Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Tháng 4, khi không được chạm ngay nhạc phẩm độc đáo của nhạc sĩ Vĩnh Điện, đặc biệt qua tiếng-hát-lên-trời nồng ấm tôi vốn say mê ở bên kia bờ Thái Bình Dương vọng sang mãnh liệt như chưa bao giờ, lẽ nào tôi và cả bao người không rơi vào xúc động. Tháng 4 vẫn đen như đêm 30 lại lững thững trở về rồi sao. Bốn mươi hai năm nước chảy qua cầu liệu quá đủ cho một đất nước vẫn cố tình xô đẩy giống nòi anh em rạn vỡ phân cách, những nhịp chân tủi buồn tiếp tục bỏ phiếu ra đi, những cái đầu ngu lâu hèn bền vẫn ra rả 365 ngày lời-cá-tháng-4...
Hẳn nhiên với nhiều người trong chúng ta, tháng 4 mãi mãi đứng lại và chết đứng trên vòm trời tháng tư bảy lăm. Bài thơ dù viết vào thời điểm nào, thì vẫn còn giữ nguyên vẹn nơi đây tâm hồn buổi ấy, buổi ngàn dặm ra đi. Nhạc sĩ Vĩnh Điện thổ lộ là tình cờ gặp bài thơ này: “Cuối Năm Nhìn Những Chuyến Xe Qua” khi lang thang trên mạng, và tôi cũng khá bất ngời vì luôn cạn cợt nghĩ rằng với một bài thơ xuôi thì thật khó cho một nhạc sĩ biến tấu thành những nét nhạc lung linh có thể làm say đắm lòng người, nhất là khi người nhạc sĩ hoàn toàn trung thành với nguyên tác. Kỳ thực đây cũng chỉ là một bài thơ tự do tự tình nho nhỏ có hơn một tên tuổi rất tâm đắc, như G.S Nguyễn Huệ Chi đã cho đăng ở Bauxite… Và bây giờ với nhạc sĩ Vĩnh Điện đã lấy cảm hứng từ những thi tứ này.
Nhắc đến điều đó, tôi thật tình chỉ muốn nhấn mạnh đến một điều là mối đồng cảm, đồng tình cần có giữa một thời kỳ chúng ta đã sống với những rối ren hoài nghi, đố kỵ, lòng người ly tán… Thử hỏi ai có khả năng xây dựng một nhịp cầu kết nối, nếu không là những trái tim vẫn còn tha thiết với tiếng Việt, văn nghệ văn chương văn hóa Việt và yêu quê hương nguồn cội, nơi mảnh đất đã dưỡng nuôi cả thân bằng quyến thuộc của chúng ta.
Sự ra đời ca khúc này khá trùng hợp là khi nơi này nơi kia, nước Mỹ và khắp cùng thế giới đang khổ tâm đặt lại vấn nạn của những người nhập cư di dân, những người lưu vong tỵ nạn như trăm con Việt, trong đó đã từng có cả hơn nửa triệu người Việt đã bỏ mình trên biển cho cuộc bỏ phiếu bằng chân lịch sử, nhưng cũng không ít thế hệ đã trôi giạt đến những bến bờ tự do. Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi không chỉ là lòng ủng hộ trắc ẩn với người dân Syria, hoặc những bàn chân nhất định bỏ phiếu của chính những người Việt mới đây, mà còn ấp ủ những điều sâu xa hơn là chỉ viết xuống những chấn động xúc cảm?
Viết, nói, hát hay thậm chí hét, than, rủa... liệu có gây tác động gì không?
Những cụm từ như “nổi gió lên rồi”, “một chuyến trở về”, “thân phận di dân”, “nỗi buồn lưu vong”... có thể đã trở thành một thứ thời thượng trong những bài tâm bút, chính luận, và theo nhạc sĩ Vĩnh Điện thì có phần nhạy cảm “về nơi xa” nhưng chắc chắn gõ đúng vào hiện trạng của tâm tư thời đại. Thế thì tôi càng được dịp hoan hô một giọng ca, một tiếng hát rất được yêu thích đã dám cất lên thấu vọng tới trời cao: danh ca Bảo Yến. Hòa âm của nhạc sĩ Quang Đạt cũng rất sinh động, nổi bật.
Hy vọng nhạc phẩm này sẽ để lại không ít cảm xúc cho chúng ta. Tiếng nói càng được vang lên, lan tỏa và chia sẻ (share) không phải cốt đánh động trái tim của những lãnh đạo chuyên chế độc tài, vì với những kẻ không tim thì có nói cũng không cùng và cũng chỉ bằng thừa.
Có lẽ một ca khúc góp mặt, đóng góp như trong muôn một thì cũng chỉ muốn trước hết là hoàn thành sức mạnh của quyền tự do sáng tác, tự do trình diễn, tự do ngôn luận…
Bài hát lại có mặt vào tháng 4, nên coi như một lời cầu nguyện cấp thiết cho một cuộc nổi gió nổi mưa trong những tâm hồn lãnh đạm, im ắng. Có phải?
03.04.2017
03.04.2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét