13/6/17

Tinh thần ngày quân lực VNCH 19-6

Đỗ Hồng (Danlambao) - Danh từ "cách mạng" là để chỉ việc phá bỏ cái cũ nhằm xây dựng lại cái mới tốt đẹp hơn.

Ấy thế mà CSVN làm “cách mạng” để xóa bỏ một chế độ văn minh và thay vào bằng chế độ man rợ như nhà văn CS Dương Thu Hương than thở: "Tôi khóc ngày 30-4 vì thấy nền văn minh đã thua chế độ man rợ."(1)

Vào tháng 11/1963, các tướng lãnh miền Nam làm “cách mạng” lật đổ chế độ Cộng Hòa Nhân Vị của TT Ngô Đình Diệm, đưa chính trường miền Nam vào thời kỳ hỗn loạn với sự thay đổi liên tục gồm 3 chính phủ: Nguyễn Khánh (8/2/1964 - 3/11/1964), Trần Văn Hương (4/11/1964 - 26/1/1965) và Phan Huy Quát (16/2/1965 - 6/1965), từ năm 1963 cho tới ít nhất tháng 6/1965, lúc quân đội VNCH đứng lên nhận lãnh trách nhiệm lịch sử để đưa miền Nam trở lại tình trạng ổn định chính trị. (2)

Kể từ đó, người Việt quốc gia chính thức chọn ngày 19 tháng 6 hàng năm làm “Ngày Quân Lực VNCH”, và ngay cả sau này khi đi tái định cư ở hải ngoại, mỗi năm trong suốt 42 năm qua, họ vẫn long trọng cử hành ngày lễ đó trên khắp thế giới.

Trong giai đoạn chuyển tiếp chính phủ, vào tháng 5/1965, ông Phan Khắc Sửu được mời làm Quốc Trưởng và Bác Sĩ Phan Huy Quát tiếp tục làm Thủ Tướng. Sau đó, vào ngày 11/6 năm này, ông Phan Khắc Sửu ra tuyên cáo trao quyền lãnh đạo đất nước lại cho Quân Lực VNCH. Vào ngày kế, Hội Đồng Quân Lực đề cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đảm nhận chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, qua quyết định đề ngày 14/6/1965. (3) 

Ngược dòng lịch sử, Quân Lực VNCH được chính thức thành lập vào những ngày cuối năm 1954, sau hiệp định Geneve 20/7/1954. Mãi cho đến ngày 26/10/1955, VN được xem như chính thức giành lại chủ quyền từ người Pháp. Do đó, ngày này được chính thể Đệ Nhất Cộng Hòa chọn là Ngày Quốc Khánh và cũng có người cho đó là Ngày Độc Lập hay Ngày Quân Lực. (4)

Trước năm 1975, trong Ngày Quân Lực 19/6, thủ đô Sài Gòn có buổi diễn hành, duyệt binh và tuyên dương công trạng các đơn vị, quân dân cán chính có công trong việc bảo quốc an dân.

Sau khi quân đội VNCH bị bức tử vào ngày 30/4/1975, truyền thống tốt đẹp này vẫn tiếp tục tại khắp các nước tự do, nơi có hơn 2 triệu người Việt tị nạn công sản, để tưởng nhớ đến những anh hùng vị quốc vong thân, và thông thường là do các hội cựu quân nhân QLVNCH đứng ra tổ chức.

Nhân lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH tại News Orleans vào năm 1987, cựu Đại Tướng Westmoreland đã tuyên bố: “Thay mặt cho quân đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu quân nhân của Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn" (On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of the South Vietnamese Armed Forces for abandoning you guys.) (5) 

Trước đây, luận điệu của cộng sản VN và thành phần phản chiến tại Mỹ bóp méo sự thật, cho rằng quân đội VNCH yếu kém, không đủ sức chiến đấu nên đã thua trận nhục nhã vào cuối Tháng Tư Đen.

Sự thật, có khá nhiều nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của miền Nam. Nhưng nguyên nhân chính là CS Bắc việt đã được viện trợ vũ khí ồ ạt của khối cộng sản quốc tế mà đứng đầu là Trung Cộng và Liên Xô, trong khi QLVNCH được Hoa Kỳ trang bị phần lớn quân dụng đã lỗi thời và nhỏ giọt, và quan trọng hơn cả là họ bị cúp viện trợ, nhưng họ vẫn anh dũng chiến đấu tới cùng.

Bằng chứng điển hình về tinh thần chiến đấu anh dũng của QLVNCH là vào dịp Tết Mậu Thân 1968, cộng quân Bắc Việt lợi dụng hưu chiến đã hăm hở tràn vào các thành phố lớn ở miền Nam, nhưng giờ phút chót đã bị QLVNCH đẩy bật ra và rước lấy thất bại nhục nhã.

Theo thống kê của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH cho đến cuối tháng 3/1968, thiệt hại nhân mạng của cộng sản Bắc việt là 58.373 lính, trong khi về phía VNCH là khoảng 5.000 lính cùng về phía Hoa Kỳ và đồng minh là khoảng hơn 4.000 người. (6) 

Kế đến, vào năm 1972, trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu anh dũng của QLVNCH.

Và gần nhất là vào tháng 1/1974, Hải Quân thuộc QLVNCH đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa bị Trung Cộng xua quân xâm chiếm, trái ngược hẳn với việc lính Hải Quân CSVN cúi đầu làm bia đỡ đạn của Trung Cộng tại đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa vào tháng 3/1988 theo lệnh hèn nhát của Lê Đức Anh.

Tuy ngày nay, QLVNCH không còn nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất và sự hy sinh cao cả của họ vẫn ngàn đời được khắc ghi trong tâm khảm của những người Việt yêu nước trên khắp năm châu.

Trong công cuộc tiêu diệt nội thù và chống ngoại xâm của toàn dân VN, tinh thần đó cần được duy trì và phát huy mạnh mẽ không những chỉ trong Ngày Quân Lực VNCH 19-6 mà còn trong mỗi ngày cho tới khi nào đất nước thân yêu không còn bóng dáng một tên cộng sản nào nữa.



______________________________________________

Tài liệu tham khảo:

(1) Cuộc phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương của nhà báo Đinh Quang Anh Thái trên báo Việt Tide năm 2007:


(2) Lâm Vĩnh Thế, “Thất Bại của Các Chính Phủ Dân Sự Tại Miền Nam, 1964-1967”


(3) Phạm Phong Dinh, “Ý Nghĩa Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19/6”


(4) Chinh Nhân, "Vài Nét Về Quân Lực VNCH Và Sự Hình Thành Ngày Quân Lực 19/6"


(5) Jimmy Tòng Nguyễn, “Chào Vĩnh Biệt Đại Tướng Westmoreland”


(6) Trần Gia Phụng (Danlambao), “Tổng Kết Cuộc chiến Tết Mậu Thân (1968)”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét