21/8/16

Không ai đấu tranh cho ta được!

“Aide-toi, le ciel t'aidera!”

Hoàng Vân Chiên (Danlambao) - Vụ cá chết ở bốn tỉnh miền Trung tạo nên một không khí đấu tranh ở hải ngoại: hô hào, biểu tình, hội thảo, và cả lạc quyên, như thường lệ. Ở trong nước cũng vậy, cũng đấu tranh, biểu tình, đả đảo nhà cầm quyền, và cả thắp nến cầu nguyện, dĩ nhiên là ở các nhà thờ. Có khi người ta hát lại bài hát cũ, nghe cũng đã lắm lần, từ khi chiến tranh Pháp-Việt mới bắt đầu, mãi đến nay, tình hình đất nước càng tệ hơn xưa: “Mẹ ơi! Đoái thương cho nước Việt Nam.”

Tôi cũng có hát câu ấy và cũng cầu nguyện Chúa Mẹ, khi tôi là học sinh tiểu học trường Tê-Rê-Xa.

Tôn giáo cũng không thể đứng ngoài chính trị được, khi đất nước LÂM NGUY. Phải nói lại cho rõ, nói thiệt, không phải ngoài miệng, tuyên truyền... rằng: “Đất nước lâm nguy”.

Dĩ nhiên, bên cạnh những hoạt động ấy, có chính nghĩa, và cũng không thiếu hậu ý. Bỏ qua chuyện đó đi.

Vài nhận xét của bản thân:

Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Trung. Các làng ven biển, từ Cửa Tùng Luật, cửa sông Bến Hải (Hai) cho đến Cầu Hai, Nước Ngọt, Lăng Cô, tôi đã đi khắp. Nhận xét chung, không chỉ là nghèo, mà phải nói thẳng ra rằng: Quá Nghèo.

Nói chi xa, độc giả nghe qua vài bài hát của Phạm Duy hay Phạm Đình Chương cũng thấy rõ, tôi nhờ mấy ông nhạc sĩ đó, chứng minh nhận xét của tôi.

“Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi!
Mùa Đông thiếu áo,
Mùa hè thiếu ăn!
(Tiếng Sông Hương, Phạm Đình Chương)

Có những ông già rách vai,
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy,
Vui vì nồi cơm ngô đầy!
(Quê nghèo - Phạm Duy)

Tại sao họ nghèo vậy?

Rất đơn giản: Không có nguồn lợi, ngoại trừ cá biển, hay nói rõ hơn: Sống nhờ biển, không có biển thì chết.

Hầu hết nghèo nên không có tiền đóng thuyền lớn để đánh cá ngoài khơi xa được. Thuyền nhỏ, đánh bắt cào lưới cá gần bờ, hoặc câu, cào nghêu sò, ốc, hến gần bờ. Nguồn lợi nầy chỉ có trong mùa hè, trời tốt, biển không động. Đến mùa gió bão, không đi biển được thì vay mượn mà sống qua ngày, chờ mùa sau kiếm được, sẽ trả nợ.

Đi dọc bờ biển, chỉ gặp những ngôi nhà tranh nhỏ, xơ xác vì gió bão. Cơm gạo thiếu. Ngay những “ngày mùa”, nhiều khi cũng phải ăn độn (khoai lang - trồng ở các bãi cát bên cạnh biển), nói chi tới mùa đông, làm gì có cơm mà ăn. 

Từ những cái nghèo đó, nhiều làng có “truyền thống”. “Truyền thống” làm con ở, đi ở đợ. Từ của Thuận An tới cửa Tư Hiền, dọc theo bờ biển, một bên là Biển Đông, một bên là Đầm Phú Thứ, nói chung, làng nào cũng có cho con gái lên ở đợ trên Huế. Làng Mỹ Lợi, gần cửa Tư Hiền, đất hơi cao, một thời, thời xưa kia, kinh tế phát triển: Trồng cau, nuôi tằm... Sau khi Tây đô hộ, nghe nuôi tằm chết dần, vì không cạnh tranh được với hàng Tây, hàng Ấn Độ. Nghề trồng cau cũng chết dần, vì người ta càng ngày càng “văn minh”, cau trầu trong các việc cưới hỏi cũng giảm dần, ít người ăn; người ta đặt trong sính lễ, cũng chỉ chiếu lệ.

Dọc theo bờ biển Quảng Trị, từ Cửa Tùng, qua các làng Cát Sơn, Thủy Bạn, tới Gia Độ, Tường Vân, vô tới Gia Đẳng, Chợ Cạn, Liên Chiểu, Đồng Bào, Phương Lang, Cổ Lụy, Mỹ Thủy… làng nào cũng như làng nào, nghèo “mạt rệp” (Nói như vậy, không phải để mà cười, để mà thương đấy!).

Làng Gia Đẳng, đầu Phá Tam Giang là làng “truyền thống” nhứt trong các làng biển, vì là làng nghèo nhứt trong các làng nghèo. Nhiều chị ở, con ở cho các nhà khá giả ở thị xã Quảng Trị, là từ “làng truyền thống” nầy mà ra!

Không có ai giàu sao?

Có chứ! Mà lại giàu to nữa. Đó làng Gia Đẳng, làng của gia đình Đại Tướng Việt Cộng Đoàn Khuê.

Nghề của cha mẹ ông Đại Tướng Đoàn Khuê, nói nôm na là nghề “đầu nậu”. Đó là nghề cho vay “cắt cổ”. Người nghèo càng ngặt thì cái thòng lọng của bố mẹ ông Đại Tướng Đoàn Khuê thắt vào cổ dân nhèo càng chặt. Nói gọn lại là “Càng ngặt thì càng chặt”.

Khi mùa mưa gió tới, biển động, không đánh bắt cá tôm sò ốc gì được, muốn khỏi chết đói, tới vay ở nhà bố mẹ ông Đại Tướng Đoàn Khuê.

Vay! Hẹn tới mùa biển êm, đánh cá được, sẽ trả. Cách vay như thế, bây giờ ở Việt Nam gọi là vay nóng. Vay nóng lời cao lắm. Vốn cộng với lời thành vốn, lải mẹ đẻ lải con. Trả không nỗi. Đó là chưa kể tới khi có quan hôn tang tế.

Thành ra, bố mẹ ông Đại Tướng Đoàn Khuê, càng ngày càng giàu thêm, cho con lên học trường tỉnh, vô học ở Huế, lại mở thêm tiệm cầm đồ, giặt ủi... Thành ra, anh em ông Đoàn Khuê, tên thật là Trần Bá Khuê và ông em là Trần Bá Mại (Đoàn Mại), không i-tờ đâu. Có học đấy, nhưng chưa quá cấp hai (kể theo bây giờ).

Nói chung, những tác phẩm như Nằm Vạ (Bùi Hiển), Nhà Quê (Ngọc Giao), Nhà Nghèo (Tô Hoài), Sống Mòn (Nam Cao)... đều có nói tới cái nghèo nầy, của dân quê, và dân biển...

Nghèo quá, thường phải ở đợ!

Thời chiến tranh Đông Dương Lần thứ hai (1960-75). Lính Mỹ tới Việt Nam nhiều, quán ba mọc ra như nấm, quanh các căn cứ Mỹ. Cô nào không muốn ở đợ, thì đi bán Bar, làm đĩ Mỹ. Thấy cảnh “các em” đi bán Bar, đi làm đĩ, nhạc sĩ Trần Quang Lộc, quê ở Quảng Trị động lòng kêu gọi:

Về Đây Nghe Em

Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Và về đây nghe lại tiếng xưa
Để nhớ trong tiếng vỡ bờ

Bây giờ, trong vụ cá chết nầy, người ta thấy có hai thành phần dân chúng khác nhau.

Một là nạn nhân, tức là “người dân biển”, kể suốt bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Họ là những người chịu tai họa trực tiếp, nghĩa là họ trực tiếp bị mất nguồn sống, nói cho rõ như thế, nói quyền lợi còn mơ hồ.

Trước kia, dù sống dưới chế độ Cộng Sản Bắc Việt (Hà Tĩnh, Quảng Bình) hay dưới chế độ Cộng Hòa Miền Nam, không chế độ nào cho họ đủ ăn hơn, đủ ăn thôi, không nói chi tới khá giả, giàu có. Dĩ nhiên, nghèo là không nói chi tới những người có chức có quyền, người ở địa phương họ, hay người do nhà cầm quyền cắt đặt tới. Bây giờ thì không những khổ, mà cùng khổ, là cái khổ đã tới đường cùng, là “bán vợ, đợ con”, một sự kiện đã có từ ngàn xưa, và đã đi vào tục ngữ. Trước cái cùng đó, liệu họ có thoát được không? Thoát bằng cách nào?

Hai là từ “tha” nhân...

- Nhờ vào tiền bồi thường 500 triệu. Vô ích, 500 triệu đã không đủ làm cho họ qua khỏi cơn cùng cực. Ấy là chưa nói tới những “tiêu cực” trong số tiền ấy.

- Nhờ vào trợ cấp của chính quyền Hà Nội. Buồn cười! Chuyện “tào lao”. “Mấy đời bánh đúc có xương, Mấy đời Cọng Sản mà thương dân nghèo.”

- Nhờ vào trợ cấp của hải ngoại! Chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ các nước Tự Do. Muối bỏ biển. Không hiệu quả bao nhiêu!

- Nhờ vào “Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại”.

Hội cứu trợ Thương Phế Binh, mỗi năm kiếm khoảng một triệu gởi về, cũng mới chỉ là “chút quà cho quê hương.”

Vậy thì nhờ ai?

Không thể nhờ ai hết, họ phải tự cứu lấy họ. Họ phải tìm đường biến, như người xưa đã nói: Cùng tắc biến. Họ phải tự đấu tranh cho họ, bằng nhiều phương cách, mà cách trước nhất là Kết hợp, là Đoàn Kết.

Đoàn Kết, nghe hoài cũng chán, nhưng người ta phải làm, bằng cách, muốn tranh đấu giành quyền sống, họ phải tự động thành lập, tại mỗi ấp, mỗi xóm, mỗi khu... thành một “Tổ chức Nạn Nhân Formosa”. Đó là “hạ tầng cơ sở” của “Tổ Chức Nạn Nhân Formosa”. Nhiều “Tổ” của xóm, ấp, tiến lên cấp xã là “Toán” hay “Đội”, lên cấp “huyện” là “Đoàn”, Tỉnh là cấp Liên Đoàn, toàn thể bốn Tỉnh là “Tổng Đoàn”.

Trong một hệ thống tổ chức như vậy, họ có trưởng, phó, có bàn bạc, có “tham mưu”. Cán bộ! Bất cứ tổ chức nào cũng phải có cán bộ! Cán bộ từ đâu ra?

- Kinh nghiệm của Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan.

Cán bộ từ trong công nhân mà ra. Ngay chính Chủ Tịch Công Đoàn Đoàn Kết, Lech Walesa gốc là thợ điện và gốc của Công Đoàn Đoàn Kết là những công nhân đóng tàu tại Gdansk. Nên lấy kinh nghiệm đấu tranh của Công Đoàn Đoàn Kết. Hoàn cảnh địa lý và lịch sử của Ba Lan với Liên xô (tên cũ), so với Việt Nam có nhiều điểm giống nhau.

Một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn, không bao giờ thoát khỏi hiểm họa bị nước lớn xâm lăng. Dân chúng Ba Lan phải luôn luôn chống lại sự dòm ngó và xâm lăng của nước Nga (về sau là Liên Xô), cũng như dân chúng Việt Nam đối với Tầu vậy. Tầu phong kiến, Tầu Tưởng hay Tầu Cộng Sản, bất cứ lúc nào cũng vậy thôi!

Khi Liên Xô chưa sụp đổ, họ dựng lên một chính phủ tay sai ở đây, do đại tướng Wojciech Jaruzelski cầm đầu. Công Đoàn Đoàn Kết, với chính nghĩa và sức mạnh của chính họ, và của Nhà Thờ cộng thêm với sự hỗ trợ của người Ba Lan hải ngoại, và với sự ủng hộ của giáo Hoàng Jean Paul II (người Ba Lan) và Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan, họ đứng lên tranh đấu và thành công. Chiến thắng đó, nói như báo chí thời bấy giờ là “một nhát dao đâm trúng trái tim của Thế Giới Cộng Sản, làm cho Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của các nước Đông Âu và Trung Á.

Dân chúng Ba Lan không sợ Liên Xô. Dân chúng Việt Nam có sợ Tầu Cộng không? Chính quyền Ba Lan không sợ chính quyền Liên Xô! Chính quyền Cộng Sản Hà Nội có sợ Tầu Cộng không?

Không sợ nên giành được độc lập. Đó là trường hợp Ba Lan. Vì sợ nên phải làm theo những gì Tàu Cộng yêu cầu, sai bảo. Có phải đó là tính chất của nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội?

Người Tầu không đáng sợ! Nhà văn Lỗ Tấn, người Tàu, nhận xét với người Tàu như sau: “Quỷ quyệt như hồ ly, tàn ác như sư tử, nhát gan như thỏ đế.” Nhát gan như thỏ đế là đúng. Mấy chú Ba ở Chợ Lớn, xưa cũng như nay, có bao giờ, có ai cam đảm đâu!

Trong vụ Formosa, nếu có vài ba anh Tàu bị người Việt nổi giận giết chết thì toàn bộ Tầu ở Formosa chạy hết. Không cần yêu cầu, ra lệnh, Formosa cũng đóng cửa.

- Với Việt Nam, kinh nghiệm từ Cách Mạng Tháng Tám.

Trước “cách mạng Tháng Tám”, nông dân ta biết gì? Sở dĩ tôi nói nông dân vì hơn 80% người Việt Nam hồi bấy giờ sống bằng nghề nông.

Trong một truyện ngắn, tác giả truyện ngắn kể: Một anh nông dân đi với vợ mới cưới. Giữa đường gặp tên “lính lệ”, lính bồi lính bếp, kéo xe cho quan, ỷ thế vô ra dinh quan, chọc ghẹo vợ anh ta, vậy mà anh ta không dám chống đối, cúi mặt làm thinh. Vậy mà trong “Cách mạng Tháng Tám”, chính họ là thành phần đông đảo trong những người cầm gậy gộc, giáo mác đi “cướp chính quyền.”

Cái gì thúc đẩy họ? Ai thúc đẩy họ.

Không có cái gì hết. Vì dốt nát, vì thói quen, họ chịu sự bóc lột của giai cấp thống trị, bọn quan lại và bọn thực dân, như là một sự đương nhiên, bình thường. Tâm, “Cô Hàng Xén” trong truyện ngắn của Thạch Lam, buôn bán tần tảo, gian khổ để có tiền đóng sưu đóng thuế (thuế thân) cho chồng. Cô Tâm than đời sống vất vả, gian nan, nhưng không có ý tưởng nào về sự bóc lột, về giai cấp thống trị, về mất nước, về “độc lập”.

Những “chị ở” cho gia đình tôi, quê ở làng Gia Đẳng, biết gì về đấu tranh, nhưng về sau, trong chiến tranh Việt - Pháp, có chị ấy là du kích, phục kích, đánh Tây rất gan dạ.

Ai đã làm thay đổi quan điểm, cuộc đời của họ, cuộc đời của những người thuộc giai cấp vô sản?

Chính là giai cấp tiểu tư sản. Giai cấp tiểu tư sản, có học hành nhiều hay ít, chính họ mới biết thế nào là Thực dân, thế nào là xâm lăng, thế nào là bóc lột, thế nào là “sưu cao thuế nặng”, thế nào là vong quốc, thế nào là độc lập. Từ hiểu biết đó, về thân phận của họ, về dân tộc Việt Nam, chính họ đã đứng lên, kêu gọi nông dân, thợ thuyền đứng lên, “cướp chính quyền” năm 1945.

Lấy Huế làm ví dụ.

Trước 1945, Huế có nhiều phong trào.

Một là “phong trào hướng đạo”, đặc biệt có “Tráng Đoàn Lam Sơn” gồm những người đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, cao đẳng, tú tài, trung học…

Thứ đến là “Phong trào Thanh niên Tiền phong”. Phong trào nầy khởi đầu từ trong Nam, phát triển ra tới Huế, và là “lực lượng chính” của Bộ Trưởng Thanh Niên Phan Anh, trong chính phủ Trần Trọng Kim. Phong trào nầy là lực lượng chính, họ về các làng quê quanh cố đô Huế, vận động nông dân, thanh niên lên Huế tham gia biểu tình, cướp chính quyên. Theo ông Lê Xuân Nhuận, một thanh niên đầy nhiệt huyết thời kỳ ấy nhận xét, thì Bộ Trưởng Phan Anh đã “dọn một mâm cổ cho Cộng Sản vào xơi.”

Tài liệu Cộng Sản ca ngợi Tố Hữu, năm 1945, ông mới hai mươi tuổi, lãnh tụ Cộng Sản ở Huế, đã “lãnh đạo” cuộc biểu tình, cướp chính quyền ở Huế, đe dọa để vua Bảo Đại sợ mà thoái vị. Nói như thế, chỉ là “cướp công Cách Mạng” của thanh niên Huế đấy. (1)

Phong trào Thanh Niên Quốc Anh!

Ngay trước ngày “Việt Minh cướp chính quyền” ở Huế, Cao Phan (không rõ về sau ra sao!), và Đặng Văn Việt, người được báo chí Pháp gọi là “Con Hùm Xám đường số 4”, người chỉ huy trận đáng Cao Bắc Lạng, mở đầu cho các chiến thắng của lực lượng Việt Minh về sau, chính hai người nầy, đã “treo cờ Việt Minh” tại cửa Ngọ môn.

Cũng chính ở Huế, kỳ thi tú tài (Bộ trưởng Giáo Dục Hoàng Xuân Hãn của chính phủ Trần Trọng Kim, cho ghép Tú Tài 1 và 2 thi chung, người Huế thường gọi “Tú Tài ân khoa”), kỳ 2, tháng 8 năm 1945, thí sinh Huế, đang thi, bèn bỏ thi, nộp giấy trắng, cùng hát bài xếp bút nghiên (Xếp bút nghiên theo việc đao cung), tình nguyện “đi Nam Bộ Kháng Chiến” vì Pháp lăm le trở lại xâm lăng nước ta.

Cũng xin nhắc một điều. Sau trận Trân Châu Cảng, Nhật đem quân chiếm đóng nhiều nơi ở Đông Nam Á. Họ đến Việt Nam với chiêu bài “Đại Đông Á”. Cùng với Phong trào Duy Tân, Phong Trào Đông Du và châm ngôn “Châu Á của người Á Châu”, nhiều người Việt Nam, tôn giáo và đoàn thể… có khuynh hướng thân Nhật. Đó cũng là một ngọn lửa làm bùng lên phong trào Cách Mạng Việt Nam.

Đấu tranh là phải có lý tưởng, có tổ chức, có cán bộ. Đây là vấn đề cần có sự phối hợp giữa những ngưòi là “Nạn Nhân Formosa” với đồng bào trong nước, cùng với sự hỗ trợ của người Việt hải ngoại cũng như sự hỗ trợ của Thế Giới Tự Do.

Trong viễn tượng đó, lực lượng chính là “Nạn nhân Formosa”; lực lượng hỗ trợ tích cực là Thanh niên, Sinh viên, Học sinh ở trong nước. Và các đoàn thể thanh thiếu niên các tôn giáo như Gia Đình Phật Tử, Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo… Ở hải ngoại, ai có muốn dấn thân thì hãy về! Xin hoan hô.

Cũng có thể có người cho rằng thanh niên trong nước bây giờ đã bị chính quyền làm băng hoại tinh thần, mất ý chí, chỉ biết làm giàu, hưởng thụ. Nói như thế, không hẳn sai, nhưng không hoàn toàn đúng. Khi cai trị nước ta, Thực Dân Pháp cũng sử dụng nhiều phương cách, thủ đoạn để lèo lái mục tiêu đấu tranh, làm băng hoại ý chí, lý tưởng thanh niên Việt Nam thời bấy giờ. Hơn thế nữa, Thực dân Pháp còn đầu độc thanh niên và người Việt Nam hồi ấy bằng rượu và thuốc phiện. Hai thứ nầy, người dân được xử dụng tự do, không bị nghiêm cấm, không bị truy tố. Thực dân giữ độc quyền việc mua bán để thủ lợi. 

Thời kỳ ấy, nhà nào có bàn đèn thuốc phiện, mới là nhà sang. Người nào biết hút thuốc phiện mới là người sang trọng, giàu có. Ngay cả những nhà giáo dục cũng hút thuốc phiện, ca ngợi thuốc phiện là “Phi Yến Thu Lâm”, có nghĩa là “Phiện thú lắm”. Nào là phong trào Thể dục, Thể thao De Couroix, tranh giải bóng đá, thể theo, đua xe đạp, nào là hủy hoại ý chí thanh niên bằng thuốc phiện, khiêu vũ, âm nhạc văn chương ủy mị… Vậy mà bọn Thực dân và bọn tôn giáo xâm lược, có thành công được đâu! Thanh niên Việt Nam vẫn đứng lên, tham gia cách mạng, Nam Bộ Kháng chiến, v.v…

Nhìn lại thời kỳ ấy, không ít trí thức vô tình tiếp tay cho bọn xâm lược, cổ võ, ru ngủ thanh niên. Xuân Diệu là gì? Hay ông ta chỉ biết “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, Chế Lan Viên là gì, nếu không mượn bóng người Chàm để làm “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.” Huy Cận là gì, nếu không là than vãn “Ai chết đó, nhạc buồn chi lắm thế” Thế Lữ thì mượn “Vàng và Máu” để kể chuyện đường rừng.

Bây giờ, bề ngoài, nhà cầm quyền Hà Nội cấm xử dụng ma túy. Tuy nhiên, sau cái luật ấy, họ có thúc đẩy, thanh niên, sinh viên, học sinh xử dụng ma túy không thì không biết, không nói mò được. Tuy nhiên, trong tình hình hiên tại, Saigon (Tp HCM), Hà Nọi, Đà Nẵng cũng như các thành phố lớn khác, hiện tượng thanh thiếu niên xử dụng ma túy rất phổ biến, việc mua bán ma túy khá dễ dàng...

Cộng Sản sử dụng một biện pháp rất độc ác là “chánh sách hộ khẩu”, lấy hộ khẩu, nhất là trong việc mua thực phẩm là môt chính sách cai trị thâm độc. Bây giờ, “hộ khẩu” không còn là một biện pháp kiểm soát khắt khe như thời kỳ “ngăn sông cấm chợ”, nhưng chính sách kinh tế của chính Quyền Cộng Sản VN là dùng quyền lợi để ràng buộc đảng viên. “Nhờ đảng” nên nhiều người giàu có, càng ngày càng giàu thêm. Rời xa đảng, bỏ đảng, hay chống đảng, sẽ bị thiệt hại quyền lợi. Đảng Cộng Sản VN, với ba triệu đảng viên, trở thành giai cấp thống trị, tồn tại và phát triển trên tài nguyên của đất nước và bóc lột giai cấp bị trị, gần 90 triệu người.

Đối với số đông dân chúng, CSVN không bao giờ để cho dân chết đói. Đói thì nổi loạn, như đã từng xảy ra trong lịch sử. Nhà cầm quyền để cho dân chúng chỉ gần chết đói mà thôi, ngày nào cũng như ngày nào phải lo chạy gạo, chạy rau... thì làm sao có thể đứng lên đấu tranh, chống lại chế độ. CSVN cũng không để cho thanh niên, sinh viên, học sinh ngoài đảng có đủ ăn, dư thừa. Dư ăn sẽ “thừa cơm rửng mỡ”, hội họp, biểu tình, chống đối, đấu tranh, như thanh niên Saigon, Huế, Đà Nẵng trước 1975.

Việc cá chết chỉ là một biến cố mà CSVN không ngờ trước, ngoài dự đoán của họ. Đó là một biến cố lớn, ít khi xảy ra. Đây là cơ hội “ngàn năm một thuở” để dân chúng, với số lượng lớn, ngư dân của bốn tỉnh miền Trung, tổ chức, tập hợp và đấu tranh. Cuộc đấu tranh sẽ như ngọn lửa lớn, lan tràn khắp nước. Cơ hội nầy bỏ qua, sẽ không còn có cơ hội thứ hai nữa. Với số lượng người bị nạn đông như thế có thể kết hợp thành một lực lượng lớn được.

Không có ai là người bỏ đi, nếu một ngày nào đó, một biến cố nào đó, kêu gọi thức tỉnh thanh niên:

Giờ đã điểm

Giờ điểm rồi đây, hỡi Tuổi-Xanh! 
Có nghe nét chữ réo tung hoành? 
Có nghe giòng mực sôi trang giấy 
Nhịp bốn ngàn thu sử Đấu-Tranh?

Bỗng một hôm, hình ảnh những em bé “Nạn nhân Formosa” hiện lên trước mắt họ, hay trên truyền hình, trên cell phone, trên iPhone... làm họ đau lòng. Họ thấy trang sách đang học bỗng mờ đi, họ thấy ngòi viết họ đang cầm bỗng run rẩy vì tức giận, và bỗng có tiếng ai gọi “Toàn dân nghe chăng” hay tiếng chim Quốc “gọi hồn Thục Đế”... thì họ sẽ đứng lên.

Đây chỉ là những ý kiến sơ khởi, nhưng tôi tự tin là rất căn bản trong tiến trình chống lại chính quyền độc tài VN hiện tại.

Bao giờ đất nước chúng ta còn, còn những rặng tre, những hàng dừa, còn những đồng ruộng, còn những vườn cây trái, thì còn Tiếng Chim Quốc. Tiếng chim quốc là Tiếng Gọi của Hồn Thiêng Sông Núi. Nói theo cách nói của Phạm Quỳnh thì “Tiếng Chim Quốc còn là Hồn Thiêng Sông Núi còn. Hồn Thiêng Sông Núi còn thì Dân Tộc ta còn.”

Xin Hồn Thiêng Sông Núi hãy đánh thức những Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh đang còn chìm đắm trong giấc ngủ mê!

Hồn Thục Đế, tác giả.

1. Trung thực mà nói việc “cướp Chính Quyền ở Huế” tháng Tám năm 1945, là do các đoàn thể Thanh Niên, Sinh Viên, Học Sinh ở Huế, phần đông từ các tổ chức như Hướng Đạo, Thanh Niên Xung Phong (của Bộ Trưởng Thanh Niên Phan Anh - trong Chính phủ Trần Trọng Kim mà ra). Đảng viên Cộng Sản bấy giờ ở Huế chỉ có mấy người: nổi tiếng nhất là Tôn Quang Phiệt, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, giáo sư trường Khải Định, hiệu trưởng trường Thuận Hóa, và Tố Hữu.

Phạm Khắc Hòe, Tổng Lý Văn Phòng Đức Kim Thượng (vua Bảo Đại) chỉ là người ủng hộ Cộng Sản. Chính Tôn Quang Phiệt đem chuyện gia đình vua Louis 16 bị giết trong cuộc Cách Mạng Tư Sản ở Pháp năm 1789 để “dọa” Bảo Đại, khiến Bảo Đại phải thoái vị. Người Cộng Sản khôn lanh đã “cướp công” trong cuộc biểu tình cướp chính quyền nầy, giống như Cộng Sản đã giương cờ đỏ sao vàng để cướp công trong cuộc biểu tình của Công Chức Hà Nội ngày 19 tháng 8 năm 1945 vậy.

Giờ đã điểm

Giờ điểm rồi đây, hỡi Tuổi-Xanh! 
Có nghe nét chữ réo tung hoành? 
Có nghe giòng mực sôi trang giấy 
Nhịp bốn ngàn thu sử Đấu-Tranh?

Đứng lên, nào bạn trẻ! 
Thét lên một tiếng đồng thanh 
Cho vang trời bể 
Nỗi sắt niềm đanh! 
Cùng đáp ý muôn vàn thế hệ... 
Ôi sông Bạch giáo Ngô-Quyền, bến Hồng voi Nguyễn-Huệ! 
Dấu xưa còn để; 
Chúng ta nguyền noi dấu bậc đàn anh. 
Chẳng mơ chuyện nền Vương nghiệp Đế; 
Mà hạnh phúc toàn dân, tự do toàn thể, 
Mà giá trị con người, tương lai hậu thế 
Đòi bảo vệ 
Giục đua tranh. 
Đồng tâm dựng một bức thành 
Gió tung bay đá non Hoành rồi kia! 

Giờ điểm lâu rồi, Bạn có nghe? 
Xôn xao mặt giấy hiện câu thề; 
Hằn lên nét mực nghiêm trang quá! 
Chữ sắp hàng ra đợi nước phi... 

Trong lòng sách vở đã vừa ghi 
Một sứ mạng vô cùng to tát. 
Lòng tuổi trẻ cũng dâng lên dào dạt; 
Ôi nguồn cảm ứng mê ly! 
Phút nửa khắc ngàn trái tim cùng đạt 
Tới phong vị Chùa Hương, tới bài ca Sông Hát; 
Nghe Cần-Thơ điểm khúc tình thi 
Với Hà-Tiên Hà-Tĩnh cùng Phan-Thiết Phan-Ri, 
Với đèo Ba-Dội đỉnh Ba-Vì. 
Giữa Đồng-Tháp Đồng-Đăng cùng chung niềm phấn khởi 
Có chợ Đồng-Xuân, có ga Đồng-Hới! 
Ai? Nào ai cắt nổi biên thùy? 
Bắc Nam giàu nghĩa tương tri; 
Giải đồng bên nớ bên ni vẫn liền 

Các bạn! Nào ta hãy đứng lên! 
Trái tim dân tộc đã xây nền, 
Tự-Do đã hiển linh thần tượng 
Cánh vỗ hào quang tỏa bốn bên. 

Bút dâng làm nén hương đền 
Trước pho thần tượng hãy nguyền đồng tâm 
Kìa đấy Con Người, đây Nước Tổ; 
Đôi cánh thiêng nhịp vỗ khói mây trầm. 
Lịch sử bốn nghìn năm 
Một mùa hoa đang độ 
Chúng ta bước, với linh kỳ dẫn lộ 
Bốn bề sông núi đăm đăm... 
Nền Độc Lập ngát niềm vui cương thổ 
Vững niềm tin đài Thống Nhất cao ngâm 
Lắng hồn Quê Mẹ giáng lâm; 
Nén hương đền quyện khói trầm say say. 
Con Người còn đấy 
Nước Tổ còn đây! 
Còn phải đấu tranh vì Lý Tưởng 
Kết trong hai chữ Tự Do này. 
Ôi giờ đã điểm; nghe thần tượng 
Phơi phới hào quang đẹp cánh bay! 

Chúng ta nguyền: Đã đến ngày 
Dâng lên Nước Tổ vào tay Con Người 
Đẹp như thần tượng sáng ngời - 
Phải chăng các bạn? - Một đời tự do!

Vũ Hoàng Chương

21.08.2016

0 nhận xét:

Đăng nhận xét