Trần Nhật Phong (Danlambao) - Chọn lựa cơ chế nào là do chính các bạn quyết định, không ai quyết định cuộc đời của bạn và con cháu của các bạn cả, trừ phi các bạn “hèn”, “buông xuôi”, “mặc cho số phận”, để những kẻ khác thao túng cuộc sống của các bạn và chính con cháu của các bạn, muốn con cháu các bạn có đời sống như chúng tôi và con cháu chúng tôi, các bạn phải tự mình tranh đấu, hy vọng các bạn đã nhìn ra sự bất công các bạn đang chịu đựng, và được che đậy bằng cái gọi là “thành quả rực rỡ của cách mạng”, để các bạn hiểu rõ, mảnh đất các bạn đang sinh sống, những con người đang sống trên mảnh đất đó, đang bị sự khinh bỉ, dè bỉu của cả cộng đồng quốc tế, chứ không phải như chiếc bánh vẽ mà các bạn tưởng là “mảnh đất đáng sống” đâu.
*
Nhiều bạn trẻ lại inbox cho tôi, so sánh những thiên tai ở Hoa Kỳ với Việt Nam, cho rằng thiên tai thì không nơi nào tránh khỏi, và sự tàn phá của thiên tai ở Mỹ có khác gì ở Việt Nam đâu, sao cứ dùng chuyện này đề đả kích nhà nước?
Đúng chứ! Đã gọi là thiên tai thì làm sao tránh khỏi, nước Mỹ mà tôi đang sinh sống, ở California luôn phải đối diện với tiềm năng động đất, phải chịu đựng hạn hán trong nhiều năm dọc các bờ biển miền đông Hoa Kỳ, năm nào cũng phải đương đầu với các trận bão từ Đại Tây Dương, các tiểu bang trong lòng nước Mỹ như Kansas, Kentucky, có năm nào mà không bị tàn phá bởi những cơn lốc xoáy, các tiểu bang miền nam như Louisiana, Mississippi có năm nào mà không lụt lội.
Chính phủ của chúng tôi ứng phó như thế nào với những thiên tai nói trên? Họ đã làm rất nhiều việc để ứng phó, và tiền chính là từ nguồn thuế của chúng tôi đóng hàng năm, hàng tháng, chính phủ chúng tôi không sử dụng tiền của dân chúng để xây tượng đài vô tội vạ, không sử dụng tiền thuế của chúng tôi để trả lương cho những nhân viên vô tích sự, không sử dụng tiền thuế của chúng tôi để… đi chữa bệnh ở nước ngoài.
Tại California, do đường nứt San Andre kéo dài từ khu sa mạc miền nam California đến tận San Francisco, chúng tôi luôn trong tình trạng xảy ra động đất bất cứ giờ phút nào, mà hàng năm vẫn có những trận động đất nhỏ diễn ra.
Để giảm thiểu về thiệt hại nhân mạng, chính phủ tiểu bang chúng tôi qui định, cất nhà không quá 3 tầng, muốn xây một cao ốc nhiều tầng, bản vẽ phải phù hợp các qui định trong đó bao gồm nền móng có thể chống nổi mức tương đối của động đất, các chất liệu xây dựng phải đúng qui định của chính phủ, để giảm bớt các tiềm năng nguy hiểm cho mạng sống con người, như sườn nhà bằng gỗ, vách nhà thông thường là tường bằng bột ép (dry wall). Còn nếu là các tòa nhà thương mại (commercial building), thì đòi hỏi các sườn nhà phải bằng thép (Stainless steel).
Mỗi dự án xây dựng, đều được chuyên viên của chính phủ đến kiểm tra, ví dụ xây nền móng, phải đúng qui định độ sâu bao nhiêu, dùng xi măng và cốt sắt như thế nào, đường ống thoát nước dơ và đường ống dẫn nước sạch ra sao? Hệ thống điện và Gas phải dùng nguyên liệu gì cho an toàn, đặc biệt là hệ thống gas, đòi hỏi mức an toàn cao một khi có động đất, nếu không đúng thì chuyên viên bắt buộc không ký giấy, và nếu họ không ký thì những bước xây dựng kế tiếp phải ngưng trệ.
Còn ở những tiểu bang nằm giữa Hoa Kỳ đối diện với những cơn lốc xoáy hàng năm, đa số nhà đều phải có hầm (basement), giúp cho người dân tránh những trận lốc xoáy mãnh liệt, có thể cuốn phăng đi những ngôi nhà.
Các tiểu bang miền nam thì nhà luôn có cột theo kiểu nhà sàn, và được xây cao hơn bình thường để giảm bớt những thiệt hại về lũ lụt, trong khi các tiểu bang bờ biển miền đông, chính phủ luôn dự trữ các bao cát, ván gỗ, cung cấp cho người dân mỗi khi sắp sửa có những trận bão đánh vào từ Đại Tây Dương.
Đó là những luật lệ qui định của chính phủ, nhằm giúp người dân giảm thiểu các thiệt hại nhân mạng, bên cạnh đó chính phủ còn khuyến khích người dân mua bảo hiểm cho các tài sản như nhà, đất đai, để khi có thiên tai, người dân được các hãng bảo hiểm bồi thường và họ có tài chánh để sửa sang lại.
Bên cạnh việc ứng phó với những thiên tai, chính phủ luôn có những luật lệ cứng rắn để đối phó với nhân họa. Đặc biệt là đối với môi trường sống của dân chúng Hoa kỳ luôn được chính phủ ưu tiên hàng đầu.
Các đạo luật gắt gao về ô nhiễm luôn được công chúng Hoa kỳ bỏ phiếu thông qua, nhằm tạo ra môi trường sạch sẽ hơn. Hàng trăm triệu chiếc xe phải tuân thủ luật kiểm soát khí thải của chính phủ (Smog check), các công ty công nghiệp nặng, phải tuân thủ những qui định nghiêm ngặt về xử lý những chất thải công nghiệp, muốn phát triển hay mở một công ty có tiềm năng gây nguy hại môi trường, những nhà đầu tư buộc phải chứng minh làm sao xử lý những chất thải công nghiệp, và cách xử lý có thuyết phục hay không? Nhiều khu vực các chính quyền địa phương phải mở ra nhũng cuộc họp khoáng đại, và tổ chức cho người dân bỏ phiếu là chấp thuận hay không? Đôi khi chính quyền địa phương chấp thuận, nhưng lại bị chính quyền tiểu bang hay liên bang phản đối thì dự án cũng không thực hiện được.
Bên cạnh những qui định nghiêm ngặt về môi trường, chính phủ luôn khuyến khích người dân trồng cây xanh nơi họ cư ngụ, đa phần các thành phố trên toàn quốc, đều qui định tối thiểu phải có 12% cây xanh trên tổng diện tích của một khu đất. Nhiều thành phố, nhất là những thành phố gần sa mạc, có cả chương trình tài trợ cho dân chúng trong kế hoạch trồng cây xanh, vừa có nguồn thu cho dân chúng về trồng trọt nông nghiệp, vừa tạo cho môi trường được tươi sạch cho tương lai.
Các dự án xây dựng thêm đường phố cũng vậy, những công ty trúng thầu đều phải chứng minh khả năng hoàn tất dự án của họ. Nơi tôi ở, vài năm trước đây, chính quyền quận có dự án mở rộng các xa lộ (freeway) để đáp ứng với nhu cầu ngày càng đông đúc cư dân, gây ra nạn kẹt xe. Họ buộc công ty trùng thầu dự án phải bảo đảm tiến độ xây dựng đúng thời hạn, và nếu bị trễ thì công ty này bị phạt lên đến một triệu Mỹ kim cho một ngày bị trễ hạn, và cứ thế nhân lên. Nhờ qui định nghiêm ngặt đó, mà những công ty trúng thầu không bao giờ dám trễ nải các dự án, khiến cho cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, đó là chưa kể họ phải chứng minh nhiều thứ khác như nguồn tài chánh của dự án từ đâu trước khi được quận chi trả, các nguyên liệu được sử dụng trong dự án là gì, bảo đảm được bao nhiêu năm, nguồn gốc của nguyên liệu từ đâu v.v…
Bạn muốn xây dựng một khu đất trong thành phố thành một khu thương mại, ngoại trừ những qui định về an toàn như phòng chống động đất, phòng chống thiên tai, bạn còn phải trình lên bản vẽ sơ đồ, bạn xây càng lớn, càng nhiều thì qui định đòi hỏi cũng càng tăng theo, ví dụ bãi đậu xe đòi hỏi tối thiểu đậu được bao nhiêu chiếc, theo kích thước mà bạn muốn xây, 10 căn thì bao nhiêu chiếc xe có thể đậu, 20 căn thì bao nhiêu chiếc xe, không phải bạn muốn xây bao nhiêu là xây.
Để bảo đảm an toàn cho đời sống và môi trường của người dân, những cơ quan kiểm soát của chính phủ đều thuê mướn những chuyên gia làm việc, muốn trở thành chuyên gia của chính phủ, các bạn phải trải qua những cuộc phỏng vấn hay thi rất nghiêm ngặt, ngoại trừ những cuộc phỏng vấn hay thực hành để chứng minh khả năng, khi được nhận bạn sẽ có thời hạn 3 tháng để minh khả năng trước khi được nhận chính thức, trong thời gian 3 tháng đó bạn không chỉ chứng minh khả năng làm việc, mà còn thái độ làm việc hay cách ứng xử. Nhiều thành phố hay quận hạt, còn đòi kiểm tra hồ sơ cá nhân của bạn xem bạn có bị kỷ lục xấu hay không, nợ nần của bạn như thế nào, có ảnh hưởng đến công việc làm của bạn hay không, nhằm ngăn chặn những tiêu cực tham nhũng có thể xảy ra.
Mỗi khi thành phố hay quận hạt có việc làm mở ra (open job), thì có đến hàng ngàn lá đơn xin việc, bạn sẽ vượt qua tất cả những người khác để vào vị trí số 1 mới được thuê mướn, không có tình trạng “thẻ đảng” được ưu tiên nhé.
Vài năm trước đây, ở thành phố Garden Grove, ông thị trưởng có tên là Bruce Broad Water, dùng uy thế cá nhân của ông để can thiệp cho con trai ông được làm lính cứu hỏa, vì anh này đã không vượt được cuộc thi khảo hạch của sở cứu hỏa, kết quả không những anh chàng này không được nhận, mà ngay cả ông Broad Water cũng mất luôn chức thị trưởng thành phố về tay cho Bảo Nguyễn một ứng cử viên gốc Việt. Cho thấy trong xã hội minh bạch, việc bổ nhiệm hay thuê mướn nhân viên làm việc cho chính phủ, đều phải trải qua những cuộc khảo hạch gắt gao, không phải có “thẻ đảng” chống lưng là “đúng qui trình”.
Chính vì những minh bạch rõ ràng từ luật lệ, qui định mà nơi chúng tôi đang sinh sống, người dân an tâm và đặt niềm tin vào chính phủ, vì những luật lệ, qui định do chính người dân chúng tôi bỏ phiếu, và chúng tôi chịu trách nhiệm với những gì chúng tôi quyết định, không ai có thể áp đặt luật lệ cho chúng tôi. Do đó chúng tôi giảm được rất nhiều những thiệt hại từ “nhân họa”, và luôn đứng vững vàng trước các “thiên tai”.
Còn xứ sở mà các bạn đang sinh sống, luật lệ thì lỏng lẻo, lương chính phủ thì không đủ sống, con cái quan chức thì nhờ quan hệ leo lên ghế lãnh đạo ban ngành nhưng lại không có khả năng làm việc, các vị trí lãnh đạo ban ngành thì phải có “thẻ đảng”, dù bạn có tài năng cỡ nào, có bản lãnh cỡ nào cũng chỉ đứng khoanh tay chờ “lệnh”, các bạn không có cơ hội tạo ra sự thay đổi bởi vì “cơ chế nó như vậy”.
Chúng tôi cũng giống như các bạn, hàng ngày vẫn phải đương đầu với các tiềm năng nguy hiểm về thiên tai, nhân họa, nhưng chúng tôi có một chính phủ chịu trách nhiệm với công chúng, có những lãnh đạo sẵn sàng chịu trách nhiệm khi ban ngành của họ xảy ra vấn đề, người đứng đầu luôn tỏ thái độ chịu trách nhiệm bằng việc từ chức, sẵn sàng bị truy tố ra tòa và nhận án tù về sự sơ xuất của bản thân hay các nhân viên dưới quyền làm việc.
Còn xứ sở của các bạn đang sinh sống, kẻ gây ra thảm họa môi trường thì được bảo vệ đến tận răng, ống nước sông Đà bị bễ hàng chục lần thì được miễn truy tố vì “nhân thân tốt”, xã lũ khiến cho mất mạng người thì “khiển trách, kỷ luật nội bộ”, ban ngành có vấn đề thì… lỗi của “thằng tiền nhiệm” mắc mớ chi tôi.
Ở xứ sở pháp trị của chúng tôi, thì trước luật pháp ai cũng như ai, bất kể tổng thống hay kẻ ăn mày đều như nhau, cũng phải cất tiếng thưa “Your Honor! Thưa quan tòa!” Còn ở xứ sở của các bạn, pháp luật chỉ áp dụng với dân đen thôi, còn kẻ có “thẻ đảng”, có “nhân thân tốt”, có “công với cách mạng” thì pháp trị chả là cái gì cả, những kẻ đó được những “nghị định”, “thông tư” của “đảng” “bảo kê” rồi, đó chính là sự khác biệt giữa cuộc sống của chúng tôi và các bạn, và đương nhiên con cháu chúng tôi ra đời trong môi trường sạch sẽ hơn, sinh hoạt trong xã hội lành mạnh hơn, biết chịu trách nhiệm cho cuộc sống và xã hội nhiều hơn so với con cháu của các bạn, vì họ trưởng thành trong chế độ “đảng trị” chứ không phải là pháp trị.
So sánh là khập khễnh, câu nói này chỉ đúng một nữa thôi, phải so sánh để hiểu rõ chế độ nào thích hợp với bản thân và gia đình các bạn, chứ không phải so sánh để nói tôi hơn bạn hay bạn hơn tôi, mà phải so sánh để tự hỏi lại bản thân tại sao xứ sở của người ta có một chế độ, một cơ chế tốt, tại sao con em ở xứ sở của người ta chưa ra trường đã có các công ty gọi mời làm việc, còn xứ sở của các bạn, con em ra đường thì “bề hội đồng”, lên Facebook thì văng tục chửi bới, tốt nghiệp xong phải dấu bằng đại học để làm cu li, tại sao con em của kẻ có “thẻ đảng” thì tung tăng du học ở Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Thụy Sĩ, còn con em của các bạn thì “xuất khẩu lao động” làm Osin, làm cu li cho những quốc gia như Nga Sô, Ukraine, Trung Quốc, Cộng hòa Czech.
Chọn lựa cơ chế nào là do chính các bạn quyết định, không ai quyết định cuộc đời của bạn và con cháu của các bạn cả, trừ phi các bạn “hèn”, “buông xuôi”, “mặc cho số phận”, để những kẻ khác thao túng cuộc sống của các bạn và chính con cháu của các bạn, muốn con cháu các bạn có đời sống như chúng tôi và con cháu chúng tôi, các bạn phải tự mình tranh đấu, hy vọng các bạn đã nhìn ra sự bất công các bạn đang chịu đựng, và được che đậy bằng cái gọi là “thành quả rực rỡ của cách mạng”, để các bạn hiểu rõ, mảnh đất các bạn đang sinh sống, những con người đang sống trên mảnh đất đó, đang bị sự khinh bỉ, dè bỉu của cả cộng đồng quốc tế, chứ không phải như chiếc bánh vẽ mà các bạn tưởng là “mảnh đất đáng sống” đâu.
5/11/2016
0 nhận xét:
Đăng nhận xét