15/4/17

Đạp đất - vá trời

Hà Hải Nam (Danlambao) - Bài này chỉ nêu lên những sự việc đã xảy ra kể từ ngày ông Donald Trump trở thành vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, bao gồm những việc ông đã và đang làm, kèm theo những phê phán, chỉ trích, chống đối, ủng hộ từ các nhà lập pháp, chính trị gia, bình luận gia Hoa Kỳ hoặc thế giới v.v... Bài viết chỉ đưa ra những điều mắt thấy, tai nghe và một vài quan điểm cá nhân thông thường.

Cho tới ngày hôm nay, Tổng Thống Donald Trump (TT. DT) đã lên nhậm chức được 84 ngày, một con số quá nhỏ so với nhiệm kỳ 4 năm. Ông đã hứa với cử tri những gì trong thời gian tranh cử và đã làm được những gì kể từ ngày nhậm chức?

A. Những điều hứa hẹn trong thời gian tranh cử

1) Xây bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mễ và bắt chính phủ Mễ thanh toán chi phí.

2) Hủy bỏ Obamacare và thay thế bằng một Healthcare khác tốt hơn.

3) Đưa ra luật thuế mới, có lợi cho giới nghèo và trung lưu.

4) Trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp.

5) Không cho / giới hạn người Hồi Giáo nhập cư Hoa Kỳ.

6) Sửa sang lại hệ thống đường sá, cầu cống.

7) Tạo công ăn, việc làm cho dân.

8) Rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước TPP và hiệp ước khí hậu hâm nóng toàn cầu.

B. Những việc đã làm và hệ quả của nó

1) TT. D Trump khởi sự làm việc tại Tòa Bạch Ốc ngày thứ hai 23-01-2017, công việc đầu tiên ông thực hiện là ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước mậu dịch TPP. Chưa biết hậu quả ra sao?

2) Xây bức tường dọc theo biên giới Mỹ-Mễ và bắt chính phủ Mễ trả phí tổn. Ông đã gặp sự chống đối kịch liệt của Tổng Thống và nhân dân Mễ, cương quyết không thỏa mãn đòi hỏi của TT. D Trump, dẫn đến việc TT Mễ hủy bỏ cuộc gặp gỡ với TT. D Trump. Thua me gỡ bài cào: TT. D Trump đưa lá bài thương mại “mậu dịch”, đánh thuế 45% hàng nhập cảng từ Mễ và dùng số tiền thuế thặng dư này vào việc xây bức tường / hàng rào. Ông quên rằng chính phủ Mễ cũng sẽ làm tương tự như ông. Điều này đưa tới chiến tranh “mậu dịch” giữa 2 quốc gia, hậu quả là không có lợi cho cả đôi bên. Ông bèn hủy bỏ kế hoạch này và xoay sang kế hoạch thứ hai: “ngân sách”, cắt bớt ngân sách “bộ” (Department) này, xén bớt ngân sách “bộ” kia và dùng một phần số tiền cắt xén đó bỏ vào chi phí cho bức tường /hàng rào. Nếu kế hoạch được lưỡng viện chuẩn thuận thì chi phí xây hàng rào lại là tiền thuế của dân chứ không phải tiền của chính phủ Mễ trả như ông muốn. Dự án ngân sách của ông sẽ còn gặp nhiều gay go lắm, liệu có được lưỡng viện chuẩn thuận hay không? Nếu lưỡng viện không chấp thuận thì chi phí xây bức tường / hàng rào lấy ở đâu ra để thanh toán với chi phí lên tới 20 tỉ dollar hay nhiều hơn? Theo sự thăm dò của giới truyền thông: hơn 50% dân chúng không ủng việc xây bức tường / hàng rào và nhiều nhà lập pháp cũng chống lại việc này. Họ cho rằng đó là việc làm vô bổ và quá tốn kém. TT. D Trump bắt đầu nếm mùi thất bại trong “chính trường”. Một điều hứa với cử tri đã không được thực hiện như đã hứa.

3) Trục xuất di dân bất hợp pháp

Di dân là những người đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân hay gia đình, họ là những người đang gặp khó khăn về kinh tế hay chính trị tại quốc gia họ. Họ là những người đáng thương hơn đáng ghét cho dù là nhập cư bất hợp pháp.

Giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp tại Hoa Kỳ là một bài toán khá phức tạp. Các vị Tổng Thống tiền nhiệm cũng đã áp dụng các biện pháp trục xuất những di dân bất hợp pháp nhưng thông thường là những “di dân phạm pháp”, trường hợp các di dân không phạm pháp thì phải cân nhắc và cứu xét kỹ lưỡng hơn tùy theo từng hoàn cảnh. TT. DT lúc tranh cử đã hứa với cử tri là sẽ trục xuất hết 11 triệu di dân bất hợp pháp (ông không nói rõ trong thời gian bao lâu), một con số quá lớn và việc trục xuất sẽ phức tạp vô cùng nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Tuy nhiên cơ quan di trú cũng đã thi hành lệnh của TT. DT và đã gặp phải sự chống đối của các cơ quan trong ngành hành pháp như tại tiểu bang California, tiểu bang Washington, New York v.v... Nếu một gia đình cha & mẹ là di dân bất hợp pháp, con cái là công dân Mỹ (sinh đẻ tại Mỹ) đang ở tuổi vị thành niên, cơ quan di trú quyết định như thế nào về số phận của gia đình này? nếu thi hành theo đúng luật pháp, trục xuất cha mẹ thì con cái họ ai nuôi nấng, chăm sóc?

4) Cấm dân Hồi Giáo vào Hoa Kỳ

Ngày 27-01-2017, TT. DT ký sắc lệnh đình chỉ tạm thời chương trình nhận người tỵ nạn trong thời gian 120 ngày và cũng tạm thời cấm vào Mỹ công dân của 7 quốc gia Hồi Giáo (Syria, Iran, Iraq, Somalia, Yemen, Libya, Sudan) trong vòng 90 ngày. Ngày đầu tiên áp dụng sắc lệnh đã tạo ra sự hỗn loạn tại nhiều phi trường ở Hoa Kỳ và trên thế giới, sự phẫn nộ và phản đối của hành khách trên các chuyến bay bùng phát dữ dội tại các phi trường. Người dân và các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng phẫn nộ và phản đối nhất là các quốc gia Hồi Giáo sự phẫn nộ còn mãnh liệt hơn nhiều. Gặp phải sự phê phán kịch liệt về tính chất “kỳ thị tôn giáo” trong sắc lệnh, chính quyền Donald Trump phải lật đật sửa lại một vài chi tiết, một vài danh từ trong sắc lệnh và rút tên Iraq ra khỏi danh sách 7 quốc gia Hồi Giáo. Chương trình này còn tạo khó khăn cho những công ty có nhân viên là người nước ngoài làm việc theo giao kèo. Một số những đại công ty kỹ thuật điện toán như Apple, Microsoft, IBM, v.v... sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc thuê mướn các chuyên viên nước ngoài có năng khiếu và kiến thức cao. Một sắc lệnh mang tính giới hạn xâm nhập nhân tài nước ngoài.

5) Hủy bỏ Obamacare

Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện, nhân vật đầu não đảm trách việc “hủy bỏ Obamacare”, (dĩ nhiên là sau lưng ông còn một nhóm người phụ tá) và thay thế bằng một Healthcare khác (tạm gọi là Trumpcare?) tốt hơn. Sau khi Trumpcare hoàn tất, Ryan dự định đem ra trình làng (hạ viện) ngày 24-3-2017 với hy vọng được thông qua tại Hạ Viện để đưa lên thượng viện cứu xét tiếp nhưng phải hoãn lại vì có sự chống đối của 32 dân biểu Cộng Hòa thuộc nhóm “bảo thủ cực hữu” (freedom caucus) sau sự thương lượng thất bại của Ryan và Trump với nhóm trên. Ryan âm thầm đưa Trumpcare vào bóng tối, thế là lại thêm một thất bại nữa của TT. DT, một thất bại ê chề, thê thảm không những làm 2 ông Ryan và Trump ăn không ngon, ngủ không yên mà nhiều nhân vật then chốt trong Tòa Bạch ốc cũng mất ăn, mất ngủ, vò đầu, bứt tai. Paul Ryan vẫn hứa hẹn sẽ cho ra mắt trở lại sau khi đã sửa đổi với quyết tâm đánh bại Obamacare. Chúng ta hãy chờ xem: thành công hay thất bại? tốt hơn hay tệ hơn? cho tới giờ phút này vẫn chưa có câu trả lời.

6) Tạo công ăn việc làm

TT. DT đã tiếp xúc với một số CEO của các hãng sản xuất xe hơi yêu cầu họ đừng dời cơ xưởng ra nước ngoài hoặc đem các cơ xưởng từ nước ngoài về lại HK. Kết quả không được khả quan lắm tuy nhiên cũng làm ông hài lòng phần nào.

C. Tomahawk và cuộc nội chiến tại Syria

Ngày 6-4-2017, TT. D Trump ra lệnh bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào phi trường quân sự Shayrat của Syria ngay sau khi phát giác nhà cầm quyền Syria đã thả bom hóa học (chứa hơi độc Sarin) vào nơi cư ngụ của thường dân làm thiệt mạng gần 80 người và làm bị thương hơn 100 người khác. Trước khi bàn tiếp về chiến sự tại Syria, chúng ta hãy tìm hiểu xem động cơ nào đưa tới cuộc nội chiến tại quốc gia này?

1) Cuộc “Cách mạng Hoa Lài”

Anh Mohamed Bonazizi, công dân Tunisia, sau khi tốt nghiệp đại học đã không kiếm nổi một việc làm sau thời gian khá dài, anh thôi kiếm việc, vay tiền bạn bè mua một chiếc “xe đẩy” (giống như những chiếc xe bán bánh mì thịt hay nước sinh tố ở VN), hàng ngày anh đẩy xe đi bán thực phẩm trên vỉa hè ở những nơi đông người qua lại để nuôi cha mẹ già, chỉ sau một thời gian ngắn hành nghề, anh bị cảnh sát cấm không cho anh buôn bán kiểu này nữa, hành hung anh và đập phá tan tành chiếc xe của anh. Vì quá uất ức và phẫn nộ về hành vi côn đồ, ức hiếp dân của cảnh sát nên anh đã “tự thiêu”để kết liễu cuộc đời, để gửi một thông điệp đến chính phủ và nhân dân Tunisia. Giới truyền thông ngay lập tức đăng tải tin này trên báo chí, ngày hôm sau (18-12-2010) nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên toàn lãnh thổ Tunisia để phản đối hành động vô nhân đạo của cảnh sát. Số người tham gia ngày càng đông và chuyển thành cuộc biểu tình phản đối chính phủ về: độc tài, tham nhũng, tự do, dân chủ, nạn nghèo đói. Kết quả, sau nhiều tuần lễ biểu tình, tổng thống Tunisia, ông Zine El Abidine Ben Ali phải trốn sang Saudi Arabia (14-01-2010) sống lưu vong và nhường quyền lãnh đạo đất nước cho phe nổi dậy. Cuộc cách mạng thành công và người ta gọi nó là “cuộc Cách mạng Hoa Lài”, một cái tên rất thơm & romantic.

2) Cuộc “cách mạng Mùa Xuân Ả-Rập”

Cuộc cách mạng “hoa nhài” thành công ở Tunisia, sau đó lan tràn sang các nước láng giềng Algeria, Ai-Cập, Libya, Jordan, Yemen, rồi tới Syria và đổi tên thành cách mạng “mùa Xuân Ả-Rập”. Tiếc thay, trong số những quốc gia kể trên chỉ có chính quyền của 2 quốc gia bị lật đổ là Ai-Cập ngày 11-02-2011, tổng thống Mubarak phải từ chức và quốc gia thứ hai là Libya bị lật đổ ngày 20-10-2011, tổng thống Gaddafi bị giết chết.

Làn sóng cách mạng “mùa Xuân Ả-Rập” tiến tới Syria (ngày 26-01-2011) khởi đầu bằng những cuộc biểu tình nhỏ ở một vài thành phố, sau đó lan rộng trên nhiều thành phố với số người tham gia ngày càng đông, đồng thời những cuộc đàn áp đẫm máu cũng gia tăng theo. Phe chống đối nhảy vào vòng chiến, ủng hộ lực lượng biểu tình. Cuộc nội chiến bắt đầu, dần dần bị quốc tế hóa với Mỹ trực tiếp hỗ trợ phe nổi dậy và Nga hỗ trợ phe chính phủ của Bashar al-Assad.

Làn sóng cách mạng tại Trung Đông rất tiếc phải dừng lại tại Syria (đồng minh của Liên Sô từ thời chiến tranh lạnh). Hoa Kỳ muốn Assad phải ra đi, còn Liên Sô muốn giữ Assad lại với bất cứ giá nào. Cuộc nội chiến đẫm máu bất phân thắng bại tai Syria kéo dài 6 năm trời và đã cướp đi mạng sống của hơn 250.000 sinh mạng.

Trở lại vấn đề Tomahawk và TT. D Trump. Sau khi Hoa Kỳ phóng 59 hỏa tiễn Tomahawk vào phi trường quân sự Shayrat ở Syria, đã tạo ra các phản ứng khác nhau tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới.

* Các quốc gia ủng hộ hành động của Hoa Kỳ gồm có: Canada, Úc, Pháp, Đức, Do Thái, Thổ nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Nhật, Anh, Ý.

* Các quốc gia chống đối: Nga, Iran. Đây là 2 đồng minh của Syria.

* Các quốc gia không có ý kiến: Trung Quốc, Thụy Điển.

Dân chúng Hoa Kỳ, một số tán đồng hành động (Tomahawk) của chính quyền Donald Trump và được đánh giá là một “điểm son nhỏ” cho chính sách đối ngoại của ông (nhận định của các phân tích gia). Để lấy lại niềm tin (của những người ủng hộ ông) đã mất trong chính sách đối nội, ông đã dùng ván bài Syria để củng cố uy tín, đồng thời gửi tới Bắc Hàn một “thông điệp đỏ” cảnh cáo Kim jong Un. Bắc Hàn là một quốc gia có khả năng tự vệ bằng vũ khí nguyên tử còn Syria không có khả năng tự vệ như vậy cho nên TT. DT phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có bất cứ hành động gì với Bắc Hàn.

Chính sách “đối nội”, TT. DT chưa đạt được một điểm son nào cả, từ hết thất bại này đến thất bại kia, hết người này chỉ trích đến người kia phê bình dẫn đến sự rối loạn trong Tòa Bạch Ốc vì những bất đồng ý kiến hay quyền lực cá nhân tại nơi đây.

Trung Tướng Mike Flynn, cố vấn An Ninh Quốc Gia, bị TT. DT cách chức chỉ sau gần 2 tháng tại chức đã làm uy tín của TT. DT suy giảm. Mới đây ông quyết định đưa chiến lược gia hàng đầu Steve Bannon ra khỏi Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và thay thế bằng cậu con rể Jared Kushner, việc thay thế này đã tạo ra mối bất hòa lớn giữa Kushner và Bannon và một lần nữa lại gây ra sự xáo trộn trong Tòa Bạch ốc. Hai ông có nhiều điểm bất tương đồng. Steve Bannon theo chủ nghĩa “dân tộc cực đoan”, chủ trương “kinh tế cô lập hóa” và có đầu óc cực kỳ kỳ thị, coi “người da trắng thượng đẳng” (white supremacy), khi TT. DT quyết định chọn Bannon làm chiến lược gia, đã có sự phê phán, chỉ trích của một số các nhà lập pháp nhắm vào Bannon. Jared Kushner không theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và có chủ trương “kinh tế toàn cầu hóa”. Chủ trương “kinh tế cô lập hóa” và quan điểm coi Trung Quốc (TQ) là kẻ thù số một của HK của Bannon (đây cũng là quan điểm của Donald Trump khi ra tranh cử), đã đi ngược lại chủ trương của Kushner, đó là một trong những động cơ khiến Bannon bị đẩy ra khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia khi TT. DT đồng tình với quan điểm của Kushner. TQ là thị trường béo bở của gia đình TT.DT, làm ăn thương mại với TQ, lợi nhuận mang về cho gia đình Donald Trump có thể lên đến hàng vài trăm triệu dollar mỗi năm, vậy thì làm sao coi TQ là kẻ thù được. Bannon đã sai khi coi TQ là kẻ thù, việc mất chức của ông là điều tất yếu. Ngoài ra dư luận còn cho rằng khi TT. DT đưa con gái (Ivanka Trump) và con rể J. Kushner vào những chức vụ “cố vấn” trong Tòa Bạch ốc, mang đầy sắc thái “gia đình trị” (Nepotism).

TT. DT được mệnh danh là vị TT không có đường lối / chính sách rõ rệt, và luôn thay đổi hướng đi theo kiểu “gió chiều nào che chiều đó” hay “quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại mới là quân tử khôn”, điều này đã tạo ra sự khó khăn cho chính ông khi cần đồng minh hậu thuẫn. Cùng một vấn đề ông có thể đưa ra 2 tuyên bố trái ngược nhau có khi chỉ cách nhau vài phút hoặc vài giờ. Đây là một “chiến thuật” hay là một “lỗi lầm”? Một chính trị gia kinh nghiệm và lỗi lạc thường phải có một chính sách rõ rệt và một hướng đi vững chắc.

Ông còn phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn trong nội các.

* Hàn gắn những rạn nứt trong đảng, giữa một số những nhà lập pháp với chính ông.

* Giải quyết sự rối loạn trong Tòa Bạch ốc, sự tranh giành quyền lực cá nhân, sự bất đồng ý kiến của phe phái hay cá nhân.

* Ông còn phải đương đầu với những cáo buộc liên hệ với các nhân viên của chính quyền Nga trước và trong cuộc bầu cử 2016. Vụ Trung tướng Mike Flynn đã liên lạc nhiều lần với các viên chức cao cấp Nga là mối lo ngại lớn của TT. DT. Liệu ông Flynn có dám tự ý làm công việc này không? hay ông hành động theo chỉ thị của ông Donald Trump hay một nhân vật nào khác? Sự việc còn đang trong vòng điều tra. Chúng ta hãy chờ đón kết quả.

* Một vụ khác nữa là: TT. DT “cáo buộc” (không bằng chứng) TT. Barack Obama đặt máy nghe lén tại văn phòng làm việc của ông ở tòa lầu Trump Tower Center trong thời gian tranh cử TT. 2016. Mặc dù FBI đã xác định không có vụ nghe lén này nhưng TT. DT vẫn đòi hỏi một cuộc điều tra.

Hai vấn đề nóng bỏng hiện nay trên bàn cờ quốc tế là: Syria và Bắc Hàn. Trong cuộc họp tại Mạc Tư Khoa mới đây giữa ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Nga đã minh định rằng “Nga sẽ đứng về phía Syria”. TT. DT nghĩ sao về lời tuyên bố này? Vấn đề Syria cho chìm xuồng hay sẽ tiến thêm một bước trừng phạt nữa? Vấn đề Bắc Hàn, TT. DT nhờ TQ giúp một tay để giải quyết (chương trình nguyên tử, thử nghiệm phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn) và dọa nếu TQ không hành động thì HK sẽ đơn phương hành động. Chúng ta hãy chờ xem “danh thủ cờ tướng” nào là người thắng cuộc trong “giải cờ tướng” tay ba (Donald Trump, Kim Jong Un, Tập Cận Bình) trên bàn cờ quốc tế hiện nay?

Từ ngày bắt tay vào làm việc tại Tòa Bạch ốc cho tới nay, TT. DT đã đưa nhiều ý kiến nẩy lửa lên mạng lưới Twitter làm rúng động cả thế giới. Nào là chê NATO lỗi thời (cách đây vài ngày ông không còn chê nữa), bắt tay thân thiện với Putin (kẻ thù của HK), ca ngợi Putin hết lời, coi TQ là kẻ thù đã cướp công ăn, việc làm của người Mỹ và hứa sẽ lấy lại những việc làm đó từ tay TQ, dọa hủy bỏ hiệp ước NAFTA giữa Mỹ, Mễ và Canada, xây bức tường dọc biên giới Mỹ-Mễ, bắt chính phủ Mễ trả chi phí, lạnh nhạt với các quốc gia trong khối liên hiệp Âu Châu, chỉ trích chính sách di dân (Hồi Giáo) của Pháp và Đức v.v... Đây là giấc mơ “vẽ lại khuôn mặt của người Mỹ và nước Mỹ” của TT.DT (Make America Great Again), một giấc mơ “đạp đất, vá trời”, nó đang là một khối nước đá (ice- cube) phơi ngoài trời nắng. Thực ra với thời gian chưa đầy 100 ngày, khó mà có câu kết luận cho sự thành công hay thất bại của ông trong nhiệm kỳ kéo dài 4 năm.

15.04.2017

0 nhận xét:

Đăng nhận xét