Phước An Thy (Danlambao) - Các chính sách, pháp luật đất đai trong nông nghiệp hơn 20 năm qua, tuy đã trả lại quyền cho người dân được sử dụng, thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, nhưng với quan điểm chính trị của đảng Cộng sản thì vẫn không cho quyền sở hữu tư nhân hóa đất đai. Dù các quyền về đất đai đã được giao cho cá nhân và tổ chức, nhưng luôn có những văn bản giới hạn kèm theo, rằng nhà nước có quyền thu hồi đất vì bất kỳ lý do gì và bất cứ lúc nào.
Việc quy định “Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý và Đảng Cộng sản chỉ đạo”, cuối cùng chỉ có đảng Cộng sản là có ruộng đất, nông dân đóng vai tá điền. Nhà nước như một đại địa chủ, mà đại diện là các quan chức, cán bộ từ tỉnh xuống huyện xã, nắm toàn quyền ban phát cho ai thì người ấy được quyền sử dụng đất. Quan chức nhà nước có thể lấy lại quyền sử dụng đất của nông dân để ban phát cho phe cánh, cho các đại gia. Khi thu hồi đất, các quan chức định giá bồi thường thiệt hại về đất và tài sản trên đất không phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất, khiến người bị giải tỏa di dời không thể ổn định được đời sống của họ. Từ đó ngày càng có nhiều xung đột giữa người dân và chính quyền khi chính quyền cưỡng chế đất vớidanh nghĩa vì “lợi ích công cộng”.
Tất cả cán bộ các cấp từ trung ương cho đến địa phương đều lợi dụng thông tin và quyền hạn để đầu cơ, chiếm đất, câu kết nhau khi ra các quyết định trưng thu đất đai của dân để giao cho các nhà đầu tư khác. Chẳng có cơ quan chức năng nào kiểm tra các cán bộ địa phương vì ai cũng có ô dù che chở. Ngay các đoàn thể, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, cũng hùa theo chính quyền địa phương, nên chẳng còn ai có thể giám sát, phát hiện, lên tiếng những việc làm sai trái của chính quyền địa phương.
Việc cấp giấy phép sử dụng đất rườm rà và nhiêu khê, tạo cho cán bộ địa phương có cớ gây khó dễ và nhận hối lộ của người dân trong việc lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất. Nạn tham nhũng ở thôn quê đã tạo ra sự bất bình đẳng ở làng quê, người nghèo càng nghèo hơn, còn người giàu lại càng giàu thêm. Đã nghèo, nhưng người dân ở nông thôn còn phải gánh thêm các loại thu như thuế nông nghiệp, thuế thổ cư, các khoản thu mang tính xã hội như quỹ khuyến học, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ an ninh trật tự, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ người nghèo, quỹ người cao tuổi, quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ xã hội từ thiện. Ngoài ra người dân còn phải đóng những loại phí như, phí xây dựng hạ tầng, giao thông, phí xây dựng hệ thống đèn, phí tiền điện, phí bảo vệ ruộng đồng, thực vật, phí dịch vụ khoa học kỹ thuật, phí trường, trạm xá, phí phát thanh, phí lao động công ích, phí môi trường, vệ sinh nông thôn, phí thủy lợi...
Hộ nào được thôn, xã vận động, mời lên mời xuống hoài mà không chịu đóng thì đại diện tổ chức mặt trận, trưởng thôn đến tận nhà để thu. Người dân đành bán nông phẩm, bán tài sản hoặc đi vay để đóng, rồi họ lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu năm này qua năm khác.
Hàng quý của mỗi năm, ủy ban nhân dân xã lập ban hỗ trợ thu thuế gồm đại diện các ban ngành đoàn thể, ban lãnh đạo các thôn cùng cán bộ thuế xã để thu thuế và các lệ phí khác của các hộ trong toàn xã. Mỗi thôn thành lập một tiểu ban vận động và thu thuế người dân trong thôn. Tiểu ban có nhiệm vụ thông tin, vận động người dân chấp hành luật thuế của nhà nước, thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất, thúc giục các hộ đóng thuế đúng thời hạn. Tiểu ban hỗ trợ thu thuế đưa ra nhiều biện pháp, để cương quyết thu nợ thuế của những hộ chưa thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Người dân sợ nhất là biện pháp công bố tên gia đình mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng của thôn xã, vì nợ thuế và không nộp tiền thuế đúng thời hạn.
Trong những đợt thu thuế như vậy, người dân lại được dịp than phiền, kêu oan về việc đóng thuế, góp quỹ và lệ phí xây dựng nông thôn. Họ kể lể về cảnh khổ, những bất công mà mình đang phải oằn lưng gánh chịu, họ năn nỉ, mong cán bộ thông cảm để giảm nợ, bớt đóng lệ phí, nhưng chẳng ai đoái hoài đến các nỗi khổ của họ. Nợ thuế, người dân bị tịch thu sổ chứng nhận quyền sử dụng nhà đất. Không đóng góp lệ phí thì sẽ gặp khó khăn, khốn đốn cho mình và người thân khi đến thôn xã xin chữ ký, đóng mộc xác nhận hồ sơ hoặc làm bất cứ các loại giấy tờ gì.
Các cán bộ thuế thôn, xã đa số không được đào tạo đến nơi đến chốn nên không rành về luật thuế. Các trưởng thôn thì không có trình độ văn hoá và kiến thức xã hội vì vậy họ chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, chỉ nghe theo, nói theo, làm theo lệnh xã, mà dù có trình độ cũng chẳng làm được gì vì hệ thống văn bản pháp luật, chính sách đất đai được nhiều cấp khác nhau ban hành quá nhiều, thay đổi liên tục và chồng chéo lên nhau.
Trong trường hợp thiên tai, mùa màng bị thiệt hại, cán bộ nông nghiệp xã, huyện, cán bộ chi cục thuế đến từng vùng thu hoạch trong xã, căn cứ trên phần diện tích chịu thuế của xã và mức độ thất thu để làm tính toán miễn giảm. Công việc này rất vất vả và mất nhiều thời gian vì phải đi thực tế nhiều nơi trong xã, nên các cán bộ xã chỉ đưa cán bộ huyện đi nhà hàng ăn uống, dúi phong bì, rồi cán bộ xã tuỳ mức độ của những năm trước mà tính. Cuối cùng cán bộ nông nghiệp xã, trưởng ban thuế, làm hồ sơ miễn giảm cho người thân hoặc bạn bè chứ không miễn giảm thuế cho đúng những hộ thật sự mất mùa và nghèo. Nhiều làng quê Việt Nam ngày nay vẫn nghèo nàn và lạc hậu nhất thế giới. Người dân thôn quê nghèo khổ thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn chồng chất, ấm ức vì bị chèn ép đủ điều, nhưng họ không thể làm được gì cho cuộc sống của gia đình mình tốt hơn.
Các vấn đề kinh tế, xã hội, môi sinh, đạo đức, giáo dục... của Việt Nam hôm nay đang trong tình trạng băng hoại, kiệt quệ, tụt hậu và bế tắc là do yếu tố của tổ chức xã hội gây ra. Tổ chức xã hội Việt Nam hiện nay là nguyên nhân gây ra cảnh lầm than và cơ cực cho nhân dân Việt Nam. Tiếc thay cho số phận của dân tộc Việt Nam đã phải mang lấy một trong những chế độ độc tài tồi tệ nhất. Đã đến lúc nhân dân Việt Nam phải giải thể chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa đã bị cả thế giới lên án, đã đến lúc phải cùng nhau giải thoát dân tộc khỏi chế độ độc tài Cộng sản để xây dựng một nhà nước pháp trị, tự do, dân chủ, nhân quyền và bình đẳng.
26/4/2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét