31/8/16

Văn hóa xưng hô với cai ngục trong tù Cộng Sản

Paulus Lê Sơn (Danlambao) - Văn hóa xưng hô trong nhà tù cộng sản là một đề tài ít ai được biết đến. Nói chung tất cả các vấn đề trong nhà tù cộng sản vi phạm quyền con người thì hiển nhiên ngoài xã hội không thể biết, hiểu và tưởng tượng ra hết. Trong bài viết ngắn này tôi chỉ đề cập đến văn hóa xưng hô trong nhà tù cộng sản là những điều tôi nhìn thấy được, nghe thấy được, thậm chí là nạn nhân của cách xưng hô này.

Tháng 01.2013, tôi bị chuẩn từ trại tạm giam Hỏa Lò (Hà Nội) về trại tạm giam Nghi Kim (Nghệ An) để chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Khi vào trong buồng giam thuộc dãy A2 đã có 2 người ở sẵn trong đó, một anh là bị can trong vụ án cờ bạc, một cậu thanh niên rất trẻ trong vụ án trộm cắp.

Tôi đến trại giam này vào buổi tối và ngay trong đêm đó họ truyền cho tôi một số kinh nghiệm trong tù đối với cán bộ quản giáo, trong đó có cách xưng hô với cán bộ như thế nào cho "phải phép".

Họ bảo "nhà tù Nghi Kim có truyền thống là phải gọi cán bộ trại giam bằng 'ông' xưng 'cháu' mỗi khi gặp cán bộ hoặc nói chuyện."

Tôi hỏi "cái truyền thống xưng hô này ở đâu mà có? tại sao phải như vậy? Nội quy trai giam ghi rất rõ trong cung cách xưng hô là 'tôi' và 'cán bộ' treo lù lù trước cửa buồng giam đây là gì?".

Họ nói "đó là quy định, còn xưng hô ông cháu cho thân mật, với các cán bộ ở đây 'họ cũng muốn như vậy', thân mật như vậy để cán bộ còn giúp mình nữa chứ". Tôi thấy họ giải thích như vậy mà trong não cũng cảm thấy long lên xòng xọc. Tôi nói “các anh có biết các anh làm như thế là đang tự hạ thấp nhân phẩm của mình không? có biết các anh đang đang làm mất đi giá trị bản thân mình. Dù trong bất cứ môi trường nào, các anh vẫn có đầy đủ phẩm giá của một con người các anh có hiểu được điểu đó không?”. Họ im lặng.

Thế mà sáng ngày hôm sau, cán bộ trại giam đến để nhận diện và chào hỏi tôi, ba người trong buồng giam đứng trước cửa buồng giam để cán bộ điểm danh. Khi đó, cái anh án cờ bạc khoảng hơn 40 tuổi khúm núm chắp chặt hai tay và chào cán bộ bằng tuổi tôi là "chào ông". Anh này híc vào hông tôi ý muốn là bảo tôi cũng bắt chước anh ta chào như vậy.

Cán bộ Hải mang lon Trung úy, điềm đạm nhìn tôi và mỉm cười, tôi cười chào cán bộ và nói thẳng, tại sao ở đây lại có cách xưng hô "ông cháu" như vậy đối với cán bộ? Cán bộ Hải nói thì cứ theo quy định mà chào, nhưng các anh em tù ở đây họ cứ thích như vậy thôi.

Những ngày sau đó, tôi chứng kiến một số cán bộ khác tự xưng mình là ông với các nghi can đang bị tạm giam một cách trịch thượng và hách dịch, còn những người tù thì khúm núm, yếu ớt và hèn nhát.

Có ông cụ khoảng 70 tuổi, bị giam buồng bên cạnh thấy lính trẻ hôi làm nghĩa vụ (trong tù tiếng lóng gọi là bọn chuếch) nhưng cứ xưng là cháu thưa ông. Thật là đau lòng. Tôi có dịp nói với lính nghĩa vụ này răng "họ đáng tuổi ông, tuổi cụ chúng mày, sao cứ để cho họ xưng hô với chúng mày như vậy, chúng mày không có tôn ti trật tự à? sao chúng mày loạn luân thế". Bọn chuếch câm bặt. 

Tôi vẫn luôn trằn trọc về những điều mắt thấy tai nghe, chứng kiến những điều khốn nạn nhất trong môi trường tù cộng sản. Chúng ta cần phải thay đổi về phong văn hóa trong trại giam cho chính người cai ngục cũng như các tù nhân. Bởi vì từ những phong văn hóa, tư tưởng hạ đẳng sẽ tạo ra những hành động hạ đẳng chà đạp lên quyền con người một cách trầm trọng và có hệ thống.

31.08.2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét