Trần Quang Thành (Danlambao) - Mới đây trên một vài trang mạng xã hội có đăng bài của Giáo sư Chu Hảo mạng tựa đề “Đã đến lúc cần phải đối thoại.”
Theo tác giả “Đấy là cuộc đối thoại công khai giữa Ban lãnh đạo đảng cầm quyền và nhà nước với đại diện những người có ý kiến bất đồng ôn hòa, xây dựng ở trong đảng và mọi tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước.”
Phản hồi bài báo có người đồng thuận với tác giả về nội dung đối thoại, đối tượng đối thoại, cách tiến hành đối thoại. Nhưng cũng có người không tán thành với nội dung bài viết về nhiều khía cạnh, đặc biệt khi tác giả nêu người chủ cuộc đối thoại là giới lãnh đạo đảng CSVN.
Họ khẳng định suốt hơn 70 cướp quyền và cai trị đất nước với bạo lực chuyên chính vô sản giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã gây nhiều tội ác đẫm máu đối với dân tộc, đối với đồng bào mình. Họ không còn chỗ đứng trong lòng dân tộc, họ phải ra đi. Chế độ độc tài toàn trị phải bị xóa bỏ.
Để làm rõ thêm vấn đề mà bài báo đã nêu lên, Giáo sư Chu Hảo đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Quang Thành.
Mời quí vị theo dõi nội dung cuộc trao đổi và mong nhận được ý kiến bàn luận của quí vị.
Đã đến lúc cần phải đối thoại
Chu Hảo - Đấy là cuộc Đối thoại công khai giữa Ban lãnh đạo đảng cầm quyền và nhà nước với đại diện những người có ý kiến bất đồng ôn hòa, xây dựng ở trong đảng và mọi tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước.
Vì chưa có điều kiện xuất hiện những tổ chức chính trị đối lập, cũng như chưa hình thành được một xã hội dân sự đủ mạnh để làm đối trọng với chính quyền, nên cuộc Đối thoại này phải do phía đảng độc quyền lãnh đạo chủ động mời gọi để tránh một cuộc xung đột không được kiểm soát không thể không xảy ra nếu có thêm nhiều tiếng súng nữa tương tự như 9 tiếng mới phát nổ ở Yên Bái vừa qua.
Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị - xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm. Nguy hiểm cho sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng và của chế độ thì đã đành, nhưng đó không phải là mối quan ngại của những người lâu nay công khai bày tỏ ý kiến bất đồng đối với những đường lối, chủ trương, chính sách sai trái của đảng và nhà nước. Những người này, trong đó có chúng tôi, âu lo về sự an nguy của dân tộc khi xảy sự bạo loạn ngoài tầm kiểm soát.
Đã đến lúc thể chế chính trị hiện này phải được thay đổi tận gốc rễ, nhưng thay đổi bằng bạo lực là điều chúng tôi không mong muốn, vì nó lại gây ra cảnh máu cháy đầu rơi trên đất nước này. Để tìm ra lối thoát một cách hòa bình, để tránh tình trạng bạo loạn vô chính phủ, chúng tôi nhận thấy chỉ còn có cách lãnh đạo đảng và nhà nước sớm chủ động đối thoại với khối quần chúng có ý kiến bất đồng ngày càng trở nên đông đảo.
Nguyên nhân gốc rễ của mọi ý kiến bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nắm trong những điều bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chừng nào hai văn kiện chính trị ấy không được thay đổi thì chừng đó con đường phát triển của đất nước ta vẫn không có lối ra. Hai văn kiện lạc hậu ấy đang gây ra điểm tắc nghẽn, tạo ra mọi bê bối trong các lĩnh vực, bóp nghẹt mọi tiềm năng và cơ hội phát triển của dân tộc ta.
Đó chính là nội dung cốt lõi của cuộc Đối thoại nói trên. Cuộc Đối thoại đã đến lúc phải đặt ra ở tầm hệ thống (để tìm ra lỗi hệ thông) như vậy thì mới đáp ứng được yêu cầu cứu nguy dân tộc ở thời điểm khắc nghiệt này. Nếu chỉ nói vòng vo theo kiểu “không thể nóng vội, phải có lộ trình”, “chỉ bàn những cái có tính khả thi”… thực chất là né tránh những điều gốc rễ cốt lõi, thì lại một lần nữa chúng ta để mất cơ hội, cơ hội lần này là do tiếng súng Yên Bái tạo ra.
Về phía lãnh đạo đảng và nhà nước chúng tôi kiến nghị cử người đại diện từ cấp cao nhất cùng các cơ quan chuyên trách lý luận của đảng như Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương. Về phía những người có ý kiến bất đồng chúng tôi đề nghị mời đại diện những người đã tham gia ký Kiến nghị của 72 nhân sĩ - trí thức về Hiến Pháp (19-1-2013) và Thư ngỏ của 61 đảng viên về Cương lĩnh (28-7-2014).
Đối thoại sẽ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, được tổ chức công khai, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, tuân thủ chuẩn mực học thuật, và với tinh thần bao dung.
Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng kết quả của cuộc Đối thoại lịch sử này không gì khác là mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ tiếng nói xây dựng, khách quan và trách nhiệm của những người bất đồng chính kiến, của cả xã hội dân sự đang lớn mạnh, được lắng nghe, được thảo luận nhằm tháo gỡ điếm tắc nghẽn hiện nay, mở đường cho đất nước đi lên.
Đà Nẵng ngày 19 tháng 8 năm 2016
Chu Hảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét