm chiến. Chúng tôi trẻ và tràn đầy lý tưởng, nhưng sinh viên chúng tôi thường cũng là những người thông minh có nhiều kỹ năng và trí tuệ để khéo léo sắp đặt công việc tổ chức. Chuyện xảy ra là sinh viên bắt đầu chiếm đóng các trường đại học mà có ít nhất vài hình thức cơ sở hạ tầng như điện thoại và hệ thống video, nhờ đấy chúng tôi thường sao chép lại những đoạn phim sinh viên đã quay cảnh đánh đập, vì trong suốt nhiều tuần chế độ đã hoàn toàn tuyên truyền dối trá với dân chúng về những gì đã xảy ra. Họ nói láo. Họ hoặc là im lặng hay họ nói láo.
Vì vậy chúng tôi bắt đầu phái các bạn sinh viên mang các cuộn phim ấy về quê họ để chiếu cho dân chúng xem, chủ yếu nhằm cố gắng nâng cao ý thức và kêu gọi nhân dân hãy ủng hộ chúng tôi mà tiếp tục đình công hay ít ra sau giờ làm việc hãy xuất hiện và đi đến các quãng trường chính để biểu tình ủng hộ chúng tôi. Nhờ thế chúng tôi rất thành công và vì chúng tôi đi đến nơi địa phương của chính mình, nên nhiều người biết chúng tôi. Đây chính gần như là cách thức tổ chức phong trào cơ sở rất hiệu quả. Mọi người chủ yếu đều chỉ mong muốn và cần ai đấy trong sạch, đáng tin tưởng và đáng khen để tuyên bố hoàng đế ở truồng.
Về sự sụp đổ của chế độ
Có lẽ sau tuần lễ đầu tôi đã đoán rằng việc chính quyền sắp sụp đổ là hiển nhiên. Những ai trong chúng tôi tham gia vào những ủy ban đình công và tổ chức đều luôn luôn thay phiên đi đến Quãng trường Wenceslas để được nạp lại nguồn sinh lực mới giữa hàng triệu hay vài trăm ngàn người lắng nghe Havel hay sinh viên chúng tôi, để cùng nhau hát và cảm nhận tình huynh đệ, mối liên kết giữa người trẻ, người già, giám đốc, công nhân, sinh viên với nhau-để hiểu rằng tất cả chúng tôi đang sát cánh bên nhau. Hoàn toàn rất rõ ràng rằng chúng tôi không muốn sống cuộc đời cũ như trước nữa. Ai đấy phải ở lại phía sau để sắp đặt công việc và theo dõi tình hình, nhưng mọi người đều muốn đi để cảm nhận sức mạnh giúp chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi là xe tăng biết đâu tiến vào quãng trường và biết đâu chúng tôi bị bắn chết.
Người ta lo sợ ngày nào đấy xe tăng sẽ tiến vào Quãng trường Wencelas, vào trung tâm Prague, để bắt những thủ lĩnh của các tổ chức thuộc nhiều trường đại học khác nhau và chỉ về sau này tôi mới nghe rằng chính chỉ do hơn hai phiếu thôi mà Bộ Chính Trị cuối cùng đã không điều quân đội đến. Chính đường tơ kẽ tóc ấy quyết định sự khác biệt giữa năm 1968 và năm 1989. Tôi nghĩ chúng tôi có độ 100.000 lính Xô-viết đóng trên khắp cả nước chỉ cách các trường đại học vài phút, vì vậy nếu quân đội Tiệp Khắc được cho phép tiến vào... Tôi nghĩ chúng tôi quả thật là tài không bằng may. Tuổi trẻ không chấp nhận thấy mình chết vì họ tin họ bất khả chiến bại.
Về chính trị
Tôi cảm thấy giống như ngôi sao nhạc rock. Chúng tôi rõ ràng là những hiệp sĩ cứu nạn và tôi nghĩ tôi chưa bao giờ cảm thấy như thế vào trước hay sau cuộc cách mạng. Nhưng trên hết chúng tôi đã chiến thắng. Một thời thật tuyệt vời và tôi cảm thấy biết ơn là nhờ hoàn toàn do ngẫu nhiên mà tôi đã có thể đóng trọn vai trò của mình.
Khi tôi được yêu cầu trở thành nghị sĩ để đại diện cho sinh viên, ba ngày liền tôi chẳng tài nào ngủ được - tưởng như toàn bộ gánh nặng xã hội đang đè lên đôi vai mình. Tôi nói với Otakar Motejl, một luật sư rất can đảm đã từng bào chữa cho hầu hết các nhà bất đồng chính kiến trong những phiên tòa đượm màu sắc chính trị, để ông cho tôi lời khuyên. Ông bảo tôi, "Jan này, chúng tôi cần người như cháu ở đấy."
Tôi đáp, "Nhưng cháu đâu có biết chuyện gì mà làm!"
Ông nói tiếp, "Không, cháu đã chứng tỏ rõ ràng rằng cháu có ý kiến, cháu có lương tri và cháu không có gánh nặng. Chúng tôi cần người như cháu để đại diện cho sinh viên. Hãy đến đấy và cứ xử sự tự nhiên như bình thường. Ở đấy có người cố vấn cho cháu về những vấn đề đặc biệt hay chuyên môn, nhưng cháu có uy tín và chúng tôi cần người như cháu ở đấy.
Hãy suy nghĩ hợp lý chín chắn và làm theo lương tâm mình."
Tôi theo lời khuyên ấy và thật sự kỳ diệu vì chúng tôi chủ yếu dẹp tan chế độ cũ và cho phép chính quyền mới chắc chắn được ra đời. Chúng tôi thay thế quốc hội cộng sản cũ và chúng tôi nói chung được bổ nhiệm hay nói cách khác được bầu (trong cuộc bầu cử đặc biệt). Có hiệp ước chính trị theo đấy cộng sản vẫn còn giữ lại một phần ba và các lực lượng chính trị khác thay thế hai phần ba còn lại. Tôi được yêu cầu có mặt ở đấy để thay mặt cho sinh viên, gần như ngay lập tức, cho Diễn Đàn Dân Sự, một liên minh chống cộng quy tụ nhiều thành phần khác nhau. Điều đầu tiên chúng tôi làm là xóa điều khoản về chế độ cai trị độc đảng ra khỏi hiến pháp.
Thật tuyệt vời. Tôi tuyên thệ vào ngày 28 tháng Mười Hai và vào ngày làm việc đầu tiên tôi bỏ phiếu bầu Vaclav Havel. Hôm nay chuyện ấy vẫn còn khiến tôi nổi da gà. Lúc ấy tôi gần như tin chắc chúng tôi đã thắng. Chúng tôi tham dự khóa họp đặc biệt của Quốc Hội Liên Bang Tiệp Khắc tại Phòng Vladislav ở Lâu Đài Prague nơi xưa kia thường diễn ra những lễ đăng quang của các vị vua Tiệp và chúng tôi chỉ có một điều duy nhất trong nghị trình-bầu Vaclav Havel làm tổng thống rồi tổ chức ăn mừng chuyện ấy.
Tất cả mọi người đều bỏ phiếu bầu ông - ngay cả những người cộng sản cũng bỏ phiếu cho ông. Lúc ấy thật là cực kỳ vui sướng như thể đây là vũ hội hóa trang ở Rio de Janeiro-có điều lạnh hơn rất nhiều.
Về tự do
Tôi đang thu âm bài diễn văn của mình trên đài phát thanh quốc gia và tôi rất lạ lẫm với chuyện ấy nên tôi rất mệt, tôi không thể làm tốt trong lần thu đầu tiên. Việc thu âm phải mất rất lâu mới xong cho nên sau khi thu xong tôi chỉ muốn đi về ký túc xá để ngủ. Phòng thu của đài phát thanh quốc gia Tiệp gần Quãng trường Wencelas và lúc ấy đã tám giờ tối và tôi mệt lử cho nên tôi chỉ muốn đáp xe điện ngầm đi về nhưng khi tôi đi xuống nhà ga, tôi gặp các bạn sinh viên ở trường y khoa-mặc áo choàng giải phẫu màu xanh lá cây để họ khỏi lạc nhau trong đám đông. Họ mang theo đàn guitar và bass cùng với một ít rượu và họ gần như nhắc bỗng tôi lên, công kênh tôi lên vai họ và rồi họ vừa chạy quanh vừa la to: "Hoan hô Jan!". Từ đấy người ta bắt đầu nhận ra tôi rồi ai đấy đưa rượu rum đến miệng tôi và tôi buộc lòng phải uống cạn. Họ trao đàn cho tôi và bảo tôi chơi.
Chúng tôi tình cờ gặp một cụ bà trên quãng trường và bà có xe cút kít với thùng rượu slivovice, tức rượu mận mạnh. Cụ là người từ vùng quê nào đấy nhân ngày cuối năm đáp tàu lửa lên Prague để tìm những sinh viên mà cụ muốn cho rượu slivovice. Chồng cụ đã chôn cất rượu dưới đất vào năm 1968 sau khi Liên Xô xâm lăng, sau đấy ông qua đời. Ông đã nói với bà ông sẽ khui rượu chỉ khi tự do trở lại. Cho nên đời có nhiều lúc rất giống như truyện cổ tích - và đấy quả là tuyệt vời.
Jan Bubenník mới 21 tuổi khi anh trở thành người lãnh đạo các cuộc xuống đường ở Tiệp Khắc và góp phần làm sụp đổ chế độ cộng sản.
Nguồn:
Dịch từ tạp chí Index on Censorship ngày 7 tháng Mười Một 2009.
Bản tiếng Việt:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét