31/8/16

Tóm tắt quan điểm của Mao Trạch Đông về chiến tranh Việt Nam và "mặt trận giải phóng Miền Nam"

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Trong suốt cuộc chiến Việt Nam, quan điểm chính trị và quân sự của Mao Trạch Đông thay đổi nhiều lần. Từ một Mao chủ hòa sau hiệp định Geneva trở thành một Mao chủ chiến trong giai đoạn đầu của cuộc chiến vào thập niên 1960 và lần nữa trở về với Mao chủ hòa sau Thông Cáo Chung Thượng Hải ngày 27 tháng Hai 1972.

Mao và lý luận “chiến tranh giải phóng dân tộc”

Phát xuất từ quan điểm cố hữu “lấy nông thôn bao vây thành thị” và cũng vì không đủ khả năng để trực tiếp đương đầu với Mỹ, Mao chủ trương gây khó khăn cho Mỹ, kẻ thù chính của Trung Cộng trong giai đoạn từ 1949 đến 1972, qua hình thức chiến tranh cách mạng tại bất cứ quốc gia nào Mỹ đang có quyền lợi hay có thể tạo ảnh hưởng. 

Trong dịp tiếp phái đoàn báo chí Chile ngày 23 tháng Sáu 1964, Mao tuyên bố: “Chúng tôi chống chiến tranh, nhưng chúng tôi ủng hộ các cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc do các dân tộc bị áp bức phát động”. Từ Phi Châu, Nam Mỹ, và Á Châu, Mao tích cực yểm trợ võ khí và cơ sở lý luận cho các phong trào “giải phóng dân tộc”, chống “đế quốc thực dân”. Các phong trào Maoist lan rộng khắp nơi, từ Nepal bên rặng Hy Mã Lạp Sơn ở Á Châu cho đến tận những cánh đồng ở Ecuador, Nam Mỹ. 

Trong mắt Mao, ba “anh hùng” được xem là những lãnh tụ tiêu biểu của phong trào “giải phóng dân tộc” là Hồ Chí Minh tại Á Châu, Fidel Castro tại Nam Mỹ, và Ben Bella tại Phi Châu. Trong số ba “anh hùng” đó, Hồ Chí Minh và đảng CSVN vì lý do ý thức hệ và địa lý chính trị, được Mao quan tâm nhất và bằng mọi giá phải nắm chặt trong tay. 

Khi phong trào giải thực bước vào giai đoạn chót vào cuối thập niên 1960, hầu hết các nước thuộc địa đã được trao trả quyền độc lập hoàn toàn hay độc lập trong khuôn khổ thịnh vượng chung. Hai trong số ba nước tiên phong gồm Algeria và Cuba nghiêng về phía Liên Xô, Mao chỉ còn lại một đàn em trung thành duy nhất ở Á Châu là CS Bắc Việt. Mao tìm mọi cách để kiểm soát CSVN về mọi mặt từ giáo dục tuyên truyền, đường lối lãnh đạo cho đến kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Mao và quan điểm về chiến tranh Việt Nam 

- Sau hiệp định Geneva 1954 đến 1964: Trung Cộng là nguồn cung cấp duy nhất cho CS Bắc Việt, không chỉ từ chén cơm manh áo mà cả lý luận tư tưởng. Nói chung đời sống từ vật chất đến tinh thần của đảng CSVN lệ thuộc sâu xa vào đảng CSTQ. Khắp miền Bắc, từ công sở đến gia đình, hình ảnh của Mao được đặt trên mức linh thiêng. 

Hồ Chí Minh và lãnh đạo CSVN đã thi hành một cách nghiêm chỉnh hầu hết các mệnh lệnh đầy tai họa từ Mao và các chính sách phi nhân này đã dẫn đến cái chết oan uổng của nhiều trăm ngàn người dân Việt Nam vô tội qua các chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất. Sau tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, Mao có ý định tập trung vào các chính sách đối nội, và cũng muốn CSVN đặt thứ tự ưu tiên vào việc CS hóa xã hội miền Bắc trước. Tuy nhiên, để đồng thuận với đảng CSVN anh em, Mao cũng đã tích cực yểm trợ quân sự trong chủ trương CS hóa Việt Nam bằng võ lực. Tổng số viện trợ quân sự của Trung Cộng trong giai đoạn này gồm 320 triệu yuan, 270 ngàn súng ngắn, 10 ngàn pháo, 200 triệu viên đạn, 2.02 triệu đạn pháo, 1 ngàn xe tải, 25 máy bay, 1.18 triệu bộ quân phục. 

- 1964 đến 1965: Thái độ của Mao đối với chiến tranh trở nên kiên quyết hơn. Cuối năm 1964, Hồ Chí Minh chủ trương cân bằng ảnh hưởng giữa Liên Xô và Trung Cộng mong nhận được viện trợ của cả hai để theo đuổi mục tiêu CS hóa toàn cõi Việt Nam. Điều này làm Mao lo lắng. Mao sai Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Tổng Bí Thư đảng CSTQ, bí mật thăm Hà Nội và hứa viện trợ Hà Nội một tỉ yuan nếu Hà Nội từ chối viện trợ của Liên Xô. Ngoài ra, Mao cũng cứng rắn chống lại mọi sáng kiến chấm dứt chiến tranh Việt Nam bằng phương tiện đàm phán. Mao nói thẳng với Kosygin, Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Liên Xô, trong chuyến viếng thăm của ông ta tới Bắc Kinh ngày 11 tháng Hai, 1965, “Liên Xô không được dùng Việt Nam để mặc cả với Mỹ”. Mao cũng từ chối đề nghị của Liên Xô về một phiên họp thượng đỉnh giữa ba đảng CS để thảo luận về đường lối chiến tranh Việt Nam. Mao xem đảng CSVN chẳng khác gì một xứ bộ của đảng CSTQ. 

- 1965 đến 1972: Khi chiến tranh Việt Nam gia tăng cường độ, Lê Duẩn, trưởng phái đoàn đại diện đảng CSVN, trong chuyến viếng thăm Trung Cộng tháng Tư 1965, đã chính thức yêu cầu Mao gởi quân sang Việt Nam. Đáp lại lời thỉnh cầu của Lê Duẩn, Mao gia tăng hàng loạt viện trợ quân sự cho CS Bắc Việt. Tháng Sáu 1965, các sư đoàn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến vào miền Bắc Việt Nam. Đến tháng Ba 1968, tổng số quân Trung Cộng có mặt tại miền Bắc là 320 ngàn quân với tất cả phương tiện yểm trợ và trang bị vũ khí đầy đủ. 

Các cuộc dội bom ồ ạt của Mỹ lên miền Bắc gây tổn hại trầm trọng trong mọi lãnh vực kinh tế, quốc phòng của CS Bắc Việt. Cùng lúc đó, Liên Xô, các nước CS Đông Âu, và đồng minh của Mỹ Tây Âu khuyến khích CS Bắc Việt và Mỹ ngồi vào bàn hội nghị để tìm cách giải quyết chiến tranh Việt Nam. CS Bắc Việt đồng ý. Chủ trương của lãnh đạo CS Bắc Việt lúc đó là vừa đánh vừa đàm để tận dụng mọi cơ hội có lợi nhất cho mục đích tối hậu CS hóa Việt Nam và đồng thời dùng bàn hội nghị để mặc cả Mỹ giảm mức độ ném bom. Ngoài ra, Hồ Chí Minh lo ngại Mỹ sẽ tăng cường thêm 100 ngàn quân tại miền Nam như y đã trao đổi với Mao vào tháng Sáu 1965. 

Mao thì khác. Mao chống đối phương pháp thương thuyết và chủ trương kéo dài chiến tranh càng lâu càng tốt. Chủ trương kéo dài chiến tranh của Mao phát xuất từ ba lý do: (1) Mao muốn tiếp tục làm tiêu hao khả năng của Mỹ, (2) chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Mao trong thế giới thứ ba, (3) dùng chiêu bài chống đế quốc xâm lược để củng cố vai trò cai trị của Mao tại lục địa Trung Quốc. 

- Thông Cáo Chung Thượng Hải 1972 đến 30-4-1975: Quan hệ giữa Trung Cộng và Liên Xô ngày càng xấu và khó có cơ hội hòa giải giữa hai nước CS hàng đầu. Chỉ riêng năm 1969, đã có tới 400 vụ đụng độ dọc biên giới. Đáp lại ý định rút lui khỏi Việt Nam của TT Richard Nixon, Mao nghĩ đã đến lúc phải bắt tay với Mỹ để tránh bị bao vây cả hai mặt bằng hai kẻ thù mạnh nhất nhì trên thế giới. Sau chuyến viếng thăm Trung Cộng của TT Richard Nixon cuối tháng Hai 1972, tới phiên Mao cổ võ một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Việt Nam mà trước đó không lâu ông ta đã chống lại. 

Mao và “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” 

Hôm nay cả thế giới đều biết những tổ chức được gọi là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” hay “Chính phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” đều chỉ là các bộ phận thuộc đảng bộ miền Nam do Trung Ương Cục Miền Nam, tên mới của Xứ ủy Nam Bộ đảng Lao Động, lãnh đạo. 

Tổ chức gọi là “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” (MTDTGPMNVN) hay thường được gọi tắt là “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” được thành lập ngày 20 tháng 12, 1960 với mục đích: “Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ; thành lập một chính quyền liên minh dân tộc dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới." 

Bí thư Trung Ương Cục đầu tiên là Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ chính tri đảng Lao Động Việt Nam. Tháng 10 năm 1964, nhu cầu quân sự gia tăng, Nguyễn Chí Thanh được điều vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Quân ủy Miền. Từ 1967 đến 1975, Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Phạm Hùng, Ủy viên Bộ chính trị kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang miền Nam. Đầu năm 1961, “Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam” cũng được Trung Ương Cục Miền Nam thành lập. Dù chỉ trên danh nghĩa, “quân giải phóng” này lẽ ra phải trực thuộc “MTDTGPMNVN”, tuy nhiên, theo nội dung chỉ thị của Tổng Quân ủy CSVN tháng 1 năm 1961 nhấn mạnh: "Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo". 

Đáp ứng nhu cầu tạo thế đối trọng với chính phủ VNCH, ngày 8 tháng 6, 1969, Trung Ương Cục thành lập thêm một tổ chức mới gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” do Huỳnh Tấn Phát, đảng viên CS từ thời 1945 làm Chủ tịch và Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng Ngoại Giao. 

Nhân dịp đánh dấu 40 năm hiệp định Paris, các cơ quan tuyên truyền của đảng ca ngợi bà Bình là "nhà ngoại giao sáng tạo linh hoạt". Điều đó không đúng. Về nguyên tắc lãnh đạo, vai trò của “Chính phủ Lâm thời” trong đó có “Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thị Bình” chỉ là mặt nổi đối ngoại, tất cả lời ăn tiếng nói của bà đều được chỉ thị từ đảng ủy bên trong, đứng đầu là Lê Đức Thọ. Chắc bà Bình cũng phải thừa nhận, dưới sự lãnh đạo của đảng CS, mọi "sáng tạo linh hoạt" cá nhân là những điều cấm kỵ. 

Dù sao, trước 1975, nhờ che đậy dưới mục đích rất nhân bản và lương thiện “dân tộc dân chủ rộng rãi ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, tự do, dân chủ, cải thiện dân sinh, giữ vững hòa bình, thi hành chính sách trung lập”, “MTDTGPMNVN” đã thu hút khá đông “trí thức” miền Nam về phía họ và nhanh chóng làm suy yếu cơ chế chính trị dân chủ còn rất non trẻ ở miền Nam. 

- Mao ve vãn các lãnh đạo “Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam”: Không ai hiểu con bằng cha mẹ, tác giả của sách vở mà CSVN dùng là của Mao và đường lối CSVN dùng cũng là của Mao đã từng áp dụng tại Trung Quốc như trường hợp Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là Chính Hiệp sau 1949. Chủ tịch của các Hiệp Chính này không ai khác hơn là những lãnh đạo tối cao của đảng. Mao Trạch Đông chủ tịch khóa I (1949 - 1954), Chu Ân Lai chủ tịch các khóa II, III, IV (1954 - 1976), Đặng Tiểu Bình chủ tịch khóa V (1978 -1983) Đặng Dĩnh Siêu chủ tịch khóa VI (1983 - 1988), Lý Tiên Niệm chủ tịch khóa VII (1988 - 1992) v.v… 

Qua kinh nghiệm lãnh đạo Chính Hiệp tại Trung Quốc, Mao biết dù sao vẫn còn tồn tại một thành phần ngây thơ trong hàng ngũ “MTDTGPMNVN” nên sau Thông Cáo Chung Thượng Hải, Mao tìm cách khai thác và ve vãn hàng ngũ này. Điều Mao dự đoán không sai nhưng không đủ thế và lực để tạo ra ảnh hưởng lớn. Sau 1975 các thành phần ngây thơ này tập trung dưới hình thức Câu Lạc Bộ Kháng Chiến và nhiều trong số họ đã bị bắt. 

Mao tiếp Nguyễn Thị Bình tại Bắc Kinh ngày 29 tháng Hai 1972 và nói với bà Bình “Chúng ta thuộc vào một gia đình. Bắc Việt, Nam Việt, Đông Dương, Triều Tiên cùng một gia đình và chúng ta ủng hộ lẫn nhau. Nếu các bạn thành công tại hội nghị Paris, không chỉ Nam Việt mà Bắc Việt cũng đạt đến mức bình thường hóa với Mỹ ở mức độ nào đó”. 

Tháng 11, 1973, Nguyễn Hữu Thọ và phái đoàn MTDTGPMNVN thăm Bắc Kinh. Phái đoàn của y được Mao tiếp đón nồng nhiệt và hứa các khoản viện trợ không hoàn trả. Các thành viên trong phái đoàn MTDTGPMNVN ngạc nhiên trước cách đối xử khác biệt của Mao. Trương Như Tảng, Bộ trưởng Tư Pháp của “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, kể lại trong vài ngày đầu thăm viếng Bắc Kinh, các lãnh đạo Bắc Kinh tưởng Trương Như Tảng là người của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nên tỏ ra lạnh nhạt, nhưng khi biết y là thành phần của phái đoàn Nguyễn Hữu Thọ, họ đã trở nên niềm nở. 

- Mao và chủ trương hai nước CS Việt Nam: Chiều ngày 11 tháng 8, 1975, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Daniel P. Moynihan, hai lần đưa tay phủ quyết đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lẫn Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sau khi đơn gia nhập của Nam Hàn bị bác bỏ tuần trước đó. Với lãnh đạo CSVN, việc hai miền CS Việt Nam cùng tham gia vào LHQ chỉ là một chiến thuật đối ngoại về mặt nhà nước, nhằm “hợp thức hóa” việc cưỡng chiếm miền Nam của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và gia tăng áp lực buộc Hoa Kỳ phải viện trợ để “tái thiết Việt Nam”. Về mặt lãnh đạo, chỉ do một đảng CSVN mà thôi. 

Mao biết khuynh hướng thân Liên Xô trong lãnh đạo CSVN và hy vọng lãnh đạo CSVN tại miền Nam hay gốc miền Nam sẽ có một khuynh hướng khác. Những ve vãn của Mao đối với MTDTGPMNVN cũng chỉ là hành động “còn nước còn tát”. Bắt được ý định đó, Hoa Kỳ đưa ra một “giải pháp trọn gói” tức cả bốn nước Đông Nam Á gồm Bắc Hàn, Nam Hàn, Bắc Việt, Nam Việt cùng vào LHQ. Trung Cộng không chấp nhận. Mao, vào thời gian đó, sức khỏe yếu dần nhưng đã đóng vai trò quyết định trong “giải pháp trọn gói” của Mỹ. 

Mao và lãnh đạo Trung Cộng khi ủng hộ chủ trương hai Việt Nam không phải phát xuất từ lòng thương xót Việt Nam Cộng Hòa hay người dân miền Nam mà chỉ muốn tiếp tục chi phối chính trị Việt Nam qua vai trò của Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên để trả giá cho chính sách đó bằng việc chấp nhận Nam Hàn vào LHQ, Mao cho rằng không tương xứng. Vì Mao không đồng ý “giải pháp trọn gói” tức cả bốn nước cùng vào LHQ nên chiều ngày 11 tháng 8, 1975, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Daniel P. Moynihan Mỹ phủ quyết CS Bắc Việt và CS Nam Việt. 

Tìm hiểu quan điểm của Mao qua các giai đoạn của cuộc chiến để thấy phía sau những khẩu hiệu tuyên truyền đường mật, dã tâm của Mao vẫn là khống chế Việt Nam bằng mọi cách. Tập Cận Bình hãnh diện là truyền nhân của Mao, do đó, đọc lại Mao để có thể đo lường những bước đi tới của họ Tập. Ngoài các đặc điểm kế thừa từ Mao, Tập Cận Bình còn đi xa hơn khi tham vọng bành trướng cả Á Châu. 

CSVN ngày nay không còn chọn lựa nào khác hơn là quy phục Trung Cộng để tiếp tục tồn tại và duy trì quyền cai trị đất nước. Chọn lựa duy nhất của các tầng lớp người Việt Nam yêu nước hiện nay là đóng góp hết sức mình vào cuộc vận động dân chủ tại Việt Nam. Dân chủ hóa Việt Nam là phương cách “thoát Trung” đúng đắn và phù hợp với sự phát triển văn minh thời đại nhất. Mục tiêu đầu tiên trong tiến trình dân chủ hóa là tháo gỡ cho được cơ chế chính trị xã hội độc tài CS hiện nay. 



_____________________________________

Tham khảo: 

- Discussion between Mao Zedong and Nguyen Thi Binh. December 29, 1972. Wilson Center. 
- Chen Jian (1995), China's Involvement in the Vietnam War, 1964-69, Cambridge University Press. 

- Rosemary Foot, John Gaddis, Andrew Hurrell (2002). Order and Justice in International Relations. Oxford. 

- Yang Kuisong (2002). Changes in Mao Zedong’s Attitude toward the Indochina War, 1949-1973. Woodrow Wilson International Center for Scholars. 

- Qiang Zhai (2002). China & The Vietnam Wars, 1950-1975. University of North Carolina Press. 

- Eric J Ladley (2007) Balancing Act: How Nixon Went to China and Remained a Conservative. iUniverse. 
- Trương Quảng Hoa. Hồi kí cố vấn Trung Quốc. Diendan.org. 

- New York Times, August 7, 1975 và August 12, 1975 

- Trần Gia Phụng (2016). Lịch Sử Sẽ Phán Xét, Nhà xuất bản Non Nuoc, Toronto, Canada. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét