27/4/17

Nhân ngày Quốc Hận 30/4, nhớ về Sài Gòn của tôi: Một thời dễ thương, một thời để nhớ

Nguyễn Lương Tuyền (Danlambao) - Tôi đã xa Sài Gòn hơn 40 năm. Sài Gòn là nơi đã nuôi tôi lớn lên, trưởng thành. Những ngày hoa mộng của đời tôi được bắt đầu ở thành phố yêu dấu này, để rồi bị chấm dứt một cách tức tưởi vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi Sài Gòn bị đổi chủ, đổi tên. Tôi bị buộc phải rời xa Sài Gòn, năm đó tôi vừa tròn 30 tuổi.

Tôi mở mắt chào đời ở Miền Bắc nước Việt. Khi Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông từ các An Toàn Khu ở Việt Bắc về tiếp thu Hà Nội theo đúng Hiệp Định Genève, ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, tôi theo gia đình di cư vào Nam, đúng hơn là vào sống ở Sài Gòn. Đó là ngày 28 tháng 8 năm 1954 - chỉ hơn 1 tháng sau khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước được ký kết. Tôi đặt chân đến Sài Gòn vào khoảng nửa đêm. Mệt mỏi rã rời, tôi ngủ vùi cho đến sáng bảnh mắt ngày hôm sau mới thức dậy.

Tôi được nếm mùi vị văn hóa ẩm thực của Sài Gòn ngay. Tôi được ăn món truyền thống của miền Nam: bì bún với nước mắm dấm, tỏi, ớt cùng giá sống. Lần đầu trong đời tôi được nếm hương vị thức ăn của Miền Nam. Sao mà nó ngon thế!!. Dì Sáu, người giúp việc nhà của anh chị tôi, đã reo lên khi tôi chào chị: ''Bà Thầy ơi (chị gọi Bà Chị của tôi), thằng nhỏ này biết nói tiếng ''Ziệc''. Quả thật, vào thời điểm đó, một số đông đồng bào miền Nam vẫn còn coi những người di cư đến từ miền Bắc là những người đến từ một nước khác, những người ngoại quốc...

Người dân Miền Nam đã mở rộng vòng tay, tiếp đón gần 1 triệu người đến từ miền Bắc. Chỉ trong chưa đầy 6 tháng, Chánh quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và nhân dân Miền Nam đã thành công trong việc định cư, ổn định đời sống gần 1 triệu người tỵ nạn CS đến từ miền Bắc.

Sài Gòn là thủ đô của Miền Nam về phương diện chánh trị, kinh tế, giáo dục, âm nhạc nghệ thuật, báo chí văn chương... Có thể nói Sài Gòn tượng trưng cho cuộc sống của cả Miền Nam. Dân số của Sài Gòn vào năm 1954 có khoảng hơn 1 triệu người. Cậu bé Bắc kỳ 9 tuổi là tôi bị hoa mắt vì những điều khác hẳn Hà Nội:

* Chuyên chở công cộng ở Hà Nội chỉ có tầu điện, xích lô, không có taxi, xe hơi rất ít. Các thương hiệu xe hơi ở Hà Nội hồi đó là xe Citroen, xe Traction, xe Vedette. Ở Sài Gòn, có nhiều phương tiện chuyên chở như xe bus, xe taxi, xe xích lô, xe xích lô máy và cả xe thổ mộ do ngựa kéo. Vào giờ ăn, giờ nghỉ trưa rất khó gọi taxi, gọi xích lô... vì các bác tài xế cần nghỉ để ăn uống, ăn trưa. Khi tỉnh giấc ''la siette'', hầu như tất cả đều đến hiệu ăn, nhâm nhi ly cà phê ''bí tất'', cà phê này hình như rất phổ thông ở Miền Nam, khác hẳn cà phê filtre của Hà Nội.

* Người dân Sài Gòn có những ý tưởng rất thực dụng. Thí dụ thay vì thối lại 50 xu, người bán hàng chỉ cần xé đôi đồng bạc 1 đồng rồi trả lại khách hàng một nửa. Sau vài năm, lối thối tiền thực dụng này bị chánh phủ của TT Ngô đình Diệm bãi bỏ.

* Đường phố Sài Gòn còn mang tên Tây. Thí dụ đường Hồng Thập Tự có tên Tây là Rue Chasseloup Laubat. Chỉ sau một thời gian ngắn Chính phủ của TT Ngô Đình Diệm đã dùng tên Việt Nam cho các đường ở Sài Gòn. Thí dụ Rue Catinat được mang tên mới là đường Tự Do. Sau 30 tháng 4, các đồng chí CS đặt một tên mới là đường Đồng Khởi. Đường Công Lý chạy ngang Tòa Án, là đường chánh để đi vào Phi Trường Tân Sơn Nhất, được ''các đồng chí'' đổi tên là Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngay sau khi họ hoàn toàn làm chủ thành phố. Người dân Sài Gòn bèn châm biếm 

''Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý: 
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do''

Về ngôn ngữ, người Miền Nam dùng chữ DZ thay cho chữ V. Thí dụ Vấn Vương được phát âm là Dzấn Dzương. Chữ V được phát âm là DZ nhưng khi viết, người Sài Gòn viết rất đúng. Người Sài Gòn thường hay lẫn lộn dấu hỏi, dấu ngã. Trái lại các âm TR, S, Ch, L, N... được phát âm rất rõ ràng. Giọng nói, cách phát âm khác biệt của từng miền là đặc tính của ngôn ngữ Việt Nam, được hát đi hát lại nhiều lần. Hát "ố tang ố tang tình tang'' phải dùng giọng Huế nghe mới hay. Hát Cải Lương phải dùng giọng Miền Nam mới hay. Đoàn Kim Chung, Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô Hà Nội, khi vào Sài Gòn đã đóng đô ở Rạp Olympic ở đường Hồng Thập Tự. Đoàn đã chuyển qua trình diễn cải lương bằng giọng của đồng bào Miền Nam. Hát tân nhạc phải dùng tiếng Bắc mới hấp dẫn người nghe. Ca Sĩ hát bằng tiếng Nam rất ít, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Có lẽ chỉ có Quái kiệt Trần Văn Trạch và da sĩ Hải Minh ở Đài Phát Thanh Quân Đội Sau này tôi mới được biết Ca sĩ Hải Minh chính là Giáo Sư Âm Nhạc Trần Van Khê. Ông cũng là anh ruột của Nghệ sĩ Trần Văn Trạch 

Tính tình cởi mở, cười nhiều hơn giận, thân thiện với mọi người là cá tính của dân Sài Gòn nói riêng cá tính của dân Miền Nam nói chung; dản dị như Miền Nam, chỉ có mưa nắng hai mùa.

Tôi đã lớn lên và trưởng thành tại Thành phố Sài Gòn. Năm năm đầu, từ 1955 tới 1960, là 5 năm thần tiên, 5 năm tuyệt vời, 5 năm hòa bình, 5 năm phát triển tột bực của miền Nam dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Thế giới đã ngạc nhiên, thán phục sự trỗi dậy của dân Miền Nam, trên mọi lãnh vực trong hơn 20 năm, cho đến năm định mệnh 1975.

Sau 1975, tài liệu mật được phơi bầy. Người ta mới hay ngay sau khi đặt bút ký vào Hiệp Định Genève năm 1954, ông Hồ đã sửa soạn xâm lăng miền Nam để nhuộm đỏ đất nước theo lệnh các quan thầy CS Quốc Tế Nga và Tầu. 

Thực vậy, CS đã để lại Miền Nam cả một binh đoàn gồm hàng ngàn binh lính, cán bộ. Lê Duẩn đã lén ở lại Miền Nam, không tập kết ra Bắc theo đúng Hiệp Định Genève. Y chính là người điều khiển các CS nằm vùng ở Miền Nam.

Khi chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm từ chối không tổ chức Tổng Tuyển Cử dự trù vào năm 1956 bởi Hiệp Định Genève ký ngày 20/7/1954. CSVN quyết định xâm lăng tiến chiếm miền Nam. Trong bản Đề Cương Cách Mạng ở Miền Nam do Lê Duẩn biên soạn năm 1958, Lê Duẩn đã khẳng định không có giải pháp nào để chiếm miền Nam ngoài giải pháp ''chiến tranh nổi dậy''. Đám CS nằm vùng được lệnh đào vũ khí chôn dấu và bắt đầu cuộc chiến tranh nổi dậy để xâm chiếm miền Nam.

Trận chiến lớn giữa quân CS và Quân Đội Quốc Gia tại Trãng Xụp, Tây Ninh là trận đánh mở màn cho cuộc xâm lăng miền Nam của CS vào năm 1959. Tháng 12 năm 1960, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được những người CS từ miền Bắc thành lập. Thực ra trước đó vài năm, CS đã bắt đầu các cuộc phá hoại cũng như khủng bố giết chóc các viên chức xã ấp tại Miền Nam.

Từ năm 1960, Miền Nam bị CS từ Miền Bắc xâm nhập, phá hại, khủng bố. Trận chiến càng ngày càng tăng cường độ. Mọi lãnh vực của đời sống của dân Miền Nam đều bị CS phá hoại... nhưng Thủ Đô Sài Gòn vẫn an ninh, phát triển. Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh đã đến cửa ngõ của Sài Gòn.

Khoảng năm 1965-1966, khi quân Mỵ và Đồng Minh đổ bộ vào Miền Nam để trực tiếp hỗ trợ Quân Lực VNCH, CSVN, với sự hỗ trợ đắc lực của Cộng Sản Quốc tế, với chiêu bài ''đánh Mỹ cứu nước'' đã động viên toàn Miền Bắc cho công cuộc xâm lăng Miền Nam. Thanh niên Miền Bắc đã được lệnh của Đảng CSVN vượt Trường Sơn kéo vào Nam tham dự cuộc chiến ''chống Mỹ cứu nước''. Dư luận quốc tế bị ''nhiễm độc'' nặng tuyên truyền của CS, đã ngả về phía Cộng Sản. Quân Dân của Miền Nam đã chiến đấu trong cô đơn, nhất là từ đầu thập niên khi '"Đồng Minh bỏ chạy".

Mặc dù bị CS phá hoại về đủ mọi lãnh vực, Miền Nam vẫn thực hiện được những tiến bộ không ngờ (des progrès déconcertants) trong mọi lĩnh vực của đời sống:

Trở lại với Sài Gòn của tôi. Trong 21 năm tôi đã mục kích những thay đổi, tiến bộ về mọi lĩnh vực chưa từng bao giờ có của thành phố mặc dầu quân dân miền Nam phải đối diện hàng ngày với quân CS do CS Miền Bắc lãnh đạo. Miền Nam chỉ có được 6 năm không tiếng súng. Còn 15 năm, cho tới ngày đất nước bị rơi vào tay quân Cộng Sản VN. Quân đội của CSVN đã được sự hỗ trợ của CS Quốc Tế trong suốt cuộc xâm lăng này. Xin được tóm tắt những tiến bộ không ngừng nghỉ trong vài lĩnh vực:

Về giáo dục

Giáo dục, từ Tiểu học cho tới Đại Học, hoàn toàn miễn phí

Giáo dục tại Miền Nam, vào thời điểm trước năm 1975, được xây dựng trên một triết lý. Đó là Dân Tộc, Nhân Bản và Khai phóng. Triết lý này được đề ra sau Hội Nghị Toàn Quốc về Giáo Dục năm 1958 dưới thời của Bộ Trưởng Giáo Dục Trần Hữu Thế. Triết lý này luôn luôn bàng bạc trong nền giáo dục ở Miền Nam cho tới ngày CS chiếm Miền Nam năm 1975. Trái lại người CS chỉ có một triết lý về giáo dục, đó là phục vụ Bác và Đảng, phục vụ Xã Hội Chủ Nghĩa. Nền Giáo Dục tại VN bây giờ đã hoàn toàn phá sản, chỉ tạo ra nhiều tên ăn cắp, dối trá, lừa đảo, bịp bợm. Điều này dễ hiểu vì những người lãnh đạo ở VN bây giờ là những tên ăn cắp. ''Thượng bất chánh, hạ tất loạn'' như người xưa đã nói.

Giáo Dục tại Miền Nam dưới chế độ Cộng Hòa, dù bị phá hoại triền miên, đã đào tạo được đầy đủ nhân tài cho Tổ Quốc. Sinh viên VNCH, khi ra ngoại quốc du học, đã chứng tỏ khả năng của họ. Họ không thua kém bất kỳ sinh viên đến từ những nước khác. CSVN đã gửi một số sinh viên ra nước ngoài, du học. Các người này đã đã làm nhục dân tộc vì chỉ đi ăn cắp. Người Việt do CSVN gửi ra nước ngoài rất nổi tiếng là "hay ăn cắp" tại khắp mọi nơi trên thế giới, nhất là tại các nước ở Á Châu như Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Thái Lan...

Y Tế

Nền Y Tế của Miền Nam cho đến năm 1975 là một nền Y Tế miễn phí cho mọi người, không phân biệt giai tầng xã hội và nhất là không hối lộ từ y công cho tới bác sĩ. Phải vào nhà thương bây giờ là một nỗi khổ tâm không bút nào tả xiết. Trước 1975, cũng có những nhà thương tư nhưng rất ít so sánh với hệ thống các nhà thương công bất vụ lợi của Bộ Y Tế.

Văn học

Trước năm 1975, sáng tác được tự do, không có sự can thiệp của chánh quyền. Nhóm Sáng Tạo, từ Miền Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954, đã thổi một luồng gió mới vào văn học Miền Nam. Văn Học ở Miền Nam được tự do phát triển hơn bao giờ hết. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị đã ra đời trong giai đoạn này. Trong khi đó ở Bắc bờ Bến Hải, các người cầm bút bị đàn áp, cầm tù, cấm viết vì đã lỡ đi ra ngoài những qui định của CSVN. Có lẽ chỉ có ở VNCS các chiến dịch đàn áp những người cầm bút như Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm, thập niên 50 tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ông Trùm văn nghệ của Miền Bắc Tố Hữu là tác giả của những câu vè:

Thương biết mấy khi con học nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sít Ta Lin

hay

Tin từ trong ấy loan xa
Bác Hố đang sống chuyển ra từ trần

Thơ với thẩn!!! hỡi Tố Hữu ''nhà thơ cung đình'' của chế độ! Trong khi tại Miền Nam, văn chương lãng mạn đã ngự trị trong tâm giới trẻ. Thơ Nguyên Sa là một thí dụ điển hình. Thế hệ mới lớn của Miền Nam, ai mà không biết tới những câu thơ đầy tình tự lãng mạn:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường
Sợ thư tình chưa rõ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa mầu áo tím.

(thơ Nguyên Sa )

Âm Nhạc

Dù chỉ tồn tại có 21 năm, nhưng Âm nhạc tại Sài Gòn nói riêng, tại Miền Nam nói chung đã phát triển tột bực với một trời âm nhạc lãng mạn cực kỳ hay. Nền âm nhạc lãng mạn này đã đi vào tâm hồn của người dân Miền Nam, từ thành thị đến thôn quê. Các nhạc sĩ được sáng tác trong một bầu không khí tự do. Trong khi đó, tại Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của Ông Hồ và các "đồng chí", mọi công trình nghệ thuật, kể cả âm nhạc đều phải theo một khuôn thước, đó là: ''phục vụ chủ nghĩa, phục vụ Bác và Đảng'' theo đúng như ''Bản Đề Cương Văn Hóa'' của Đại Đồng Chí Trường Chinh, ra đời cuối thập niên 40. Xin hãy nghe lời phát biểu của Trường Chinh trong một buổi hội với văn nghệ sĩ ''Các đồng chí phải sáng tác theo tiếng gọi của con tim, nhưng các đồng chí đã dâng hiến con tim cho Đảng vật thì các đồng chí phải sáng tác để phục vụ Đảng.''

Một thí dụ điển hình là Nhạc sĩ TCS. Tài của ông đã được thăng hoa khi ông sống tự do dưới chế độ tự do thời Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam tự do. Nhiều bản nhạc tình, lãng mạn vô cùng của TCS đã được ra đời trong giai đoạn này. Sau 1975, tài nghệ của họ Trịnh, dưới chế độ CS, đã bị thui chột. TCS không cho ra đời một bản nhạc tình nào. Phải chăng ''cây quít TCS ở Miền Nam đã cho nhiều quả ngọt, dưới chế độ Cộng Sản, cũng cây quít đó chỉ cho toàn quả chua'',

Thay lời kết

Tôi chưa từng về thăm VN kể từ ngày rời quê hương. Đất nước Việt nói chung, Sài Gòn nói riêng đã thay đổi rất nhiều. Sài Gòn như Sài Gòn của tôi trước năm 1975 đã không còn nữa. Ngay từ 1975, nhóm "dép râu, nón tai bèo" đã khai tử tên Sài Gòn để thay vào đó tên của một người đã mang lại tang thương, chết chóc, tàn phá cho dân tộc. Các hậu duệ của Y đang để mất quê hương vào tay kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc.

Về quê để làm gì đây? khi quê hương, khi Sài Gòn đã không còn nữa. Quê hương sắp mất vào tay kẻ thù từ phương Bắc còn Sài Gòn bị gán cho tên tội đồ của dân tộc.

Chế độ CS đã tan rã ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Nga Sô, Thành phố St Pretesburg đã tìm lại được tên xưa sau gần một thế kỷ bị CS đổi tên. Tại VN, thử đô của Miền Nam sẽ tìm lại được tên gọi của ngày xưa: Thành phố Sài Gòn một khi chế độ bạo tàn bị tiêu diệt. Ngày ấy không còn xa.

Khi Sài Gòn bị đổi tên ngay sau ngày 30/4/1975, Nhạc sĩ Nam Lộc đang ở trại tỵ nạn ở Phi Luật Tân đã thốt lên:

Sài Gòn ơi! ta đã mất người trong cuộc đời,
Sài Gòn ơi! ta đã mất thời gian tuyệt vời
...
(Nam Lộc: Sài Gòn ơi! vĩnh biệt ) 

Người tỵ nạn CS tại mọi nơi trên thế giới đều mong được trở về lại Sài Gòn như bài thơ sau đây của tác giả: Người di tản buồn:

Nếu một mai nước non thanh bình
Ta sẽ trở về thăm quê xưa
Thăm lại những lối mòn ngày cũ.
Để bồi hồi bâng khuâng tưởng nhớ 
những tháng ngày qua
Ta sẽ tìm lại bạn bè xưa: 
ai còn?
ai đã khuất?
ai đang nức nở? 
Sài Gòn ơi! lòng ta bừng sóng gió
Tình hoài hương cuồn cuộn như nước triều dâng
Vì xa "em" ta đau đớn bội phần
Như tiếc nuối một cuộc tình đã mất

Nhiều lúc ta mơ về quá khứ
Tưởng như mình đang sống tại quê nhà
Khi tỉnh giấc lại âm thầm tiếc nuối
Những tháng ngày mơ mộng của đời ta
(Người di tản buồn)

(Tháng 4, Montréal Canada)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét