Dân Việt - Biển gần bờ như chết hẳn, cá tôm chỉ còn lèo tèo đôi ba con, ngư dân không có kế sinh nhai, những đứa trẻ vô tội buộc phải nghỉ học bởi hành động xả thải của Fomosa gây ra trong thời điểm năm học mới.
9 giờ sáng 21/8, chúng tôi có mặt tại bãi biển thôn 4, xã Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị) cũng là lúc 4 chiếc thuyền 9CV của ngư dân tấp vào bờ. Mỗi thuyền có 5-7 con ghẹ, một vài con cá. Đó là tất cả những gì ngư dân thu được sau chuyến ra khơi từ 2 giờ chiều hôm qua (20.8) đến sáng 21.8.
Ngư dân Bùi Xuân Đoàn rầu rĩ: “4 tháng nay, từ ngày cá chết chúng tôi không đi biển được. Nhớ biển quá, hôm qua lại là ngày đẹp nên 4 anh em trong thôn rủ nhau đi chuyến xem sao. Thế mà thả lưới từ hôm qua tới giờ tôi chỉ bắt được 5 con ghẹ gần 8 lạng, bán được 85 ngàn đồng, trong khi tiền dầu hết 70 ngàn rồi, lấy gì mà ăn đây”.
Chị Bùi Thị Liên (42 tuổi) cho biết, trước đây chồng ra khơi một chuyến bán được 600-700.000 đồng, có khi cả triệu đồng. Thế mà giờ chỉ bán được 60.000 đồng. “Cá tôm ở biển gần bờ chết hết rồi chứ còn gì đâu nữa” - chị Liên nói.
Thu nhập từ biển gần như bị cắt đứt, ngư dân càng lo lắng hơn cho tương lai của con cái họ. Chỉ 15 ngày nữa là khai giảng năm học mới nhưng hiện chị Liên vẫn chưa có đồng nào để đóng tiền học phí cho 3 đứa con của mình. “Đầu năm tôi phải đóng học phí cho 2 đứa sinh đôi học lớp 11 hết 4,8 triệu đồng (2,4 triệu đồng/em), thêm một đứa lớp 7 hết 1,8 triệu nữa, tổng cộng 6,6 triệu đồng. Còn các khoản tiền khác như Đội, Đoàn, Hội phụ huynh... chưa tính. Nếu không có tiền nộp thì tôi phải cho 1 trong 3 đứa nghỉ học” - chị Liên buồn rầu.
Để tiết kiệm tiền cho gia đình, em Bùi Gia Khánh
(con trai anh Bùi Đình Đăng) năm nay vào lớp 6
phải đi xin sách vở cũ để đến trường.
Vợ chồng anh Bùi Đình Đăng và chị Hồ Thị Tươi cũng ứa nước mắt, vắt tay lên trán suy nghĩ hàng đêm. Chả là con gái anh chị là cháu Bùi Thị Khuyên vừa đỗ vào trường Đại học Khoa học Huế với số điểm 19,25. Niềm vui chưa bao lâu thì Khuyên đã phải khóc òa khi nghe ba mẹ nói rằng “nay gia đình mình đang khó, thôi thì con tạm bảo lưu kết quả để ba mẹ xoay sở rồi sang năm cho con đi học”.
“Nhà có 4 đứa con, 2 đứa đang là sinh viên, bé Khuyên mới đỗ, thằng út năm nay vào lớp 6. Những năm trước đi biển ngày kiếm vài trăm ngàn còn gắng gượng lo cho con ăn học. Nay cho bé Khuyên đi học sợ nuôi không nổi, rồi ra trường biết có xin được việc hay không. Suốt ngày bé Khuyên cứ xin đi học nhưng mà...” - anh Đăng thở dài.
Em Bùi Thị Khuyên (thứ 2 từ trái sang)
cùng bố mẹ (ngồi hai bên) buồn rầu vì không có tiền để đến trường.
Theo ông Hoàng Đức Thắm - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị, đề án thu học phí năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 của UBND tỉnh Quảng Trị trình HĐND tỉnh này có nội dung sẽ xem xét việc không thu học phí theo thời điểm cụ thể đối với học sinh các vùng biển bị ảnh hưởng do sự cố Formosa xả thải gây cá chết. Tuy nhiên, đề án này đã không được HĐND tỉnh thông qua vì còn vướng mắc chuyện tăng học phí ở các vùng khác quá cao.
Theo Dân Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét