31/8/16

Đảng lầm đường - thanh niên lạc lối

Phạm Trần (Danlambao) - Bộ máy tuyên truyền nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục đánh lừa nhân dân khi cho rằng Thanh niên "luôn trọn niềm tin với Đảng, trân trọng, bảo vệ và tiếp nối xứng đáng truyền thống hào hùng của Đảng và dân tộc, của thế hệ cha anh; nêu cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; có ý thức, trách nhiệm, nhiệt huyết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN." (báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ,27/06/2016)

Sự thật là thanh niên đã chán đảng vả chủ nghĩa Mác-Lenin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh đến tận cổ cả trong lời nói và hành động. Họ đã không đồng tình với đảng từ sau ngày 30/4/1975.

Tại sao? Bởi vì cùng với đại đa số đồng bào cả nước, Thanh niên đã coi Chủ nghĩa Cộng sản mà đảng lấy làm kim chỉ nam cho mọi hành động để xây dựng đất nước là giáo điều, lạc hậu và đi ngược lại trào lưu tiến bộ của nhân loại. Họ cũng thắc mắc như nhiều người Việt Nam khác là tại sao nước Nga và người dân Nga đã nổi lên phá tan gông cùm Cộng sản năm 1992, sau 70 năm bị cai trị hà khắc mà đảng CSVN lại ôm lấy như khuôn vàng thước ngọc để noi theo và áp đặt lên toàn dân?

Cũng có người muốn biết: phải chăng vì các lãnh đạo đảng từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1986-1991) đến Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001) và Nông Đức Mạnh (2001-2010) đã cam kết thi hành nghiêm chỉnh yêu cầu bảo vệ 16 chữ vàng do nước đàn anh Trung Quốc đưa ra cho Việt Nam thi hành nên Việt Nam không dám từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản, chừng nào Trung Quốc chưa thay đổi?

Nội dung 16 chữ là:

Sơn thủy tương liên,
Lý tưởng tương thông,
Văn hóa tương đồng,
Vận mệnh tương quan.

Theo định nghĩa được phổ biến rộng rãi thì nội dung này có nghĩa là: "sông núi gắn liền, cùng chung lý tưởng, hòa nhập văn hóa, có chung định mệnh", và được dịch là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai."

Lãnh đạo Việt-Trung từng khoe hai nước cùng do hai đảng Cộng sản lãnh đạo và cùng dựa trên nền tảng Xã hội Chủ nghĩa. Chỉ khác ngôn từ là phía Trung Hoa hành động “theo chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Còn Việt Nam thì minh thị trong Cương lĩnh đảng (bổ sung và phát triển, 2011): "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động."

Chủ trương này cũng được ghi vào Điều 4 Hiến pháp năm 2013, theo đó Việt Nam "Lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Do đó không lạ khi thấy đảng CSVN tiếp tục chống đổi mới chính trị, bác bỏ đa nguyên đa đảng, không chấp nhận cho tư nhân ra báo và chống luôn cả việc thành lập các tổ chức chính trị, xã hội. Chính phủ cũng lấy cớ “còn có sự khác biệt giữa các bộ” nên chưa thể trình Quốc hội dự luật biểu tình. Bộ Quốc phòng, một trong số Bộ góp ý với Bộ Công an, tác giả dự luật biểu tình, thì cho rằng nếu có luật biểu tình là “đổi mới chính trị”, đe dọa quyền lãnh đạo của đảng!

Hành động có chủ ý này của nhà nước đã đi ngược lại điều 25 của Hiến pháp (2013) viết rằng: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định."

Như vậy chừng nào chưa có luật thì việc lập hội và biểu tình hãy còn xa vời.

Trong hành động, Thanh niên đã lơ là việc học tập Chủ nghĩa Cộng sản trong nhà trường dù là môn học bắt buộc. Họ cũng coi thường việc học tập và làm theo điều gọi là "tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đơn giản vì đạo đức của ông Hồ đã do đảng thêu dệt ra nhiều hơn những điều có thật khi ông còn sống. Chẳng hạn như đảng đã che giấu chuyện ông Hồ có vợ. Ít nhất 3 người phụ nữ là Tăng Tuyết Minh (người Trung Hoa), Nguyễn Thị Minh Khai và Nông Thị Xuân đã được nhiều người nhắc đến có quan hệ sống chung với ông Hồ. Riêng bà Xuân còn có con với ông Hồ, đặt tên là Nguyễn Tất Trung hiện còn sống tại Hà Nội.

Thanh niên cũng chán đảng vì đảng đã chứng minh nói "trăm voi không được bát nước xáo", "nói một đàng làm một nẻo", hay đã "đánh trống bỏ giùi" nhiều lần rồi. 

Bằng chứng lịch sử

Bằng chứng thì nhiều vô cùng. Chỉ muốn nêu ra đây vài sự kiện lịch sử:

- Sau năm 1954, Đảng bắt thanh niên miền Bắc tòng quân vào giải phóng đồng bào miền Nam khỏi điều gọi là "ách thống trị kìm kẹp và đàn áp của Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm".

- Trong Nam, lực lượng Cộng sản miền Bắc ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneve 1954 từ dưới Vỹ tuyến 17, cũng đã tổ chức và cưỡng chế thanh niên sống trong vùng họ kiếm soát gia nhập đoàn quân ngụy danh “Mặt trận Giải phóng miền Nam” để phá hoại chính quyền non trẻ VNCH.

Nhưng sau 20 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn tính từ 1954-1975 đã có khoảng trên 1.1 triệu quân Cộng sản được ước tính đã tử thương, trong số đó có 300.000 quân nhân mất tích (chưa tìm được xác). Trên 600,000 người lính khác bị thương. 

Tài liệu cũng ghi nhận phía Việt Nam Cộng hòa có từ 250.000-316.000 quân lính chết và số bị thương là 1.170.000 người.

Trong số quân Đồng minh của VNCH bị thương vong thì Hoa Kỳ chiếm đa số với 58.209 tử trận, 2.000 Mất tích và 305.000 bị thương.

Tổn thất của phía VNCH được ghi từ 250.000-310.000 binh sỹ tử trận hoặc mất tích và khoảng 1.170.000 bị thương.

Tuy nhiên số thường dân thương vong được ghi lại có từ 2 đến 4,000,000 người.

Nhưng hậu quả của cuộc chiến do miền Bắc chủ động chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa là tự nó đã vạch ra sự giả dối và lừa đảo thanh niên hai miền Nam-Bắc của Chính quyền Cộng sản Việt Nam do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Đó là chỉ sau khi đặt chân vào Thủ đô Sài Gòn hoa lệ và các thành phố miền Nam, quân lính Cộng sản mới vỡ lẽ ra họ bị đánh lừa. Nhân dân miền Nam không hề bị kìm kẹp như đảng tuyên truyền mà đời sống vật chất của họ còn sung túc vạn lần hơn người dân miền Bắc. Có người lính miền Bắc đã so sánh miền Nam là thiên đàng hạ giới và miền Bắc là địa ngục trần gian.

Từ thất vọng này chồng lên những điều đảng nói không thật khác đã khiến thanh niên tuyệt vọng khi thấy rằng từ kẻ “chiến thắng ngoài chiến trường”, họ đã bị nhân dân miền Nam khinh thường và lên án là “kẻ xâm lược” , hay “quân cướp” đáng khinh bỉ.

Vì vậy sau ngày đất nước chính thức thống nhất (02/07/1976) để cho đảng Cộng sản độc quyền cai trị, mọi người đã hy vọng đất nước sẽ tiến nhanh và tiến mạnh về mọi mặt để giúp dân sung có đời sống sung túc hơn.

Và ai cũng mong được sống trong một xã hội mới có công bằng xã hội và đoàn kết toàn dân để anh em Nam-Bắc một nhà cùng nắm gay nhau xây dựng lại quê hương.

Nhưng giấc mơ vừa chớm nở đã biến thành nỗi thất vọng ê chề cho đội ngũ Thanh niên, những người đã may mắn còn sống sau cuộc chiến. Bởi vì sau 10 năm kéo xã hội miền Nam xuống ngang hàng trâu ngựa với xã hội miền Bắc, đường lối kinh tế gọi nôm na là là “kế hoạch hóa, chỉ huy, bao cấp và tem phiếu” và chiến dịch “đánh tư sản mại bản” ở miền Nam năm 1977 của Phó Thủ tướng Phạm Hùng để đẩy dân thành thị miền Nam đi vùng kinh tế mới, đã xô cả nước đến bờ vực thẳm. 

Hàng trăm ngàn người miền Nam, kể cả đội ngũ trí thức đã tìm đường trốn khỏi Việt Nan dù biết một sống mười chết trên Biển Đông hay trên đất liền qua ngả Cao Miên.

Thanh niên cũng đã thấy các trại tù lao động được mệnh danh "cải tạo" được dựng lên từ Nam ra Bắc để giam cầm quân-cán-chinh, văn nghệ sỹ và các lãnh tụ đảng phái và lãnh dạo tôn giáo miền Nam một thời gian dài hơn lời hứa của đảng. 

Khi có lệnh tập trung học tập thì đảng bảo chỉ vài tuần hay vài tháng, nhưng đã kéo dài từ 1 đến 17 năm ròng rã ở những nơi rừng thiêng nước độc làm cho nhiều người chết vì bị tra tấn, thiếu ăn và bệnh tật. Có những nhân vật nổi tiếng của miền Nam như cựu Thủ tướng Phan Huy Quát, cựu Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên và Thi sỹ Vũ Hoàng Chương là nạn nhân của miệng lưỡi người Cộng sản.

Cuộc chiến Cao Miên 1979-1989

Nhưng chỉ hai năm sau ngày phải “đổi mới hay là chết” để cứu nguy đất nước của nhóm Trường Chinh-Nguyễn Văn Linh tại Đại hội đảng VI và 5 năm sau ngày 30/4/1975, đảng CSVN lại xâm lăng Cao Miên dưới chiêu bài trả đũa quân Pol Pot đã phát động cuộc chiến dành lại đất ở biên giới Tây Nam.

Nhưng Việt Nam cũng đã phải trả một giá quá đắt về nhân mạng của Thanh niên và trước sự lên án của Thế giới trong cuộc xâm lăng Cao Miên. 

Theo tài liệu của Bách khoa toàn thư mở thì “Toàn cuộc chiến (tới năm 1988, bao gồm cả thời kỳ chiếm đóng Campuchia), có khoảng từ 10.000 tới 15.000 quân nhân Việt Nam chết và lối 30.000 bị thương.

Tính chung với thường dân thì từ năm 1977 tới tháng 10-1989 tổng số có lối 55.300 người chết hoặc bị thương.

Về phía người Cao Miên, theo cùng tài liệu, tính từ tháng 6-1977 đến tháng 12-1978 có 38.563 chết hoặc bị thương và 5.800 bị bắt the thống kê của Việt Nam.

Từ tháng 12-1978 tới 5-1979 số chết và bị thương là 30.000, hàng vạn người khác bị bắt.

Tới năm 1988, số dân Cao Miên có 100.000 người chết vì bệnh tật và đói khát do chiến tranh với Việt Nam gây ra."

Tất nhiên số thống kê này không bao gồm trên 1 triệu người Cao Miên bị chết dưới bàn tay diệt chủng đẫm máu của lực lượng Khmer đỏ do Pol Pot cầm đầu được Trung Hoa ủng hộ.

Chiến tranh biên giới Việt - Trung

Để cứu đàn em Pol Pot đồng thời gây áp lực chống Việt Nam, lãnh tụ Trung Hoa Đặng Tiểu Bình khi ấy đã xua từ 400,000 đến 600,000 quân sang đánh Việt Nam dưới chiêu bài gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học” từ ngày 17/02/1979 đến 16/03/1979. 

Sau đó, Trung Quốc lại mở cuộc chiến biên giới đẫm máu thứ hai từ 1984 đến 1990 nhằm chiếm một số cao điểm chiến lược dọc biên giới, trong đó có cao điểm 1509, Việt Nam gọi là núi Đất hay Lão Sơn (Laoshan, theo phía Trung Hoa) thuộc huyện Vỵ Xuyên của tỉnh Hà Giang.

Không có thống kê nào được công bố cho biết tổn thất của đôi bên. Việt Nam tuyên bố 10.000 dân thường bị thiệt mạng, trong khi con số 45,000 thường dân và quân lính Việt Nam thương vong đã được nói đến thường xuyên.

Về tổn thất của Trung Quốc, phía Việt Nam tuyên bố có 26.000 lính Trung Hoa chết, 37.000 bị thương, 280 xe tăng bị phá hủy.

Trung Quốc tuyên bố 6.954 chết, 14.800 bị thương (nguồn khác của Trung Quốc thống kê có 8.531 chết, 21.000 bị thương).

Riêng tại mặt trận Vỵ Xuyên, Việt Nam tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500 quân Trung Quốc. Cho đến nay, chỉ có Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Triệu Tài Vinh tiết lộ tại một buổi lễ ở Hà Nội ngày 14/7/2016: "Trong 5 năm chiến đấu bảo vệ biên giới (1984 - 1989), Hà Giang là nơi đương đầu với cuộc chiến ngay từ đầu và là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất, chịu nhiều tổn thất. Hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 cán bộ chiến sĩ bị thương." 

Như vậy, người thanh niên Việt Nam đã không có giây phút nào để hưởng thụ hòa bình. Sau 3 cuộc chiến, từ nội chiến Bắc-Nam 1954-1975, chiến tranh với Cao Miên 1978-1988 và chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979-1990, đảng CSVN đã giết lần hồi không biết bao nhiêu trăm ngàn thanh niên tuấn tú là rường cột của đất nước.

Để rồi bây giờ, sau 30 năm gọi là đổi mới, Thanh niên vẫn chưa thấy tương lai của họ ở đâu hay sẽ không bao giờ có?

Vì vậy nếu những Thanh niên đã ra khỏi cuộc chiến là lớp người thất vọng với đảng nhiều hơn bất cứ thành phần nào trong số dân 90 triệu người dân bây giờ, thì con cháu họ đang sống ra sao?

Thanh niên thất nghiệp

Hãy đọc: "Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, đặc biệt khu vực thành thị tăng mạnh và không có dấu hiệu giảm cho thấy đây là căn bệnh trầm kha của nhóm tuổi này.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam sáng 18/3/2016 (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), trong quý IV/2015, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ so với quý III song vẫn tăng so với cùng kỳ 2014. Nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp đứng ở vị trí cao nhất là 8,16%, tiếp theo là cao đẳng nghề 3,44%. 

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi thanh niên là 7,21%, gấp 3,3 lần tỷ lệ chung. Trong đó, thanh niên thành thị là 12,21%. Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên độ tuổi 20-24 có trình độ chuyên môn kỹ thuật ở mức rất cao: cao đẳng chuyên nghiệp là 19,58% và đại học trở lên 20,79%." (Theo Zing.VN, 18/03/2016)

Trong một báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tháng 12/2015 thì số cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp hiện nay chiếm tỷ lệ thất nghiệp 20% (225.500 người).

Báo Zing.VN viết: "Theo đánh giá, số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm gia tăng đáng kể so với con số 199.000 người của quý trước. Bên cạnh đó còn có 117.300 người có trình độ CĐ cũng đang thất nghiệp, tăng rất nhiều và nhanh so với vài tháng trước đây."

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói: "Đây là điều đáng lo ngại." Còn PGS Văn Như Cương thì cho rằng: "225.500 người là sự lãng phí về thời gian, tuổi trẻ."

Giáo sư Cương còn phê bình: "Do đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần."

Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ Online đưa tin ngày 18/03/2016 rằng: "Hiện nhóm thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp chiếm trên 53%. Có 20% thanh niên thất nghiệp trình độ Cao đẳng, gần 21% trình độ từ Đại học trở lên."

Theo số liệu được ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ ao động-Thương binh-Xã hội (LĐTB&XH, cho biết tại "Hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý 4 năm 2015", thì: "Tính đến quý 4 năm 2015, số người có việc làm đã đạt 53,5 triệu người/tổng số 54,59 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Tức là vẫn còn trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp. Trong đó nữ giới thất nghiệp chiếm gần 44%, thất nghiệp ở khu vực thành thị chiếm gần 48%, thất nghiệp trong nhóm thanh niên (15-24 tuổi) chiếm trên 53%."

Du học không về nước

Đó là tình trạng thất nghiệp của thành phần thanh niên có học hàm đàng hoàng ở trong nước. Nhưng ngoài lý do không tìm được việc làm vì thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp còn có vấn đề không có tiền lót tay, qùa cáp và quen biết hay không được ai gửi gắm.

Câu chuyện 12/13 quán quân của cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" do VTV3 tổ chức được du học nước ngoài nhưng sau khi tốt nghiệp đã không về nước là một bài học khác cho lối dùng người của nhà nước CSVN.

Tác giả Hành Thiện coi đầy là “một con số nhức nhối” và nói rằng: "Tôi không trách các em bởi các em có quyền lựa chọn con đường mình đi."

Tuy nhiên ông cũng nói: "Tình trạng xin việc phải có phong bì lót tay đang là căn bệnh trầm kha của xã hội. Người ta không cần nhân tài. Anh có tài nhưng muốn vào chỗ này, chỗ kia thì cũng phải có tài… chính, hay phải có thân, có thế. Rõ ràng, bạn trẻ nào có khát vọng cống hiến cho đất nước tất sẽ nản lòng.

Nói thế mới thấy xót xa số tiền ba tỉ USD mà người Việt bỏ ra hàng năm cho con em du học, con số tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hay tiền bán dầu thô của cả nước."

Bài viết của Hành Thiện kể tiếp: "Vị Tiến sĩ với 5 bài viết trên báo quốc tế/năm vẫn lo trượt.. lao động tiên tiến cuối năm.

Xin kể về chuyện của Tiến sĩ N.T.A, một trong nhiều du học sinh được đưa vào cuốn sách "Tấm gương người làm khoa học" (tập 12), một câu chuyện khiến người ta phải suy nghĩ. N.T.A có khát vọng cống hiến cho đất nước, muốn trở về Tổ quốc sau gần chục năm du học ở Pháp và Mỹ, nhưng khi về làm việc trong nước lại cảm thấy có nhiều điều cay đắng."

Ông Thiện kể tiếp: "Tiến sĩ N.T.A kể với tôi, anh đã chọn con đường trở về nước, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp và sau tiến sĩ tại Mỹ. Khi làm việc ở nước ngoài, anh là nhà khoa học được đánh giá cao, còn khi về làm việc ở một viện nghiên cứu ở Việt Nam, với cùng một công việc nghiên cứu, cùng một số lượng bài báo công bố quốc tế, anh được đánh giá thậm chí không bằng cả những người mới ra trường, và suýt không nhận được danh hiệu lao đông tiên tiến, nếu như không có ý kiến của một cựu du học sinh khác trong cuộc họp Hội đồng thi đua. Sau này, chính anh cựu du học sinh này cũng đã xin chuyển cơ quan."

Chuyện đút lót, chạy chức, chạy quyền, chuyện bè phái và cả chuyện tham nhũng không còn là những thứ nghe lạ tai trong xã hội Việt Nam, hay đó là chuyện của người lớn hoặc là những thứ “đặc sản” của cán bộ, đảng viên.

Bởi vì khi con cái thấy cha mẹ, anh chị có thể sống giầu và làm giầu dễ dàng bằng nước bọt thì chúng cũng tìm cách hưởng thụ từ những đồng tiến bất chính kia.

Một cuộc nghiên cứu của Bộ Nội Vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức ngày 2-3-2016 cho thấy: "Về hành vi nguy cơ sức khỏe như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia của thanh niên trước đây thường có mẫu tương đối nhỏ, sử dụng hình thức phỏng vấn hoặc phát phiếu tự điền dẫn đến việc các số liệu hiện tại có thể chưa phản ánh chính thức tỉ lệ có hành vi nguy cơ trong thanh niên Việt Nam hiện tại. 

Tuy nhiên, các số liệu này đã cho thấy một tỉ lệ tương đối cao của thanh niên Việt Nam hút thuốc lá và uống rượu bia"(Theo báo Tuổi Trẻ online)

Một viên chức Bộ Nội vụ cho biết các quán bia rượu hiện nay đang thu hút rất đồng thanh niên nhưng không cho biết họ lấy tiến đâu mà ăn nhậu như thế.

Nghiện ma tuý

Trong khi đó, theo một bài trên Website Khám phá ngày 30/05/2016 thì: "Hiện nay, không ít người trẻ tuổi đang tìm vui trong những cuộc chơi thác loạn thâu đêm suốt sáng, lạm dụng ma túy đá để đạt được hưng phấn, mê mẩn không còn suy nghĩ hay lo lắng gì nữa. Đáng buồn hơn, độ tuổi những đối tượng này đang có xu hướng trẻ hóa. Điều này đang đặt ra thách thức đối với cơ quan chức năng, cũng như gia đình và toàn xã hội.

Có rất nhiều con đường, rất nhiều lý do để người nghiện đến với ma túy đá, nhưng lí do phổ biến nhất là họ cho rằng nó là một thú chơi sành điệu và không gây nghiện. Thật ra, đó chỉ là suy nghĩ của người sử dụng, cố bao biện cho hành vi sai trái của mình. Trên thực tế, loại ma túy này rất độc cho não, sử dụng nhiều sẽ gây nghiện, gây nhiễm độc và suy nhược thần kinh, suy kiệt cơ thể, gây bệnh cho tim, giảm trí nhớ, mất trí nhớ và rối loạn tâm thần. Còn hiện tượng người sử dụng ma túy đá không thấy vật vã điên loạn như khi dùng heroin nên lầm tưởng là ma túy đá không gây nghiện, chính sự hiểu lầm và chủ quan này đã làm gia tăng số người nghiện ma túy đá lên theo cấp số nhân như hiện nay."

Nhưng có ai biết Việt Nam hiện có bao niêu con nghiện?

Một báo cáo của nhà nước đăng trên báo điện tử Tiếng Chuông, cơ quan báo chuyên về những tệ nạn xã hội cho biết: "Tính đến tháng 9/2014, cả nước có 204.377 người sử dụng ma tuý, trong đó 85% tiêm chích các loại ma tuý như heroin. Những người tiêm chích ma tuý chiếm ưu thế trong nhóm nhiễm HIV tại Việt Nam, chiếm 45% số người nhiễm HIV (Uỷ Ban Quốc Gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, 2012)."

Thực tế tình hình là như thế mà báo Quân đội Nhân dân vẫn cố tình tìm cách chạy quanh cho rằng những thiếu sót của thanh niên hiện nay là: "Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi và một phần do hạn chế về nhận thức, thanh niên là đối tượng trọng điểm để các thế lực thù địch, phản động mua chuộc, lôi kéo, kích động…, nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta."(báo Quân đội Nhân dân, 27/06/2016)

Bài báo đã làm ngơ thái độ chán đảng của Thanh Niên khi viết rằng: "Các thế lực phản động, cơ hội, chống đối chính trị… luôn triệt để lợi dụng đặc điểm tâm lý nhạy cảm, ham tiếp cận cái mới, thích tự do, tự khẳng định mình… của thanh niên, trong khi vốn sống và nhận thức chính trị-xã hội của họ còn hạn chế, để dụ dỗ, lôi kéo, tiêm nhiễm bằng cả vật chất và văn hóa, lối sống thực dụng, ngoại lai. Đồng thời, họ cũng lợi dụng những sơ hở, buông lỏng trong công tác quản lý, hoặc một bộ phận thanh niên đua đòi theo trào lưu, lối sống thực dụng, đòi xét lại quá khứ…, để lôi kéo, kích động, tập hợp thanh niên tham gia, hòng gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền."

Viết như thế nhưng đảng đâu biết Thanh niên cũng như một số không nhỏ cán bộ đảng viên đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” xa đảng từ khuya rồi? -/-

(08/016)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét