Vũ Đông Hà (Danlambao) - Khi một tập đoàn cầm quyền đã vô trách nhiệm hay là đồng phạm trong một thời gian dài đối với những vấn nạn của xã hội thì người dân than oán và phải sống với "lũ". Nhưng khi cũng chính tập đoàn này bắt đầu có một động thái như-thể-là đáp ứng với một nguyện vọng nào đó của quần chúng thì nhiều người đã vỗ tay hoan hô, phấn khởi. Đó là tâm thức nô lệ, chẳng khác gì bao năm đói rét được kẻ cai trị quăng cho một miếng bánh mì và một tấm chăn mỏng manh nhưng nhiều màu sắc.
Vỉa hè bị "chiếm đóng" chỉ là một vấn đề tương đối nhỏ trong một xã hội. Cộng lại tất cả mọi vấn đề lớn nhỏ thì chúng ta cần có một tập thể để giải quyết. Tập thể đó là nhà nước. Do đó, giải quyết những vấn nạn xã hội là trách nhiệm đương nhiên của bất kỳ chính phủ nào.
Khi nói chu toàn trách nhiệm là đương nhiên có nghĩa đây chỉ là yêu cầu căn bản được đặt ra cho chức năng của chính phủ. Nhưng chu toàn trách nhiệm đó như thế nào, có hiệu quả hay không mới quan trọng hơn. Đây mới chính là lý do dẫn đến nhu cầu người dân bỏ phiếu chọn lựa những ứng cử viên có khả năng nhất để chu toàn tốt nhất những "trách nhiệm đương nhiên" của guồng máy chính phủ.
Do đó:
1. "Giải phóng vỉa hè" là "trách nhiệm đương nhiên" của Đoàn Ngọc Hải hay của một thành viên chính phủ có trách nhiệm đối với chuyện này. Thi hành "trách nhiệm đương nhiên" ấy không có gì để phải hoan hô, ca ngợi. Nó phải được xem là "job" của một nhân viên giống như "job" của một kỹ sư trong nhà máy, một y tá trong bệnh viện. Đây là công việc phải chu toàn bởi một người lãnh lương bằng tiền thuế của dân. Trong trường hợp của Đoàn Ngọc Hải nói riêng và đảng/nhà nước cộng sản nói chung, họ đã không chu toàn trách nhiệm này trong mấy chục năm qua - không chỉ với chuyện vỉa hè mà trăm ngàn trách nhiệm khác.
2. Đoàn Ngọc Hải có xứng đáng ngồi ở vị trí một cán bộ trong chính quyền không nằm ở chỗ thực hiện những công việc "đương nhiên" của guồng máy mà tùy thuộc vào việc thực hiện trách nhiệm này như thế nào, kết quả ra sao. Đó là những tiêu chuẩn, thước đo để người dân bầu một người vào vị trí cầm quyền.
Trong chiến dịch "giải phóng vỉa hè" của Đoàn Ngọc Hải, chúng ta thấy:
- Đoàn Ngọc Hải thực hiện "trách nhiệm đương nhiên" này bằng một thái độ, cung cách của một tên cường hào ác bá, một ông trời con, một cán bộ nhà nước lộng quyền.
- Đoàn Ngọc Hải có thái độ kẻ trên, miệt thị đối với người dân. Mọi công dân, ngay cả khi họ được xem là vi phạm pháp luật, đều phải được tôn trọng bởi nhân viên nhà nước - đang lãnh tiền thuế để phục vụ người dân. Ngay cả cung cách của Đoàn Ngọc Hải đối với những nhân viên nhà nước dưới quyền cũng không khác gì hành vi của một tên du đãng đàn anh đối đàn em.
- Trong tiến trình giải quyết vấn nạn vỉa hè bị chiếm cứ, Đoàn Ngọc Hải đã tự cho mình đứng trên pháp luật. Ông ta đã không lập biên bản vi phạm, không có quyết định xử phạt bằng văn bản. Theo đúng luật, ông ta không có quyền cưỡng chế, đập phá những tài sản của người dân cũng như của cơ quan nhà nước, trước khi những cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện những yêu cầu của văn bản vi phạm. Bên cạnh đó, ông Đoàn Ngọc Hải không có tư cách pháp nhân của một quan tòa để tuyên án người dân vi phạm. Mọi vi phạm của công dân phải qua tiến trình và thủ tục tố tụng là điều tra, truy tố, xét xử.
- Đoàn Ngọc Hải không có quyền xâm phạm tài sản của tư nhân lẫn tài sản công cộng khi tự ý ra lệnh đập phá. Sau tiến trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu bị tòa kết án là vi phạm thì chính những người phạm tội phải chịu trách nhiệm về việc tháo gỡ, về chi phí thực hiện. Hành động của Đoàn Ngọc Hải còn dẫn đến hệ luỵ là tiền thuế của người dân lại bị dùng vào việc sửa sang những thiệt hại công cộng mà ông cùng đồng bọn của ông đã tự tung tự tác phá.
Nhìn lại toàn bộ câu chuyện của tên cường hào ác bá đi giải phóng vỉa hè Hồ Chí Minh chúng ta thấy gì?
Chúng ta thấy:
- Thủ phạm chính của mọi vấn nạn xảy ra trên đất nước là tập đoàn cai trị cộng sản. Một vấn nạn nhỏ là vỉa hè bị chiếm đóng và chỉ có thể tồn tại trong mấy chục năm là vì có sự thông đồng, ăn chia, nộp tiền cho quan chức. Tuy nhiên, khi có nhu cầu mị dân và để lấy lòng, lấy tiếng, chỉ cần một tên quan đứng ra làm cái trách nhiệm vốn phải làm ngay từ đầu, và làm theo kiểu côn đồ, chà đạp luật pháp... một số người dân bị trị xem như đủ để mà hài lòng, hả hê và hoan hô.
- Việc sẵn sàng chấp nhận và tung hê những quan chức nhà nước đang thể hiện việc phải chu toàn những "trách nhiệm đương nhiên" của một công nhân viên nhà nước mà không cần biết chúng làm với thái độ ra sao, có tuân thủ luật pháp hay không, tôn trọng hay khinh miệt người dân, hiệu quả ra sao... cho thấy nhận thức về một chính quyền đúng nghĩa là một con số 0 trong nhiều người.
Đoàn Ngọc Hải, tên quan giải phóng vỉa hè ngày hôm nay là phiên bản mị dân của Hồ Chí Minh. Ngày xưa, đánh đúng vào khát vọng độc lập của quần chúng, Hồ Chí Minh đã núp bóng chủ nghĩa dân tộc, che giấu bản chất cộng sản để lợi dụng cướp chính quyền. Mục tiêu giải phóng dân tộc và mục tiêu giải phóng vỉa hè tuy khác nhau ở mức lớn nhỏ, vẫn là những mục tiêu tốt đẹp những nó được thực hiện bởi những tên lừa đảo, thủ đoạn, tàn ác.
Hãy xem clip Đoàn Ngọc Hải sau đây. Hắn có khác gì những tên cường hào ác bá cộng sản thời cải cách ruộng đất?
Clip tổng hợp bởi Nhật Phong (Danlambao)
Nguồn từ các clip của Tuổi trẻ online, VNExpress.
Bản chất của cộng sản trước sau vẫn như một: đưa ra những mục tiêu, bề ngoài tốt đẹp, đánh vào một khát vọng của quần chúng để mị dân. Bản chất thật của chúng, của những tên tự xưng là đại diện cho giai cấp vô sản, tận tụy phục vụ nhân dân lại một lần nữa lộ hàng và hiện rõ trên người của Đoàn Ngọc Hải: cái đồng hồ Patek Philipe và cái phôn Vertu trị giá cả trăm ngàn đô la.
02.03.2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét