Hải Âu (Danlambao) - Nền tư pháp dưới chế độ độc tài đảng trị đang dần bộc lộ những sai trái trong quá trình thực thi pháp luật. Những vụ án lớn nhỏ trước đây thường kết thúc sau lời tuyên án tại một phiên tòa dưới sự chủ trì của thẩm phán. Tuy nhiên không phải tất cả các vụ án đều được xét xử một cách thấu đáo, minh bạch bởi ngay từ quá trình điều tra xét hỏi cho đến khi tố tụng, tuyên án đã có những dấu hiệu sai phạm. Những kẻ với chức năng thừa hành pháp luật đã vội vã khép tội nghi can từ khi vụ việc bắt đầu xảy ra. Rất nhiều trường hợp nghi can buộc phải nhận tội chỉ vì không chịu nổi những đòn tra tấn dã man của cơ quan điều tra. Để rồi từ những trận đòn ấy đã tạo ra vô số những vụ án oan khiến người vô tội trở thành kẻ tội phạm.
Một số người may mắn đã được minh oan sau nhiều năm trời tù đày, có người thậm chí chịu cảnh tù tội hơn nửa đời người mới được giải oan. Tuy nhiên trong những năm tháng tù tội, gia cảnh và cuộc sống của những “tội phạm” oan ức đó gặp vô vàn khó khăn. Những kẻ nhân danh pháp luật đã kết tội họ một cách vội vã thì nay cũng hối hả tổ chức xin lỗi nạn nhân nhằm xoa dịu nỗi oan khuất cùng sự bức xúc của dư luận.
Vụ việc liên quan đến án oan đang được cộng đồng xã hội quan tâm đó là chuyện Tòa án cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi người tù oan Hàn Đức Long. Điều bất ngờ đã xảy ra trong buổi công khai xin lỗi khi gia đình nạn nhân của vụ án đã bức xúc và gây hỗn loạn ngay tại hội trường. Hàng chục chiếc dép được ném thẳng về phía Phó chánh án Tòa án nhân dân cấp cao khi đang đọc lời xin lỗi. Gia đình nạn nhân của vụ án phẫn nộ vì đã 12 năm mà luật pháp Việt Nam vẫn chưa tìm ra hung thủ gây nên cái chết oan nghiệt đối với một bé gái chỉ mới 5 tuổi.
Trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, truyền thông mạng được đại đa số người dân lựa chọn để tiếp cận thông tin với xu hướng đa chiều. Điều này đã làm tiêu tan tính chất tuyên truyền dối trá của nhà nước cộng sản và mở ra cơ hội để người dân tiếp cận thông tin chính xác và nhanh nhạy. Báo chí nhà sản trước đây độc quyền dưới sự chỉ đạo của ban tuyên giáo đã mất dần tính bưng bít và buộc phải chạy theo truyền thông mạng xã hội. Từ đó những khuất tất trong cách điều hành của nhà cầm quyền đã lần lượt phơi bày sự đểu cán và ngu dốt của những kẻ cầm quyền. Hình ảnh “nóng” liên quan đến những chiếc dép được ném ra trong buổi xin lỗi ông Long nhanh chóng được loan tải trên những trang báo do ban tuyên của giáo cộng sản quản lý.
Những chiếc dép ấy không chỉ ném về phía một trong những kẻ đại diện luật pháp mà còn ném thẳng vào bộ mặt tư pháp của hệ thống luật pháp. Bởi lẽ luật pháp Việt Nam đang được điều hành bởi những tên vô tài, bất dụng. Những kẻ chỉ ưa thích dùng quyền lực cùng những đòn tra tấn để luận tội khi vụ án vẫn chưa thật sự sáng tỏ. Hình ảnh hỗn loạn trong buổi xin lỗi ấy dường như nói lên tất cả những điều tồi tệ mà hệ thống pháp luật do những quan chức nắm quyền thực thi công lý gây ra.
Ngoài án oan của ông Hàn Đức Long đã được minh oan, luật pháp Việt Nam còn tạo ra vô số oan sai trong những lần tuyên án vội vã cho ông Nguyễn Thanh Chấn (10 năm, tội giết người), ông Huỳnh Văn Nén (tử hình, trộm cướp, giết người).v.v.
Đó chỉ là một số trường hợp may mắn được giải oan. Nhiều cái án tử hình hiện vẫn đang gây trấn động dư luận. Vụ án của “tử tù” Nguyễn Văn Chưởng hay Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh cho đến nay vẫn đang gây biết bao khốn khổ cho gia đình phạm nhân tử tù. Những cái án tử đã được tuyên nhưng những tiếng gào thét trong nỗi oan nghiệt của gia đình tử tù đang thách thức tính công bằng của hệ thống pháp luật Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét