15/6/17

Hy sinh vì chính nghĩa


21 tháng Hai 1989

Lời phát biểu cuối cùng của Vaclav Havel ở Tòa án Quận 1 Prague

Thưa tòa,

Vì tôi đã bình luận đủ về từng lý do trong cáo trạng, cả trong quyết định khởi tố trước khi xét xử và ở tòa án này, cho nên tôi không có ý định nhắc lại mà chỉ tóm tắt lập trường của tôi. Tôi tin đến nay vẫn không có bằng chứng nào được đưa ra nhằm chứng minh hoặc sự kích động hay sự cản trở người thi hành công vụ, vì thế tôi xem như mình vô tội và yêu cầu thả tôi ra.

Tuy nhiên, cuối cùng tôi muốn nói đôi điều về một khía cạnh cho đến nay chưa bao giờ được đề cập đến của toàn bộ vụ án. Cáo trạng tuyên bố rằng tôi "ra sức che đậy bản chất chống nhà nước và chống chủ nghĩa xã hội của cuộc tụ họp như dự tính." Ngẫu nhiên lời tuyên bố ấy mà không trưng ra bằng chứng cụ thể nào - và cũng chẳng có thể có bằng chứng- gán các động cơ chính trị cho những hành vi của tôi. Vì thế trong phạm vi quyền của mình tôi sẽ nói kỹ trong chốc lát về các khía cạnh chính trị của toàn bộ vụ án.

Trước tiên, tôi phải chỉ ra rằng những từ "chống nhà nước" và "chống chủ nghĩa xã hội" từ lâu đã mất tất cả các ý nghĩa ngữ nghĩa, sau nhiều năm xử dụng hoàn toàn tùy tiện đã trở thành chỉ là sự quy chụp xúc phạm đến tất cả các công dân mà làm cho chế độ khó chịu vì bất cứ lý do nào đấy, nhưng tuyệt đối không liên quan gì đến quan điểm chính trị thực sự của họ. Vào những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời họ, ba vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc-Slánský, Husák và Dubček- đã được mô tả bằng chính những từ này. Bây giờ chính sự chụp mũ này lại được áp dụng đối với Hiến chương 77 và các nhóm kiến nghị của các công dân độc lập, chỉ vì chính quyền ghét các hoạt động của họ và cảm thấy cần thiết phải làm giảm uy tín họ bằng cách nào đấy. Như ta có thể thấy rõ, cáo trạng trong vụ án của tôi cũng sa đà vào sự lạm dụng chính trị như thế.

Mục đích chính trị thực sự của hoạt động của chúng tôi là gì? Hiến chương 77 được lập ra và vẫn tiếp tục hoạt động như một cộng đồng không chính thức nhằm cố gắng theo dõi sự tôn trọng nhân quyền trong nước ta, bao gồm sự tuân thủ các công ước quốc tế liên quan hay hiến pháp Tiệp Khắc, tùy theo trường hợp. Trong mười hai năm qua, Hiến chương 77 đã thu hút sự chú ý của nhà cầm quyền vào sự tương phản giữa những cam kết pháp luật và những gì là thực tế thực sự trong xã hội ta. Trong mười hai năm qua Hiến chương đã báo trước nhiều hiện tượng bất ổn khác nhau và những dấu hiệu khủng hoảng, và vạch trần những vi phạm các quyền hiến pháp, cũng như những hành vi tùy tiện, sự sai lầm và bất tài về phía nhà cầm quyền. Khi theo đuổi những hoạt động này, Hiến chương 77 đang thể hiện quan điểm của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội ta, vì bản thân tôi có thể đánh giá từng ngày. Trong mười hai năm qua, chúng tôi thường mời nhà cầm quyền tham gia vào cuộc đối thoại về những vấn đề này.Trong mười hai năm qua, nhà cầm quyền lờ đi công cuộc vận động của chúng tôi và chỉ là giam cầm hay truy tố chúng tôi về vai trò của chúng tôi trong Hiến chương. Tuy nhiên, chế độ bây giờ thừa nhận nhiều vấn đề mà Hiến chương đã phơi bày cách đây nhiều năm và có thể đã được giải quyết từ lâu nếu như nhà cầm quyền lưu tâm đến tiếng nói của Hiến chương. Hiến chương 77 luôn luôn nhấn mạnh đến bản chất bất bạo động và pháp luật của những hoạt động của mình. Hiến chương không bao giờ có mục tiêu tổ chức gây rối loạn trên đường phố.

Chính tôi thường công khai nhấn mạnh nhiều lần rằng mức độ tôn trọng dành cho những công dân có đầu óc chỉ trích và bất đồng chính kiến chính là mức độ tôn trọng công luận nói chung. Nhiều lần tôi thường nhấn mạnh rằng tiếp tục coi thường sự bày tỏ ôn hòa của công luận chỉ có thể dẫn đến sự phản kháng xã hội càng ngày càng công khai và mạnh mẽ. Tôi thường nói rõ sẽ chẳng có lợi cho ai nếu chính quyền cứ chờ đợi cho tới khi nhân dân bắt đầu biểu tình và tiến hành đình công, nhưng điều ấy hoàn toàn có thể tránh được dễ dàng nếu nhà cầm quyền nên bắt đầu tham gia đối thoại và tỏ ra sẵn sàng lắng nghe những tiếng nói chỉ trích.

Chưa từng bao giờ chú ý đến những lời cảnh báo như thế cho nên bây giờ chế độ mới gặt lấy những hậu quả từ chính thái độ xem thường ấy.

Tôi phải thú nhận một điều: vào ngày 16 tháng Một tôi có ý định rời Quảng trường Wenceslas ngay sau khi đặt hoa ở tượng đài. Hóa ra, tôi ở lại đấy hơn một giờ, chính vì tôi không thể nào tin vào mắt mình. Một chuyện đã xảy ra mà tôi có nằm mơ cũng không thể nào thấy. Sự ngăn cản hoàn toàn vô ích của công an đối với những người chỉ muốn âm thầm và lặng lẽ đặt hoa gần tượng đài đã thành công tức thì trong việc biến một nhóm người tình cờ đi ngang qua thành một cuộc biểu tình đông người. Tôi nhận thức chính xác rằng nếu việc như thế có thể xảy ra được thì dân chúng ắt hẳn vô cùng bất mãn.

Cáo trạng trích dẫn lời tôi nói với các nhà lãnh đạo nước ta rằng tình hình là nghiêm trọng. Thực ra tôi nói với họ tình hình còn nghiêm trọng hơn họ nghĩ nhiều. Rồi vào ngày 16 tháng Một, tôi bất ngờ nhận thức rằng tình hình còn nghiêm trọng hơn cả tôi nghĩ trước đây.

Là một công dân muốn thấy mọi sự trên đất nước mình diễn ra ôn hòa và êm thắm, tôi thành thực tin tưởng rằng cuối cùng nhà cầm quyền sẽ chú ý đến bài học ấy để bắt đầu đối thoại nghiêm túc với mọi tầng lớp trong xã hội, và không một ai sẽ bị loại ra khỏi cuộc đối thoại ấy chỉ vì họ bị quy chụp là "chống chủ nghĩa xã hội". Tôi thành thực tin tưởng rằng cuối cùng nhà cầm quyền sẽ không còn đóng vai cô gái xấu xí đập vỡ gương vì tin rằng hình ảnh trên gương thật đáng trách. Đó cũng là lý do tôi tin tưởng tôi sẽ không bị kết tội vô căn cứ một lần nữa.

(Lời tuyên bố của Václav Havel sau khi tuyên án)

Vì tôi cảm thấy không có tội nên tôi cảm thấy không có gì hối hận, còn nếu tôi phải chịu sự trừng phạt, tôi sẽ coi sự trừng phạt đối với tôi là sự hy sinh vì chính nghĩa, một sự hy sinh rất nhỏ nhoi so với sự hy sinh tuyệt đích của Jan Palach*, mà nhân ngày hy sinh ấy chúng tôi định đến tưởng niệm.

Nguồn: Bản dịch tiếng Anh của Alice và Gerald Turner. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

Chú thích

* Jan Palach là sinh viên Tiệp Khắc tự thiêu vào ngày 16 tháng Một 1969 tại Quảng trường Wenceslas ở Prague. Qua sự hy sinh cao quý nhất này anh muốn đánh thức sự vô cảm của người dân Tiệp theo sau vụ Nga xâm lăng Tiệp Khác vào ngày 20 tháng Tám 1968. (chú thích của người dịch)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét